Giáo trình Phạn văn I—Ngữ pháp—Bài thứ 29

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

 Giáo trình Phạn văn I - Liên tự - Phái sinh từ - Thân phụ âm bất quy tắc - Số từ - Từ vị - Bảng tra thời thái và hình thức của động từ theo tiếp vĩ âm - Bảng tra gốc động từ theo thân

 

Ngữ pháp: 01 - 02 - 03 - 04 - 05 - 06 - 07 - 08 - 09 - 10 - 11 - 12 - 13 - 14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19
20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - 26 - 27 - 28 - 29 - 30 - 31 - 32 - 33 - 34 - 35 - 36 - 37 - 38 - 39 - 40

 

Bài tập: 01 - 02 - 03 - 04 - 05 - 06 - 07 - 08 - 09 - 10 - 11 - 12 - 13 - 14 - 15 - 16 - 17 - 18 - 19
20 - 21 - 22 - 23 - 24 - 25 - 26 - 27 - 28 - 29 - 30 - 31 - 32 - 33 - 34 - 35 - 36 - 37 - 38 - 39 - 40

Hợp từ bahuvrīhi[sửa]

Một hợp từ bahuvrīhi nếu nhìn về mặt cấu trúc bên trong là một hợp từ tatpuruṣa hoặc một hợp từ karmadhāraya với thành phần cuối lúc nào cũng là một thật danh từ. Tương ưng với thành phần đầu, ta có thể phân hợp từ bahuvrīhi thành hai loại như sau:

a. Với hình thức hợp từ karmadhāraya thuộc loại:

hình dung từ/ppp + thật danh từ
phó từ/tiểu từ + thật danh từ
thật danh từ + thật danh từ

b. Với hình thức hợp từ tatpuruṣa thuộc loại:

thật danh từ + thật danh từ

Điểm đặc thù của một hợp từ bahuvrīhi không phải là cấu trúc mà thay vào đó là cách sử dụng. Về mặt hình thức thì hợp từ bahuvrīhi là một hợp từ tatpuruṣa/karmadhāraya được dùng với chức năng định ngữ cho một danh từ liên quan. Như vậy thì một hợp từ bahuvrīhi lúc nào cũng có chức năng định ngữ với một yếu tố nằm ngoài nó (danh từ tương quan). Vì chức năng định ngữ nên hợp từ bahuvrīhi được biến hoá như một hình dung từ, có nghĩa là, thành phần cuối của nó tương đồng với danh từ tương quan về giới tính, số và sự kiện.

Nếu một hợp từ tatpuruṣa hoặc một hợp từ karmadhāraya với hình thức cấu trúc bên trên được sử dụng làm định ngữ cho một danh từ tương quan thì hai sự kiện sau được thấy:

i) quan hệ ngữ pháp giữa thành phần trước và sau — cụ thể là thành phần xác định–thành phần được xác định — được biến chuyển một cách mà qua đó, sự tương quan xác định này không còn nữa.
ii) Một mối quan hệ ngữ pháp/nghĩa xuất hiện giữa toàn bộ hợp từ và danh từ tương quan của nó.

Hai ví dụ nêu sau sẽ làm rõ hơn sự việc. Chính cách gọi loại hợp từ này — bahuvrīhi — được sử dụng vì nó chính là ví dụ của loại hợp từ này. Hãy lưu ý đến hai hợp từ karmadhāraya sau:

बहुव्रीहिः bahuvrīhiḥ
nhiều gạo
यतकामाः yatakāmāḥ
sự tham dục được kiểm soát

Nếu hai hợp từ karmadhāraya này được dùng như như hợp từ bahuvrīhi thì chúng sẽ xuất hiện như những định ngữ cho một danh từ tương quan, như hai ví dụ sau cho thấy:

[बहुव्रीहिर्] देशः bahuvrīhir deśaḥ [यतकामो] योगी [yatakāmo] yogī

Nếu một hợp từ tatpuruṣa hoặc một hợp từ karmadhāraya với hình thức cấu trúc bên trên được sử dụng như một bahuvrīhi — như vậy là một định ngữ cho một danh từ tương quan — thì sự việc như sau xảy ra:

i) quan hệ ngữ pháp giữa thành phần trước và sau — cụ thể là thành phần xác định-thành phần được xác định — được biến chuyển một cách mà qua đó, sự tương quan xác định này không còn nữa mà thay vào đó là một sự tương quan chủ thể-vị ngữ. Thành phần thứ hai giữ chức năng chủ thể và thành phần trước có chức năng vị ngữ.

