Phê pháp phép ngụy biện/Nguyên nhân

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nguyên nhân hình thành và tồn tại của lối tư duy ngụy biện:



1. Nguyên nhân hình thành của lối tư duy ngụy biện Việt:[sửa]

1.1 Tư duy người Việt mang tính biện chứng cao nhưng méo móp:[1][sửa]

Nước Việt có một nền văn minh lúa nước lâu đời, chính nền văn mình này đã khiến dân tộc sống chan hòa cùng thiên nhiên, nhận biết được tương quan biện chứng giữa tự nhiên và tự nhiên, con người và con người, con người và tự nhiên vì thế tư duy biện chứng là một trong đặc tính cơ bản của tư duy người Việt hay nói rộng hơn là Việt Triết.

Thế nhưng, việc tồn tại văn hóa làng xã, văn hóa mà “phép vua thua lệ làng”, văn hóa “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”, đã khiến màu sắc biện chứng trong tư duy Việt không tính biện chứng tiến bộ, phát triển mà lối biện chứng cục bộ tức là tuyệt đối hóa một vai trò nào đó không một nhóm vai trò tác động đến đối tượng. Thế nên, mới hình thành lối tư duy ngụy biện “Qui nạp sai (Khái quát hóa vội vã)”, về các tác nhân của hiện tượng xã hội. Ví dụ: “Phú quí sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc” hay “Giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ”. Những câu tục ngữ ấy mang tính khái quát cao và đại diện tuy nhiên vì tuyệt đối hóa một vai trò như “phú quí”, như “bần cùng”, như “bạn”, như “vợ” mà vô tình chung tính chân lí bị giảm sút. Điều này khác hẳn với phương Tây, họ cũng so sánh và đúc kết nhưng họ biết đưa thêm những từ “đôi khi” hay “đa số”, hay “một phần” khiến cho lối nhìn của họ tuy không bay bổng và vần nhịp như người Việt nhưng khó mà bác bỏ được họ như ca dao tục ngữ Việt.

Chính vì thế, tác giả tạm gọi tư duy dạng này, là tư duy biện chứng méo móp.

1.2. Nước Việt có một nền học thuật yếu:[2][sửa]

Học thuật ở nước Việt có thể nói là tương đối yếu so với các nền văn hóa, văn minh khác, đặc biệt là phương Tây. Ngay cả những nước phương Đông như Trung Quốc, Ấn Độ thì nền học thuật của Việt Nam cũng yếu hơn rất nhiều. Điều này lí giải là do văn hóa làng xã đã khiến sự giao lưu tư tưởng, giao lưu học thuật không được phát triển.

Chính vì điều này, sự đối thoại trong triết học không được phát triển, sự đối thoại giữa những tư tưởng không được thúc đẩy nên ngụy biện không được nhận diện trong một thời gian dài cho đến khi nền văn minh phương Tây du nhập vào Việt Nam, thì sự ngụy biện dường như ăn sâu vào tư duy Việt với cái tên là “khôn khéo và thông minh” như chuyện Trạng mà nhóm đã phân tích của ở phần trên.

Cũng chính nền học thuật yếu, đã khiến dân tộc Việt ảnh hưởng mạnh bởi lối tư duy Hán Học[3] nên việc diễn giải điển tích, hay viện giải uy tín cá nhân, hay lợi dụng sức mạnh cá nhân để tác động lên tính chân lý thành ra mới có quan niệm trong dân gian Việt là “văn sử triết bất phân” cũng vì điểm này.

Cũng do nên học thuật yếu mà ngôn ngữ Việt có thời gian dài sử dụng Hán ngữ làm quốc ngữ, sau đấy lại chỉnh thành chữ Nôm và cuối cùng trở thành Quốc ngữ với hình thức Latin ngữ. Điều này dẫn đến sự phức tạp trong ngôn ngữ Việt. Càng là điểm sơ hở để các nhà ngụy biện “khua môi múa mép” trên cơ sở chơi chữ, và tận dụng đồng âm cũng như tính đa nghĩa của từ. Điều này tương cộng một lần nữa với yếu tố học thuật yếu càng làm suy luận trở nên rối rắm và khó phân tích.

