Danh từ Khoa học, Giáo sư Hoàng Xuân Hãn/2

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chương II. Phương sách đặt danh từ

Phương sách đặt danh từ khoa học đều là những phương sách người ta thường dùng mỗi lúc muốn nói tới một vấn đề chưa sẵn chữ. Những phương sách ấy gồm có :

  1. Phương sách dùng tiếng thông thường.
  2. Phương sách phiên âm.
  3. Phương sách lấy gốc chữ nho.

Tôi sẽ xét từng phương sách một, xem sự lợi, bất lợi của nó ra sao, và cách ứng dụng nó nên thế nào [4].

PHƯƠNG SÁCH DÙNG TIẾNG THÔNG THƯỜNG[sửa]

Ta có sẵn một ít tiếng thông thường có tính cách chuyên môn hay là khoa học thường thức ; ví như cái kính, chất hơi, phép cộng. Những tiếng ấy rất là quí. Nó không phải là tiếng nôm cả đâu như nhiều người tưởng lầm.

Ta sẽ gọi nó là tiếng thông thường.

Tiếng thông thường gồm có một ít tiếng nôm, còn phần nhiều chữ nho dùng lâu đã quen. Ta phải lấy nó làm căn bản cho cách đặt danh từ khoa học.

Phương sách nầy rất hợp với những điều kiện thứ bốn, thứ bảy và thứ tám, nghĩa là danh từ đặt ra có gốc dễ nhớ, có âm điệu Việt nam và có tính cách quốc gia.

Nhưng hạng tiếng khoa học thông thường rất ít, vậy không thể có đủ dùng được. Vả lại ý khoa học của người ta còn rất lu mờ. Nhiều ý khác nhau, hoặc lân cận nhau mà nói chỉ bằng một tiếng. Ví dụ, tiếng chảy dùng để chỉ sự chất nước đổi chỗ trong câu nước chảy. Nó cũng có nghĩa là chất đặc hóa ra nước như trong câu sắt chảy. Nó còn có nghĩa nói vật gì có chỗ hở để nước chảy ra, như trong câu thùng chảy. Nếu ta dùng tiếng chảy để chỉ ý fusion thì không được.

Chữ đơn ít, nhưng kép ta có thể đặt ra nhiều. Khốn nỗi ghép nhiều chữ thông thường lại, thì thành ra một câu chớ không thành ra một danh từ nữa. Chữ kép ấy lúc đứng một mình, còn do khả ; chớ lúc ghép vào các ý khác thì rất là dài và sẽ mất hết tính cách một danh từ. Ví dụ ý pesanteur dùng tiếng thông thường thì ta có thể nói là sức hút của quả đất ; đó là câu định nghĩa của ý chớ không phải là tên gọi nó. Nhưng lúc ý ấy đứng một mình thì tên có dài như vậy cũng chẳng hề chi. Khi nó chắp vào trong một câu như : L'accélération de la pesanteur sur la lune est plus faible que l'accélération de la pesanteur sur la terre, dịch ra Độ gia tốc của sức hút của quả đất trên mặt trăng là hèn hơn sức hút của quả đất trên quả đất, thì không những câu rườm rà mà lại còn sai nghĩa.

Sai nghĩa, bởi vì pesanteur không phải là sức hút của quả đất mà thôi, mà còn là sức hút của một vì tinh tú nào đó nữa.

Thí dụ trên lại tỏ ra một điều bất tiện thứ hai nữa. Tiếng thông thường ghép lại tuy thành một tiếng mới, nhưng nó vẫn giữ hoàn toàn ý riêng của mỗi phần, cho nên nó hay làm lầm lẫn nghĩa.

Nói tóm lại, phương sách dùng tiếng thông thường hợp với điều kiện thứ bốn, bảy, tám, nhưng không hợp với các điều kiện khác.

Phương pháp ấy nên khi nào dùng được thì dùng, chớ nó không thông dụng được.

PHƯƠNG SÁCH PHIÊN ÂM[sửa]

Phương sách nầy dùng danh từ của Âu châu. Chúng ta hấp thụ khoa học bởi Âu châu, nhưng lấy chữ Âu châu làm danh từ khoa học cũng có nhiều điều rất tiện. Vả phần lớn danh từ khoa học của họ lấy gốc ở Hi lạp và La tinh, cho nên danh từ các nước hay tương tự và có tính cách quốc tế. Dùng nó chẳng phải lẽ lắm ru ?

