Đá - linh khí trong di vật cổ Phật giáo

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nói tới nghệ thuật điêu khắc đá trong dòng chảy văn hóa không thể thiếu được tượng Phật bằng đá, bia đá, tảng đá kê chân cột. Những tảng đá kê chân cột chạm hoa văn cánh sen tồn tại rất nhiều trong những ngôi chùa cổ ở Bắc Bộ, trở thành mảng văn hóa mạnh mẽ thời Lý - Trần.

Trong những chất liệu tạo nên di vật Phật giáo, hai thứ được coi là có linh khí, ấy là đá và đồng. Dân gian dùng thành ngữ “nồi đồng cối đá” để chỉ sự bền vững. Chẳng phải ngẫu nhiên mà đá và đồng được người xưa sùng tín. Để tiến hóa thành người, tổ tiên chúng ta đã phải trải qua hai thời đại tiền sử: thời đại đồ đá và sau đó là thời đại đồ đồng. Lấy tên đặt cho hai thời đại dài dằng dặc, bởi tầm quan trọng của chất liệu đối với thời đại ấy.

Thuở tiền sử sơ khai, từ công cụ lao động tới mọi vật dụng đều được làm từ đá: rìu đá, dao đá, lưỡi cày đá... Nên đá chính là dư âm vạn năng từ ngàn xưa còn vọng lại ngày nay thành linh khí. Di vật đá trong văn hóa Phật giáo thật muôn hình vạn trạng, tạo thành nhiều dòng chảy độc đáo: bia đá, cây hương đá, bệ thờ bằng đá, tượng đá, thạch kinh, tảng đá kê chân cột chạm hoa văn cánh sen....

Thạch kinh xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào năm Tống Khai Bảo thứ 4 (năm 971) khi được Vua Tống cho khắc kinh Đại tạng lên cột đá để cúng dường. Chỉ hai năm sau, Nam Việt Vương Đinh Liễn đã cho dựng 100 cột kinh Phật bằng đá, khắc kinh Đà la ni. Từ đây về sau tạo thành một dòng chảy thạch kinh trong văn hóa Việt Nam.

Kinh tràng Hoa Lư là biểu tượng của Pháp trong Tam Bảo nhà Phật (gồm: Phật, Pháp, Tăng), với mong muốn làm nên những cuốn kinh Phật bền vững tới muôn đời sau. Sau đó là Lê Hoàn cho dựng thạch kinh ở chùa Nhất Trụ. Từ đây về sau nhân dân ta có truyền thống dựng Thạch Kinh trước điện thờ Phật, chí ít cho tới thời Trần vẫn còn “di duệ” của chúng, trước chùa Phổ Minh ở Nam Định cũng có 2 cột kinh tương tự.

Song hành cùng thạch kinh là sự phát triển mạnh mẽ của trào lưu dựng cây hương đá trước chùa. Cây hương đá ban đầu mô phỏng hoa sen, trải qua thời gian được cách điệu làm nên phong cách nghệ thuật độc đáo. Chùa Hương Trai (Hà Tây) có cây hương đá đặt trước sân thẳng gian giữa tiền đường, với 4 mặt, dáng "thượng thu hạ thách", cao 1,9m. Đế cao 10cm chạm giật cấp 3 tầng. Thân cao 1,6m; mỗi mặt hai đường biên rộng 3,5cm. Đỉnh là một hình hộp vuông cao 20cm, kích thước 0,5 x 0,5m, xung quanh chạm nổi hoa văn cánh sen. Trên đỉnh đặt bát nhang. Niên đại của cây hương đá là Thời Chính Hòa.

Rất nhiều ngôi chùa ở Bắc Bộ cũng có cây hương đá cùng phong cách như vậy: chùa Báo Quốc (Thái Bình) niên đại 1695; chùa Chuông (Hà Tây) niên đại 1702; chùa Kỳ Lân (Vĩnh Yên) niên đại 1680... Bên cạnh đó có rất nhiều biến thể của cây hương đá: Cột đá chùa Giạm (Bắc Ninh); cột rắn Xuân Sơn (Quảng Nam); chùa Hợp Hội (Vĩnh Yên) có 10 cột đá... đều liên quan tới việc thờ Quan Âm Nam Hải ngồi trên tòa sen nhô khỏi mặt nước. Một đỉnh cao nghệ thuật được khởi nguồn từ cây hương đá chính là chùa Một Cột, với kết cấu một thân cột tròn mọc từ dưới nước lên, trên có đài thờ Phật mang hình tượng bông sen giữa hồ nước.

