Từ các cửa ô Hà Nội đến Ô Cầu Giấy

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chính bài hát “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao và bài “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi đã làm tôi luôn bị ám ảnh về các cửa ô của Hà Nội. Bài của Văn Cao thật hùng, bài của Nguyễn Đình Thi thật tráng.

Nguyễn Đình Thi viết những lời từng làm xao xuyến hàng triệu con tim (ít nhất tôi đã hát bài này thường xuyên trên môi suốt những năm học phổ thông):

Hà Nội vui sao

Những cửa đầu ô

Tíu tít gánh gồng

Đây ô Chợ Dừa, kia ô Cầu Dền

Làn áo xanh nâu Hà Nội tươi thắm...

Còn khi nghe bài hát của Văn Cao có câu “5 cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về” tôi vẫn thường nghĩ Hà Nội chỉ có 5 cửa ô. Đó là: Ô Quan Chưởng, Ô Đống Mác, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Dền và Ô Cầu Giấy. Tôi đã nghĩ thế là nhiều rồi (như Hải Phòng thì cũng chỉ có “5 cầu, 4 cống, 3 cửa ô”[1] mà thôi). Rồi cái thời đi học tôi cứ thường lang thang qua các cửa ô, khi vô tình lúc cố ý. Mỗi cửa ô đều để lại trong tôi những cảm xúc khác nhau. Rồi thì tôi muốn tìm hiểu…

Đầu tiên tôi hiểu rằng cửa ô là lối ra vào thành, có vọng gác, chốt chặn để kiểm soát, thu thuế, bảo vệ cuộc sống trong thành (Ô Quan Chưởng hiện nay để lại hình ảnh rõ nét, vậy thì phải chăng các cửa ô khác ngày xưa cũng như thế này?). Các cửa ô được đặt tên theo làng theo tổng. Mỗi cửa ô thời ấy có lẽ là một chiếc cổng ngày mở đêm đóng bởi mỗi phường như một làng khép kín, có cây có rào, có tuần đinh canh phòng để ngăn ngừa đạo chích và canh chừng hoả hoạn. Cụ Lê Hữu Trác trong cuốn Thượng kinh ký sự tả cái Ô Chợ Dừa thế này, xin trích ra đây để bạn đọc tham khảo về hình ảnh một cái cửa ô: “Một cái thành đất không cao lắm. Bên cạnh là một cái tường nhỏ, trên mặt tường là đường xe ngựa đi, ở mé ngoài hàng rào che kín mít. Dưới chân tường là hào sâu. Trong hào thả chông xem ra rất kiên cố. Thành có ba vọng canh, nơi nào cũng có lính sắp hàng, gươm súng sáng quắc".

Trong các thư tịch từ thời Lê trở về trước ít nhắc đến các cửa ô. Các cửa ô không đóng một nơi nhất định mà mỗi thời đều có vị trí khác nhau, tuỳ tình hình đắp lũy bố phòng. Thời Lý-Trần thành rộng phía Tây, có cửa Ô Cầu Giấy. Thời Nguyễn, thành thu hẹp về, lập Ô Thanh Bảo bên trong (nay là khu Vạn Bảo, Vạn Phúc). Sang đời nhà Nguyễn sách Bắc thành dư địa chí soạn hồi đầu thế kỷ XIX cho biết Hà Nội có tới 21 cửa ô, nhưng rất tiếc, lại không kể tên đầy đủ. Hỡi ôi, vật đổi sao dời, từ 21 mà sao sau chỉ còn 5?

Đến năm 1831 trong bản đồ Tòa thành Hà Nội của các ông Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến có ghi lại vị trí và tên của 16 cửa ô (vậy là bay đi đâu mất 5 cái): Ô Yên Hoa (nay là ngã ba đê Yên Phụ - đường Thanh Niên), Ô Yên Tĩnh (nay là ngã ba đê Yên Phụ - Cửa Bắc), Ô Thạch Khối (nay là đầu dốc Hàng Than), Ô Phúc Lâm (nay là đầu phố Hàng Đậu), Ô Thanh Hà (nay là ô Quan Chưởng), Ô Trừng Thanh (nghe nói ở vào khoảng bên phải nhà tắm công cộng Chợ Gạo cũ, không biết cái nhà tắm đó còn không, hôm nào chắc rằng sẽ phải đi tìm lại), Ô Mỹ Lộc (nay là ngã ba đường Trần Quang Khải - Hàng Mắm), Ô Đông An (nay là ngã ba Trần Quang Khải - Hàng Thùng), Ô Tây Luông (nay là Nhà hát Lớn), Ô Nhân Hòa (nay là ngã ba Trần Quang Khải - Trần Hưng Đạo), Ô Thanh Lãng (nay là ô Đống Mác), Ô Yên Ninh (nay là ngã tư phố Huế - Đại Cồ Việt, tức Ô Cầu Dền), Ô Kim Hoa (ở ngã tư quốc lộ 1 - Đại Cồ Việt, tức Ô Đồng Lầm), Ô Thịnh Quang (nay là ngã tư Hàng Bột [Tôn Đức Thắng] - Khâm Thiên, tức Ô Chợ Dừa), Ô Thanh Bảo (nay là bến xe Kim Mã), Ô Thụy Chương (nay là khoảng vườn hoa Tây Hồ ở đầu đường Hoàng Hoa Thám). Thế có nghĩa là phía ngoài các cửa ô ấy đều là “nhà quê” cả (như Phường Nghĩa Đô bây giờ [nơi tôi đang ở] quê của nhà văn Tô Hoài thì quê đặc chứ còn phố phường gì với ai nữa. Lại không còn thấy tên Ô Cầu Giấy đâu! Thế có nghĩa là từ cái danh sách này thì 16 cửa ô thời ấy nay chỉ còn có 4. Vì thời gian hay vì con người thời nào cũng hay “lấn chiếm”?

