Tỉ lệ thí sinh đạt 27 điểm trở lên của các địa phương trong 3 năm thi THPT Quốc Gia 2016 - 2018

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này
TỈ LỆ THÍ SINH ĐẠT 27 ĐIỂM TRỞ LÊN CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG TRONG 3 NĂM THI THPT QUỐC GIA 2016 - 2018
Nguyễn Thế Phúc

Năm 2018 là năm thứ tư[1] cả nước thực hiện kì thi THPT Quốc Gia. Bốn năm nay, sau khi có điểm thi, truyền thông và xã hội lại biết đến một số thí sinh và tỉnh/thành (địa phương) có tổng điểm cao nhất toàn quốc. Tuy nhiên, những thông tin này có hai hạn chế, một là chỉ có ở từng năm thi, năm nào thông báo năm đó, và hai là chỉ nêu tên một số địa phương. Mặt khác, cũng chưa có bài báo hay báo cáo nào công bố tỉ lệ thí sinh đạt điểm cao của 63 địa phương trên cả nước và có sự tổng hợp so sánh với các năm trước. Để có cái nhìn tổng thể về tỉ lệ đó trong 3 năm gần đây, từ 2016 đến 2018, tác giả đã tìm kiếm thông tin, xử lý, thống kê và thực hiện báo cáo này.

Ở đây tác giả chỉ tập trung xác định tỉ lệ thí sinh đạt điểm cao, từ 27 điểm trở lên ở các khối thi A, A1, B, C và D (Sau đây gọi là các khối truyền thống) trong 3 năm của từng địa phương.

Khi biểu đồ hóa các số liệu thu được từ xử lý dữ liệu và thống kê, biểu đồ đã đem đến một số phát hiện bất ngờ về sự khác thường của tỉ lệ này ở năm 2018 giữa các địa phương có truyền thống “đất học” với những địa phương “mới nổi”. Ngạc nhiên hơn nữa, một số địa phương "mới nổi" đó lại chính là các địa phương có gian lận thi cử đã bị phát hiện hoặc đang trong quá trình điều tra như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình,...

Sau đây, xin trình bày các vấn đề về thu thập dữ liệu, nhiệm vụ thống kê, đối tượng thống kê, cách thức thống kê, kết quả thống kê,… Để tránh dàn trải, xin không đề cập chi tiết các vấn đề kỹ thuật và phương pháp xử lý dữ liệu. Bạn đọc có thể kiểm chứng sự chính xác của các thông tin qua các nguồn minh chứng mà tác giả cung cấp.

Lưu ý: Bạn nên đọc bài viết trên máy tính để bàn để khai thác hết tính năng của trang web và đạt hiệu quả thông tin của bài viết.

Thu thập dữ liệu

Về nguồn gốc dữ liệu, tác giả đã thu thập và sử dụng các nguồn dữ liệu chính dưới đây, được công bố trên các cơ quan báo chí truyền thông:

  • Các file điểm thi THPT Quốc Gia năm 2016 do báo điện tử VTC cung cấp[2]
  • Các file điểm thi THPT Quốc Gia năm 2017 do báo điện tử VOV cung cấp[3]
  • Các file điểm thi THPT Quốc Gia năm 2018 do báo điện tử Vietnamnet cung cấp[4] và GS Nguyễn Văn Tuấn[5] chia sẻ[6]

Ngoài ra, tác giả còn tra cứu và truy xuất thông tin trên các trang tin điện tử: dantri.com.vn, vnexpress.net, laodong.vn, thanhnien.vn, tuyensinh247.com, ….