Ta sẽ chọn tiếng khoa học một nước có khoa học thịnh vượng, có đủ chữ dùng rồi ; rồi ta cứ việc phiên âm. Làm như thế thì chẳng tốn công tìm tòi mà chữ nào cũng có sẵn. Trở ngại chăng chỉ có sợ mình cũng phiên âm những chữ của người ta đã đặt một cách sai hoặc dở.

Sự ấy cũng không khó tránh. Như vậy thì phương sách phiên âm đủ các điều kiện thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ năm về nội dung danh từ. Người Nhật đã dùng lối này một cách rất phổ thông. Người nước ta cũng đã đặt một ít tiếng khoa học bằng kiểu ấy. Ngày nay tiếng bu-long, phốt phát đã nhập tịch tiếng ta một cách dễ dàng như tiếng cân, tiếng đạc điền ngày xưa.

Sự lợi của lối nầy, như dã nói trên là cho ta một phương sách duy nhất, chắc chắn, dễ dàng để có một tiếng nói đầy đủ. Vả những âm đặt ra hoàn toàn mới, vậy không sợ làm lầm lẫn ý như những danh từ toàn dùng tiếng thông thường.

Chắc có kẻ nói, thế thì bất nhược học chữ ngoại quốc cho xong.

Nói thế không đúng. Phương pháp này giúp cho ta có danh từ ; chớ đến lúc những danh từ ấy đã đặt thì ta lại dùng nó theo văn phạm ta, như lúc ta dùng những danh từ mượn ở chữ nho.

Khốn một nỗi, tiếng Âu châu phần nhiều âm điệu khác hẳn tiếng ta. Hoặc vì chữ dài quá, hoặc vì âm khó đọc quá, ta không thể phiên âm được. Tiếng phiên âm phần nhiều không có tính cách quốc gia, nên sợ khó nhập tịch tiếng ta đượe. Xem như chữ athlétisme phiên âm ra at-lê-tít-mơ cũng mới lạ như tiếng điền kinh mà chỉ tiếng sau có thể nhận được mà thôi.

Những điều kiện thứ sáu, bảy, tám không trọn được

Lại còn một sự bất-tiện nữa, là tiếng phiên âm gồm toàn những tiếng vô-nghĩa, nên khi ta đọc lên, không có chỗ nào làm cho dễ nhớ nghĩa được. Nếu ít chữ phiên-âm còn do-khả. Chớ nếu nhiều thì dùng bất lợi. Học nó đã khó nhớ, mà người ta chỉ học khoa-học bằng quốc- âm, lúc nghe đọc một câu gồm tiếng đặt như vậy, khó lòng biện nghĩa được ngay. Điều-kiện thứ tư, như thế cũng không trọn được.

Lối phiên-âm nên dùng; nhưng không nên lạm-dụng. Trái lại đối với một ngành khoa-học cực kỳ riêng rẽ như hóa-học mà danh-từ hoàn toàn mới và quốc-tế, ta lại nên dùng phương-sách tiện nầy.

Ta lại còn nên dùng lúc đặt những tên đơn-vị, và những danh-từ đã thành quốc-tế thnộc về khoa-học cao-cấp. Tuy tiếng phiên-âm không gọn gàng, nhưng nó có lợi cho sự giao-tế của người bác-học xứ ta với các xứ ngoài. Lúc mình đã giỏi khoa-học thì đọc sách, đọc báo khoa-học của các nước sẽ dễ nhận được nghĩa.

PHƯƠNG SÁCH GỐC NHO[sửa]

Chữ nho là chữ Trung-hoa mà đọc theo lối ta. Tiếng Trung-hoa là một tiếng rất giàu, rất cổ, và đã có cách cấu-tạo hẳn hoi, nên người Tàu đặt chữ mới một cách không ngượng-nghịu.

Ai cũng biết rằng tính hay ngượng, hay thẹn là tính của một cá-nhân hay một dân-tộc còn non nớt. Người nước ta còn phần nhiều thuộc về hạng nầy. Chớ người Trung-hoa có một đức-tính quý, cũng như phần nhiều các nước ở Tây-phương là phàm vìệc gì làm cũng không quản sự dị-nghị của ai. Vì vậy, họ đã có một danh-từ đầy ỷu, như sau nầy tôi sẽ bàn tới.

Chữ đơn đặt lối mới thì phần nhiều về hóa-bọc hay đơn-vị : (Khinh = hydrogène) và (lý = lieue marine). Chữ kép thì lại đặt rất dễ dàng. Vì thế ta có thể noi theo đó mà dùng gốc chữ nho mà đặt đủ tiếng gọi của các ý khoa-học. (Điều-kiện thứ nhất)

Âm đơn phần lớn là âm quen, có lúc dùng một mình được. Nhưng lúc nó có nhiều nghĩa, thì ta ghép vào chữ kép làm cho nó có nghĩa riêng nên không sợ lầm lẫn. Vậy điều-kiện thứ hai và thứ ba dễ trọn.

