Thành viên:Cao Xuân Hiếu/Note: Đổi mới chương trình GD ở Mỹ như thế nào

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nội dung dưới đây được copy từ người dùng PV trên Bàn tròn Đổi mới SGK, Ngô Bảo Châu, Học như thế nào

Bạn Bùi Trần Hiếu thân mến,

Tôi đang giảng dạy ở một trường ĐH công lớn bên Mỹ nên có thể trả lời phần nào câu hỏi của bạn ở khía cạnh GD đại học; tôi có thể hỏi thêm sinh viên của tôi về việc học của các em ấy ở bậc phổ thông và trả lời bạn sau.

Về cơ bản, nếu tôi hiểu đúng câu hỏi của bạn thì bạn muốn hỏi: Các nước phát triển làm thế nào để dạy học sinh phát triển năng lực tư duy phản biện và sự sáng tạo trong giải quyết vấn đề? Và cụ thể hơn là SGK của họ làm thế nào để dạy học sinh được việc này.

Trả lời được trọn vẹn câu này thì phải mất ít nhất một cuốn sách; tôi chỉ xin chia sẻ một chút trong phạm vi ngành mà tôi giảng dạy là ngành công tác xã hội. Hiện nay, trường CTXH của tôi cũng đang làm một việc hơi hơi giống với VN là thay đổi toàn bộ chương trình giảng dạy mà chúng tôi đã duy trì từ cuối thập kỷ 90. Thay tất. Bắt đầu từ việc viết lại tuyên ngôn về sứ mệnh đào tạo của trường: “Sứ mệnh của trường CTXH thuộc ĐH X là đào tạo ra các sinh viên có khả năng abc…” Từ sứ mệnh này, chúng tôi bỏ hẳn cấu trúc chương trình cũ; thay bằng cấu trúc mới. Có cấu trúc khung mới rồi; chúng tôi bắt đầu dựng các môn học bên trong cấu trúc. Làm thế nào để dựng các môn học. Cái này, lại phải vừa dựa vào sứ mệnh, vừa dựa vào quy định khung của Hội đồng giáo dục CTXH Hoa Kỳ. Hội đồng này là một tổ chức chuyên môn độc lập, phi lợi nhuận, không thuộc Nhà nước quản lý; họ có nhiệm vụ là cứ 8 năm một lần, họ tới các trường để đánh giá chất lượng chương trình đào tạo, và quyết định có cấp chứng chỉ chất lượng hay không (accreditation). Nói “họ” là ai? Bản thân họ vừa có nhân sự cố định, vừa chính là các giáo sư trong ngành; như vậy là kiểm soát chất lượng chuyên môn bằng người có chuyên môn và trên tinh thần công bằng, chuyên nghiệp. Các trường muốn có sinh viên vào học phải có phê duyệt chất lượng cho nên họ tự biết phải xây dựng chất lượng cho tốt.

Trong khung chương trình của Hội đồng giáo dục CTXH Hoa Kỳ không hề có quy định bắt buộc là các trường phải dạy những môn nào, môn nào, dùng sách gì, sách gì. Họ chỉ có các quy định chung như muốn có bằng cử nhân, phải học bao nhiêu tiếng chuyên môn, bao nhiêu tiếng thực hành; chương trình học phải đảm bảo có những cấu phần lớn nào. Khi đưa ra quy định về các cấu phần; họ dựa trên 3 thứ mà họ muốn trang bị cho sinh viên: kỹ năng (skills), kiến thức (knowledge), và các giá trị (values). Ba thứ này lại được triển khai rõ ràng thêm; ví dụ như kỹ năng cần có các kỹ năng cơ bản nào (đánh giá, phân tích, tổng hợp, giao tiếp với thân chủ, huy động nguồn lực, vận động chính sách, giao tiếp cộng đồng, vv…); các kiến thức gồm có các lý thuyết về tâm lý, xã hội, hành vi, vv; hay các giá trị gồm có tôn trọng khác biệt, vận động cho đối tượng yếu thế, vv… Sau đó, với mỗi một thứ trong ba thứ này, để đảm bảo giáo viên dạy các thứ đó và sinh viên thực sự nắm được các thứ đó ở mức độ ra trường có thể thực sự đi làm được thì họ triển khai qua hai công cụ đo là sự thành thạo kiến thức (competencies) và các hành vi thực hành (practice behaviors). Điều đó nghĩa là: Nội dung sách giáo khoa mà giáo viên chọn dạy, bài tập mà giáo viên hình thành phải đưa đến kiến thức, giá trị, kỹ năng ĐO ĐƯỢC dưới dạng sự thành thạo kiến thức và sự thuần thục trong hành vi thực hành như một người lao động tương lai.