Tổng quan về dữ liệu gốc

  • Trong các file dữ liệu, mỗi bản ghi ứng với một thí sinh, được xác định bởi một dãy kí tự SBD duy nhất.
  • Các file dữ liệu năm 2016, từ báo VTC, gồm tất cả 885465 bản ghi đã được chuẩn hóa các trường dữ liệu. Mỗi bản ghi có các trường: SOBAODANH, HO_TEN, NGAY_SINH, TEN_CUMTHI, GIOI_TINH DIEM_THI.
Cấu trúc một file dữ liệu 2016 do VTC cung cấp
  • Các file dữ liệu năm 2017, từ báo VOV, gồm tất cả 861068 bản ghi đã được chuẩn hóa các trường dữ liệu. Mỗi bản ghi có các trường: HO_TEN, NGAY_SINH, SOBAODANH DIEM_THI.
Cấu trúc một file dữ liệu 2017 do VOV cung cấp
Lưu ý: Riêng file dữ liệu của tỉnh Phú Yên chỉ có trường SBD không có trường điểm thi. Tác giả đã truy xuất toàn bộ điểm thi của tỉnh Phú Yên từ địa chỉ báo thanh niên[7] để bổ sung vào.
  • Các file dữ liệu năm 2018, từ báo Vietnamnet và GS Nguyễn Văn Tuấn được chuẩn hóa theo cấu trúc khác nhau.
Cấu trúc một file dữ liệu 2018 do Vietnamnet cung cấp
Cấu trúc một file dữ liệu 2018 do GS Tuấn chia sẻ
Lưu ý: Một số lượng lớn bản ghi từ Vietnamnet và GS Tuấn còn thiếu so với thông tin thí sinh đăng ký dự thi, số bản ghi này tác giả đã truy xuất từ các trang tin tra cứu điểm để bổ sung vào, chủ yếu từ dantri.com.vn. Sau khi bổ sung, tất cả có 921911 bản ghi.
Hình chụp một kết quả thi 2018 trên báo dantri.com.vn
  • Các bản ghi trong các file dữ liệu của 3 năm 2016, 2017 và 2018 đều không có trường thông tin Địa phương của thí sinh.
  • Tất cả các dữ liệu về điểm thi của các thí sinh thuộc cụm Cục nhà trường[8] đều không được công khai trên Internet nên tác giả loại trừ các thí sinh này ra khỏi đối tượng thống kê.

Bạn đọc có thể so sánh số lượng các bản ghi của các file dữ liệu gốc trên với số lượng bản ghi đã được tác giả cập nhật trong các file nén số 1 và số 3 ở phần Tổng hợp các file dữ liệu, cuối bài viết.

Nhiệm vụ thống kê

  • Mục tiêu của báo cáo này là xác định tỉ lệ các thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên ở các khối truyền thống của 63 địa phương trong 3 năm 2016-2018.
  • Mỗi khối được xác định bởi tổ hợp các môn thi khác nhau. Khối A: Toán, Lý, Hóa; Khối A1: Toán, Lý, Anh; Khối B: Toán, Hóa, Sinh; Khối C: Văn, Sử, Địa và Khối D1: Toán, Văn, Anh.

Do đó với mỗi bản ghi có 2 nhiệm vụ cần thực hiện là xác định Địa phương tương ứng và giá trị điểm số của từng môn. Từ đó tính tổng điểm các môn của mỗi khối và tính được tỉ lệ thí sinh đạt điểm cao cho từng địa phương trong mỗi năm.

Đối tượng thống kê

  • Do năm 2016 các cụm thi chia làm 2 loại: Cụm thi để xét tốt nghiệp và cụm thi để xét vào ĐH và CĐ[9]. Do đó tác giả chỉ lọc các bản ghi thuộc loại thứ 2 để thống kê.
  • Với dữ liệu của hai năm 2017 và 2018, do mỗi bản ghi không có thông tin về nguyện vọng thi theo khối gì nên đối tượng thống kê là các bản ghi có điểm của các môn thuộc tổ hợp của các khối trên.

Chẳng hạn, một bản ghi có điểm của các môn Toán, Lý, Hóa thì được hiểu là thí sinh này “có nguyện vọng khối A” và được tính vào nhóm thống kê. Hơn nữa, việc một thí sinh đạt tổng điểm 27 điểm trên 3 môn của khối A thì khả năng chắc chắn thí sinh đó có nguyện vọng thi khối A, dù ta không có thông tin về nguyện vọng của thí sinh.

Cách thức xác định điểm từng môn và địa phương

  • Ở mỗi bản ghi, thông tin về điểm số của từng môn đều có trong trường Điểm nên việc xác định điểm của từng môn là không khó khăn.
  • Mỗi bản ghi của dữ liệu năm 2017 và 2018 được xác định bởi một SBD duy nhất và hai kí tự đầu là mã địa phương của bản ghi[10]. Do đó, dựa vào 2 kí tự đầu của SBD, tác giả xác định được Địa phương của từng bản ghi. Chẳng hạn: Hai ký tự đầu của SBD là 62 thì bản ghi đó ứng với thí sinh thuộc tỉnh Điện Biên
Hai ký tự đầu của SBD là 62 thì bản ghi đó ứng với thí sinh thuộc tỉnh Điện Biên
  • Năm 2016, thí sinh ở tỉnh nào thì thi tại tỉnh đó và do mỗi cụm thi xác định duy nhất một đơn vị trường Đại học chủ trì[9] và phối hợp hoặc một Sở GD địa phương chủ trì (TEN_CUMTHI) nên dựa vào tên đơn vị chủ trì tác giả xác định được Địa phương của mỗi bản ghi. Chẳng hạn: Bản ghi có TEN_CUMTHI là “Trường Đại học Cần Thơ - Hậu Giang” thì thí sinh đó thuộc tỉnh Hậu Giang.
Bản ghi có TEN_CUMTHI là “Trường Đại học Cần Thơ - Hậu Giang” thì thí sinh đó thuộc tỉnh Hậu Giang


