Sesamia inferens (Sâu đục thân màu hồng hại lúa)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sâu đục thân màu hồng hại lúa Sesamia inferens Walker là một loài côn trùng thuộc họ Noctuidae (Ngài Đêm), bộ Lepidoptera (Cánh Vảy).

Phân bố[sửa]

Các loài sâu đục thân lúa được ghi nhận xuất hiện tại các quốc gia như Afghanistan, Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Burma, Indonesia, Kampuchea, Lào, Malaysia, Nepal, Tân Guinea, Philippines, Pakistan, Sri Lanka, Việt Nam, miền nam các nước Nhật, Trung Quốc và Triều Tiên.

Ký chủ[sửa]

Ngoài cây lúa, các loài sâu đục thân lúa có thể sinh sống được trên các loại cây như mía, bắp, lúa hoang, các loại cỏ như cỏ lồng vực, Sacclolepsis, Scirpus, Etaria, Phragmites, Typha, Panicum paspalum, Zizania.

Đặc điểm hình thái và sinh học[sửa]

Bướm có chiều dài từ 12-15 mm, sải cánh rộng từ 27-30 mm. Đầu, ngực màu vàng tro, bụng màu nâu nhạt. Râu đầu của bướm đực ngắn, hình răng lược, râu bướm cái hình sợi chỉ. Cánh trước có dạng hình chữ nhật màu nâu lợt, gân cạnh ngoài cánh có màu xám đen. Ngay chính giữa cánh có một vân dọc màu nâu tối kéo dài từ góc cánh đến cạnh ngoài của cánh. Cánh sau màu trắng bạc, cạnh ngoài cánh màu nâu nhạt và có rìa lông. Bướm sống từ 4-10 ngày.

Bướm cái bắt đầu đẻ trứng vào 2 hoặc 3 ngày sau khi giao phối. Thời gian đẻ trứng từ 5-6 ngày, nhiều nhất là 10 ngày. Số lượng trứng đẻ phần lớn tập trung trong 3 ngày đầu. Mỗi bướm cái có thể đẻ từ 1-15 ổ trứng, trung bình 4-5 ổ. Số lượng trứng trong mỗi ổ thay đổi tùy theo lứa sâu trong năm, trung bình từ 200-250 trứng. Trứng có tỉ lệ nở rất cao, có thể trên 80%.

Trứng hình bán cầu hơi dẹp, đỉnh hơi lõm. Trên bề mặt trứng có các khía dạng mạng nhện. Trứng mới đẻ màu trắng, khi gần nở màu tím. Thời gian ủ trứng từ 4-8 ngày.

Sâu lớn đủ sức dài từ 20-30 mm, đầu nâu đậm, mặt dưới ngực và bụng màu vàng nhạt, mặt lưng màu hồng tím. Sâu có 5 tuổi và phát triển từ khi nở đến lớn đủ sức từ 20-40 ngày.

Nhộng to, màu nâu sậm, dài 12-15 mm. Nhộng phát triển từ 7-10 ngày.

Vòng đời sâu đục thân màu hồng từ 45-60 ngày

Tập quán sinh sống và cách gây hại[sửa]

Bướm thường nở về đêm và bướm cái đẻ trứng 2-3 ngày sau khi vũ hóa. Bướm thích ánh sáng đèn nhưng yếu hơn so với bướm hai chấm. Bướm cái bị thu hút bởi ánh sáng đèn nhiều hơn bướm đực.

Trứng được đẻ chủ yếu trên mặt lá, thường nở vào buổi sáng và có tỉ lệ nở rất cao. Cách tấn công của sâu vào bên trong cây lúa tương tự sâu đục thân hai chấm, nhưng sâu có tập quán sống quần tụ, trong một thân cây lúa có từ vài con, đôi khi đến vài chục con, kể cả sâu tuổi lớn. Khi hết thức ăn sâu đục lỗ chui ra ngoài tấn công cây lúa khác. Vì nhiều sâu sống trong một thân cây lúa nên mau hết thức ăn, do đó một đời sâu non có thể di chuyển sang các cây lúa khác từ 3-4 lần. Sâu hóa nhộng bên trong thân cây lúa hoặc ở nách lá, cách mặt nước khoảng 10 cm. Sâu và nhộng cần ẩm độ cao, thời tiết khô hạn nhộng dễ chết và bướm vũ hóa ra có hình dạng không bình thường, do đó ruộng ẩm ướt, sâu phát sinh nhiều hơn so với ruộng cạn.