Tìm hiểu tiếp thì đến năm 1866 mất đi một cửa ô. Vì trong bản đồ Tỉnh thành Hà Nội vẽ năm 1866 đời Tự Đức thì chỉ còn 15 cửa ô, mất đi cửa ô Nhân Hoà (nhường cho sự ra đời cái dốc Vạn Kiếp chăng?). Nhiều cửa ô lại mang tên mới: Yên Hoa thành Yên Phụ, Yên Tĩnh thành Yên Định, Thạch Khối thành Nghĩa Lập, Phúc Lâm thành Tiền Trung, Tây Luông thành Trường Long, Thanh Lãng thành Lãng Yên, Yên Ninh thành Thịnh Yên, Kim Hoa thành Kim Liên, Thịnh Quang thành Thịnh Hào. Khoảng mười lăm năm tiếp theo, cũng vẫn 15 cửa ô, nhưng Yên Định đã đổi ra Yên Ninh, Đông Hà thành Thanh Hà, Trường Long thành Cựu Lâu. Phần lớn các cửa ô đều thông ra sông Hồng: ở phía tây có 2 cửa, phía nam có 3 cửa, ra sông Hồng có 11 cửa. Đó là vì các cửa ô chính là các cửa của thành đất bao bọc quanh kinh thành. Ra vào kinh thành tất phải qua cửa ô. Ban đêm, tại các cửa ô đều có tuần phiên canh gác, kiểm soát việc ra vào. Nhưng thời đó đường giao thông nối Thăng Long với các nơi chủ yếu là đường sông cho nên dọc sông Hồng có nhiều bến, phố xá đông đúc với nhiều hiệu buôn lớn của người Việt và người nước ngoài. Vì thế người ta phải mở nhiều cửa ô để việc đi lại được dễ dàng. Hai cửa ô Thanh Hà và Trừng Thanh rất gần nhau vì thời xưa cửa sông Tô Lịch nằm giữa hai ô này.

Hơn 100 năm sau 15 cửa ô kia đã biến thành phố xá, chỉ còn sót lại một cửa! Và trong ký ức của người dân chỉ lưu lại tên tuổi của 6 cửa ô mà phần lớn được gọi bằng tên nôm: Yên Phụ, Quan Chưởng (tức Thanh Hà), Đống Mác (tức Lãng Yên), Cầu Dền (tức Thịnh Yên), Đồng Lầm (tức Kim Liên), Chợ Dừa (tức Thịnh Hào). Có một cửa ô nữa đã đi vào ca dao - Ô Hàng Đậu, tức Phúc Lâm - nhưng nay không có ai nhắc tới nữa. Tất cả các cửa ô chỉ còn cái tên chứ chả còn cái ý nghĩa xưa. Cái cửa ô duy nhất còn sót lại là Ô Quan Chưởng (đầu phố hàng Chiếu, ngay gần chợ Đồng Xuân). Một cửa ô duy nhất còn lại cái cổng ba cửa như cổng thành, có vọng lầu, xây bằng gạch vồ nâu đỏ, có cả tấm bia đá của Tổng đốc Hoàng Diệu cho dựng năm 1882 cấm ngặt binh lính quan nha không được sách nhiễu người dân qua lại đây vào thành. Đây vốn là cửa ô xây dựng năm 1749 thời vua Lê Hiển Tông. Quan Chưởng là cái tên nôm na để chỉ một ông Quan Chưởng coi việc ở đây. 260 năm đã trôi qua nhưng công trình vẫn được giữ gìn như xưa, đã được xếp hạng di tích lịch sử, ngày ngày dân mình vẫn qua lại buôn bán nhộn nhịp. Cửa ô này tạo cho phố phường một nét cổ kính Tràng An hàm khí “rồng thiêng”.

o0o

Tôi xin trở về với Ô Cầu Giấy, “liệt sĩ” đầu tiên trong số 20 cửa ô bảo bọc cho vua, quan và dân lành của kinh đô nước Việt đã tử nạn. Có lẽ vì là đệ nhất liệt sĩ nên “ngài” cứ luôn ám ảnh tôi, theo sát cuộc đời tôi cho đến tận bây giờ.

