Sản xuất nông phẩm, thực phẩm theo công nghệ sạch (phần 1)

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bài viết của nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn trên báo Nhân dân điện tử ngày 24 tháng 2 năm 2007


Môi trường sản xuất nông phẩm, thực phẩm bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng[sửa]

Môi trường sinh thái xấu đi đang là thách thức nghiêm trọng đối với nền nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, đồng thời đang tác động sâu sắc tính an toàn của nông phẩm, thực phẩm trên phạm vi toàn cầu. Người xưa có câu: "Dân dĩ thực vi thiên, thực dĩ an vi tiên", nghĩa là "con người lấy cái ăn làm trời, cái ăn lấy lành làm đầu". Cộng đồng loài người đang mong muốn được sử dụng nông phẩm, thực phẩm có chất lượng tốt, do đó rất quan tâm môi trường sản xuất nông nghiệp.

Chất gây ô nhiễm môi trường chủ yếu bắt nguồn từ ba loại, gồm rác thải công nghiệp, chất ô nhiễm sinh học và chất ô nhiễm nông nghiệp. Rác thải công nghiệp chủ yếu là ba loại nước thải, khí thải và rác thải, trong đó có kim loại nặng và các hợp chất hữu cơ độc hại tuồn theo nước bẩn và khí bẩn trực tiếp làm ô nhiễm môi trường chung quanh và đồng ruộng.

Chất độc hại trong rác thải công nghiệp cùng nước mưa theo dòng chảy tích tụ vào sông ngòi, hồ chứa rồi tiếp tục theo nước tưới để làm ô nhiễm đồng ruộng. Hàm lượng chì trong khí thải của các động cơ cũng là nguồn gây ô nhiễm.

Ô nhiễm sinh học gồm chất bài tiết, rác, nước bẩn của máy giặt, chất thải ẩm thực, các chất bẩn trong các loại bao bì đóng gói chưa được xử lý, cũng là nhân tố gây ô nhiễm môi trường vào bất kỳ lúc nào. Ô nhiễm nông nghiệp trực tiếp tác động xấu đến môi trường sinh thái như phân của các trại chăn nuôi chưa được xử lý thải ra, không những gây ô nhiễm hữu cơ, mà các chất phụ gia trong thức ăn được tích tụ trong đất và nước cũng gây ô nhiễm đất và nước.

Việc sử dụng thuốc hóa chất lâu ngày cũng đã gây ô nhiễm đất rất nghiêm trọng. Có tới 60 - 70% phân đạm thải vào môi trường, tích tụ vào hồ chứa, sông ngòi, làm cho nước trở nên "giàu dinh dưỡng", thẩm lậu vào nước ngầm làm ô nhiễm nước ngầm, đồng thời phá hoại kết cấu đất, làm cho đất chai cứng, sa hóa, dễ bị rửa trôi. Các chất ô nhiễm trên đây vừa gây hại cho cây trồng vật nuôi, vừa gây hại cho sức khỏe của người, nhất là gây ngộ độc, kể cả ngộ độc cấp tính và ngộ độc mãn tính và các loại bệnh tật khác, trong đó có bệnh ung thư.

Ở nước ta, theo thống kê từ năm 2000 đến 2006, đã có 667 vụ ngộ độc do có độc tố trong thực phẩm làm 11.653 người bị hại, trong đó có 683 người chết. Theo tài liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có tới 30% - 60% số mẫu rau được kiểm tra còn dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật quá mức cho phép. Loại thuốc Pyrethroid được tìm thấy dư lượng trong 70% số mẫu rau ăn lá được kiểm tra, ngoài ra còn dư lượng Fipronil, Dithiocarbamate, lân hữu cơ và Carbendazin. Dư lượng 2,4D trong một số mẫu cam ở Hà Giang 0,01 - 0,1 mg/kg; có tới 20% số mẫu nho được kiểm tra có dư lượng vượt MRL, 45,8% mẫu táo, lê nhập từ Trung Quốc được kiểm tra có dư lượng thuốc bảo quản Carbendazin (theo báo Nhân Dân số ra ngày 9-1-2007).

Trong năm 2006, đã có 8.900 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, trong đó 69 người đã bị tử vong. Trong đợt kiểm tra năm 2006 của đội kiểm tra liên ngành ở TP Hồ Chí Minh cho biết: Qua khảo sát 790 mẫu rau được bán tại các chợ đầu mối, có 6,9% mặt hàng chứa dư lượng thuốc trừ sâu quá mức cho phép, có một tỷ lệ không nhỏ thịt lợn tại TP Hồ Chí Minh có chứa lượng rất cao về hormon tăng trưởng đã bị cấm sử dụng trong chăn nuôi. Những hóa chất này tích tụ trong cơ thể gây ra các bệnh tim mạch, thần kinh, ảnh hưởng đến hệ hô hấp, đau cơ, v.v... (theo báo Lao động số ra ngày 6-1-2007).