Công cụ, kỹ thuật thu thập và xử lý dữ liệu

Để thu thập, xử lý, phân tích và thống kê dữ liệu, tác giả đã sử dụng tổng hợp các phần mềm sau: Trình soạn thảo EmEditor, ngôn ngữ lập trình JavaScript, ngôn ngữ lập trình PHP và MS Excel 2013.

Do vấn đề kỹ thuật mang tính chuyên sâu và để tránh dàn trải như nói trên nên tác giả không trình bày ở đây.

Kết quả xử lý

Sau khi xác định được các trường thông tin nói trên, tính được tổng điểm các môn thi cho các khối thi cho mỗi bản ghi, tác giả thu được kết quả sau đây:

  • 3 file điểm cho mỗi năm: 1-DiemKTruyenThong-2016.xlsx, 2-DiemKTruyenThong-2017.xlsx 3-DiemKTruyenThong-2018.xlsx. Mỗi file này gồm các trang tính: Diem, TkKA, TkKA1, TkKB, TkKC TkKD
  • Từ 3 file trên tổng hợp được 1 file đặt tên là 4-Bieu-do-KTruyen-Thong.xlsx, tính tỉ lệ mỗi khối của 3 năm cho mỗi địa phương và biểu đồ tương ứng, gồm các trang tính: TiLeKA, BieuDoKA, TiLeKA1, BieuDoKA1, TiLeKB, BieuDoKB, TiLeKC, BieuDoKC, TiLeKD BieuDoKD

Các file kết quả này bạn đọc có thể tải về theo đường dẫn ở cuối bài viết.

File điểm các khối theo từng năm

Như nói trên, file này gồm các bảng: Diem, TkKA, TkKA1, TkKB, TkKC TkKD

Bảng Diem các khối truyền thống của năm 2016

Vì số lượng bản ghi của mỗi bảng Diem này quá lớn, tác giả không thể trình bày chi tiết ở đây cũng không thể tải lên các ứng dụng Office online phổ biến như của Google hay Microsoft. Bạn đọc có thể tải file chứa bảng này theo đường dẫn ở cuối bài viết.

Năm bảng còn lại: TkKA, TkKA1, TkKB, TkKC, TkKD là các bảng tỉ lệ phần nghìn (‰) của các khối truyền thống. Các bảng này tác giả sắp xếp các địa phương theo thứ tự từ điển để thuận tiện cho việc tra cứu của bạn đọc.

Việc lựa chọn tính tỉ lệ theo phần nghìn cho cả 3 năm dựa trên các lý do sau:

  1. một là số lượng thí sinh đạt điểm cao của mỗi địa phương trong năm 2018 là rất nhỏ nên nếu tính theo tỉ lệ phần trăm thì gần như tất cả các địa phương đều có tỉ lệ bằng 0. Như thế việc xác định tỉ lệ trở nên vô nghĩa.
  2. hai là căn cứ trên lượng thí sinh của những địa phương có thí sinh ít nhất, thuộc hàng nghìn. Do đó tỉ lệ phần nghìn đảm bảo khả năng bình đẳng về tỉ lệ giữa địa phương có nhiều thí sinh cũng ngang với địa phương ít thí sinh nhất.
  3. ba là để phản ánh trung thực sự biến thiên của tỉ lệ này trong 3 năm của cùng một địa phương thì tỉ lệ của 3 năm đều cần phải được tính theo 1 cách nhất quán.

Dưới đây là Bảng khối A1 của năm 2018, trên máy tính để bàn bạn đọc có thể di chuyển chuột lên các mũi tên của dòng đầu ở mỗi cột và sắp xếp tăng/giảm giá trị của cột.