Ngài sinh ra trong thời Lý, hiên ngang lẫm liệt như anh hùng hảo hán, như “Cromwell the Protector” vĩ đại của Cách mạng Anh, che chắn cho tất cả ở cửa ngõ phía tây uy linh (theo thuật địa lí-phong thủy là nhằm hướng “long nhập thủ”) của kinh thành Thăng Long, trải qua suốt thời Lý, thời Trần, thời Hồ, thời Lê, thời Mạc để rồi hi sinh dưới tay triều Nguyễn. Thôi thì cũng an ủi rằng dẫu sao thì ngài cũng thọ hơn bất kì triều đại nào.

Sự hi sinh của ngài cũng thể hiện được đường lối chính sách của các triều đại. Thời Lý-Trần mở rộng kinh đô về phía tây nên mới có Ô Cầu Giấy. Đó là định hướng hoàn toàn đúng đắn về mặt phong thủy, thể hiện rõ trong sự thịnh trị của các triều đại đó. Theo môn khoa học này thì thành Thăng Long bị kẹt ở phía đông vì sông Hồng quá hung dữ. Vì thế khí đất bên bờ đông sông Hồng thuộc về suy khí, khó mà phát triển được. Phía nam thì chỉ là đất phên dậu, xưa kia toàn đầm lầy là nơi các cụ đặt “bình phong”, “tiền án” cho kinh thành, xin đừng bàn chuyện đô hội gì ở đó. Phía đông bắc thành thì chỉ thịnh phát thương mại. Phía đông nam thì lụp xụp. Tóm lại kinh thành chỉ có thể phát triển được chủ yếu về phía tây bắc, tây và một tia về hướng tây nam. Đến thời Nguyễn đặt đô ở Huế, lại co rút hướng tây thành Thăng Long lại đã là điềm triệu cho sự suy vong và mất nước vậy.

Theo học giả Nguyễn Vinh Phúc thì Cầu Giấy và Ô Cầu Giấy cách nhau đến…4 km!

Cầu Giấy là tên cây cầu bắc ngang sông Tô và cũng là tên một con đường dài tới 1800 mét, đi từ ngã ba phố Kim Mã - đường La Thành (trước cửa đền Voi Phục) vượt qua cầu, tới ngã ba phố Nguyễn Phong Sắc - phố Xuân Thủy, tức là chạy cắt ngang thị trấn Cầu Giấy. Còn Ô Cầu Giấy thì là một cửa ô xẻ qua tòa thành đất bao quanh khu đông dân cư của kinh thành Thăng Long xưa, được nhiều nhà nghiên cứu gọi là vòng thành giữa, mà bức tường phía tây chạy từ núi Sưa (trong vườn Bách Thảo) theo phố Ngọc Hà, vượt phố Sơn Tây, Nguyễn Thái Học, trở thành chính phố Giảng Võ ngày nay. Cửa ô này vốn có tên chữ Hán là Thanh Bảo và ở vào chỗ gần bến xe Kim Mã bây giờ.

Theo tôi, ông Nguyễn Vinh Phúc đã nhầm. Ô Thanh Bảo mới có từ đời Nguyễn. Ô Cầu Giấy có từ thời Lý ở gần Cầu Giấy (có thể nằm trên đê đường Bưởi) thì đúng hơn. Vì cũng chính ông Nguyễn Vinh Phúc đã tả công việc đắp một cổng thành từ thời Lý như sau:

Nguyên ở khu vực đầu phía Đông cây cầu vốn có một cửa của một tòa thành mà bức tường phía Tây chạy ven bờ trái sông Tô, từ chợ Bưởi xuống đến Cầu Giấy. Đó là tòa thành đất mà Lý Thái Tổ cho đắp từ năm 1014. Việt sử thông giám cương mục có ghi: "Năm Giáp dần (1014) đắp thành đất Thăng Long: bốn bề xung quanh ngoài kinh thành đều sai đắp thành đất". Cái cửa phía Tây này có tên là Tây Dương. Cửa Tây Dương đã đi vào lịch sử với đoạn ghi sau đây của Đại Việt sử ký toàn thư : "Năm Mậu Thân (1128), tháng giêng, ngày Kỷ Sửu, biếm chức Đại liêu ban Lý Sùng Phúc vì khi đi qua cửa thành Tây Dương, tuần lại có hỏi mà không trả lời". Đây là tòa thành mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là vòng thành Đại La hoặc vòng thành ngoài mà đến đời Hồng Đức được xây gạch và vẽ trên bản đồ.

Như vậy là ở đời nhà Lý, tại cửa thành này có lính tuần canh gác nghiêm ngặt. Khi đi qua cửa thành mà không đáp lời bọn lính ấy thì dù là quan to cũng vẫn cứ bị kỷ luật. Và do nằm đối diện với cửa thành Tây Dương đó nên chiếc cầu bắc ngang qua sông Tô thuở ấy cũng có tên cầu Tây Dương.