Một dòng chảy văn hóa mạnh mẽ thời Trần chính là bệ đá hoa sen hình hộp, mang dấu ấn lịch sử đặc biệt và giá trị nghệ thuật vô giá, với hơn 20 chiếc còn lưu giữ được ở Bắc Bộ. Nhân dân ta đã đặt nhiều tên gọi cho loại hình nghệ thuật độc đáo này: bệ đá Tam thế, bệ đá Hoa sen, bệ đá thời Trần. Dựa theo tên gọi, chúng ta hình dung được những đặc điểm chung nhất của những di vật đó: đều làm bằng đá, chế tác thời Trần, kiểu dáng hình hộp chạm khắc thành tòa sen, và cùng có chức năng là bệ ngồi của những bộ tượng Tam thế.

Tất cả 7 chiếc bệ đá tòa sen có khắc ghi niên đại đều được làm từ thời Trần. Cổ nhất là bệ đá ở chùa Hương Trai (Hoài Đức, Hà Tây) làm đầu năm 1370, tiếp đến lần lượt là các bệ: bệ chùa Giao Thông (Ứng Hòa, Hà Tây) làm cuối năm 1370; bệ chùa Đại Bi (Hoài Đức, Hà Tây) làm năm 1374; bệ chua Ngọc Đình (Thanh Oai, Hà Tây) năm 1375; bệ chùa Bối Khê năm 1382; bệ chùa Phổ Quang (Lâm Thao, Phú Thọ) năm 1386; bệ chùa Viên Nội năm 1382. 6 trong số 7 bệ đá ghi rõ niên đại đều tập trung ở tả ngạn sông Đáy, nằm trên dải đất tả Đáy của tỉnh Hà Tây, duy chỉ có bệ Phổ Quang nằm ngoài khu vực trên.

Bệ đá thời Trần ở Chùa Thầy (Hà Tây)

Tất cả những chiếc bệ đá tòa sen không ghi niên đại đã được các nhà khảo cổ học xác định là có niên đại muộn hơn những bệ đá ghi niên đại, kể tới những bệ ở: chùa Diên Phúc; chùa Linh Ứng; chùa Thầy; chùa Trà Dương; chùa Tân Tiến; chùa Nhạn Tháp; chùa Hồng Ân; chùa Minh Pháp; chùa Lục Độ; chùa Liêu Hoa; chùa Bạch Hào... Bệ đá không ghi niên đại nằm rải rác khắp đồng bằng Bắc Bộ, từ Yên Bái, Phú Thọ tới Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ninh, ra tận đảo Vạn Đồn.

Bệ đá tòa sen được chế tác sớm nhất từ năm 1370 muộn nhất là đầu thế kỷ XV, đó cũng chính là thời kỳ nhà Trần đang suy tàn, không còn đủ sức gây ảnh hưởng mọi mặt tới cộng đồng làng xã, nghệ thuật dân gian kiểu “cây nhà lá vườn” ở làng xã lên ngôi. Đặc điểm chung về nghệ thuật tạo hình của bệ đá thời Trần là: mặt bệ tòa sen với hai lớp cánh ngửa một lớp cánh úp, thân bệ chạm khắc chim thần Garuda ở các góc cùng nhiều hoa văn, đế kiểu chân quỳ dạ cá.

Nói tới nghệ thuật điêu khắc đá trong dòng chảy văn hóa không thể thiếu được tượng Phật bằng đá, bia đá, tảng đá kê chân cột. Những tảng đá kê chân cột chạm hoa văn cánh sen tồn tại rất nhiều trong những ngôi chùa cổ ở Bắc Bộ, trở thành mảng văn hóa mạnh mẽ thời Lý - Trần.

Tượng Phật bằng đá có niên đại sớm nhất hiện còn lưu giữ được ở Bắc Bộ là những pho tượng thời Lý, nhưng thời Lý không có pho tượng nào còn nguyên vẹn. Được nhắc tới nhiều nhất là pho tượng A Di Đà ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), niên đại 1057, nhưng đầu và đài sen là sản phẩm của thế kỷ XVII, XVIII. Pho tượng Kim Cương bảo vệ Phật pháp cùng niên đại cũng ở chùa này đã mất đầu và chân, hiện được bảo tồn tại Viện Bảo tàng lịch sử.

Chùa Duyên Ứng (Long Đọi - Hà Nam) còn pho tượng Kim Cương bằng đá thời Lý cao 1,57m; chùa Huỳnh Cung (Hà Nội) có pho tượng A Di Đà bằng đá thời Lý, cả hai pho tượng quý giá này đều đã mất đầu. Tượng thời Lý còn đầy đủ bộ phận hơn cả là hai pho bằng đá ở chùa Ngô Xá (Nam Định) và chùa La Khê (Hà Tây), chỉ bị vỡ một phần đài sen. Nơi lưu giữ nhiều pho tượng đá cổ nhất có lẽ là chùa Trầm (Chương Mỹ, Hà Tây) với 48 pho tượng đá thời Lê được chế tác công phu, tinh xảo, tư thế nào cũng toát lên vẻ đẹp tâm linh của Đức Phật, Di Lặc, La Hán, thập điện Diêm Vương...