THỐNG KÊ SỐ THÍ SINH THEO KHỐI A1 NĂM 2018 ĐẠT ĐƯỢC TRÊN 27 ĐIỂM
STT DiaPhuong DuThi SoThiSinh TiLe ‰
1 An Giang 7207 0 0.00
2 Bà Rịa - Vũng Tàu 6410 0 0.00
3 Bắc Giang 4942 0 0.00
4 Bắc Kạn 287 0 0.00
5 Bạc Liêu 2169 0 0.00
6 Bắc Ninh 5139 2 0.39
7 Bến Tre 5250 0 0.00
8 Bình Định 9769 0 0.00
9 Bình Dương 6122 0 0.00
10 Bình Phước 5220 0 0.00
11 Bình Thuận 4563 0 0.00
12 Cà Mau 4172 0 0.00
13 Cần Thơ 4505 0 0.00
14 Cao Bằng 703 0 0.00
15 Đà Nẵng 5174 1 0.19
16 Đắk Lắk 9151 0 0.00
17 Đăk Nông 2683 0 0.00
18 Điện Biên 739 0 0.00
19 Đồng Nai 11584 1 0.09
20 Đồng Tháp 7137 0 0.00
21 Gia Lai 5010 0 0.00
22 Hà Giang 906 37 40.84
23 Hà Nam 2799 0 0.00
24 Hà Nội 29628 4 0.14
25 Hà Tĩnh 4774 3 0.63
26 Hải Dương 7035 1 0.14
27 Hải Phòng 7292 1 0.14
28 Hậu Giang 2564 0 0.00
29 Hòa Bình 2205 9 4.08
30 Hưng Yên 4668 0 0.00
31 Khánh Hòa 6923 0 0.00
32 Kiên Giang 4988 0 0.00
33 Kon Tum 1594 0 0.00
34 Lai Châu 639 1 1.56
35 Lâm Đồng 6194 1 0.16
36 Lạng Sơn 1128 1 0.89
37 Lào Cai 1340 0 0.00
38 Long An 8386 0 0.00
39 Nam Định 9998 2 0.20
40 Nghệ An 10124 1 0.10
41 Ninh Bình 3446 0 0.00
42 Ninh Thuận 2019 0 0.00
43 Phú Thọ 2898 1 0.35
44 Phú Yên 5951 0 0.00
45 Quảng Bình 2807 0 0.00
46 Quảng Nam 8383 0 0.00
47 Quảng Ngãi 6183 0 0.00
48 Quảng Ninh 3423 0 0.00
49 Quảng Trị 2493 0 0.00
50 Sóc Trăng 3115 0 0.00
51 Sơn La 1295 8 6.18
52 Tây Ninh 5120 0 0.00
53 Thái Bình 9807 0 0.00
54 Thái Nguyên 4786 1 0.21
55 Thanh Hóa 11755 1 0.09
56 Thừa Thiên - Huế 4380 0 0.00
57 Tiền Giang 9255 0 0.00
58 TP HCM 46627 2 0.04
59 Trà Vinh 2731 1 0.37
60 Tuyên Quang 955 1 1.05
61 Vĩnh Long 4374 0 0.00
62 Vĩnh Phúc 3952 2 0.51
63 Yên Bái 1139 0 0.00

Để tránh trang này quá dài, các bảng còn lại bạn đọc có thể xem chi tiết tại các bài:

Bảng tỉ lệ các khối của từng địa phương

Mục tiêu của báo cáo đã đạt được khi kết quả xử lý cho ra các bảng tỉ lệ của từng năm cho mỗi địa phương. Dưới đây là hình ảnh bảng khối A.

Bảng tỉ lệ 3 năm của khối A

Bạn đọc có thể tải các bảng này trong file số 2 ở phần cuối bài viết.

Biểu đồ tỉ lệ các khối của từng địa phương

Từ các bảng tỉ lệ 3 năm của từng khối, tác giả biểu diễn các số liệu đó qua biểu đồ cột và thu được các biểu đồ của từng khối cho từng địa phương như dưới đây:

Biều đồ tỉ lệ khối A (Click để xem ảnh lớn, 6000x3000 px)
Biều đồ tỉ lệ khối A1 (Click để xem ảnh lớn, 6000x3000 px)
Biều đồ tỉ lệ khối B (Click để xem ảnh lớn, 6000x3000 px)
Biều đồ tỉ lệ khối C (Click để xem ảnh lớn, 6000x3000 px)
Biều đồ tỉ lệ khối D (Click để xem ảnh lớn, 6000x3000 px)

