Luận về Lao động và Bóc lột/GT

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Lời giới thiệu[sửa]

Cách đây gần ¼ thế kỷ, tình cờ tôi nghe được phần sau của câu chuyện giữa 2 người, một người xem xét cái áo mới của người kia và nói: “Cậu mua thế là đắt gấp đôi rồi đấy”. Người có áo than thở: “Thế là tớ bị lột mất một cái áo rồi”. Nghe đến tiếng lột, trong đầu tôi liên tưởng ngay đến từ bóc lột và câu hỏi hiện ra là việc bị lột mất một chiếc áo như người trong chuyện nói có đồng nghĩa với sự bóc lột giá trị thặng dư hay không? Bóc lột giá trị thặng dư chỉ xảy ra trong quan hệ giữa chủ và thợ, còn đây là mối quan hệ giữa kẻ mua và người bán, vậy việc người mua phải mua hàng với giá cao gấp hai lần giá trị thực có phải là bị bóc lột hay không và hình thức bóc lột này là gì? Sự xuất hiện câu hỏi đã làm nảy sinh trong tôi nảy sinh ý tưởng phải tìm hiểu thêm về vấn đề bóc lột. Nhưng do không có tài liệu và vốn sống còn ít, thêm vào đó việc nghiên cứu về hoạt động cao cấp của hệ thần kinh chiếm mất nhiều tâm trí, cho nên phải đến năm 2005 tôi mới quay lại đề tài này và tôi hoàn thành nó trong vòng một năm. Tôi đã đăng ký bản quyền cho cuốn sách. Lại một cái nhưng nữa là do sách mang tính chính luận, không phải sách giải trí cho nên các nhà xuất bản không muốn phát hành vì e không có lãi. Mặt khác, do viết bằng font TCVN3 nên cuốn sách phải năm yên trong vài năm. Nay tôi biên tập lại và tải lên VLOS để giới thiệu cùng bạn đọc. Cảm ơn tác giả Phạm Kim Long với phần mềm chuyển mã tuyệt vời trong Unikey đã giúp tôi chuyển mã toàn bộ cuốn sách của tôi để có thể tải lên VLOS. Mong bạn đọc góp ý.

Sách gồm có các nội dung sau:

Lời nói đầu
Chương I: Lao động, sức lao động và giá trị của sức lao động
Chương II:Sự chuyển hoá các giá trị thành giá trị sức lao động
ChươngIII: Định giá giá trị sức lao động
Chương IV: Lao động và sự di chuyển của giá trị sức lao động
Chương V: Lợi nhuận và nguồn gốc lợi nhuận
Chương VI: Sự bóc lột

LỜI NÓI ĐẦU[sửa]