Chùa Ngọc Khám ở thôn Gia Đông (Thuận Thành, Bắc Ninh) còn lưu giữ được bộ tượng Tam thế Phật cổ nhất Việt Nam bằng đá xanh, niên đại đầu thời Lê Sơ. Tượng Phật bằng đá các thời sau vô cùng phong phú đa dạng, khuôn khổ bài viết này không thể nói hết được.

Bia đá là di vật không thể thiếu được trong chùa, bởi mang thông điệp của tiền nhân gửi tới muôn đời hậu thế. Bia đá là nơi truyền tải những văn tự ghi lại công việc dựng chùa và trùng tu chùa, đồng thời là những tư liệu lịch sử. Những tấm bia đá cổ nhất của Phật giáo phải kể tới bia đá chùa Linh Xứng (Thanh Hóa) và bia đá chùa Viên Quang (Nam Định). Bia “Viên Quang tự bi minh tính tự” được thiền sư Giác Hải cho khắc vào năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ ba (1122). Bia Linh Xứng có kích thước tương đối lớn, cao 134cm, rộng 70cm, tọa lạc tại chùa Linh Xứng (Hà Trung, Thanh Hóa), được dựng năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 7 (1126).

Nội dung văn bia ghi lại công lao của Thái úy Lý Thường Kiệt trong việc công đức dựng xây chùa Linh Xứng, đồng thời ghi chép những chiến công của ông trong công cuộc kháng Tống (1076-1077) bình Chiêm (1069-1072). Hiện ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia trưng bày một phiên bản của bia đá Linh Xứng.

Những tấm bia đá cổ có kích thước lớn phải kể tới bia đá của chùa Long Đọi (Hà Nam), cao 2,66m; rộng 1,67m; dày 0,3m, được đặt trên phiến đá chạm rồng. Chùa Am Động (Quảng Ninh) nổi danh là nơi có nhiều bia đá cổ, với 46 tấm khắc ghi lại việc công đức dựng và trùng tu chùa. Chùa Linh Sơn (Hà Nội) lưu giữ tới 22 tấm bia đá cổ.

Di vật đá thật muôn hình vạn trạng, tạo thành rất nhiều dòng chảy văn hóa mạnh mẽ, trong đó sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới nghệ thuật tạo hình với những con giống, tay vịn, lan can bằng đá trên những bậc lên xuống, một loại kiến trúc truyền thống. Lan can, tay vịn, con giống bằng đá được tạo hình đa dạng, với đủ loại kiểu dáng: con rồng, con sấu, con sóc, sư tử, chim công, chim phượng, con nghê, con rùa, tượng khỉ...

Chùa Bảo Tháp (Gia Lương, Bắc Ninh) còn lưu giữ được con rồng đá nguyên khối nặng 1,5 tấn. Chùa Hương Lạng (Hưng Yên) vẫn còn 11 tay vịn bằng đá. Chùa Phật Tích còn 5 cặp tượng thú: sư tử, tê giác, voi, trâu, ngựa nằm trên bệ hoa sen tạc bằng đá lớn cao tới 2m... Gần đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện được tại chùa Phúc Lâm (Hà Nội) một lan can hình con sấu chế tác từ thời Lý.

Biết bao hiện vật bằng đá vô cùng thú vị mà tiền nhân để lại khiến ta ngạc nhiên, kính phục tài nghệ của cha ông. Chùa Phúc Lâm (Hà Nội) có một giếng đá cổ, tuổi hơn 600 năm, miệng giếng được tạo tác bởi một khối đá khoét rỗng giữa tròn xoay toàn bích. Chùa Lương (Hải Hậu, Nam Định) lại có chiếc giếng cổ độc đáo: thành giếng được tạo bởi hàng chục chiếc cối đá xếp thành hình trụ chứa nguồn nước trong mát tuyệt diệu.

Vô vàn những tác phẩm nghệ thuật chế tác đá cổ xưa đang được Phật giáo gìn giữ, với những tượng nữ thần chim, đầu tượng tiên nữ, mô hình tháp Phật, mảng đá chạm lá đề, phiến đá chạm lưỡng long tranh châu, mảng đá chạm hoa văn sóng nước... Một nơi có thể coi là bảo tàng đá, ấy là chùa Trầm, với cây hương đá chạm khắc tinh vi (niên đại Chính Hòa 17 - 1696), chuông đá, khánh đá, trống đá, tượng đá...

Cảm giác đồ sộ và hoành tráng khiến ta choáng ngợp nếu thử liệt kê những báu vật Phật giáo có nguồn gốc từ đá. Đá cổ xưa, đá mang thông điệp tiền sử, đá vững bền muôn kiếp... Những linh khí dân tộc thấm sâu âm thầm trong đá làm thành dòng sông văn hóa rộng lớn chảy mãi bất tận muôn đời.

(nguồn CAND)

Liên kết đến đây