Trước tình hình môi trường ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng, cộng đồng quốc tế đã đặt ra yêu cầu khắt khe đối với sản phẩm nông nghiệp, nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh cho sức khỏe con người.

Ba loại đẳng cấp nông phẩm, thực phẩm không ô nhiễm, an toàn sản xuất theo công nghệ sạch[sửa]

Trên thế giới đang mở rộng sản xuất nông phẩm, thực phẩm không ô nhiễm, an toàn, với ba loại đẳng cấp như sau:

1. Nông phẩm, thực phẩm không ô nhiễm[sửa]

Nông phẩm, thực phẩm không ô nhiễm (Pollution - free) còn gọi là nông phẩm, thực phẩm không gây hại, nông phẩm, thực phẩm sạch, nông phẩm, thực phẩm an toàn vệ sinh. Loại nông phẩm, thực phẩm này cùng có nội hàm là nông phẩm, thực phẩm sản xuất trong môi trường được tuân thủ quy trình sản xuất bảo đảm sản phẩm cuối cùng đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Nhà nước hoặc đạt yêu cầu nông phẩm, thực phẩm không ô nhiễm của ngành hàng.

Ðó cũng là nông phẩm, thực phẩm sơ cấp được cơ quan có thẩm quyền xác nhận có đủ tiêu chuẩn để được cấp chứng chỉ nông phẩm, thực phẩm không ô nhiễm. Tiêu chuẩn sản phẩm, tiêu chuẩn môi trường và tiêu chuẩn tư liệu sản xuất là tiêu chuẩn mang tính bắt buộc của Nhà nước và ngành hàng. Quy trình công nghệ là tiêu chuẩn đề xướng của ngành hàng, về cơ bản bảo đảm nông phẩm, thực phẩm đạt yêu cầu an toàn.

Nông phẩm, thực phẩm không ô nhiễm là nông phẩm, thực phẩm không có chất ô nhiễm gây hại (gồm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, các vi sinh vật gây hại) hoặc các chất ô nhiễm gây hại được khống chế dưới mức giới hạn cho phép (MRL), bảo đảm nông phẩm, thực phẩm đạt yêu cầu an toàn, vệ sinh, không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Tiêu chuẩn "không ô nhiễm" không có nghĩa là sản phẩm phải "tuyệt đối sạch", vì trong thiên nhiên không có sản phẩm nào được cho là "tuyệt đối sạch" mà chỉ đòi hỏi hàm lượng chất ô nhiễm gây hại dưới mức quy định về an toàn đối với sức khỏe của con người. Ðó cũng là biện pháp giải quyết tận gốc vấn đề ngộ độc thực phẩm.

2. Nông phẩm, thực phẩm sinh thái[sửa]

Nông phẩm, thực phẩm sinh thái còn gọi là nông phẩm, thực phẩm xanh. Nền nông nghiệp sinh thái yêu cầu kết hợp yêu cầu bảo vệ môi trường với sản xuất nông nghiệp, là nền nông nghiệp được sản xuất trong điều kiện sinh thái không bị ô nhiễm hoặc ít bị ô nhiễm, hoạt động sản xuất nông nghiệp tận khả năng không tái gây ô nhiễm bảo đảm tuần hoàn lành tính, tạo điều kiện nông nghiệp phát triển bền vững.

Sản phẩm nông phẩm, thực phẩm được sản xuất trong điều kiện sinh thái đó là nông phẩm, thực phẩm không ô nhiễm. Sản xuất nông phẩm, thực phẩm theo công nghệ này phải tuân thủ các quy định của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền về sản xuất các mặt hàng an toàn, không ô nhiễm và được sử dụng tiêu chí nông phẩm, thực phẩm sinh thái hoặc nông phẩm, thực phẩm xanh.

Nông phẩm, thực phẩm sinh thái đạt yêu cầu về an toàn và đạt tiêu chí quy định, được chia ra 2 cấp gồm cấp AA và cấp A. Nói chung, nông phẩm, thực phẩm đạt tiêu chuẩn cấp A coi như đạt tiêu chuẩn nông phẩm, thực phẩm không ô nhiễm, tức là đạt yêu cầu "an toàn, vệ sinh", nếu đạt cấp AA coi như đạt tiêu chuẩn nông phẩm, thực phẩm hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế.

Sản phẩm cấp A yêu cầu môi trường sản xuất đạt tiêu chuẩn quy định, trong quá trình sản xuất phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về quy trình công nghệ, sử dụng có giới hạn các tư liệu sản xuất tổng hợp hóa học, chất lượng đạt tiêu chuẩn nông phẩm, thực phẩm sinh thái, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận được sử dụng tiêu chí sản phẩm sinh thái, thỏa mãn nhu cầu của một bộ phận người tiêu dùng trong nước và yêu cầu xuất khẩu. Tiêu chuẩn nông phẩm, thực phẩm sinh thái là tiêu chuẩn quy định của ngành.