Như vậy thì cấu trúc bên trong của một hợp từ bahuvrīhi có thể được diễn giảng dưới dạng chủ thể-vị ngữ (subject-predicate) với vị ngữ đứng phía trước:

बहवो व्रीहयः bahavo vrīhayaḥ यताः कामाः yatāḥ kāmāḥ
“gạo nhiều” “Tham dục được kiểm soát”

ii) Khi diễn giải thì hợp từ bahuvrīhi cũng xuất hiện dưới dạng một câu định ngữ xác định rõ hơn một danh từ tương quan. Như vậy thì sau khi được diễn giải thì hợp từ bahuvrīhi xuất hiện với chức năng của một câu quan hệ. Như đã giảng thuật ở 16.1, một câu quan hệ Phạn ngữ xuất hiện dưới dạng tương quan và như vậy, mối quan hệ của một hợp từ bahuvrīhi cũng có thể được trình bày bằng một cấu trúc tương quan. Nên lưu ý rằng giữa câu tương quan và danh từ tương quan có nhiều mối quan hệ sự kiện khác nhau. Trong những câu ví dụ ở đây thì hai quan hệ sự kiện locative và instrumental được đề cập. Các nhà văn phạm truyền thống một mặt giữ cấu trúc của hợp từ bahuvrīhi trong khi diễn giải — tức là vị ngữ trước chủ ngữ sau — và mặt khác cũng không để tương quan đại danh từ phía trước câu tương quan mà là phía sau.

[बहवो व्रीहयो यस्मिन्] स देशः। [bahavo vrīhayo yasmin] sa deśaḥ
“Đất nước mà ở đó gạo nhiều”

Như vậy thì स देशः sa deśaḥ “đất nước”, यस्मिन् yasmin “mà ở đó”, व्रीहयः vrīhayaḥ “gạo”, बहवः bahavaḥ “nhiều”. Cũng như thế:

[यताः कामा येन] स योगी। yatāḥ kāmā yena sa yogī
“Du-già tăng mà sự tham dục được kiểm soát bởi ông ấy”

स योगी sa yogī “du-già tăng”, येन yena “bởi ông ấy”, कामाः kāmāḥ “tham dục”, यताः yatāḥ “được kiểm soát”.

Như vậy thì sự diễn giải một hợp từ bahuvrīhi có quan hệ định ngữ với một danh từ là một câu tương quan, và qua đó ta có thể thấy được rằng, hợp từ bahuvrīhi là một văn phong dị dạng của một câu quan hệ.

[बहुव्रीहिर्] देशः = [बहवो व्रीहयो यस्मिन्] स देशः Đất nước mà ở đó gạo nhiều
[यतकामो] योगी = [यताः कामा येन] स योगी “Du-già tăng mà sự tham dục được kiểm soát bởi ông ấy”

3. Tiếp theo đây là những ví dụ của một hợp từ karmadhāraya với chức năng bahuvrīhi với nhiều thành phần đầu khác nhau: a. hình dung từ/ppp, b. phó từ/tiểu từ bất biến/tiếp đầu tự và c. thật danh từ. a) Hình dung từ/ppp + Thật danh từ

[दीर्घबाहुः] पुरुषः = [दीर्घौ बाहू यस्य] स पुरुषः “Người đàn ông mà có cánh tay dài”
[हतशत्रुः] क्षत्रियः = [हताः शत्रवो येन] स क्षत्रियः “Người chiến sĩ mà qua ông ta bọn giặc bị giết”
[प्राप्तजलं] तीरम् = [प्राप्तं जलं येन] तत् तीरम् “Cái bờ mà nước ngập đến đó”

b) Phó từ/tiểu từ/tiếp đầu âm + Thật danh từ

[अपुत्राः] पुरुषाः = [न सन्ति पुत्रा येषां] ते पुरुषाः “Những người đàn ông không có con trai”
[सहपुत्रो] रामः = [पुत्रेण सह वर्तते यः] स रामः “Rāma, người cùng với con trai”
[दुर्बलः] सिंहः = [दुष्ठु बलं यस्य] स सिंहः “Sư tử mà lực của nó yếu”

c) Thật danh từ + Thật danh từ

काशीनामधेयं नगरम् = [काशी नामधेयं यस्य] तन् नगरम् “Thành phố mà tên của nó là Kāśī”
चन्द्रमुखी कन्या = [चन्द्र इव मुखं यस्याः] सा कन्या “Cô gái mà gương mặt của cô ấy giống như mặt trăng”

