Thành viên:Nguyenthephuc/Note: Học làm cha, làm mẹ/Oan

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Buổi sáng trống giờ, ngồi chuyện trò với mấy cô giáo trẻ. Hỏi thăm các cháu. Được nghe mấy chuyện về cách dạy con, tôi suy nghĩ rất nhiều.

3 mẩu chuyện thường ngày

Cô Nga: Thằng cu nhà em bướng lắm chị ạ. Làm gì, nó cũng bắt chước, phá mẹ. Tức quá, nói không được, em đánh cho bầm đít vẫn vậy. (Tôi buồn. Con mới hơn 2 tuổi mà đã nhờn đòn! Tôi thầm nghĩ sau này cho dù thầy cô có dùng roi thì nó đã miễn dịch mất rồi).

Cô Linh: Thằng cu nhà em 5 tuổi hôm nay bị bố nó cho một trận nên thân. Đồ đạc của bố, cất trên tủ cao để nó không lấy được thế mà ở nhà cu cậu bắc ghế lấy không được bèn ra đường nhờ mấy đứa lớn vào lấy giúp. Tra mãi nó mới chịu khai là đã nhờ người lấy xuống. Bố nó bắt nằm dài lên giường cho mấy roi.

Cô Minh: Con bé nhà em mới 3 tuổi mà cũng bướng lắm cơ! Hôm chủ nhật, nhà có khách. Bạn anh ấy đến chơi. Bà nội bảo nó khoanh tay chào hai bác. Nó cũng làm theo nhưng nói lí nhí. Bố thấy vậy bắt nó chào lại, nó không chào. Bà bảo, nó cũng không chào lại. Thấy vậy bố quát. Thế là nó lăn ra khóc, dỗ mấy cũng không được! Bố nó phải phát vào đít cho mấy cái mới chịu thôi.

Cứ thế, các cô kể chuyên con. Tôi nghe, thấy cả 3 đứa trẻ đều bị đòn, bị mắng oan. Thực ra, các cháu đều là những đứa trẻ ngoan và thông minh, hiếu động. Đó là những đức tính mà người lớn cần biết để phát huy cho chúng.

"Cháu ăn cơm bà nhai, sao bà không ăn cơm cháu nhai?"

Khi trẻ bắt chước ta làm việc tức là các bé có đầu óc quan sát.

Tôi nhớ khi con trai đầu còn bé. Một lần, mẹ mải làm việc khi quay ra thấy con một tay cầm một bát cám heo, tay kia giúp bé lết từ bờ hè ra chuồng heo (lúc đó con tôi mới biết bò). Thì ra, con đã thấy mẹ múc cám cho heo ăn nên bắt chước. May sao nồi cám nấu từ đêm qua!

Lớn lên một chút cứ mỗi lần mẹ làm gì là cu cậu sà vào: Cũng nhặt rau nhưng là bỏ rau ở ngoài vào rổ cho mẹ. Cũng vọc tay vào chậu quần áo y như mẹ… Tôi đã khen con và nhặt lại món rau của bé. Rồi 2 mẹ con vừa làm vừa kể chuyện.

Mỗi lần như vậy, tôi phải phịa đủ thứ chuyện để sao cho khi nghe xong, cu cậu thôi không tham gia với mẹ nữa.

Khi đứa thứ hai ra đời, bà nội vào chăm cháu. Các cụ hay nhai cơm cho trẻ. Bà cho cháu ăn xong đến khi cả nhà ăn cơm thì nó đòi "nhai cơm cho bà", bắt bà ăn cơm nó nhai. Bà không ăn, cháu dỗi, tôi phải ăn để động viên con.

Khi trẻ biết tìm cách xoay xở để làm được điều mà chúng thích như con nhà Linh, có nghĩa là cháu rất thông minh sáng tạo.

Những đứa trẻ như vậy sau này sẽ hoạt bát, năng động trong cuộc sống.

Thằng bé bị bố đánh vì bố nó cho rằng nó "hư" và lớn hơn nữa là nhờ hàng xóm vào nhà.

Theo cô Linh thì cha mẹ nó sợ có lúc nào đấy những đứa trẻ lớn hàng xóm sẽ vào lấy cắp đồ đạc!

Thế đấy! Người lớn đã áp đặt tư tưởng không tốt của mình cho trẻ trong khi tâm hồn của nó đang trong veo. Giá như chồng Linh đừng đánh bé. Giá như, trước khi ngủ, em sáng tác ra một câu chuyện tương tự kể con nghe, để làm sao cháu thấy được làm như vậy là bố mẹ buồn, là không tốt.

Bé gái nhà Minh cũng rất ngoan vì cháu đã chào khách như bà nội bảo. Thế mà, chỉ vì nói nhỏ, bố và bà đã bắt cháu chào lại thay vì khen cháu.

Tôi nhớ có lần đến nhà bạn, cũng vì con bạn không chào tôi mà mẹ nó tỏ ý không vui, nghĩ rằng con khó bảo.

Những lần sau đến nhà bạn, tôi vòng tay chào bé trước "Cô chào con". Bé thích lắm. Thế là từ đó, khi khi tôi đến, mẹ nó không cần phải nhắc nó cũng đon đả "Cô chào con" khiến cả nhà bật cười.

Theo tôi, hãy tránh không làm cho trẻ cáu bẳn, bực tức. Tất cả những việc trẻ làm là do bắt chước người lớn. Hãy biết khuyến khích, kích thích tư duy cho các bé bằng những câu chuyện, những bài hát... đôi khi do mình sáng tác, sao cho thật gần với tình huống của bé.

Tất cả đều yêu cầu các bậc cha mẹ, ông bà phải có kiến thức. Chính vì vậy, tôi luôn nói với các em, các cháu mình và với cả học trò rằng "Hãy học làm mẹ làm cha rồi hãy có con".

Lê Thị Vuôn (Trường THPT Đông Sơn I, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa)

Xem thêm[sửa]

Ý kiến của bạn[sửa]

(Nguồn: vietnamnet.vn)

Liên kết đến đây