Hiện nay, tôi và một số đồng nghiệp phải đảm đương việc thiết kế lại hai môn thuộc chương trình đại cương. Khi chúng tôi viết lại syllabus cho các môn này, chúng tôi toàn quyền chọn sách giáo khoa từ rất nhiều các cuốn SGK khác nhau của tác giả khác nhau, và toàn quyền thiết kế bài giảng, xây dựng bài tập, vv… Nhưng trên syllabus, chúng tôi phải liệt kê rõ các nội dung bài giảng và bài tập mà chúng tôi thiết kế có liên hệ với nhau thế nào, sẽ giúp sinh viên có được sự thành thạo chuyên môn nào, sự thuần thục hành vi thực hành nào, và sẽ đo điều đó ra sao. Chúng tôi cũng phải liệt kê rõ mỗi nội dung giảng dạy, mỗi bài tập hướng vào các kỹ năng gì, kiến thức gì, giá trị gì cho sinh viên.

Khi toàn bộ các nhóm làm việc khác nhau ráp các môn học với nhau như trên một bức tranh lớn, thì tất cả các lớp học trong chương trình, cộng với nhau, sẽ phải phủ kín, phủ dày tất cả các yêu cầu về kỹ năng, kiến thức, giá trị mà chúng tôi muốn sinh viên có. Tức là nó phải làm được sứ mệnh của trường và đáp ứng chuẩn của Hội đồng giáo dục CTXH Hoa Kỳ.

Trở lại câu hỏi làm sao để dạy học sinh tư duy phản biện và sự sáng tạo trong giải quyết vấn đề? Như bạn thấy, một phần rất lớn nằm ở chỗ trong thiết kế môn học và nội dung học, mọi thứ đều hướng trực tiếp vào đào tạo để làm việc, mọi sự đo lường việc học tập của sinh viên đều hướng tới kiến thức và các hành vi làm việc thực sự – cho nên lúc nào giáo viên và sinh viên cũng hỏi “Làm thế có thực sự hiệu quả không, có ra sản phẩm bán được không, có thực sự giúp được thân chủ không, có cải thiện được cộng đồng đó không, có tiết kiệm được chi phí không, người ta có bỏ tiền đầu tư vào ý tưởng này không?”. Thứ hai, với bất kỳ một nội dung kiến thức nào, sinh viên bao giờ cũng được giới thiệu tất cả các luồng tư tưởng khác nhau về cùng vấn đề đó, chứ không phải chỉ có một luồng tư tưởng chính thống. Thứ ba, trong lớp, giáo viên nói rất ít, sinh viên nói là chính. Mỗi ngày lên lớp, tôi và các đồng nghiệp “giảng” vô cùng ít; thường chỉ bắt đầu bằng một số câu hỏi, sau đó là thảo luận, tranh luận. Tôi lấy ví dụ như với môn mà đại cương mà tôi nói ở trên, sinh viên phải đọc “Tuyên ngôn cộng sản” của Mác (cái này là thật nhé, sinh viên bên này đọc Mác rất kỹ), một bài khác của Max Weber, rồi một số tác giả khác để trả lời câu hỏi “Vì sao xã hội của chúng ta lại có cấu trúc như hiện tại?”; sau đó trên lớp, có khi sinh viên tranh luận hàng giờ liền chỉ về một từ trong một bài đọc. Thực ra, giáo viên bên này coi SGK chỉ là một cái sườn để bám vào, nhiều môn học hoàn toàn không dùng SGK; sinh viên thường được khuyến khích đọc trực tiếp các bài viết gốc của các tác giả, và tranh luận trực tiếp về các khái niệm, ý tưởng gốc, chưa qua phiên dịch của người khác. Trong lớp, sinh viên nào cũng phải phát biểu; sự cọ sát này tự nó dạy cho sinh viên biết phản biện.

Có phản biện thì đi đến sáng tạo không xa lắm; vì sáng tạo xuất phát từ câu hỏi “Có người đã làm thế, nhưng có nhất thiết phải làm thế không, còn có thể làm gì khác, làm tốt hơn?”

Đấy là vài chia sẻ của tôi.

Tôi cũng muốn nói thêm là đứng về mặt kỹ năng, để dạy sinh viên biết phản biện thì thực ra không khó. Sinh viên VN thực ra cũng được học khi họ học triết ở chương trình đại cương – về logic, về tam đoạn luận, về các khái niệm giả thiết, kết luận, kết luận thay thế, vv.. Có điều là sinh viên VN ít có thực hành thôi. Bên này thì sinh viên thực hành liên tục nên nó thành một thứ bản năng. Chứ để dạy các kỹ năng tư duy phản biện cơ bản theo kiểu cầm tay dạy học sinh tập viết thì không hề khó; nhưng mà dạy xong, học sinh không viết nhiều thì chữ vẫn xấu, có khi lại tái mù.