Thuốc bổ sung hoạt chất chống ôxy hóa và nguy cơ tử vong

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Lâu nay trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trong quan niệm của đại đa số thầy thuốc thì việc sử dụng các chế phẩm bổ sung các chất chống ôxy hóa có thể ngăn ngừa bệnh tật, làm chậm quá trình lão hóa, chống ung thư và kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc như vậy có lợi hay có hại vẫn chưa được chứng minh chắc chắn. Vậy niềm tin đó đã được kiểm chứng bằng y học chứng cớ như thế nào?

Một câu trả lời khiến không ít người thất vọng là việc sử dụng các thuốc bổ sung các chất chống ôxy hóa như beta carotene, vitamin E và đặc biệt là vitamin A làm gia tăng nguy cơ tử vong một cách đáng kể. Đây là kết luận của một bài báo nghiên cứu phân tích tổng hợp các kết quả của nhiều nghiên cứu trước đó. Công trình này được đăng tải trên Journal of American Medical Association (JAMA. 2007;297:842-857). JAMA là một trong những tạp chí chuyên ngành uy tín hàng đầu của Mỹ và thế giới.

Tiến sĩ y khoa Goran Bjelakovic ở Trung Tâm Nghiên Cứu Can Thiệp Lâm Sàng, Bệnh viện đại học Copenhagen, Đan Mạch cùng cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu phân tích công phu và tỉ mỉ các nghiên cứu đã công bố trước đó nhằm khảo sát tác dụng của việc bổ sung các chất chống ôxy hóa (beta carotene, vitamins A and E, vitamin C và selenium) đến tử vong do mọi nguyên nhân ở người lớn. Các nhà khoa học đã tập hợp được 68 nghiên cứu ngẫu nhiên với 232 606 người tham gia. Dựa vào phương pháp nghiên cứu sử dụng trong từng thử nghiệm, các nhà nghiên cứu cũng phân loại 68 thử nghiệm lâm sàng này thành những thử nghiệm có độ tin cậy cao (ít nguy cơ sai lầm) và nhóm thử nghiệm có độ tin cậy thấp (tiềm ẩn nhiều nguy cơ sai lầm). Nếu xét tổng thể tất cả các thử nghiệm có độ tin cậy cao lẫn thử nghiệm có độ tin cậy thấp thì không có mối liên quan có ý nghĩa giữa việc sử dụng chất chống ôxy hóa và tỉ lệ tử vong. Tuy nhiên, trong 47 nghiên cứu có độ tin cậy cao thì điều trị bổ sung chất chống ôxy hóa làm tăng 5% nguy cơ tử vong. Xét một cách riêng rẽ thì beta carotene làm tăng 7%, vitamin A làm tăng 16% và vitamin E làm tăng 4% nguy cơ tử vong so với nhóm không được bổ sung. Trong khi đó không có mối tương quan giữa bổ sung vitamin C hoặc selenium với nguy cơ tử vong.

“Nghiên cứu phân tích hệ thống của chúng tôi cho thấy việc sử dụng beta carotene, vitamin A và vitamin E một cách riêng rẽ hoặc kết hợp với các thuốc bổ sung chất chống ôxy hóa khác làm tăng một cách đáng kể tỉ lệ tử vong. Nghiên cứu cũng cho thấy không có bằng chứng nào chứng tỏ rằng vitamin C làm tăng tuổi thọ. Selenium có khuynh hướng làm giảm tỉ lệ tử vong nhưng chúng ta cần nhiều nghiên cứu hơn nữa về vấn đề này để có thể đi đến kết luận chắc chắn”- các tác giả bài báo đã viết như vậy.

Các tác giả cũng đưa ra kết luận là “có một số cơ chế có thể giải thích vì sao các chất chống ôxy hóa có ảnh hưởng xấu đến tỉ lệ tử vong. Mặc dù các kích tác ôxy hóa có một vai trò giả định trong quá trình bệnh sinh của nhiều bệnh lý mạn tính khác nhau, đây có thể chỉ là hậu quả của một tình trạng bệnh lý nào đó. Khi loại bỏ các gốc tự do này ra khỏi cơ thể, chúng ta đã ngăn cản hoạt động bình thường của những cơ chế phòng vệ thiết yếu nhất của cơ thể. Những chế phẩm bổ sung chất chống ôxy hóa có nguồn gốc tổng hợp và không được đưa vào những nghiên cứu độc tính một cách nghiêm ngặt trước khi đưa ra thị trường như các thuốc khác.”

Một công trình khoa học dù là công phu tỉ mỉ đến mức nào và dù được đăng tải trên tạp chí uy tín đến đâu đi chăng nữa thì vẫn chưa thể là câu trả lời cuối cùng. Tuy nhiên với những gì chúng ta được biết cho đến thời điểm hiện tại thì việc chạy theo quảng cáo sử dụng các thuốc nhằm làm tăng sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật, kéo dài tuổi xuân như trên là điều cần phải cân nhắc kẻo lại “tiền mất tật mang” mà không hề biết.