Trị viêm gan B

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Viêm gan B là bệnh do virus HBV gây ra, mặc dù đã có vắc-xin phòng ngừa nhưng tới nay vẫn chưa có biện pháp chữa trị. Điều may mắn là nếu người bệnh được chẩn đoán sớm thì có thể điều trị thành công. Nếu tình trạng nhiễm trùng trở nên mãn tính thì điều quan trọng cần làm là ngăn chặn và giảm thiểu tổn hại cho gan. Tuy nhiên nếu được điều trị đúng cách thì tiên lượng bệnh thường rất tốt.[1]

Các bước[sửa]

Chăm sóc Phòng bệnh Sau khi Phơi nhiễm[sửa]

  1. Nhận biết nguyên nhân gây viêm gan B để tìm biện pháp chữa trị ngay khi bị phơi nhiễm. Virus gây viêm gan B lây truyền qua đường máu, nước bọt, tinh dịch và các dịch tiết khác của cơ thể. Nguyên nhân phổ biến làm lây bệnh gồm:[2]
    • Quan hệ tình dục với người bệnh. Sự lây nhiễm xảy ra khi tiếp xúc với máu, tinh dịch, dịch tiết âm đạo và nước bọt.
    • Lây qua đường kim chích. Khả năng này thường xảy ra với những người dùng chung kim chích khi sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch, và nhân viên y tế nếu gặp rủi ro bị kim đâm.
    • Mẹ lây sang con. Mẹ bị bệnh có thể truyền virus sang con trong khi sinh. Nhưng nếu người mẹ biết mình mắc bệnh thì có thể chích ngừa cho bé ngay lúc mới sinh.
  2. Chăm sóc phòng bệnh nếu bạn tin mình đã bị phơi nhiễm. Sau khi phơi nhiễm với viêm gan B bạn phải đi khám bệnh ngay lập tức. Nếu được chăm sóc phòng bệnh trong vòng 12 giờ sau khi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, bạn có khả năng ngăn chặn được bệnh. Bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp như sau:[3]
    • Chích cho bạn một mũi globulin miễn dịch với viêm gan B để tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể.
    • Chích ngừa viêm gan B.
  3. Để ý triệu chứng của nhiễm trùng viêm gan B. Các triệu chứng thường xuất hiện trong vòng một tới bốn tháng sau khi phơi nhiễm lần đầu. Triệu chứng bao gồm:[4]
    • Đau bụng
    • Nước tiểu thẫm màu
    • Sốt
    • Đau khớp
    • Không cảm thấy đói
    • Ói và buồn nôn
    • Cảm thấy mệt mỏi, yếu ớt
    • Hoàng đản (Da và lòng trắng mắt chuyển sang màu vàng)

Chăm sóc khi Nhiễm Viêm gan B[sửa]