4. Nếu thành phần đầu của một karmadhāraya xuất hiện dưới dạng bahuvrīhi là một hình dung từ thì thỉnh thoảng có sự đảo ngược thứ tự của hai thành phần, có nghĩa là thật danh từ — thành phần thứ hai — xuất hiện ở vị trí thứ nhất và hình dung từ đi sau. Ví dụ:

[इन्द्रैज्येष्ठा] देवाः = [इन्द्रो ज्येष्ठो येषां] ते देवाः “Những thiên thần mà trong bọn họ Indra là người giỏi nhất”
[ध्यानपरस्] तापसः = [ध्यानं परं यस्य] स तापसः “Nhà tu khổ hạnh mà đối với ông ta thiền định là cái tối cao”

5. Nếu một hợp từ tatpuruṣa theo sự kiện được dùng làm bahuvrīhi thì trong câu diễn giải, thành phần đầu không chỉ xuất hiện như một vị ngữ ở nominative, mà cũng xuất hiện ở những sự kiện khác tương tự như ở trong chính hợp từ tatpuruṣa này vậy.

[चौरभयं] नगरम् [चौरेभ्यो भयं यस्मिन्] तन् नगरम् “thành phố mà ở đó có nỗi sợ bọn trộm”

6. Nếu thành phần sau của một bahuvrīhi bao gồm những thật danh từ như आदि ādi, आद्य ādya “bắt đầu, khởi đầu” hoặc मात्रा mātrā “mức độ” thì chúng sẽ được dịch là “v.v…” hoặc “chỉ là”.

[ब्राह्मणादयो] वर्णाः [ब्राह्मणा आदिर्येषां] ते वर्णाः “Những giai cấp với sự bắt đầu là những bà-la-môn” = “Những giai cấp bà-la-môn v.v…”
[शब्दमात्रं] वचनम् [शब्दो मात्रं यस्य] तद् वचनम् “Lời nói mà mức độ của nó là âm thanh” = “Lời nói mà mức độ của nó chỉ là âm thanh”

7. Những ví dụ đến giờ cho thấy, hợp từ bahuvrīhi lúc nào cũng có số, giới tính và sự kiện tương ưng với danh từ quan hệ. Như vậy thì giới tính của thành phần cuối của một hợp từ bahuvrīhi được xác định bởi danh từ nó có tương quan và không nhất thiết là giới tính nó sẵn có. Có nghĩa là, thành phần cuối của một hợp từ bahuvrīhi sẽ tuỳ giới tính của danh từ quan hệ mà đổi giới tính cho tương thích, và nếu cần thiết, được biến hoá cách khác:

[दुष्ठहृदयो] नरः = [दुष्ठं हृदयं यस्य] स नरः “người đàn ông mà lòng của người ấy xấu”
[दुष्ठहृदया] नरी = [दुष्ठं हृदयं यस्याः] सा नरी “người đàn bà mà lòng của bà ta xấu”
[दुष्ठहृदयं] मित्रम् = [दुष्ठं हृदयं यस्य] तन् मित्रम् “người bạn mà lòng của người ấy xấu”

Như vậy thì danh từ nam tính kết thúc bằng –अ –a cũng được biến hoá như danh từ trung tính kết thúc bằng –अ –a hoặc danh từ nữ tính kết thúc bằng –आ –ā. Hoặc danh từ nữ tính kết thúc bằng –आ –ā được biến hoá như danh từ nam tính hoặc trung tính kết thúc bằng –अ –a. Hãy so sánh với những ví dụ sau:

Danh từ trung tính मूल mūla “gốc, rễ” đứng ở phần hai của một hợp từ bahuvrīhi, xác định một danh từ nam tính, được biến hoá như một danh từ nam tính.