Ta lấy vài thí-dụ, ý sphère, mới xét qua, ta tưởng dùng chữ tròn là rất phải, vì "quả cam tròn" là câu thường nói. Nhưng ý cercle cũng nói là tròn. Hai ý khác nhau mà tiếng thông-thường dùng một chữ. Nên về khoa-học ta phải đổi ý sphère ra tiếng cầu. Tuy nó có trùng-âm với cái cầu bắc qua sông chăng nữa, nhưng hai ý xa nhau quá nên không thể hiểu lầm được. Ví dụ thứ hai : Thermomètre nghĩa đen là cái vật-dụng đo nóng lạnh. Nếu ta dùng tiếng đồ đo nóng lạnh thì không những chữ dài lôi thôi mà nó còn làm tưởng lầm ra calorimètre. Vậy ta nên đặt hai tiếng khác nhau để chỉ hai vật ấy. Nhiệt-kế để chỉ thermomètre, nhiệt-lượng-kế để chỉ calorimètre. Vẫn biết rằng, dịch chữ nhiệt-kế ra tiếng ta thì đo nóng. Hai tiếng đo nóng đọc lên vì quen tai quá, nên vẫn giữ nguyên nghĩa của nó ; vì vậy, nó có thể làm nghĩ tới thermomètre hay calorimètre, chớ chữ nhiệt-kế thì không. Xem vậy, dùng gốc chữ nho có thể tránh sự đồng âm dị nghĩa một cách dễ dàng và tiện.

Vì chữ nho, khác hẳn với âm mới, là chính nó đã làm gốc cho rất nhiều tiếng ta. Nhờ vậy mà phần lớn nó làm cho ta dễ nhớ đến nghĩa. Chữ nhiệt-kế trên đây, có gốc nhiệt là nóng mà ai cũng biết và gốc kế như trong kế-toán, hoặc gần như tiếng kể mà ai cũng biết. Vậy nên, tiếng nhiệt-kế đối với người nước ta không học tiếng ngoại-quốc dễ nhớ hơn là téc-mô-mét.

Vì không sợ lầm lẫn, nên ta không cần dùng nhiều âm mà giữ cho minh-bạch, nên chữ đặt theo cách nầy rất gọn-gàng. Một âm, hai âm hoặc ba âm là cùng, có thể chỉ tất cả ý đơn và phần lớn ý kép. Ta lại dùng lối cắt ngắn tiếng để chỉ nghĩa kép, như tôi đã giải trên kia. Nhờ gốc chữ nho mà ta có thể gọi một cách gọn gàng những ý như élimination ở toán-học là khử, như adiabatique ở vật-lý-học là đoạn-nhiệt, như ý cône de frottement ở cơ-học là ma-chùy. Hai điều-kiện thứ bốn và thứ sáu đều trọn.

Tuy gốc Tàu, nhưng tiếng ta ; âm hưởng ta. Một chữ lấy ở hán-tự ra, lúc hiểu nghĩa rồi, thì có thể gọi là hoàn-toàn nhập-tịch ta liền. Ta đừng lo ngại rằng làm như thế thì mất tính-cách tiếng ta đi. Như tôi đã nói nhiều lần rồi, âm dùng là âm ta thì tiếng thành của ta ; sau nữa nếu sợ thế thì sao không bỏ hết những tiếng đã nhập-tịch ta từ trước.

Ngày nay mấy ai để ý tới những tiếng thông thường quen biết, quyển sách, bộ áo quần đều là gốc ở chữ nho mà ra đâu. Tiếng các nước văn- minh ngày nay đều đã tạo-thành bằng cách mượn lẫn nhau cả. Mượn của ai là tùy lịch-sử mà thôi. Họa chăng chỉ có Trung-hoa là có thể tự hào ràng chữ xưa tự mình đặt ra mà nay vẫn thịnh-vượng.

Vả chăng âm tuy mới nhưng không chướng tai như âm ở chữ phiên-âm. Nghĩa mới mà gốc cũ, đó là hai tính-cách rất quí của phương- sách nầy.

Lúc ta mượn gốc Tàu, ta chỉ nên mượn âm, chớ cách đặt vị-trí các bộ-phận trong câu, hay trong danh-từ, nếu không có gì trở ngại, thì ta cứ theo văn-phạm ta. Đó là một cách Việt-hóa tiếng mượn. Ví dụ như ta nói danh từ khoa-học chớ không nói khoa-học danh-từ. Những lẽ tôi kể trên tưởng đáng lẽ không cần giải kỹ. Vì bây giờ hàng ngày người nước ta dùng nó mà đặt những tiếng để gọi những ý rất thông- thường nhưng mới thâu-nhập, như phòng thủ thụ-động, kỹ nghệ thực-hành, chính-thể quân-chủ, vân vân...

