Dạy và học ngoại ngữ ở môi trường không chuyên ngữ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tóm tắt[sửa]

Trong giai đoạn phát triển của đất nước hiện nay, ngoại ngữ là không thể thiếu. Dạy và học ngoại ngữ ở các trường kĩ thuật cần được quan tâm và hoàn thiện trên cơ sở tính đến đặc thù không chuyên. Vấn đề đặt ra là cần tìm được các phương pháp và tài liệu phù hợp cho sinh viên các trường kĩ thuật. Bài viết nêu lên đặc điểm đặc thù và khái quát phương pháp giảng dạy ngoại ngữ ở môi trường không chuyên.

Abstract[sửa]

It is necessary to learn foreign languages especially in the developing period of our country. Teaching and learning foreign languages must be paid attention to and improved on the basis of peculiarities. The problem is to find suitable methods and materials for technical institutes and colleges. This article is written about peculiarities and the general method of teaching foreign languages in the non-linguistic environment.

Nội dung[sửa]

Trong cơ chế mở cửa của Nhà nước ta hiện nay không thể thiếu chiếc cầu nối - ngoại ngữ trong giao lưu quốc tế. Trong tất cả các ngoại ngữ đang được dùng làm môn học cho các trường phổ thông, cao đẳng và đại học thì tiếng Anh chiếm vị trí cao.

Trong môi trường không chuyên, dạy và học ngoại ngữ là cả một vấn đề nếu không nói là nan giải. Việc áp dụng các phương pháp giảng dạy ngoại ngữ ở trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là đa dạng và nhiều lúc chưa được định hướng rõ ràng. Dạy và học ngoại ngữ cần được xem như một lĩnh vực khoa học và thực hành sư phạm đặc thù, là cơ sở cho việc hình thành các phương pháp và nguyên tắc có hiệu quả. Vấn đề đặt ra là phải hoàn thiện các kĩ năng kĩ xảo mà học viên chưa có hoặc thiếu. Ở đây phương tiện kĩ thuật và sử dụng hợp lí chúng đóng vai trò hết sức quan trọng, sẽ nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy và học ngoại ngữ trong tất cả các lĩnh vực hoạt động nghe, nói, đọc, viết.

Trong quá trình học và giảng dạy ngoại ngữ người học trò đóng vai trò trung tâm. Các qui trình và phương pháp học ngoại ngữ cần được tiến hành theo từng bước, nghĩa là từ suy nghĩ đến lời nói, học trúng, nhanh, nhiều và kết hợp học có ý thức và ngẫu nhiên.

Học ngoại ngữ là có thể học mọi lúc, mọi nơi. Các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết và suy nghĩ bằng ngoại ngữ được thể hiện cụ thể qua phương pháp dạy ngoại ngữ. Ở đây hoạt động lời nói tích cực là rất cần thiết. Như phương pháp giảng dạy hiện đại đã khẳng định: "Việc thực hiện phương pháp giao tiếp đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa kĩ năng và kĩ xảo lời nói, sử dụng "tâm lí nhân cách" (M.Gala). Các phương pháp thường được sử dụng là nhập vai nhân vật, nói theo chủ đề, trả lời câu hỏi, nêu tình huống theo vấn đề , giải các câu đố, bài khó. Nếu chọn được những mẫu câu, dạng bài thích hợp với chủ đề tương ứng và kèm theo tài liệu trực quan thì hiệu quả bài học sẽ tăng rõ rệt.

Kĩ năng nghe ghi nên bắt đầu từ những bài tập mà học viên không những nghe được, mà còn nhìn thấy được người nói. Cần phải chú ý đến tất cả những gì có liên quan tới tâm lí tiếp nhận trong quá trình học ngoại ngữ.

