Vai trò của liên kết ghi nhớ trong hoạt động thần kinh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sự ghi nhớ được các tế bào thần kinh thực hiện mới chỉ là một phần trong sự ghi nhớ chung của não bộ. Để hoàn chỉnh sự ghi nhớ và hiển thị được sự ghi nhớ, một yếu tố quan trọng khác là sự liên kết giữa các tế bào thần kinh. Sự liên kết này không chỉ đảm bảo cho hoạt động điều khiển cơ thể mà còn đảm bảo cho hoạt động tư duy của não bộ. Hoạt động tư duy của não bộ dựa trên các mối liên kết được hình thành giữa các tế bào ghi nhớ mới. Có thể nói rằng, nếu không có sự liên kết giữa các tế bào thần kinh ghi nhớ mới thì không có tư duy và cũng không có ý thức, sự ghi nhớ mới sẽ không còn ý nghĩa. Ghi nhớ được là quan trọng, nhưng liên kết ghi nhớ còn quan trọng hơn.

Liên kết giữa các tế bào thần kinh, hay gọi ngắn gọn hơn là liên kết thần kinh, được định nghĩa là khả năng kích hoạt theo trình tự hoặc kích hoạt lẫn nhau giữa các tế bào thần kinh. Một tế bào thần kinh hoạt động có thể kích hoạt các tế bào thần kinh liên kết với nó. Định nghĩa này không đặt ra yêu cầu các tế bào thần kinh phải có một sự liên kết cụ thể dưới dạng các sợi thần kinh nối giữa các tế bào, mà với những cách thức nào đó, một tế bào thần kinh có thể kích hoạt bất kỳ một tế bào thần kinh khác hoạt động thì giữa chúng có liên kết thần kinh. Khi hiểu được sự mở rộng như vậy, chúng ta sẽ hiểu được tại sao ý nghĩ có thể chuyển rất nhanh từ đề tài này, lĩnh vực này sang đề tài khác, lĩnh vực khác, hiểu được tại sao người Hy lạp lại cho rằng vị thần nhanh nhất là vị thần suy nghĩ.

Liên kết thần kinh có thể quan sát được và không thể quan sát được. Liên kết quan sát được là liên kết thực, còn liên kết không quan sát được là liên kết ảo. Liên kết thực là liên kết được thực hiện bởi các sợi thần kinh nối giữa các tế bào, các tín hiệu thần kinh dưới dạng xung điện sẽ di chuyển trong các sợi thần kinh đó. Liên kết ảo là liên kết giữa các tế bào thần kinh không nối trực tiếp với nhau bằng sợi thần kinh hoặc liên kết qua các tế bào trung gian. Sự kích hoạt trong liên kết ảo được thực hiện bởi kích thích dưới dạng sóng điện từ, các chất có khả năng mang thông tin hoặc gián tiếp qua sự hoạt động của các tế bào khác. Tính quan sát được và không quan sát được trên đây chỉ là tương đối bới chúng phụ thuộc vào khả năng quan sát. Các liên kết trên lại có thể được chia ra thành liên kết ngang, liên kết dọc và liên kết phức hợp ( tác giả đã nêu trong bài Ba phương thức hoạt động cao cấp của hệ thần kinh hình thành như thế nào?). Mỗi hình thức liên kết lại mang đến một ý nghĩa riêng cho hoạt động thần kinh. Chúng ta sẽ xét lần lượt:

Liên kết thực, như trên đây đã nêu, là liên kết được thực hiện thông qua các sợi thần kinh, các tín hiệu thần kinh được truyền qua các snap hay các khớp thần kinh nằm trên các sợi này. Do các tín hiệu hay các kích thích thần kinh được truyền theo các sợi này nên chúng mang tính tập trung, xung năng lượng là dòng điện nên khả năng kích thích mạnh, hiệu quả kích hoạt cao, tuy vậy số lượng các tế bào hoặc nhóm tế bào tiếp nhận kích thích sẽ giới hạn trong các tế bào có liên kết với nhau dẫn đến sự hạn chế khả năng tư duy.. Liên kết thực có tính bền cao giúp cho việc duy trì ghi nhớ liên kết tốt, tuổi thọ của sự ghi nhớ cao, các đối tượng ghi nhớ được có quan hệ mật thiết với nhau sẽ được liên kết chặt chẽ. Điều này có ý nghĩa tốt trong sự ghi nhớ các công thức , các định lý, các bài học thuộc lòng, các thao tác chính xác....nhưng điều này cũng tạo ra các con đường cố định trong tư duy. Tư duy theo những con đường cố định mang nặng tính bảo thủ, giáo điều do phương thức tư duy chủ yếu là sự lặp lại các phần tử ghi nhớ trong liên kết đã hình thành. Hoạt động thần kinh trong liên kết thực chủ yếu theo phương thức phản ứng thần kinh, tính sáng tạo bị hạn chế khi liên kết thực phát triển theo chiều dọc và tư duy nông cạn khi phát triển theo chiều ngang.

