Thành viên:Nguyenthephuc/Note: Quá trình dạy con, cũng là quá trình tôi tự giáo dục chính mình

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tôi có 2 con, gái 10 tuổi và trai 6 tuổi. Tôi đã từng đánh đít con, không nhiều nhưng cũng không ít để có thể đếm được. Lần nào đánh con xong cũng khóc. Nhiều lần nghiêm túc xin lỗi con.

Có khi, tôi hỏi con, mẹ đánh con đau vậy con có giận mẹ không?

Con tôi, mới 5 tuổi đã biết trả lời, con đau lắm nhưng mà con không giận mẹ, vì mẹ là mẹ của con mà.

Tôi đã nhiều lần quan sát theo dõi các biểu hiện của trẻ, so sánh, rút kinh nghiệm.

Và lâu rồi tôi không còn đánh con nữa. Đơn giản chỉ là vì, mình đánh con, con đau mà mình cũng đau, lại phải dằn vặt nhiều ngày sau đó, thì có cần thiết không?

Tôi xin chia sẻ một vài trải nghiệm của riêng mình.

Ở trường, có bạn bắt nạt con tôi nhiều lần, con tôi mách cô giáo, cô giáo la mắng cháu bé bắt nạt con tôi, kết quả là con tôi càng bị bắt nạt nhiều hơn, nặng hơn.

Một sáng đưa con đi học, tôi xin vào ngồi cạnh cháu bé hay đánh con tôi và tỉ tê trò chuyện với bé.

Lúc đầu nhìn thấy tôi vào lớp cháu rất sợ, nhưng sau vài câu hỏi thăm dịu dàng cháu đã chịu nói chuyện với tôi và cuối cùng là cháu hứa sẽ thân ái với con tôi. Chuyện xích mích giữa hai bé hết hẳn.

Trong xóm tôi có một bé trai cá biệt, cháu hư với tất cả mọi người, thường xuyên trêu chọc hai con tôi, cũng như trêu chọc các bạn khác.

Cháu là đối tượng bị các phụ huynh trong cả khu thường xuyên la hét, mắng mỏ, mắng vốn cha mẹ.

Tôi không làm vậy. Nghe các con tôi than phiền nhiều quá, một hôm tôi gọi cháu lại và bảo cháu là, T con gái cô, tuy bằng tuổi con, nhưng là con gái, còn R, con trai cô thì như là em con, đi chơi, con nhớ bảo vệ T và R giùm cô nhé”.

Tôi khen cháu to khỏe đẹp trai và nhanh nhảu, dễ mến, khen cả với mẹ cháu để mẹ cháu động viên cháu thêm.

Từ đó cháu cực kỳ lễ phép, dễ thương trong cư xử. Nếu có làm điều gì không phải thì chỉ cần nói nhẹ là sửa chữa ngay.

Một cháu trai khác, 4 tuổi, là con của một cặp vợ chồng lao động chân tay thuê nhà tôi và ở sát bên.

Thời gian đầu mới đến, cháu nói bậy và hỗn kinh khủng. Tôi đã nghĩ đến chuyện để gia đình cháu đi thuê chỗ khác vì sợ ảnh hưởng đến các con tôi.

Nhưng rồi lại thôi vì thương cha mẹ cháu vất vả kiếm nhà. Tôi nói với tất cả các thành viên trong nhà là hợp tác cùng uốn nắn cậu bé.

Trước tiên là tất cả mọi người ăn nói lịch sự với bé.

Nếu bé nói hỗn, nói bậy thì nói là “con nói vậy thì sẽ không cho con sang bên này chơi”, rồi bày cho cháu cách nói chuẩn hơn.

Những khi cháu hỏi không lễ phép, tôi buộc cháu phải nói lại cho đến khi thật chuẩn mới trả lời.

Chúng tôi cũng góp ý với cha mẹ cháu, không nên nói tục hoặc quát tháo cháu.

Chỉ 3 tháng, cháu đã hoàn toàn khác. Cháu biết học cả cách tôi nói chuyện với chồng tôi để về “dạy” lại cho mẹ cháu. Mẹ cháu cũng đang bắt đầu thay đổi...

Một bạn trai khác của con tôi nhiều lần “cầm nhầm” bút của con tôi, con tôi thì bảo là bạn “lấy” bút của con, nhưng tôi không muốn làm bạn con “quê” nên động viên cháu trả bút cho con tôi đồng thời nhờ cháu nhắc con tôi quản lý sách bút.

Sau đó, tôi mua tặng cháu những cái bút tương tự mà tôi biết là cháu rất thích. Chuyện cầm nhầm bút, sau đó không lặp lại nữa.

Với con gái tôi, những lần mắc lỗi bị ăn đòn làm cháu cảm thấy đau rất lâu.

Giờ tôi không đánh đít cháu mà đề nghị úp mặt vào tường 10 phút suy nghĩ, sau đó hai mẹ con trò chuyện.

Và thường thì, 10 phút đó kịp cho cháu nhận ra lỗi và kịp cho tôi lấy lại bình tĩnh. Những cuộc nói chuyện sau đó thường làm cháu khóc rất nhiều, thấm thía bài học mà mẹ phân tích.

Và tôi cũng có dịp nghe cháu thổ lộ những cách nhìn nhận từ phía con trẻ.

Tôi thích những buổi học như thế, mẹ con hiểu hơn và yêu nhau hơn.