वने [दीर्घमूला] बहवस्तरवस्तिष्ठन्ति। vane [dīrghamūlā] bahavas taravas tiṣṭhanti
“Trong rừng có nhiều cây [mà rễ của chúng dài] đứng”

Danh từ trung tính नेत्र netra “mắt” là thành phần cuối của một hợp từ bahuvrīhi, xác định một danh từ nữ tính, được biến hoá như một danh từ nữ tính.

[कमलनेत्रा] कन्या मार्गे तिष्ठति। [kamalanetrā] kanyā mārge tiṣṭhati
“Cô bé [mà cặp cặp mắt của cô ấy như hoa sen] đứng trên đường”

Danh từ nam tính पुरुष puruṣa “người đàn ông” là thành phần cuối của một hợp từ bahuvrīhi, xác định một danh từ trung tính, được biến hoá như một danh từ trung tính.

वीरपुरुषाणि नगराणि जानामि। [vīrapuruṣāṇi] nagarāṇi jānāmi
“Tôi biết những thành phố [mà những người đàn ông ở đó là những anh hùng]”

Danh từ nam tính काम kāma là thành phần cuối của một hợp từ bahuvrīhi, xác định một danh từ nữ tính, được biến hoá như một danh từ nữ tính.

[पुत्रकामा] रामस्य भार्या देवेभ्यः प्रजां प्रार्थयति। [putrakāmā] rāmasya bhāryā devebhyaḥ prajāṃ prārthayati
“Vợ của Rāma, [người có lòng mong muốn con trai] cầu xin người nối dõi từ chư thiên”

Danh từ nữ tính chấm dứt bằng –ई –ī hoặc –ऋ – được bổ sung tiếp vĩ tự –क –ka khi đổi thành nam tính.

[एकपत्नीको] नृपः = [एका पत्नी यस्य] स नृपः “Ông vua mà vợ của ông là là một duy nhất” = “Ông vua, người chỉ có một người vợ độc nhất”
[बहुदुहितृको] ब्राह्मणः = [बह्व्यो दुहितरो यस्य] स म्राह्मणः “Bà-la-môn mà những đứa con gái của ông nhiều” = “Bà-la-môn, người có nhiều con gái”

8. Một cách dùng đặc biệt của bahuvrīhi là như sau. Nếu một loạt hành động theo thứ tự được diễn bày mà bình thường ta thấy absolutive được dùng thì một trong những hành động đó — thường là hành động thứ nhất — cũng có thể được diễn tả bằng một bahuvrīhi với một ppp phía trước.

तपस्वी त्यक्तगृहो वनं गत्वा तपस्यां करोति स्म। tapasvī [tyaktagṛho] vanaṃ gatvā tapasyāṃ karoti sma
“Nhà tu khổ hạnh, [một người mà nhà của ông ta bị rời bỏ], đi vào rừng, tu khổ hạnh”

9. Như đã nói ở 13.3 (5), định ngữ — như tất cả những hình dung từ — cũng có thể được danh từ hoá, ví dụ như साधु sādhu “thiện hảo”, साधुः sādhuḥ “người thiện hảo” पाप pāpa “ác”, पापः pāpaḥ “kẻ ác”. Cũng tương tự như vậy, hợp từ bahuvrīhi cũng có thể được dùng riêng như một thật danh từ. Trong trường hợp này, hợp từ bahuvrīhi không có mối quan hệ định ngữ với một danh từ nằm ngoài khác mà danh từ này không được đề cập đến một cách minh xác. Hợp từ bahuvrīhi không những chỉ đến định ngữ, mà còn chỉ đến một nhân vật hoặc sự vật — qua giới tính được nhận ra từ đuôi. Trong câu diễn giải thì nhân vật hoặc sự vật được trình bày bằng một đại danh từ ngôi xưng thứ ba tương đương giới tính của hợp từ bahuvrīhi, सः saḥ सा तत् tat.