Lao động là sự tồn tại của con người. Mỗi người được sinh ra, được sống, học tập và làm việc trong những điều kiện và môi trường khác nhau; sức khoẻ, trình độ và năng lực cũng không ai giống ai. Vì vậy lao động của mỗi người là riêng biệt. Sự riêng biệt này đem lại kết quả lao động riêng cho mỗi người và các kết quả đó cũng là khác nhau. Đây là một sự thật - một sự thật trăm phần trăm. Nhưng không có kết quả lao động nào được xác định đúng một trăm phần trăm. Điều này cũng là một sự thật. Vậy cái trăm phần trăm ấy nên nhìn nhận như thế nào trong một xã hội hiện đại? Nếu như lượng giá trị mà loài người thu được sau một quá trình lao động được phân phối đúng theo giá trị sức lao động của từng cá nhân thì có vấn đề gì xảy ra hay không? Còn khi phân phối không đúng thì những vấn đề rắc rối nảy sinh trong xã hội là hiển nhiên. Vậy phân phối thế nào là đúng và thế nào là không đúng? Khi phân phối không đúng sẽ có người được hưởng nhiều hơn cái mình tạo ra và có người hưởng ít hơn cái mình đáng được hưởng. Vậy có phải điều đó là sự bóc lột? Và nếu không hoàn toàn là sự bóc lột thì làm thế nào để có thể phân biệt được hành vi bóc lột và hành vi không bóc lột khi biểu hiện bên ngoài là người này có thu nhập cao trong khi nhiều người khác có thu nhập thấp? Để xảy ra tình trạng bóc lột thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm?
Cuốn sách này bàn về một số nội dung trên. Trong cuốn sách này không có những lý luận cao siêu, không có những trích dẫn của các nhà tư tưởng hay từ những nghiên cứu đang được nhiều người thừa nhận. Có thể có điều nào đó đã được viết ra, nhưng không phải là sự chép lại bởi tác giả có rất ít điều kiện nghiên cứu trong sách vở. Mục đích của tác giả là cung cấp cho người đọc một cái nhìn từ trong ra ngoài, một cái nhìn từ dưới lên về một vấn đề xã hội, một cái nhìn trực diện vào những biểu hiện nhỏ của vấn đề được xem xét, đó là vấn đề bóc lột. Một điều hiển nhiên là nếu chỉ xem xét vấn đề bằng con mắt của một nông dân, một công nhân và một kỹ sư xây dựng thì vấn đề cũng khó rõ ràng được. Vì vậy trong cuốn sách còn đưa ra những ví dụ trong một số lĩnh vực khác có liên quan. Mọi vấn đề lớn của xã hội không thể chỉ xem xét ở tầm vi mô, mà còn phải xem xét ở cả ở thể hoàn chỉnh, nghiên cứu một cơ thể không chỉ là mổ xẻ để xem xét từng tế bào, từng bộ phận, mà còn phải xem xét sự liên kết, mối liên hệ hoạt động giữa các tế bào, các bộ phận đó. Nghiên cứu về một cái cây không chỉ xem xét cấu trúc của thân, rễ, lá, hoa, quá trình sinh trưởng, đơm hoa kết trái, mà còn phải nghiên cứu sự ảnh hưởng của nó tới các sinh vật khác, tới môi trường xung quanh, xác định xem những sinh vật nào được lợi, những sinh vật nào chịu thiệt hại bởi sự tồn tại và sinh trưởng của cái cây đó. Không thể định giá đúng về một cái cây nếu không có đầy đủ mọi bộ phận của nó. Đây là quan điểm toàn diện của phép duy vật biện chứng. Nghiên cứu về bóc lột nếu chỉ nhìn từ trên xuống, nhìn từ ngoài vào thì có thể không thấy hết được những biểu hiện của nó, và tất nhiên nếu chỉ nhìn từ trong ra, nhìn từ dưới lên thì cũng không thể khái quát được một vấn đề lớn của xã hội. Không thể xem xét vấn đề bóc lột chỉ trong một hình thái kinh tế, một mối quan hệ sản xuất, một giai đoạn lịch sử. Bóc lột giá trị thặng dư được thực hiện trong mối quan hệ chủ với thợ, người sử dụng lao động với người lao động. Vậy bóc lột giá trị thặng dư có phải là hình thức duy nhất trong xã hội hay không và nếu có nhiều hình thức bóc lột khác thì lý luận về bóc lột giá trị thặng dư có thể áp dụng cho mọi hình thức bóc lột hay không? Trong xã hội có rất nhiều mối quan hệ. Vậy sự bóc lột có thể được thực hiện trong những quan hệ xã hội nào hoặc chỉ trong những mối quan hệ kinh tế? Biểu hiện của chúng ra sao? Sự bóc lột có ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội hay không và nếu có thì ảnh hưởng đó như thế nào?
Vấn đề bóc lột là một tất yếu của lịch sử, nó cần được nhìn nhận toàn diện bởi nguy cơ mà nó tạo ra là những cuộc đấu tranh về quyền lợi giữa những người bị bóc lột và những người bóc lột, đấu tranh chống lại sự bóc lột và chủ nghĩa bóc lột. Sự phát triển đến một mức độ nào đó của các cuộc đấu tranh sẽ trở thành các cuộc đấu tranh vũ trang, rồi trở thành các cuộc chiến tranh. Những cuộc chiến tranh luôn là sự tàn phá, là sự phá hoại ghê gớm những giá trị mà con người phải đổ rất nhiều công sức mới tạo ra được. Mọi sự tàn phá đều làm cho tiến trình phát triển của loài người bị chậm lại hoặc bị thụt lùi. Làm rõ sự bóc lột, hạn chế nó cũng có nghĩa là hạn chế những cuộc đấu tranh mang tính bạo lực, hạn chế sự phá hoại các giá trị của con người. Với việc cung cấp một cái nhìn hạn hẹp, tác giả hy vọng làm rõ thêm một phần nào đó của một vấn đề lớn trong xã hội.
Hà tây, tháng 8 năm 2006
Phùng văn Hoà

Mục lục[sửa]

Luận về Lao động và Bóc lột/ Chương I: Lao động, sức lao động và giá trị của sức lao động

Luận về Lao động và Bóc lột/ Chương II:Sự chuyển hoá các giá trị thành giá trị sức lao động

Luận về Lao động và Bóc lột/ ChươngIII: Định giá giá trị sức lao động

Luận về Lao động và Bóc lột/Chương IV:Lao động và sự di chuyển của giá trị sức lao động

Luận về Lao động và Bóc lột/ Chương V: Lợi nhuận và nguồn gốc lợi nhuận

Luận về Lao động và Bóc lột/ Chương VI: Sự bóc lột

Liên kết đến đây