  1. Gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hay một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm để xét nghiệm viêm gan B. Bác sĩ có thể phải làm nhiều xét nghiệm.[5]
    • Thông qua xét nghiệm máu họ xác nhận bạn đã nhiễm virus hay chưa, và tình trạng bệnh là cấp tính hay mãn tính.
    • Có thể bác sĩ cũng làm xét nghiệm sinh thiết gan để xác định gan đã bị tổn hại chưa. Xét nghiệm này đòi hỏi phải lấy một phần rất nhỏ của mô gan bằng cây kim nhỏ, sau đó mô được phân tích trong phòng thí nghiệm.
  2. Trị viêm gan B cấp tính. Hầu hết các ca nhiễm viêm gan B đều là cấp tính. Mặc dù tên gọi nghe hơi đáng sợ nhưng viêm gan B cấp tính là trường hợp nhiễm trùng có thể tự khỏi. Khoảng 95% các trường hợp sẽ tự khỏi và thời gian hết bệnh thường chỉ kéo dài vài tuần, chức năng gan trở lại bình thường trong vòng sáu tháng. [3][6] Thông thường bạn không cần biện pháp điều trị đối với viêm gan B cấp tính.
    • Dành nhiều thời gian nằm nghỉ, uống nhiều nước, ăn thực phẩm lành mạnh, đây là cách để giúp cơ thể quét sạch virus nhanh hơn.[6]
    • Nếu bệnh gây đau thì bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để chọn loại thuốc giảm đau thích hợp, kể cả với thuốc mua không cần kê toa (acetaminophen, aspirin, hay ibuprofen), hoặc uống bổ sung thảo dược. Bạn không nên uống bất kì thứ gì buộc gan phải hoạt động nhiều hơn.[3]
    • Lên lịch xét nghiệm máu cho những lần sau để theo dõi tình hình nhiễm trùng. Những xét nghiệm này giúp bác sĩ biết được cơ thể còn virus hay không.
    • Nếu gan đang bị virus tấn công thì bác sĩ có thể kê thuốc kháng virus lamivudine (Epivir).[7]
  3. Khi nào cần bắt đầu biện pháp điều trị dành cho viêm gan B mãn tính. Nếu cơ thể không thể quét sạch virus trong vòng vài tháng, khả năng bạn đã mắc viêm gan B mãn tính. Biện pháp điều trị viêm gan B mãn tính được áp dụng nếu bạn có các triệu chứng sau:[6]
    • Mức độ nhiễm virus trong máu cao
    • Suy chức năng gan
    • Có dấu hiệu tổn thương gan lâu dài và tạo sẹo (xơ gan)
  4. Thảo luận phương pháp điều trị với bác sĩ. Có nhiều khả năng khác nhau và tất cả tùy thuộc vào tuổi tác và tình hình bệnh hiện tại của bạn.[3]
    • Thuốc kháng virus có thể giảm số lượng virus trong cơ thể. Các loại thuốc này bao gồm lamivudine (Epivir), adefovir (Hepsera), telbivudine (Tyzeka) và entecavir (Baraclude). Chúng có tác dụng trì hoãn tốc độ phát triển của bệnh và giảm khả năng lưu lại tổn thương gan.[3][7]
    • Interferon-alpha là thuốc chứa loại protein tổng hợp do cơ thể sản sinh để chống lại virus. Thuốc thường được kê cho người trẻ tuổi khi họ muốn có thai trong vài năm tới và không muốn phải điều trị lâu. Tuy nhiên, thuốc gây ra nhiều tác dụng phụ đáng kể, bao gồm trầm cảm, cảm giác bồn chồn, triệu chứng giống như cúm, bệnh đường hô hấp, đau ngực và rụng tóc.[3][7]
    • Bản sao nhân tạo nucleoside/nucleotide là các chất ngăn không cho virus nhân bản. Một số thuốc chứa chất này bao gồm adefovir (Hepsera), entecavir (Baraclude), lamivudine (Epivir-HBV, Heptovir, Heptodin), telbivudine (Tyzeka) và tenofovir (Viread). Tuy nhiên, các thuốc này có khuyết điểm rất lớn, đó là virus có thể phân chia và phát triển khả năng kháng thuốc sau nhiều năm sử dụng.[7]
  5. Tham khảo ý kiến bác sĩ vệ việc ghép gan nếu gan bị tổn thương quá nặng và có nguy cơ gây tử vong. Nếu cần, bác sĩ có thể phẫu thuật cắt bỏ gan và thay gan mới vào.
    • Đôi khi bạn chỉ cần dùng một phần gan khỏe mạnh của người hiến tặng.

Sống với Viêm gan B[sửa]

  1. Nhận thức về giới hạn của phương pháp điều trị. Dù thuốc có thể giảm số lượng virus trong máu về gần số không, nhưng vẫn còn một lượng nhỏ virus sống trong gan hay ở chỗ khác.[7]
    • Chú ý đề phòng bệnh tái phát hoặc các triệu chứng xuất hiện trở lại. Nếu bệnh tái phát bạn phải tới gặp bác sĩ ngay.
    • Xin lời khuyên của bác sĩ về phương pháp theo dõi bệnh lâu dài.
  2. Áp dụng biện pháp tránh lây bệnh cho người khác. Nếu chỉ tiếp xúc đơn giản thì bệnh không thể lây, nhưng nếu có sự trao đổi dịch tiết cơ thể thì virus hoàn toàn có thể lây qua đối phương.[8]
    • Cư xử thẳng thắn với bạn tình và khuyến khích họ đi xét nghiệm, chích ngừa.
    • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ lây nhiễm.
    • Không dùng chung kim chích, ống chích, dao cạo hay bàn chải đánh răng, tất cả những dụng cụ này đều có khả năng chứa lượng máu nhỏ có virus trên đó.
  3. Không tiêu thụ các chất làm tổn hại gan hoặc buộc gan hoạt động nhiều hơn. Ví dụ như rượu bia, thuốc kích thích, thuốc uống không theo chỉ định của bác sĩ hay thuốc bổ.[9][6]
    • Bản thân rượu bia gây hại cho gan nên bạn kiêng dùng các thức uống này để bảo vệ gan trong thời gian trị bệnh.
    • Không dùng thuốc kích thích có thể làm tổn thương gan.
    • Đối với thuốc không cần bác sĩ chỉ định, bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn loại thuốc nào có thể uống để trị các bệnh nhẹ như cảm lạnh, cúm, hoặc đau đầu. Dù là thuốc bán tự do nhưng chúng có thể tăng gánh nặng cho gan trong giai đoạn gan bị tổn thương hay suy yếu.
  4. Duy trì sự gắn kết với bạn bè và người thân. Bạn không thể lây bệnh cho người khác bằng con đường tiếp xúc thông thường, do đó bạn nên duy trì các mối quan hệ vì chúng rất cần cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
    • Tìm các tổ chức hỗ trợ cho người bị bệnh gan.[6]
    • Bạn nên nhớ nếu bệnh được điều trị và theo dõi đúng cách, tiên lượng bệnh đối với người mắc viêm gan B thường rất tốt.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây