Về việc dạy chữ Nho ở trường phổ thông/4

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Kỳ 4/6: Khó khăn trong việc sử dụng thuật ngữ, lối nói và từ ngữ có gốc chữ Nho


Từ khi dùng Quốc ngữ thì trên lý thuyết của tiếng Việt thành văn, chúng ta chỉ nghĩ bằng từ, chứ không còn nghĩ bằng hình nét và thanh âm kết hợp như khi dùng chữ Nôm, vì Quốc ngữ chỉ ký chép âm. Mà đã nghĩ bằng từ thì khi vận dụng một âm, sự qui chiếu là nghĩa hiện đại của âm đó, vì mối quan hệ âm-nghĩa trong tiếng Việt Quốc ngữ cũng trở nên lỏng lẻo, như trong khẩu ngữ (chúng tôi tránh dùng thuật ngữ võ đoán để không làm sai lệch bản chất mối quan hệ âm-nghĩa của những từ có gốc chữ Nho). Trong giao tiếp bằng lời, nghĩa từ nguyên của từ không hiện hữu. Nghĩa hiện đại của từ, cũng trên lý thuyết, là tương hợp với những sự vật và khái niệm trong cuộc sống hiện tại.

Nhưng thời hiện tại lại không bao giờ chỉ là thời hiện tại. Thời hiện tại chẳng qua chỉ là một hay nhiều thời quá khứ cộng thêm với các nhân tố mới của thời đại mà thôi. Trong một gia đình bây giờ, cha mẹ thường không quên ngày giỗ ông bà, còn con cái thì không quên ngày sinh nhật của họ. Làm giỗ bắt nguồn từ quan niệm cho rằng, sự tồn tại của linh hồn sau khi chết là trọng, còn kỷ niệm sinh nhật thì bắt nguồn từ quan niệm cho rằng, cuộc đời mà ta đang sống là trọng. Hai mỹ tục, hai thế giới quan và hai nhân sinh quan trái hẳn nhau, nhưng cùng tồn tại một thời. Thành ra, hiện thực bao giờ cũng là sự hoà trộn giữa quá khứ và hiện tại.

Vậy mà toàn bộ thế giới quanh ta, cũng như sự vận động của thế giới đó, lại chỉ được phản ánh vào trí não ta, nhờ tiếng nói, vì tiếng nói là hiện thực trực tiếp của tư duy. Một tiếng nói (một ngôn ngữ) cũng giống như một tấm lưới mà mỗi từ là một mắt lưới, nhờ những mắt lưới đó mà ta nắm bắt được hiện thực quanh ta. Nhưng sự vật hay khái niệm mà âm thanh của một từ qui chiếu, lại ở trạng thái vận động, hoà lẫn hoặc thay thế nhau. Khi ta dùng một từ, ta tưởng như ta đang chỉ dùng nghĩa hiện đại của nó, nhưng thật ra, những hàm nghĩa khác vẫn chi phối đầu óc ta, do sự thừa kế tự nhiên giữa các thế hệ, do những quyền lực vô hình hay hữu hình của những gì thuộc về quá khứ. Đôi khi, sự quy chiếu của từ ngữ đã đánh lừa chúng ta. Mà nó không chỉ đánh lừa một cá nhân, một hay một vài thế hệ. Nó có thể đánh lừa cả một vùng văn hoá, trong hàng thế kỷ. Không biết mình có thể bị sự qui chiếu đánh lừa thì không thể hiểu được ngay những gì đang diễn ra trước mắt. Đó có thể là lý do vì sao, nhiều người vẫn thấy chữ Hán cần được chiếm hữu, vì nó là một hệ qui chiếu mà quyền lực của hệ qui chiếu ấy vẫn hiện diện trong tín ngưỡng, tôn giáo hay nghi lễ, trong cách chúng ta làm văn hoá và nghệ thuật, trong thói quen nhận thức và ứng xử của chúng ta. Tôi cũng thuộc trong số những người nghĩ như thế và tôi xin đưa ra một vài ví dụ để giải thích tại sao, chữ Hán và qui tắc tư duy của nó có thể làm cho suy nghĩ của ta sai lệch. Những ví dụ này sẽ lấy trong nghiên cứu văn chương để câu chuyện văn tự ở đây, tiếp cận những mối quan tâm của độc giả Văn nghệ Trẻ.

1. Chu dịch và mỹ học [1] là một cuốn sách được xem như thuộc trong số những cuốn sách hàng đầu về lý luận văn nghệ Trung Quốc hiện nay mà nội dung chủ yếu là chứng minh rằng, mỹ học Trung Hoa đã phát hiện ra cấu trúc hình-tượng từ Chu dịch. Truy tìm nguồn gốc như vậy không có gì để bàn cãi. Văn hoá dân gian của ta cũng đầy cứ liệu có thể giúp ta chứng minh cách nhận biết và diễn đạt thế giới bằng hình-tượng như thế. Nhưng tôi thực sự ngạc nhiên khi các tác giả đồng nhất hình-tượng (có xuất xứ từ Chu dịch) với hình tượng (có xuất xứ từ Hy Lạp và Phương Tây). Các tác giả của cuốn sách cho rằng, “thứ nhất, tượng quẻ là cụ thể, cảm tính” rồi dẫn lời Hegel để khái quát rằng, “nghệ thuật là dùng phương thức hình tượng hoá cảm tính, đem chân thực trình ra với ý thức”; rằng, thứ hai, tượng quẻ (và do đó, Chu dịch) “đã kế thừa và phát triển tư tưởng bắt chước tự nhiên (hiệu pháp tự nhiên) và nâng nó lên tầng cao mới” (tr. 102). Chúng ta sẽ không bàn về tư tưởng sô-vanh trong hàm ý là nghệ thuật Trung Hoa không những đã tìm ra những tư tưởng của Hegel từ thời cổ đại (với Chu dịch), không những đã đề xuất lý thuyết mô phỏng như Aristote, mà còn phát triển nó cao hơn, vì quyền tự hào dân tộc là quyền của các tác giả. Chúng tôi chỉ bàn về một lầm lẫn chết người trong việc đánh đồng khái niệm hình-tượng trong chữ Nho với khái niệm hình ảnh của Phương Tây (do alphabet tạo ra) mà chúng ta hiện nay vẫn gộp chung làm một do chỉ có một lối viết là hình tượng. Sự lầm lẫn này có nguồn gốc từ thời Tân thư, khi nhu cầu dịch thuật là cấp bách và quan niệm về dịch thuật bấy giờ là lấy tiếng nói dân tộc làm cơ sở, bất chấp một sự thật là, sự vật được nhìn khác nhau trong những thế giới khác nhau. Có thể vạch ra lầm lẫn ấy như sau:

Từ điển Đào Duy Anh giảng chữ “hình” là có ba nghĩa: nghĩa thứ nhất là cái bày đặt ra. Cái bày đặt ra thì không phải hình ảnh trung thực về sự vật mà là cái thần của sự vật, giống như Nguyễn Du, thay vì cho ta biết Thuý Vân ăn vận, đi đứng, nói năng thế nào, lại bảo ta là nàng “trang trọng khác vời”. Nghĩa thứ hai là dung mạo. “Dung” có hình gốc là một cái lọ để trong một cái hang. “Mạo” có gốc từ chữ “mão” (mũ) mà ra. Vậy thì dung mạo không phải là hình vẽ tả thực để nhận diện về sự vật mà là cái mà sự vật hàm chứa hay toát lên. Nghĩa thứ ba là thế đất. Tìm ở mô đất một con rồng chầu hay một con hổ ngồi thì nhận diện mô đất không phải là mục đích cuối cùng của nhận thức. “Tượng” là hình vẽ đầy đủ các bộ phận của một con voi. Nhưng nó có thêm các nghĩa, cũng theo Từ điển Đào Duy Anh, là hình trạng, phép tắc. Như vậy, hình-tượng là phép nhận biết cái trừu tượng trên hình thế của các sự vật và cái trừu tượng này bao giờ cũng được chỉ ra bằng chính hình thế đó. Do mỗi hình-tượng chỉ là một tương quan, một hình thế nên người ta có thể so sánh chúng với nhau nếu chúng có cùng tương quan, cùng hình thế (thuyền bến có thể ví với những người thương do có cùng hình thế là gắn bó với nhau). Trong số báo trước chúng tôi đã dẫn ra thú chơi cây cảnh và hòn non bộ để chúng ta hình dung khái niệm hình-tượng trong nền văn hoá chữ Nho.

Nếu bản chất của khái niệm hình-tượng là như trên, có nguồn gốc là mô hình tượng quẻ trong Chu dịch, thì dứt khoát nó không thể mang tính chất cụ thể-cảm tính. Cụ thể là mô tả sự vật như nó hiện ra, trái với trừu tượng là nắm bắt cái thần của sự vật. Không cụ thể thì không gây ra cảm tính, tức là không gây ra yêu, thương, giận, hờn một cách tự nhiên như ta chứng kiến những con người và những cảnh đời trong cuộc sống thật. Do đó, nghệ thuật không bao giờ là bắt chước tự nhiên (bắt chước con người hành động như trong cuộc đời thật) như quan niệm của Aristote và nguyên lý của nghệ thuật cũng không bao giờ là nói bằng hình ảnh (allégorie, trình bày một tư tưởng về hiện thực) như ý kiến của Hegel. Nói bằng hình ảnh tả chân tức là nói bằng ẩn dụ (một hình ảnh đã có thể mang giá trị một khái niệm, ví dụ bàn tay là ẩn dụ về quyền năng của Chúa, chứ không dính dáng gì đến hình thế).

Từ hai lý thuyết hình-tượng và hình tượng, xuất hiện hai mô hình văn chương khác hẳn nhau, kể cả ở Trung Quốc. Văn chương hiện đại Trung Quốc cũng đã rời bỏ mô hình cổ đại vì một mặt, người Trung Quốc hiện nay dùng bạch thoại, chữ giản thể hay không giản thể của họ không bao giờ trở thành văn tự ghi âm đích thực, nhưng nó đã được cải tiến theo nguyên tắc lấy lời nói làm chuẩn cho văn tự. Hai là, nghiên cứu và phê bình văn chương của Trung Quốc hiện nay (do định hướng sáng tác) tự xác định là bắt đầu lại từ các tiêu chí của Phương Tây để tìm cách vượt qua nền nghiên cứu và phê bình đó (xem tuyên ngôn này trên nhiều bài báo của các học giả Trung Quốc đương đại đã được dịch trên Văn nghệ). Nhưng chúng ta hãy trở về với nghiên cứu và phê bình của ta.

Chúng ta đã dùng Quốc ngữ thì trên nguyên tắc, văn chương cổ và văn chương hiện đại của chúng ta phải khác hẳn nhau. Nhưng vấn đề lại ở chỗ, thứ nhất, ý thức về sự khác nhau này không dễ. Người Việt chúng ta cũng hầu như cũng không phân biệt hình-tượng với hình tượng và điều này thấy rõ ngay trong Từ điển Đào Duy Anh, vì ông cũng đã định nghĩa “hình tượng” là hình dáng bề ngoài, y hệt như định nghĩa về hình ảnh (image) trong tiếng Pháp. Thứ hai, khi một tác phẩm viết bằng chữ Hán hay chữ Nôm mà được chuyển tự sang Quốc ngữ thì ranh giới giữa hình-tượng và hình tượng rất khó phân biệt, vì Quốc ngữ chỉ ký âm mà tư duy bằng từ, có bản chất là tư duy ẩn dụ, trong khi hiện thân của lối diễn tả bằng hình-tượng là chữ Hán và chữ Nôm không xuất hiện trước mắt ta. Từ hai lý do ấy, chúng ta dễ mắc hai lầm lẫn là 1. phán xét về văn chương hiện đại y như cách mà các cụ phán xét về văn chương cổ (do thói quen tư duy), và 2. đọc văn chương cổ y như đọc văn chương hiện đại (do chỉ đọc bằng Quốc ngữ). Tôi xin dẫn ra hai ví dụ minh hoạ cho hai lầm lẫn như trên.

Ví dụ thứ nhất là về việc hiểu văn chương hiện đại. Trong vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan của Nguyễn Đình Thi, chi tiết làm nên tư tưởng trung tâm của tác phẩm được khắc hoạ, theo trí nhớ của tôi, như sau: Từ biệt cha, người anh hùng trở về Đông Quan, nhưng đã không sao biết được cần phải bắt đầu từ đâu, bằng việc gì để cứu nước. Ông đọc sách và suy nghĩ thâu đêm suốt sáng. Thế rồi, sách lược cứu nước đã đến với ông một cách bất ngờ: một ngày kia, do chung sống và quan sát những người xung quanh, ông nhận ra rằng, một người mù, một người câm, một người điếc mà hợp sức với nhau thì họ vẫn có con mắt sáng, đôi chân khoẻ và cái tai thính, mà không một người lành lặn nào sánh được. Mù, câm, điếc là những ẩn dụ về quần chúng nhân dân. Nguyễn Trãi rút ra sách lược: phải đánh vào lòng người trước khi đánh vào quân giặc. Đó cũng là một khía cạnh của chữ “nhân” trong tư tưởng Nguyễn Trãi: nhân không phải là lòng nhân, thể hiện trong sự ban cơm, phát áo, mà thể hiện trong việc chỉ cho mỗi người con đường đứng dậy làm người. Đây là Nguyễn Trãi được nhìn bằng con mắt hiện đại và có lý do để nhìn như vậy.

Tư tưởng này không phải từ trên trời rơi xuống. Nó được rút ra một phần từ sách lược đánh giặc của Nguyễn Trãi, nhưng chủ yếu từ thực tiễn Cách mạng và từ hai cuộc kháng chiến của chúng ta. Trong Cách mạng và Kháng chiến, chúng ta cũng đặt nhiệm vụ giác ngộ, giáo dục quần chúng là nhiệm vụ trọng tâm. Nguyễn Đình Thi viết tác phẩm này ngay sau khi miền Nam vừa được giải phóng. Tôi nghĩ, ông tái tạo một nhân vật lịch sử nhưng muốn gửi gắm vào đó những suy tưởng của ông về Cách mạng và về thời hiện tại, về sự tiếp nối truyền thống. Vở kịch lại do một đạo diễn có tài năng lớn là Đình Quang chỉ đạo và do nhiều diễn viên xuất sắc vào vai nên tính cách ẩn dụ của các vai được thể hiện khá rõ ràng. Nhưng khi xem xong, một nhà phê bình có danh tiếng lúc bấy giờ bảo tôi (tôi là người đã đề nghị tác giả cho diễn thêm buổi đó để cán bộ và sinh viên khoa Văn xem), “thể hiện lãnh tụ như thế thì không được”. Ông đã hiểu tác phẩm như một sự ám chỉ: lãnh tụ chẳng biết gì, chẳng qua dân dạy khôn cho mà thôi. Ông phán xét về tác phẩm theo hình thế của các nhân vật chứ không theo lối ẩn dụ mà Nguyễn Đình Thi và Đình Quang đã dụng công dàn dựng. Nó bắt nguồn từ thói quen nhận biết và diễn giảng thế giới bằng hình-tượng, như với văn chương cổ. Trong văn chương cổ, nhà văn nói chuyện một nhà vua trong quá khứ nhưng chính là để răn đe ông vua đang tại vị. Dĩ nhiên, nghĩ như vậy thật là lầm lẫn đáng tiếc, vì văn chương hiện đại nói chung và tác phẩm của Nguyễn Đình Thi nói riêng đã rời bỏ mô hình sáng tạo của quá khứ. Nó không ám chỉ mà nêu ra một tư tưởng về hiện thực. Tiếc thay, cách phê bình tương tự về văn chương hiện đại vẫn còn chi phối nhiều người.

Ví dụ thứ hai là về cách hiểu văn chương cổ. Chúng tôi xin trở lại với cách hiểu bài Mời trầu của Hồ Xuân Hương mà chúng tôi đã có dịp nói trên Văn nghệ. Một vài nhà nghiên cứu cho rằng, với bài thơ đó, Hồ Xuân Hương chửi vào nhân tình thế thái. Nói như vậy là có căn nguyên: theo phép tư duy bằng ẩn dụ thì “trầu hôi” có thể được hiểu là trầu ôi héo. Trong ngày được dạm hỏi, người phụ nữ trong bài thơ này đã biểu hiện trước thái độ không hưởng ứng bằng cách mời khách ăn miếng trầu không ngon, với ngầm ý xua đuổi. Nếu thế thì Hồ Xuân Hương thực sự là một người đanh đá và chua ngoa. Cho nên, ta bảo, Hồ Xuân Hương chửi vào nhân tình thế thái là phải. Nhưng nếu xét theo nguyên lý hình-tượng của văn chương cổ thì trầu hôi không thể đứng một mình mà phải đi với quả cau nho nhỏ. Mặt khác, “trầu hôi” trong chữ Nho phải là một thực từ, nên phải liên hệ với một sự vật có gốc gác thật (giống như Kiều, Hoạn Thư, Lục Vân Tiên ... phải là những nhân vật trong sử, thành văn hay truyền khẩu). Trong trường hợp này, trầu hôi (thứ trầu tìm ở đâu, vào mùa nào cũng có thể thấy) chứ không phải trầu quế (thứ trầu thượng thặng nhưng không ra lá vào mùa đông) là một loại trầu đích thực, chẳng ôi héo gì cả. Đặt bên cạnh quả cau nho nhỏ thì miếng trầu (gồm trầu và cau) của Hồ Xuân Hương thể hiện một hình thế hài hoà chứ không khập khiễng: cau nho nhỏ là cau hoa, chưa phải là cau bánh tẻ, cau đúng độ ăn trầu. Lá trầu ấy, người têm đã “đã quệt (vôi)” rồi, tức là đã tỏ trước thái độ đồng ý bằng sự mời chào lịch sự, khiêm nhường, nhưng không quên nhắc rằng, mình cũng chẳng kém cạnh gì. Hai câu sau sẽ là lời cầu mong chân thành về sự đằm thắm nhưng không hạ mình. Nếu phân tích như cách các cụ phân tích về văn chương cổ như thế, người mời trầu là một người khiêm nhường (xem mình là lá trầu hôi) nhưng biết người, biết ta (kẻ khác cũng chỉ là cau hoa thôi), khao khát hạnh phúc nhưng tự trọng chứ không phải là người chua ngoa, cong cớn, như một vài cuốn sách hiện nay vẫn viết.

Chú thích[sửa]

  1. Lưu Kỷ Cương, Phạm Minh Hoa, T.S Hoàng Văn Lâu dịch, Nxb. Văn hoá-Thông tin, H., 2002

Mục lục[sửa]

Tác giả và nguồn[sửa]

Liên kết đến đây