Phải chăng đấy chính là Ô Cầu Giấy được khai sinh từ gần 1000 năm trước? Vậy là ngài ra đời sau “Chiếu dời đô” của Lý Thái Tổ có mấy năm đâu, có điều chắc rằng lúc đó ngài chưa mang tên là Ô Cầu Giấy (chắc là Ô Tây Dương chăng). Vì cái tên “Giấy” xuất hiện trong một sự kiện xảy ra vào tận thế kỉ XIII (1215) được ghi lại trong Việt sử lược. Sách này có nói đến một địa điểm là “Chỉ Tác hạng” tức là ngõ Làm Giấy (nằm ở đầu cầu phía tây). Còn cái tên cầu Tây Dương vẫn còn trong các sách đến tận các thế kỉ XV-XVII. Sách Đại Việt sử kí toàn thư có ghi:

Ngày 22 tháng chín năm Bính Ngọ (1426) các tướng của Lê Lợi đem một vạn quân đến cầu Tây Dương để bao vây quân Minh ở thành Đông Quan.

Đến thế kỉ XVII (1679) có tấm bia “Trùng tu Tô Giang kiều bi ký” của Tiến sĩ Bùi Văn Trinh ghi như sau:

Xã Thượng Yên Quyết, thắng cảnh có cầu danh tiếng ở sông Tô. Phía đông cầu tiếp cận kinh thành văn vật, tụ hội thuyền xe xum vầy. Phía tây cầu thì xa xa là núi Tản Viên hình dáng lạ kỳ, anh linh hiển ứng. Sông Nhị vòng phía bắc, một dòng nước đi về. Miếu thần ở phía Tây Nam, người trong hạt được phồn thịnh. Bên cầu khách đang chén tạc chén thù, trên đường người qua, kẻ lại tấp nập. Thực là nơi ngoại ô lớn thông suốt bốn phương năm ngả trên đường thiên lý.

Văn bia cũng cho biết cầu kết cấu theo kiểu "thượng gia hạ kiều" - trên là nhà, dưới là cầu:

Cầu dài 15 gian như cánh nhạn vút qua trời thu hòa cùng non cao nước biếc, như cầu vồng ôm vòng dải Ngân Hà, một gác cao tỏa chiếu ánh hồng thịnh vượng, rực rỡ, thanh thoát. Trụ cầu vững vàng giữa dòng, đi trên ván cầu như đi trên đất bằng, trên lợp mái.

Cái tên Cầu Giấy mới xuất hiện vào thời Nguyễn. Sách Ðại Nam nhất thống chí ghi: “Cầu Giấy dài ba trượng, trên cầu có nhà lợp ngói.” Có lẽ các sử gia lúc đó cứ theo nghề làm giấy của làng mà gọi tên cầu.

Cái “ngõ Làm Giấy” chính là Kẻ Cót, tức phường Yên Hòa bây giờ. Ông Nguyễn Vinh Phúc kể:

Chuyện xưa kể rằng, ông tổ nghề giấy dó là Thái Luân từ Tàu sang đã đi suốt dọc ven sông Tô để dạy nghề. Thoạt tiên ông đến làng An Hòa - Thượng Yên Quyết toan truyền nghề cho dân. Song có người đối đãi với ông không tốt, ông bỏ đi lên vùng Bưởi, dạy nghề cho làng Hồ Khẩu, làng An Thọ, làng Đông Xã, làng Yên Thái, cuối cùng là Nghĩa Đô. Ở mỗi nơi ông dạy làm một loại giấy riêng. Làng Hồ học được cách làm giấy bản, làng Đông học được cách làm giấy quỳ tức loại giấy vừa mỏng vừa dai để dân làng Kiêu Kỵ dùng lót dát vàng quỳ. Làng Yên Thái học được cách làm giấy lệnh, tức giấy bản tốt mà khổ lại lớn để viết lệnh chỉ của triều đình. Ở Nghĩa Đô có người họ Lại học được nghề làm giấy sắc là loại giấy dùng để viết thần sắc vua ban. Loại giấy này khi xeo xong còn phải "nghè" tức là đặt trên phiến đá rồi dùng vồ đập vào giấy cho giấy được thật mịn mặt và bền. Do đó làng này có tên là làng Nghè.

Lúc này dân làng An Hòa mới thấy ông là của quý nên cử bô lão lên Bưởi xin ông bỏ qua chuyện cũ mà dạy cho dân nghề nghiệp mới này. Cũng nể tình nhưng để tránh đụng chạm đến vùng Bưởi, ông chỉ dạy dân An Hòa cách dùng những thứ dó xấu, những đầu mẩu, đầu mặt - danh từ nghề nghiệp gọi là xề - để làm ra những loại giấy xề tức thứ giấy thô chỉ dùng phất quạt, làm hàng mã và gói hàng. Và thế là từ khi có nghề này, làng Cót Thượng dần dần được gọi là làng Giấy, nhất là từ khi cái tên chữ Hán Thượng Yên Quyết được đổi ra là An Hòa thì không mấy ai nhớ đến cái gốc "Kẻ Cót" nữa. Từ đó, cái tên "làng Cót" chỉ chuyên dùng để chỉ làng Hạ Yên Quyết.

Cầu Giấy chính thuộc làng Hạ Yên Quyết mà thực ra còn có tên nôm là làng Giấy, thuộc tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai. Từ năm 1889 đời Vua Thành Thái làng mới được đổi tên thành An Hòa, thuộc tổng An Hạ, huyện Hoàn Long, phủ Hoài Đức.

Người làng Giấy làm giấy quạt nổi tiếng nhất, người làng Lủ đến cất về làm quạt giấy đưa vào phố Hàng Quạt của kinh thành.

Chợ giấy họp đông vui tấp nập bên kia Cầu Giấy, năm ngày một phiên - ngày Một và ngày Sáu âm lịch; dân làng chuyên bán giấy các loại và mua nguyên liệu làm giấy về[2].

Dân làng Giấy có câu ca đầy tự hào và tình tứ:

Hỡi cô thắt dải lưng xanh,

Có về cầu Giấy với anh thì về.

Cầu Giấy có cây bồ đề,

Có sông tắm mát, có nghề xeo can.

Sau khi “hi sinh oanh liệt” (có lẽ vào khoảng thế kỉ XVIII) khí phách Ô Cầu Giấy vẫn hùng tráng ở lại phù trì những dân đen con đỏ và đất trời Thăng Long.

Trong hai cuộc xâm lược Bắc Kỳ và Hà Nội (1873 và 1882) của thực dân Pháp Ô Cầu Giấy đầy khói lửa tang thương. Do nằm trên huyết mạch giao thông quan trọng nên Ô Cầu Giấy là điểm huyết chiến chiến lược giữa quan quân triều đình và quan Pháp. Và hai chiến thắng oanh liệt (được gọi là “Chiến thắng Ô Cầu Giấy lần thứ nhất” [21.12.1873] và “Chiến thắng Ô Cầu Giấy lần thứ hai” [1883]) đều gắn với tên tuổi của một con người - Thống đốc Trấn Bắc Đại tướng quân Hoàng Kế Viêm, như quân Pháp đã từng nhận định: “Dân chúng Bắc Hà tin vào Viêm hơn Tự Đức.”

Hoàng Kế Viêm (1820-1909) sinh tại tỉnh Quảng Bình, là con trai út Thượng thư Hoàng Kim Xán dưới triều Gia Long, được vua Minh Mạng gả con gái là công chúa Hương La. Sau làm quan ở nhiều địa phương, ở đâu Hoàng Kế Viêm cũng là một vị quan thanh liêm, quan tâm đến đời sống nhân dân nên dân được an cư lạc nghiệp. Lúc bấy giờ tình hình biên cương phía Bắc rất phức tạp: quân phỉ từ bên kia biên giới tràn sang, Lý Tam Đường chiếm cứ vùng Thái Nguyên, Lý Dương Tài đánh phá Lạng Sơn; bọn Cờ Vàng, Cờ Đen, Cờ Trắng đóng chiếm cả một giải thượng du; bọn Hoàng Tề, Tô Tứ quấy nhiễu ở ven biển… Nguyễn Tri Phương tâu xin vua cho Hoàng Kế Viêm được toàn quyền làm tướng dẹp giặc. Tự Đức ban cho Hoàng Kế Viêm một thanh gươm vàng và 5 lá cờ lệnh, coi đó là ân điển của triều đình. Hoàng Kế Viêm đã dẹp được giặc ở biên cương, thu phục được quân Cờ Đen, góp phần làm nên chiến thắng Ô Cầu Giấy sau này. Năm 1872, ông được phong Bắc Kỳ Đại nguyên soái, năm 1873 Tiết chế quân vụ Bắc Kỳ...

Ngày 20.11.1873, viên đại úy Françis Garnier với 200 quân tấn công thành Hà Nội, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương trấn giữ thành bị thương nặng, tuyệt thực và hy sinh, Hà Nội thất thủ. Thành Hà Nội mất, song hai cánh quân của triều đình do Hoàng Kế Viêm và Trương Quang Đản chỉ huy vẫn còn nguyên vẹn. Triều đình Huế không muốn dựa vào lực lượng này để giành lại đất đai bị mất, mà muốn qua thương lượng để chuộc lại. Được đà, quân Pháp đánh chiếm Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình… Trong lúc phái đoàn Trần Đình Túc (làm Tổng đốc sau khi Nguyễn Tri Phương mất) đang đàm phán với F. Garnier, Hoàng Kế Viêm lệnh cho cánh quân Lưu Vĩnh Phúc phối hợp với quân triều đình do ông tổng chỉ huy bố trí mai phục ở Ô Cầu Giấy, mặt khác cho quân vào thành Hà Nội khiêu chiến buộc F. Garnier tạm dừng thương lượng, tự dẫn quân đi ứng chiến và sa vào ổ phục kích. Trận chiến xảy ra ác liệt. Quân của Hoàng Kế Viêm chém đầu F. Gernier vào giữa trưa ngày 21.12.1873...[3]

Thế nhưng triều đình Huế bạc nhược đã lệnh cho Hoàng Kế Viêm (cũng như cánh quân của Trương Quang Đản) phải rút lui khỏi Hà Nội về Sơn Tây. Theo hòa ước Giáp Tuất 1874 Pháp trả thành Hà Nội, lúc này do Tổng đốc Hoàng Diệu trấn giữ. Năm 1878, Hoàng Kế Viêm được phong Thự Đông các Đại học sĩ và ngay sau đó ông được lệnh điều quân đi dẹp bọn giặc Lý Dương Tài đang quấy phá ở Lạng Sơn. Một năm sau bọn Lý Dương Tài bị đánh tan... Biết giặc Pháp không từ bỏ đánh chiếm Bắc Kỳ, năm 1882 Hoàng Kế Viêm cùng Hoàng Diệu tâu vua Tự Đức xin đưa quân về ứng cứu Hà Nội. 8 giờ ngày 25.4.1882 viên Đại tá Henri Rivière tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Kỳ gửi tối hậu thư buộc Hoàng Diệu đầu hàng. Tổng đốc Hoàng Diệu không thèm trả lời. 15 phút sau địch tấn công thành Hà Nội, quan triều đình chống giữ không nổi, Hà Nội thất thủ, Hoàng Diệu tuẫn tiết.

Hà Nội thất thủ và cái chết của Hoàng Diệu làm cho nhân dân Bắc Kỳ sôi sục căm thù. Lúc này cánh quân Hoàng Kế Viêm vẫn án binh bất động. Triều đình không dựa vào lực lượng này để đẩy mạnh cuộc kháng chiến, trái lại, phái người ra Hà Nội thương thuyết và lệnh cho Hoàng Kế Viêm và Nguyễn Chính lui quân về Hà Đông. Hai ông phản ứng, dâng sớ vạch tội Pháp. Hoàng Kế Viêm kháng sắc dụ bãi binh. Tự Đức giao cho triều đình luận tội ông đã trái lệnh vua, mặt khác lấy tình gia tộc khẩn cầu ông bãi binh...Ông khẳng khái: "Vua ta sợ giao chiến mãi với Pháp, mãi không thấy thắng sẽ mất cả giang san, lo sợ không còn đất đai cho hoàng gia sinh sống. Chúng ta có quyền tự hỏi: Tại sao nhà vua không hỏi rằng toàn dân sẽ ở vào đâu?"...[4].

Sau khi Hà Nội thất thủ, nhân dân Hà Nội nổi dậy chống Pháp. Ngày 24.3.1883, H. Rivière đưa quân đánh chiếm Nam Định. Thừa cơ, 2 đạo quân do Hoàng Kế Viêm và Trương Quang Đản chỉ huy đã hội quân vây Hà Nội. Quân Trương Quang Đản áp sát tuyến ven sông Hồng, quân Hoàng Kế Viêm án ngữ dọc bờ sông Tô. Rạng sáng 26.3.1883, Hoàng Kế Viêm cho 4.000 quân từ phủ Hoài Đức tiến về Hà Nội, tấn công một số căn cứ giặc ở trong thành, quân Trương Quang Đản chặn đánh dọc sông Hồng, pháo kích căn cứ Đồn Thủy. Quân của Hoàng Kế Viêm đem cả voi đi tuần trong lòng Hà Nội, tấn công cứ điểm Hàm Long…, buộc H. Rivière phải xin lệnh Thống đốc ở Sài Gòn dẫn quân ra Phủ Hoài Đức. 4 giờ ngày 19.5.1883, H. Rivière chỉ huy 500 quân theo đường Trường Thi kéo quân về Phủ Hoài Đức. Quân Pháp lọt vào ổ phục kích ở Hạ Yên Quyết, Trung Thôn và bị đánh bất ngờ đã tháo chạy ngang qua vị trí cánh quân ta mai phục ở Tiền Thôn. Quân mai phục xung phong đồng loạt và H. Rivière bị chém đầu. Thế là trong 2 chiến thắng Ô Cầu Giấy cách nhau 10 năm (1873-1883), hai viên tổng chỉ huy quân Pháp ở Bắc Kỳ bị chặt đầu trên đất Ô Cầu Giấy. Người chỉ huy lập nên 2 chiến thắng đó là Thống đốc Trấn Bắc Đại tướng quân Hoàng Kế Viêm[3].