Cũng do nền học thuật yếu nên khi tiếp nhận văn minh phương Tây, chúng ta bị ảnh hưởng và vô tình tạo nên lối tự ti trong suy luận. Chúng ta vẫn thường suy nghĩ một cách dễ dãi như: “Phương Tây phát triển, Việt Nam lạc hậu”. Một sự thật rằng, không thể chối bỏ điều đấy, nhưng mỗi quốc gia, mỗi dân tộc có nền văn hóa, nền văn minh riêng, có bản sắc riêng, việc quá tả hay quá hữu trong nhìn nhận sự việc sẽ dẫn đến lệch lạc và tinh thần cực đoan. Điều này dẫn đến hàng loại lối ngụy biện dựa vào phương Tây để phê phán hay xây dựng Việt Nam cho tiến bộ, văn mình nhưng thực chất mang nặng yếu tố “Tây Hóa” trong việc xây dựng này.

1.3. Người Việt với tính cách trung dung, dĩ hòa vi quí nên lí tính mang nặng màu sắc cảm tính:[sửa]

Điều này xuất phát từ nền văn minh lúa nước và văn hóa làng xã, khiến tính duy cảm trong tư duy Việt được cơ hội phát triển theo dạng “khi thương trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo”, nên những vấn đề như “sự đồng thuận của đám đông”, “lợi dụng uy tín cá nhân”, “lợi dụng quyền lực”, có cơ hội hình thành và phát triển. Điều này cũng được phê phán trong ca dao – tục ngữ Việt như: “Một miệng làng bằng ba miệng trống” hay “Trăm năm bia đá cũng mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Những điều đấy, làm tính ngụy biện có đất sống và phát triển. Vì tính chân lý của sự vật không được đem ra phê phán và đấu tranh tới cùng.

Cả ba yếu tố nêu trên cùng tác động, cùng ảnh hưởng đến nhau để tạo nên lối tư duy dễ dãi, và thiếu tính logic của người Việt. Thế nhưng, đến thế kỷ 21, sự ngụy biện này dường như vẫn còn tồn tại, không chỉ Việt Nam, mà còn ở thế giới.

Điều này sẽ lí giải ra sao, như thế nào?

2. Nguyên nhân tồn tại của ngụy biện:[sửa]

Xuất phát từ tiền đề, không gì có thể tồn tại nếu nó không phục vụ lợi ích con người sẽ cho chúng ta cái nhìn rộng mở để lí giải câu hỏi trên.

Ngụy biện, xét về mục đích, chẳng qua cũng là một phương tiện để đạt được mục đích của con người. Nếu đi bằng logic thông thường, sẽ khiến người nghe – vốn hữu hạn về nhận thức – khó tiếp thu và đồng ý. Trong tình huống này, ngụy biện đóng vai trò là con đường ngắn nhất để đạt được mục đích đó. Xét về tính mục đích, nó là biện pháp tối ưu, vừa ít tốn công, vừa đỡ tốn sức.

Thế nhưng, khi lí giải và hành động như thế những người sử dụng đã quên một tiền đề khác là con người chỉ làm khi họ có nhu cầu hay nói cách khác, họ muốn làm hành động đấy. Việc thuyết phục có thể hiểu góc độ nhỏ là sự ép buộc, cưỡng bức vô hình với người bị thuyết phục. Nhóm đồng ý một quan điểm cho rằng: “Mục đích không biện minh cho phương tiện”, tức là để thuyết phục một ai đó làm một việc gì đó, hay dùng logic chân chính để lý giải cho họ hiểu vì sao họ cần làm thế thay vì dùng lí lẽ ngụy biện để đánh mù lí trí của họ và bắt họ làm theo.

Mặt khác, ngụy biện được hình thành dựa trên nền học thuật yếu – mà hệ quả trực tiếp – là sự logic trong lí luận không vững vàng, vì thế đến thời điểm hiện nay, khi mà tính logic trong lí luận người Việt cũng chưa thực mạnh thì ngụy biện cũng còn tồn tại là lẽ tất nhiên.

Thứ ba, ngụy biện đã ăn sâu vào tâm thức người Việt, dường như nó là nét văn hóa, đặc biệt nhóm ngụy biện dựa vào sự duy cảm, vì thế việc xóa bỏ nó không phải là một sớm một chiều mà phải đấu tranh liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Chú thích[sửa]

  1. Đọc thêm GS John B. Trần Văn Đoàn, Tổng quan về Triết học và Việt triết, Đại học Quốc Gia Đài Loan, 1996
  2. Đọc thêm Dương Ngọc Dũng, Đường vào Triết học, NXB Tổng hợp TpHCM, 2006
  3. Hay tư duy Hán học ảnh hưởng bởi nước Việt thì vẫn còn đang tranh cãi, nhận định này nhóm nhận định với chính kiến riêng.

Mục lục[sửa]

Tác giả[sửa]

Tác giả: Nguyễn Chiến Trường

Nguồn: https://thayruamongtre.wordpress.com

Liên kết đến đây