पीतवस्त्रः = [पीतं वस्त्रं यस्य] सः Anh ta, người mà có y phục mầu vàng
पीतवस्त्रा = [पीतं वस्त्रं यस्याः] सा “Cô ta, người mà có y phục mầu vàng”

Nếu không có sự biến đổi giới tính từ trung tính sang nam/nữ tính (वस्त्र vastra là y phục, trung tính) như ví dụ bên trên thì hợp từ bahuvrīhi được thật danh từ hoá — chính vì nó không có danh từ quan hệ đi cùng — rất khó phân biệt được ngay với một hợp từ tatpuruṣa hoặc karmadhāraya. Trong trường hợp này người ta cần phải xem ngữ cảnh để biết được xem đây là loại hợp từ gì.

Hợp từ karmadhāraya

मृतपुत्रः पितरं शोचयति। [mṛta-putraḥ] pitaraṃ śocayati
“Đứa con trai đã chết để người cha đau buồn.”

Hợp từ bahuvrīhi đã được thật danh từ hoá

मृतपुत्रः प्रतिदिनं शोचति। [mṛta-putraḥ] pratidinaṃ śocati
“Ông ta, người có con trai đã chết, đau khổ mỗi ngày”

Hợp từ dvandva[sửa]

Chữ dvandva có nghĩa là “cặp”. Như vậy, hợp từ dvandva là một hợp từ sắp đặt đồng hàng (coordination) hai hoặc nhiều chữ giống nhau — ví dụ hai hoặc trên hai thật danh từ hoặc hình dung từ được tiếp nối theo thứ tự mà không cần đến tiểu từ च ca. Về cách biến hoá đuôi của một hợp từ dvandva thì cần phân biệt giữa hai loại khác nhau về chức năng ngữ nghĩa.

Hợp từ dvandva I: Chỉ sự liệt kê những thành phần đơn[sửa]

Thành phần thứ hai đứng ở dual hoặc plural tuỳ theo trường hợp hợp từ trình bày hai hoặc nhiều nhân/sự vật, và lấy giới tính của thành phần cuối. Ví dụ:

रामलक्ष्मनौ = रामश्च लक्ष्मणश्च “Rāma và Lakṣmaṇa”
रामसीते = रामश्च सीता च “Rāma và Sītā”
देवमनुष्यौ = देवश्च मनुष्यश्च “Trời và người”
देवमनुष्याः = देवाश्च मनुष्याश्च “Chư thiên và người”
ब्राह्मणक्षत्रियवैश्यशूद्राः = ब्राह्मणाश्च क्षत्रियाश्च वैश्याश्च शूद्राश्च “Brāhmaṇa, Kṣatriya, Vaiśya và Śūdra” (bốn giai cấp xã hội Ấn Độ)
गजसिंहव्याघ्रशृगालाः = गजाश्च सिंहाश्च व्याघ्राश्च शृगालाश्च “Voi, sư tử, cọp và sói lang”

Về thứ tự trong một hợp từ dvandva thì các nhà văn phạm truyền thống đưa ra những quy luật nhất định, như cấp trên trước cấp dưới (ví như trong ví dụ các giai cấp xã hội bên trên), tuổi cao trước tuổi thấp (ở hai anh em), hoặc chữ có âm tiết ít đi trước chữ có âm tiết nhiều hơn, và chữ có mẫu âm अ– a– khởi đầu và kết thúc trước những chữ khác.

Hợp từ dvandva II: Chỉ một đơn vị/đoàn thể bao gồm những thành phần đơn[sửa]

Loại hợp từ dvandva này thường dùng để chỉ một cặp đối đãi và các thân phần. Thành phần thứ hai lúc nào cũng đứng ở trung tính số ít.

सुखदुःखम् = सुखं च दुःखं च “Khổ và lạc”
पाणिपादम् = पाणी च पादौ च “Hai tay và hai chân”
कर्णनेत्रम् = कर्णौ च नेत्रे च “Hai lỗ tai và cặp mắt”

Đặc biệt lưu ý: Nếu thành phần đầu là một danh từ chỉ sự quan hệ dòng tộc có âm cuối là –ऋ – và thành phần thứ hai cũng như vậy hoặc là chữ पुत्र putra thì thành phần đầu sẽ không xuất hiện ở dạng thân nguyên, mà là nominative singular.

मातापितरौ = माता च पिता च “Mẹ và cha”
पितापुत्रौ = पिता च पुत्रश्च “Cha và con trai”

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.