Ngày 17 tháng 7 năm 1883, Vua Tự Đức băng hà. Trong di chiếu nhà vua đã viết: “Thống đốc Hoàng Tá Viêm thân tuy ngoài Bắc, thực quan hệ đến biên phòng, lâu nay dẹp yên biên giới Bắc Kỳ, trung thành công nghiệp rực rỡ. Giao cho người làm Trấn Bắc Đại tướng quân, các việc bình Tây, định Bắc đều giao cả cho người…”

Như vậy, hai viên sĩ quan chỉ huy của thực dân Pháp đều bỏ mạng ở cửa ô này. Tam nguyên Yên Ðổ Nguyễn Khuyến đã làm bài tế đầy trào lộng các ông quan thực dân ấy, dân kinh thành ai cũng thuộc, đọc như đọc vè:

Nhớ ông xưa:

Tóc ông quăn

Mũi ông lõ...

Ai ngờ nó chém cổ ông mất

Ðầu ông nó mang đi

Xác ông nó để đó

Chúng tôi vâng lệnh triều đình

Tế ông:

Chuối một buồng

Rượu một tuần

Trứng một ổ

Ông ăn cho no

Ông nằm cho yên

Khốn nạn thân ông...

Có một điều khó hiểu là tại sao đến nay ở quận Cầu Giấy hay thành phố Hà Nội chưa có con đường hay con phố nào mang tên Hoàng Kế Viêm.

Trong cuộc Giải phóng Thủ đô oai hùng năm 1954 chúng ta được biết vào sáng 10.10.1954 Tiểu đoàn 265 của Trung đoàn 57 được lệnh vào tiếp quản đồn Cầu Giấy khi cả phố Cầu Giấy vẫn vắng lặng. Khi quân Pháp rút lui, chiến sĩ của ta vào trong đồn thì ngoài phố cờ đỏ sao vàng đã rực rỡ cả vùng cửa ô. Từ đây Tiểu đoàn hành quân theo đường Kim Mã vào gò Ðống Ða, ga Hà Nội, nhà Ðấu Xảo. Quân ta đi đến đâu, cờ hoa mọc lên đến đó đỏ rực phố phường. Xin có mấy câu thơ để tưởng nhớ ngày cách đây gần 55 năm:

Ma quỷ cuồng ngông

Lại ném bom đốt cờ

Vận nước lại một phen đen bạc

Những lá cờ lại được giấu trong tim

9 năm đi tìm

Hồn dân tộc tưởng chừng như tắt lịm

Nhưng

Những họng pháo đã gầm lên

Đào cái huyệt cuối cùng

Chôn lũ trời không dung

Xây nền cho một cột cờ vĩnh cửu

"Cửu cửu càn khôn dĩ định"

81 năm qua đi

Hoa lại nở trên đường đoàn quân về tiếp quản

"Hồ binh bát vạn nhập Tràng An"

Hà Nội ơi các mẹ lại may cờ

Công khai

Trước những cái nhìn làm ngơ của những tên hung tặc cuối cùng

Đoàn quân trang phục chỉnh tề trùng trùng điệp điệp

Tiến vào đến đâu cờ đỏ sao vàng mọc lên đến đó

Để Thủ đô rợp bóng cờ bay…

Vào đại học tôi đi học trong Đại học Sư phạm (nơi được gọi là “Ki-lô-mét số 8 đường Hà Nội - Sơn Tây”), lại được thường xuyên qua lại nơi cửa ô lịch sử này. Khi đó nhiều bạn gái sống nơi phố cổ chưa từng một lần đến Cầu Giấy đâu đấy, vì nó vẫn hoang vu và heo hút lắm, “nhà quê” lắm. Cái để lại ấn tượng nhất về cửa ô này là một bến cuối tầu điện với những cột điện bằng sắt sơn đen. Giờ nó không còn, nhớ ghê gớm. Cầu Giấy cách đây khoảng hơn 25 năm xây bằng gạch, rất nhỏ, chắc chỉ đủ cho hai ôtô tránh nhau (vậy là kém cái cầu xưa của các cụ ghê gớm lắm). Chẳng rõ gì nguồn gốc, lũ sinh viên chúng tôi hay đùa là cầu này được gọi là Cầu Giấy vì sáng ra chân cầu có rất nhiều giấy [báo]. Không giải thích thì chắc rằng các bạn trẻ không biết được hồi đó giấy báo là rất lí tưởng để làm toilet paper. Tầm nửa đêm về sáng có hai cái chợ đầu mối nổi tiếng thường họp ở đây, đó là chợ rau xanh và chợ của “quân khu hai sọt” (chuyên bán phân bắc tươi). Nhiều khi chợ của “quân khu hai sọt” còn họp giữa ban ngày ban mặt. Ra trường, thất nghiệp, tôi vẫn lang thang miền cửa ô thân yêu này với các bạn tôi. Rồi tôi khởi nghiệp đi làm cũng ở đây. Và bây giờ khi đã có gia đình con cái rồi chúng tôi lại về sống bên cửa ô này. Không biết có định mạng gì không?