Nói tóm lại, phương-sách nầy làm trọn hết tất cả các điều-kiện trên và rất nên dùng một cách phổ-thông.

Tôi tóm tắt những ý trên vào trong bảng sau này .

Phương sách thông thường Phương sách phiên âm Phương sách gốc nho
1. Đủ tiếng không
2. Mỗi chữ mỗi ý không
3. Mỗi ý mỗi chữ không
4. Có gốc dễ nhớ không
5. Tính-cách liên-lạc và toàn-thể không
6. Gọn gàng không không
7. Âm-hưởng ta không
8. Tính cách quốc gia không

Xem bảng ấy thì ta nhận thấy : Phương-sách dùng toàn tiếng thông-thường làm cho ta dễ nhớ danh-từ. Danh-từ đặt ra có âm-hưởng và tính cách Việt-nam. Nhưng nó thiếu nhiều, hay làm lầm lẫn, không gọn gàng và không có tính-cách liên-lạc và toàn-thể. Vậy chỉ nên dùng phương-pháp ấy trong trường-hợp hẹp-hòi mà thôi, như là để chỉ những ý khoa-học thông thường. (Thế mà còn chưa được).

Phương-sách phiên âm dễ dàng, đầy-đủ, nhưng hiềm rằng danh-từ đặt ra khó nhớ, khó đọc, không liên-lạc với Việt-âm. Cho nên chỉ nên dùng trong một phạm vi chật hẹp, như là đối với những ý không có tính-cách tổng-quát nhất là đối với những tên các vật lạ, các chất hóa-học.

Phương sách gốc-nho thì hoàn-toàn mọi lẽ. Lúc nào cần đến thì dùng nó cũng đắc-lực. Nhưng ta cũng không nên lạm-dụng những chữ mới. Khi nào ý đã thông-thường thì ta nên gắng giữ chữ ấy. Hoặc lúc dùng phiên-âm có lợi thì ta cũng đừng dùng lối gốc nho.

Hà Nội, 1942

Chú thích[sửa]

[1] Vì thiếu sự suy xét ấy nên đã có người dịch exposition culturelle chinoise ra triển lãm sự trồng trọt Trung quốc.

[2] Nhưng nay người Trung quốc đã bỏ rồi và chỉ dùng chữ Khinh. Người mình hay có tính bắt chước mà không hay thay đổi. Áo quần ta mặc còn theo lối nhà Tống !

[3] Một thí dụ nữa là lịch dân quốc của Chính thể cách mạnh Pháp đặt ra năm 1793, rất hợp lý , tên tháng, tên ngày do một nhà thi sĩ trứ danh đặt rất hay : " tháng mọc mầm, tháng trổ hoa..." Thế mà chỉ sống có một thời gian ngắn ngủi.

[4] Mới đây, ông Đặng Dư, người phủ Diễn Châu, có bàn nên dùng lối nói lái của ta. Đó là một phương sách cũng hay và tiện. Nhưng tiếng Việt đặt ra có các điều bất lợi của phương sách dùng tiếng thông thường mà lại không có những điều lợi của nó. Dùng vào cho những ý cực kỳ chuyên môn có thể hay; chó không nên ứng dụng cho những khoa học cơ bản.

[5] Tôi có dịp gởi ý kiến một vị giáo sư ngữ học ở Kyoto là ông Izui thì ông cũng nói như vậy.

[6] Những chỗ đánh dấu * vốn là chữ Hán trong nguyên bản, chương trình nhận dạng tôi dùng để nhận dạng bài này không hiểu chữ Hán và tôi cũng dốt Hán tự. Đành xin lỗi các bạn vậy. (Trần Lưu Chương)

[7] Theo bài tựa Thiên văn học danh từ của ông Trần-khả-Trung.

[8] Sau khi tôi trình bày vấn đề danh từ khoa học bằng tiếng Việt Nam tại "Hội nghị khảo cứu khoa học" thì ông hội trưởng có cho hay rằng ở Xiêm người ta cũng dùng ba lối trên, và ông nói đó cũng là một luật thiên nhiên của ngữ học. Ông hội trưởng hồi ấy là ông Cadès, giám-đốc Viễn-Đông Bác-cổ viện và là một nhà ngữ học trứ danh.

Mục lục[sửa]

Liên kết đến đây