Quá trình dạy con, cũng là quá trình tôi tự giáo dục chính mình. Tôi cũng thấy mình thật sự đang thay đổi.

Ở trường, con tôi cũng nhiều khi bị cô đánh, không phải vì các con tôi hư, mà vì những chuyện rất tức cười. Ví dụ trong giờ tập viết, con tôi bị bạn lấy mất bút, cháu đứng lên tìm quanh thì bị cô cầm thước đánh vào vai quát ngồi xuống. Con trai tôi từng bị cô giáo nhéo vào tai bầm tím cả tuần.

Trong lòng, tôi thực sự không phiền trách các cô giáo, cũng chưa bao giờ, than phiền với ai vì chuyện các cô giáo nặng tay với trẻ.

Vì tôi biết, các cô cũng là con người bình thường, như tôi.

Nhưng đã có một lần tôi viết thư tay cho một cô giáo trẻ mới ra trường, chỉ là để tâm sự về nỗi lòng một người mẹ khi thấy con bị cô giáo nhéo tai bầm tím.

Tôi không muốn làm lớn chuyện, nhưng tôi đau lòng và mong cô hiểu cho các bà mẹ đang trông cậy vào lòng nhân hậu của cô.

Sau đó, tôi và cô giáo cũng có một cuộc trò chuyện trong nước mắt và sự cảm thông.

Sau đó, con tôi yêu có giáo nhất trong các cô con tôi đã từng được học.

Và kể từ đó, tôi quan sát thấy, tất cả những đứa trẻ trong lớp con tôi đều yêu cô, gần gũi với cô hơn hai cô giáo còn lại.

Tôi chưa tin được ai đó có thể đánh trẻ trong cảm giác chủ đạo là tình yêu thương thậm chí là từ động cơ yêu thương.

Nhưng tôi cũng không trách giận nếu thầy cô đánh trẻ trong “mức độ giận dữ vừa phải” và bao trùm lên cả quá trình gần gũi trẻ là tình yêu và sự quan tâm.

Tôi nghĩ, những anh chị nói là mình đã trưởng thành từ đòn roi của thầy cô, thực chất, họ trưởng thành từ tình yêu thương và sự quan tâm của thầy cô mà đòn roi tuy có nhưng chưa lấn át được.

Tuy nhiên quan điểm của tôi là, không đánh mà vẫn dạy được trẻ, thì mới thực sự là giáo dục.

Chúng ta không đòi hỏi tất cả các thầy cô phải thực hiện được điều đó, nhưng chúng ta phải nỗ lực để hướng tới điều đó.

Bởi nếu chúng ta chấp nhận đòn roi như một phương pháp cần thậm chí rất cần, thì sẽ có nhiều người vin vào đó để lạm dụng đòn roi.

Như trường hợp con gái một đồng nghiệp của tôi mà tôi kể sau đây.

Cháu thông minh, ngoan, vừa đậu vào lớp tăng cường tiếng Anh của một trường tiểu học ở thành phố lớn nhất nước.

Chỉ có điều cháu không học trước chương trình lớp 1, nên có thể chậm chạp hơn các bạn cùng lớp.

Ngày thứ 2 đi học, cháu về nói với mẹ là, cô bảo tụi con là đồ khốn nạn!

Ngày sau nữa cháu bị bấu chầy tay ở vị trí con chuột trên bắp tay phải.

Ngày nữa cháu bị đánh bằng thước kẻ, sưng bàn tay phải, bàn tay cầm viết.

Mẹ cháu kể với tôi mà nước mắt vòng quanh. Mẹ cháu cũng đã nói chuyện với cô.

Cô không chê gì bé cả, còn động viên mẹ cháu là từ từ cháu sẽ tiến bộ bằng các bạn thôi.

Nhưng cô vẫn kết luận là, “Các anh chị ấy bây giờ là phải cứng rắn!”.

Mẹ cháu chấp nhận “từ từ” theo kiểu của cô. Chắc vì mẹ cháu nghĩ điều đó là cần thiết với bé để bé có thể theo kịp một chương trình nặng hơn sức của bé.

Mà mẹ cháu cũng là một giảng viên. Như vậy cái ý nghĩ đòn roi là cần không chỉ có ở người chịu trách nhiệm dạy các cháu ở trường, mà còn được những người đẻ ra các cháu chấp nhận, dù cha mẹ các cháu biết con mình không đáng phải chịu một phương pháp giáo dục như vậy.

Tôi thì không cho đó là một sự chấp nhận cần thiết đối với tương lai, mà trước hết là với tâm hồn của một đứa trẻ.

Trẻ chỉ cần ở ta tình yêu thương và sự kiên nhẫn mà thôi!

Nếu hỏi chính các bé, tôi nghĩ, sẽ không chủ quan khi kết luận, không bé nào thích thú học với những người đã bạo hành các bé, dù ở mức độ nào.

Các bé rất nhạy cảm, ai yêu các bé, các bé nhận ra ngay. Đừng hy vọng giả tạo với các bé.

Ta không đủ tình yêu thương và lòng kiên nhẫn thì ta nên tự nhận để mà cố gắng sửa mình.

Những suy nghĩ tản mạn. Những câu chuyện riêng. Chỉ là để chia sẻ một góc nhìn.

  • Cù Thị Thanh Huyền

Nguồn[sửa]

Xem thêm[sửa]

Liên kết đến đây