Có câu ca dao được truyền tụng từ hàng trăm năm về cửa ô Cầu Giấy:

Ngã tư Cầu Giấy của ta

Bàn tay mở giữa bao la đất trời.

Dù đi dù ở muôn nơi

Hai bốn tháng tám ngược xuôi nhớ về.

Đó là câu nhắc nhở mọi người nhớ ngày lễ chính (24 tháng 8 âm lịch) ở Điện Nghiễm Phúc, nơi thờ Hưng Đạo Đại vương.

Điện thờ này được lập cách đây hai thế kỉ tại xóm Quan Hoa. Gọi là Quan Hoa vì ở đây có cụ Giám sinh ở Quốc Tử Giám về đây mở trường gọi là Quan Hoa Học Đường (trường này tồn tại đến 1945 mới thôi). Cửa điện đắp nổi 3 chữ “Đông A Trấn”. Hậu cung có thờ Quốc Mẫu. Gian bên phải thờ Tứ vị Thánh tử là 4 người con trai của ngài: Trần Quốc Hiến, Trần Quốc Nghiễn, Trần Quốc Uy, Trần Quốc Tảng, cùng con rể của ngài - Tướng quân Phạm Ngũ Lão. Gian bên trái thờ Nhị vị Vương cô là 2 người con gái của ngài: một là Hoàng hậu - vợ vua Trần Nhân Tông, một là Phu nhân Tướng quân Phạm Ngũ Lão. Nơi oai nghiêm của gian chính điện đặt pho tượng Đức Thánh Trần tạc bằng gỗ mít sơn son thiếp vàng theo nguyên mẫu ở đền Kiếp Bạc, tượng ở tư thế ngồi, trang nghiêm, nhân hậu, đôi mắt sáng ngời, anh linh. Có điều lạ là khi Hà Nội bị chiếm cả vùng Cầu Giấy bị tàn phá nặng nề nhưng điện Nghiễm Phúc vẫn yên. Có lần quân Pháp đến cổng điện, nhìn thấy 3 chữ Đông A Trấn thì lại lặng lẽ bỏ đi. Sử cũ có ghi lại rằng sau 3 lần đánh thắng quân Nguyên-Mông, quân giặc đều sợ uy danh của ngài không dám gọi tên, chỉ dám gọi Hưng Đạo Đại Vương. Sau khi Đức Thánh Trần mất, các châu huyện ở Lạng Giang hễ có tai họa, bệnh dịch lại đến đây cầu đảo. Khi có giặc giã, dân ta đến điện lễ, nếu thấy tráp đựng kiếm có tiếng kêu thì thế nào cũng thắng lớn. Với diện tích 200 m2, điện Nghiễm Phúc có thể sánh với các đền tiêu biểu thờ Đức Thánh Trần ở Hà Nội như đền Ngọc Sơn (ở phố Đinh Tiên Hoàng), đền Phúc Nam (ở ga Hàng Cỏ - phố Lê Duẩn), đền Lừ (ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai)... Lễ hội ở đây diễn ra vào ngày 20 đến ngày 24 tháng 8 âm lịch, rất đông người tham gia. Điện Nghiễm Phúc xứng đáng được coi như là một góc đền Kiếp Bạc ở Ô Cầu Giấy, như một địa điểm mang tính văn hóa tín ngưỡng tâm linh rực rỡ ở cửa ô phía tây này.

Linh thiêng và hiển liệt lắm!

Gần 55 năm sau ngày Thủ đô giải phóng Cầu Giấy bây giờ có hai làn đường trên cửa ô mở rộng. Nhiều công trình mới, hiện đại của Thủ đô đã và đang được xây dựng trên địa bàn quận theo hướng quy hoạch và phát triển mạnh về phía tây thành phố. Thật là một định hướng đúng đắn. Tuy nhiên, đây vẫn còn là một trong những đầu mối kẹt xe khủng khiếp nhất Hà Nội, nhờ thế mà thi sĩ Hoàng Xuân Sơn đã từng có bài thơ rất hay mang tên: “Kẹt xe ở Ô Cầu Giấy”.

Ô Cầu Giấy ra đời từ thời Lý khi kinh thành mở ra về phía Tây. Nay vào thế kỉ XXI với chế độ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa đang mở rộng hết cỡ thủ đô về phía tây tôi thiết nghĩ chúng ta nên xây dựng lại hình ảnh của cái cửa ô này. Như ý tưởng xây dựng Cổng Hà Nội ở phía nam thủ đô mà người ta đang tiến hành vậy. Không biết có ai ủng hộ tôi không?

(Hà Nội, ngày 05 tháng 04, 2009)

Chú thích[sửa]

  1. Thơ Tố Hữu
  2. Nguyễn Phạm Quang, “Từ cầu Tây Dương đến Cầu Giấy”.
  3. 3,0 3,1 Đỗ Duy Văn, “Hoàng Kế Viêm với chiến thắng Ô Cầu Giấy”.
  4. Tôi (Đặng Thân) nhấn mạnh.

Liên kết đến đây