Phân tích biểu đồ

  • Việc lập biểu đồ tỉ lệ 3 năm liên tiếp của mỗi địa phương cho chúng ta thấy sự thay đổi về chất lượng đầu nhọn của mỗi địa phương một cách trực quan. Nó phản ánh rõ rệt hai sự kiện, một là sự tiến lên hay thụt xuống của top điểm cao ở mỗi địa phương trong 3 năm liên tiếp và hai là cho chúng ta một hình dung tương đối về tương quan chênh lệch giữa các địa phương ở từng năm.
  • Trong khi độ khó của các đề thi năm 2018 được đánh giá là khó hơn, thậm chí là khó hơn rất rất nhiều so với năm 2017[11], thì về logic cột tỉ lệ của năm 2018 phải thấp hơn của năm 2017 với tất cả các địa phương. Nhưng các biểu đồ KA, KA1, KB và KD cho thấy một sự kiện ngược lại, logic đó không đúng cho tất cả các địa phương.
  • Ở biểu đồ KA là một ví dụ, trong khi cột tỉ lệ 2018 và 2017 của hầu hết các địa phương đều tuân theo logic trên thì Hà Giang là ngược lại. Cột tỉ lệ của Hà Giang ở năm 2018 lại cao hơn rất nhiều so với năm 2017, hơn nữa cột đó cũng cao hơn rất nhiều cột tỉ lệ của các địa phương khác. Đó là một sự kiện khác thường, phản ánh sự tiến lên của Hà Giang hay thụt lùi của địa phương khác?
  • Giống như ở biểu đồ KA, biểu đồ KA1 cũng có sự kiện tương tự nhưng ấn tượng hơn rất nhiều. Vì lúc này không chỉ có Hà Giang, mà còn có Sơn La, Hòa Bình và Lai Châu. Đặc biệt, bảng tỉ lệ KA1 ở trên cho thấy cứ 1000 thí sinh Hà Giang 2018 sẽ có 40 thí sinh đạt điểm 27 trở lên, trong khi 1000 thí sinh Hà Nội chỉ có 0.14 thí sinh và 1000 thí sinh Vĩnh Phúc chỉ có 0.51 thí sinh đạt mức điểm này. Như vậy cột tỉ lệ của Hà Giang cao hơn 285 lần và 78 lần so với của Hà Nội và Vĩnh Phúc.
  • Ở biểu đồ KB có sự kiện tương tự với các địa phương Điện Biên và Hà Giang. Nếu như năm 2017, Cần Thơ là địa phương có tỉ lệ cao nhất ở khối này thì năm 2018 tỉ lệ này rất thấp. Ngược lại, ở năm 2017 Điện Biên có tỉ lệ khá thấp so với toàn quốc thì năm 2018 tỉ lệ này lại rất cao và cao nhất cả nước.
  • Ở biểu đồ KD có Sơn La, Hà Giang và Tuyên Quang. Nếu như năm 2017, ba địa phương Hà Nội, Vĩnh Phúc và Kon Tum có tỉ lệ top đầu khối D thì năm 2018 cột tỉ lệ của cả 3 địa phương này là không có. Ngược lại, Sơn La, Hà Giang và Tuyên Quang có cột tỉ lệ 2017 thấp rất thấp hoặc không có thì năm 2018 lại xuất hiện và cao nhất, nhì toàn quốc.

Như vậy, có thể nói các biểu đồ trên cho thấy một sự khác thường về tỉ lệ điểm cao của năm 2018 giữa các địa phương. Nếu các địa phương được xem là có truyền thống “đất học” như Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hà Nội[12] có cột tỉ lệ rất thấp hoặc không có thì ở một số địa phương “mới nổi” như Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu,... lại có cột tỉ lệ rất cao, thậm chí là cao gấp hàng trăm lần.

Kết luận

  • Bằng cách thức tổ chức thực hiện như trên, tác giả đã thành công trong việc xác định tỉ lệ thí sinh đạt điểm cao ở các khối truyền thống của từng địa phương trong 3 năm 2016-2018. Cách thực hiện này hoàn toàn có thể triển khai với các mức điểm cao khác 27, như 26 hay 24.
  • Khi biểu diễn các số liệu thu được sau xử lý và thống kê bằng biểu đồ cho chúng ta cái nhìn trực quan và nhiều thông tin về các đối tượng, nhất là các sự kiện hay trường hợp khác thường. Tuy nhiên, bài báo chỉ dừng ở mức phân tích sơ bộ các số liệu và biểu đồ. Việc phân tích, so sánh sâu hơn xin dành cho bạn đọc và các tác giả khác.
  • Dựa vào các file dữ liệu đã xây dựng, đặc biệt là gói các file trong file nén số 3, bạn đọc có thể tự tiếp tục bổ sung hoàn thiện và phát triển cho các năm tiếp theo.