3. Nông phẩm, thực phẩm hữu cơ[sửa]

Nông phẩm, thực phẩm hữu cơ là sản phẩm sản xuất theo nguyên lý nông nghiệp hữu cơ, được sản xuất và chế biến theo quy trình của sản phẩm hữu cơ, được cơ quan có thẩm quyền của tổ chức nông nghiệp hữu cơ xác nhận và cấp chứng chỉ. Nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống sản xuất nông nghiệp hoàn toàn không sử dụng hoặc về cơ bản không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cỏ dại, chất kích thích sinh trưởng, chất phụ gia thức ăn chăn nuôi theo phương thức tổng hợp nhân tạo. Tư liệu sản xuất và nguyên liệu sản xuất sản phẩm hữu cơ bắt buộc phải là sản phẩm tự nhiên của hệ thống sản xuất, vì vậy, sản phẩm có chuyển gien cũng không phải là sản phẩm hữu cơ.

Trên phạm vi toàn cầu, sản phẩm hữu cơ chưa có tiêu chí thống nhất. Tiêu chuẩn có tính pháp quy do tổ chức dân gian với đại diện là Liên hiệp vận động nông nghiệp hữu cơ quốc tế cùng với Chính phủ nhiều nước đề xướng. (Tổ chức này được thành lập ở Pháp vào ngày 5-11-1972), ban đầu chỉ có đại biểu của năm nước Anh, Thụy Ðiển, Nam Phi, Mỹ và Pháp, trải qua hơn 30 năm nay, đã trở thành một tổ chức nông nghiệp hữu cơ quốc tế gồm hơn 700 thành viên tập thể của 115 nước).

Trong nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp hữu cơ đang vươn lên giải quyết vấn đề tồn tại lớn của thế giới là tài nguyên cạn kiệt, chất lượng môi trường sinh thái xấu đi, nông phẩm, thực phẩm bị ô nhiễm, phẩm chất sa sút.

Nghiêm cấm sử dụng các chất tổng hợp hóa học là một đặc trưng quan trọng của nông nghiệp hữu cơ, nhưng sản xuất nông nghiệp nếu chỉ là không dùng chất tổng hợp hóa học, cũng không đồng nghĩa với nông nghiệp hữu cơ. Nông nghiệp hữu cơ phải phục tùng tôn chỉ xây dựng một hệ thống quản lý sản xuất tổng thể nhằm cải thiện và tăng cường sức sống của hệ sinh thái nông nghiệp, mà không chỉ là sự thay thế dựa vào một công nghệ đơn nhất, mà dựa vào hệ thống lý luận sinh thái học và sinh vật học được tổng kết qua thực tiễn.

Cũng không thể lý giải đơn giản rằng nông nghiệp hữu cơ là nông nghiệp không sử dụng chất tổng hợp hóa học. Nông nghiệp hữu cơ nghiêm cấm sử dụng chất tổng hợp hóa học với hàm ý không sử dụng tài nguyên dầu lửa, hạn chế cạn kiệt tài nguyên, ngăn chặn đất đai thoái hóa.

Trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải thực thi các giải pháp ít làm đất hoặc không làm đất, hạn chế phá vỡ kết cấu đất, giảm đầu tư năng lượng và vật chất. Trong quá trình sản xuất, đặc biệt coi trọng chế độ luân canh, tăng vụ, xen canh, gối vụ với cây họ đậu để nâng cao tính đa dạng sinh học, tăng độ phì của đất và giảm sâu bệnh gây hại. Ðể nâng cao độ phì đất, chủ yếu dựa vào sử dụng phân hữu cơ và phát triển cây họ đậu. Việc phòng chống sâu bệnh gây hại chủ yếu dựa vào biện pháp canh tác và sinh học, sử dụng giống kháng sâu bệnh.

Cùng với việc không sử dụng phân hóa học, còn phải áp dụng những công nghệ mới để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nhằm thỏa mãn nhu cầu của loài người. Không những vậy, ngoài việc không sử dụng chất hóa học, còn yêu cầu các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ không bị ô nhiễm hóa học và phải có khoảng cách nhất định với vùng sản xuất nông nghiệp thông thường. Vùng được lựa chọn để sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ phải bảo đảm trong ba năm liền trước đó không sử dụng bất cứ loại chất hóa học nào, đồng thời sản xuất tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn của nông nghiệp hữu cơ và được sự xác nhận của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền.

Xem tiếp phần 2[sửa]

Liên kết đến đây