Các yếu tố ảnh hưởng đến mật số[sửa]

Thời tiết[sửa]

Ẩm độ cao (trên 90%) thích hợp đối với hầu hết các loài sâu đục thân lúa. Nhiệt độ từ 19-30°C thích hợp cho bướm hoạt động và sâu phát triển.

Thức ăn[sửa]

Ở giai đoạn vươn lóng sâu đục vào dễ dàng vì cây lúa mềm. Ở giai đoạn phân hóa đòng sâu dễ dàng đục vào bên trong thân cây làm cho cây bị hiện tượng chết đọt nhiều.

Thiên địch[sửa]

Trứng sâu đục thân thường bị ký sinh bởi ong thuộc các họ Eulophidae, Scelionidae, Trichogrammatidae, thành trùng ký sinh đẻ trứng vào trứng sâu trước khi trứng được phủ lông. Trứng sâu đục thân còn bị vạc sành, dế ăn và ăn cả lông phủ ổ trứng. Sâu và nhộng các loài sâu đục thân cũng bị ký sinh nhưng với tỉ lệ thấp, riêng ấu trùng tuổi 1 thường dễ bị côn trùng có ích ăn vì chưa chui vào bên trong thân cây.

Biện pháp phòng trị[sửa]

Biện pháp canh tác[sửa]

  • Trồng giống lúa kháng sâu đục thân.
  • Trồng giống chín sớm và nhảy chồi nhiều.
  • Cắt bỏ ổ trứng trên nương mạ trước khi cấy.
  • Khi gặt chừa gốc rạ thấp.
  • Đốt đồng, cày chôn gốc rạ, phơi đất ngay sau khi gặt.
  • Cho ruộng ngập nước trước khi cấy hoặc gieo.
  • Không bón nhiều phân đạm.

Biện pháp hóa học[sửa]

Theo Cục Trồng Trọt và Bảo Vệ Thực Vật (1991), nên áp dụng thuốc khi sâu đạt các mật số sau:

  • Lúa ở giai đoạn đẻ nhánh. Lúa sạ khoảng 2 ổ trứng/m2, lúa cấy, 1 ổ trứng/20 bụi lúa. Trong cả 2 trường hợp trên nếu ruộng ngập sâu hơn 5 cm, có thể áp dụng thuốc nước hay thuốc hột, nếu ruộng ngập sâu ít hơn 5 cm, áp dụng thuốc nước.
  • Lúa ở giai đoạn từ làm đòng đến trổ, 1 ổ trứng/m2 đối với lúa sạ hay 1 ổ trứng/bụi đối với lúa cấy.

Theo International Rice Research Institute (IRRI - Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế):

  • Ở giai đoạn nhảy chồi, sử dụng thuốc hột hay thuốc nước đều có hiệu quả, nhưng nếu ruộng có mực nước thường xuyên thấp hơn 5 cm, nên phun thuốc nước.
  • Ở giai đoạn phân hóa đòng đến trổ, sử dụng thuốc hột không có hiệu quả, chỉ có thuốc nước để diệt ổ trứng, bướm và sâu tuổi nhỏ chưa chui vào thân cây.

Có thể sử dụng thuốc nước lúc sâu vừa mới nở ra, chưa chui vào bên trong thân cây lúa.

Ghi chú[sửa]

Nội dung về sâu hại thực vật trình bày ở trên được tham khảo từ Giáo trình Côn trùng Nông nghiệp, phần B: Côn trùng hại cây trồng chính ở đồng bằng sông Cửu Long (tác giả: Nguyễn Văn Huỳnh Lê Thị Sen, Bộ môn Bảo vệ Thực vật, Khoa Nông nghiệp và Sinh học Ứng dụng, Đại học Cần Thơ, năm xuất bản: 2003).[1] Từ khi lên trang, nội dung đã được cập nhật bởi cộng đồng BVTVwiki.

Thư viện ảnh[sửa]

Tham khảo[sửa]

  1. http://ebook.moet.gov.vn/?page=1.32&view=3305