Lời cảm ơn

Tác giả xin cảm ơn TS Nguyễn Bá Tiếp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; TS Nguyễn Phan Kiên, Đại học Bách Khoa Hà Nội; GS TS Cao Xuân Hiếu, IPK Gatersleben và NCS Lê Ngọc Minh, Vrije Universiteit Amsterdam đã xem và góp ý cho bài báo được hoàn thiện và khoa học hơn.

Tác giả, bản quyền và quyền sử dụng

  • Tác giả: Nguyễn Thế Phúc; Email: nguyenthephuc@gmail.com; Blog: https://thapsang.vn
  • Bản quyền bài báo thuộc về tác giả Nguyễn Thế Phúc, tác giả chịu trách nhiệm về mọi thông tin trong bài báo.
  • Mọi người được phép sử dụng tự do các thông tin văn bản và hình ảnh của bài báo nhưng không được phép thay đổi thông tin trên hình ảnh hay trích dẫn sai lệch văn bản của bài báo. Mọi trích dẫn một phần hay toàn bộ bài báo đều phải đảm bảo tính toàn vẹn của nội dung.
  • Mọi hành động sao chép, đăng lại trên các phương tiện truyền thông đều phải ghi rõ tác giả và để liên kết gốc của bài báo trên Thư viện Khoa học VLOS và Thapsang.vn

Tổng hợp các file dữ liệu

Bạn đọc có thể tải về các file dữ liệu liên quan đến bài viết này tại đây:

  1. Dữ liệu gốc từ các nguồn nêu trên: tại đây
  2. Các file kết quả xử lý gồm các bản ghi theo khối truyền thống: tại đây
  3. Bảng điểm đầy đủ tất cả các thí sinh trên toàn quốc, để bạn đọc thuận tiện khi kiểm chứng: tại đây
  4. Các file hình ảnh biểu đồ: tại đây

Chú thích

  1. https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/chinh-thuc-cong-bo-lich-thi-tot-nghiep-thpt-quoc-gia-2015-20150326104939702.htm
  2. https://vtc.vn/danh-sach-50-cum-thi-so-gd-dt-cong-bo-diem-thi-thpt-quoc-gia-2016-d267089.html
  3. https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/cap-nhat-diem-thi-thpt-quoc-gia-nam-2017-o-cac-dia-phuong-643262.vov
  4. http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/tra-cuu-diem-thi-thpt-quoc-gia-2018-tren-vietnamnet-day-du-nhat-461890.html
  5. GS Nguyễn Văn Tuấn, Viện Garvan (Australia), https://www.nguyenvantuan.info/
  6. https://www.dropbox.com/s/1q8hgppxbkxjea3/Diem%20thi%20THPT%202018.zip?dl=0
  7. https://thanhnien.vn/giao-duc/tuyen-sinh/2017/tra-cuu-diem-thi-thpt-quoc-gia.html
  8. https://vi.wikipedia.org/wiki/C%E1%BB%A5c_Nh%C3%A0_tr%C6%B0%E1%BB%9Dng,_Qu%C3%A2n_%C4%91%E1%BB%99i_nh%C3%A2n_d%C3%A2n_Vi%E1%BB%87t_Nam
  9. 9,0 9,1 https://tin.tuyensinh247.com/danh-sach-120-cum-thi-thpt-quoc-gia-2016-bo-gd-c24a26423.html
  10. http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/ma-cum-thi-cua-64-tinh-va-cuc-nha-truong-bo-quoc-phong-nam-2017-20170213154810576.htm
  11. Thi THPT quốc gia 2018: Bật khóc vì đề thi quá khó (https://thanhnien.vn/giao-duc/thi-thpt-quoc-gia-2018-bat-khoc-vi-de-thi-qua-kho-977326.html)
  12. Các địa phương có truyền thống top đầu trong các kỳ thi tuyển sinh đại học của nhiều năm: Bản đồ kết quả kỳ thi tuyển sinh vào đại học tính theo điểm trung bình các môn thi

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này