Qua quá trình giảng dạy chúng tôi thấy rằng nghe ghi nên bắt đầu từ những bài chính tả. Chính tả giúp người học quen dần với những bài tập nghe ghi trên máy, làm giảm bớt những khó khăn về từ vựng, lỗi chính tả. Cần chú ý nhiều hơn tới việc đưa các cụm từ mới và câu mới vào quá trình học tập một cách tự nhiên. Phải giải quyết được ở mức tối đa mâu thuẫn giữa tính giao tiếp và tính hệ thống trong bài học và trong cả quá trình giảng dạy. "Giao tiếp bác bỏ phương pháp giảng dạy các phạm trù phương pháp khác nhau như ngôn ngữ âm học, từ vựng học, cú pháp học … theo trật tự thẳng của chúng" (O.P.Mitrophanova). Tính giao tiếp đòi hỏi sự lựa chọn các tư liệu gần với giao tiếp trên thực tế.

Việc nảy sinh mâu thuẫn giữa tính giao tiếp và tính hệ thống là đương nhiên. Ví dụ, phần ngữ pháp cần có giao tiếp chủ yếu được thể hiện ở dạng giải thích ngắn gọn làm cho phần hệ thống tạo thành bị phân nhỏ và ngắt đoạn. Có thể giải quyết mâu thuẫn này bằng cách đưa vào quá trình dạy và học các bài tập dịch từ dễ đến khó. Qua các bài tập dịch người học có thể nhận thức được sự khác nhau và không phù hợp giữa các ngoại ngữ, khắc phục được giao thoa và cuối cùng là nâng cao chất lượng toàn bộ quá trình dạy và học ngoại ngữ.

Mục tiêu cuối cùng trong việc dạy và học ngoại ngữ của sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là có thể đọc được sách chuyên môn bằng ngoại ngữ đã học để làm đồ án tốt nghiệp và khi ra trường có thể sử dụng phần nhất định ngoại ngữ đã được học để phục vụ cho công việc của mình. Tuy nhiên, trên thực tế chưa đạt được chất lượng và hiệu quả trong việc đọc sách chuyên môn bằng ngoại ngữ của sinh viên. Vấn đề đặt ra là phải đạt được mục tiêu, đặc biệt là trong thời gian hiện nay khi chúng ta đang chuẩn bị hành trang bước sang thế kỉ XXI.

Qua quá trình giảng dạy chúng tôi thấy rằng đến giai đoạn chuyển sang học ngoại ngữ theo chuyên ngành, sinh viên phải tự tìm sách ngoại ngữ theo chuyên ngành mình học để tham khảo dưới sự hướng dẫn của thầy, đồng thời học theo một giáo trình nhất định. Trong một trường kĩ thuật như Bách Khoa cần coi trọng học ngoại ngữ theo chuyên ngành và cần có đầu tư thích đáng. Để đạt được chất lượng và hiệu quả cao cần tiến hành đồng bộ quá trình kiểm tra và đánh giá, kết hợp giữa tự kiểm tra và đánh giá một cách thường xuyên.

Như vậy, quá trình dạy và học ở môi trường không chuyên ngữ đạt hiệu quả trong trường hợp tiến hành các phương pháp giảng dạy phù hợp cùng với hàng loạt các nguyên tắc khác nhau để hoàn thiện kĩ năng kĩ xảo của người học trong nghe, nói, đọc, viết đặc biệt trong đọc sách chuyên ngành bằng ngoại ngữ đang học.

Tài liệu tham khảo[sửa]

1. S.Sacovski. Xã hội hóa giao tiếp ngôn ngữ và các vấn đề về giảng dạy tiếng nước ngoài. Moscow, 1987.

2. N.V.Pirot. Các nguyên tắc lựa chọn đơn vị giao tiếp tối thiểu cho bài học theo chuyên ngành. Moscow, 1988.

3. A.A.Leontiev. Ngôn ngữ như một hiện tượng xã hội (Định nghĩa đối tượng của ngôn ngữ học). Viện Hàn lâm Khoa học Nga, 1976.

4. G.I.Capitonova, A.N.Tsukin. Các phương pháp giảng dạy ngoại ngữ hiện nay. Moscow, 1987.

Bản quyền[sửa]

Đào Hồng Thu

Tạp chí Khoa học và Công nghệ. Số 12, 1996.