Cũng giống như sự hình thành cấu trúc ghi nhớ trong các tế bào thần kinh, các sợi thần kinh nối giữa các tế bào ghi nhớ mới cũng cần có năng lượng để hình thành. Năng lượng giúp cho sự hình thành các sợi này do các tế bào ghi nhớ cung cấp. Điều này có nghĩa là sự ghi nhớ của tế bào đã được thực hiện trước, sau đó sự liên kết giữa các tế bào mới được thực hiện. Điểm khác nhau giữa sự hình thành cấu trúc nhớ và sợi thần kinh là nếu tế bào không ghi nhớ được thì sự ghi nhớ là không có, còn không có liên kết thì sự ghi nhớ khó được hiển thị trong khi vẫn có sự ghi nhớ. Quá trình hình thành sợi phụ thuộc vào mức độ phát năng lượng của tế bào. Nếu năng lượng phát ra mạnh thì các sợi hình thành nhanh và ngược lại, sợi sẽ hình thành chậm và có thể phải sau nhiều lần tế bào hoạt động, liên kết mới hình thành..Trong thực tế, để ghi nhớ những điều cần học thuộc lòng và đặc biệt là ghi nhớ các trình tự thao tác chính xác, người học phải học đi học lại bài học, lặp đi lặp lại thao tác nhiều lần. Điều này cũng tương tự với sự hình thành cấu trúc ghi nhớ. Vì vậy, sư ghi nhớ và sự hình thành liên kết ghi nhớ có thể được hình thành trong cùng một giai đoạn nhưng không đồng thời và có sự khác nhau giữa các cá thể. Sự hình thành liên kết khác nhau giữa các cá thể cũng dẫn đến sự hiển thị ghi nhớ khác nhau về cùng một đối tượng và do đó dẫn đến sự hiểu biết không thống nhất về cùng một đối tượng.

Liên kết ảo là liên kết giữa bất kỳ tế bào ghi nhớ nào tại một thời điểm mà giữa chúng không có liên kết bằng sợi thần kinh. Liên kết ảo cho phép các tế bào thần kinh ghi nhớ về các đối tượng khác nhau, thời điểm khác nhau, không nằm cùng một khu vực thần kinh và có khoảng cách xa nhau có thể kích hoạt lẫn nhau. Đây là điểm khác biệt so với liên kết thực bởi trong liên kết thực các tế bào chỉ có thể kích hoạt được các tế bào có kết nối bằng sợi thần kinh với nhau, mà các sợi thần kinh chỉ có thể được hình thành khi các tế bào ghi nhớ mới có một giới hạn về khoảng cách và như phần trên đã nêu, chúng phải có một số điều kiện để hình thành, bao gồm cả điều kiện thời gian. Liên kết ảo cung cấp trí tưởng tượng và phương thức hoạt động trí tuệ cho hệ thần kinh.

Liên kết ảo được hình thành bởi nhiều yếu tố. Yếu tố chính tạo nên liên kết ảo là khả năng tiếp nhận được sự kích hoạt bằng sóng điện từ của các tế bào thần kinh ghi nhớ mới. Khi phát kích thích thần kinh thứ cấp ở dạng xung điện, các tế bào thần kinh còn tạo ra sóng điện từ. Với một cấu trúc ghi nhớ phù hợp, các tế bào thần kinh có thể hấp thụ và được kích hoạt bởi các sóng điện từ này. Đây là một hướng phát triển của sự tiến hóa, nó tạo nên tính đa dạng trong hoạt động thần kinh của các loài động vật nói chung và của loài người nói riêng. Sóng điện từ do các tế bào thần kinh phát ra có thể lan tỏa khắp bộ não ( và có thể vượt ra ngoài cơ thể), do đó nó có thể đến với mọi tế bào thần kinh. Các tế bào có khả năng tiếp nhận và có phổ tiếp nhận càng rộng thì tế bào càng dễ tiếp nhận các kích thích thần kinh khác nhau, nó dễ được kích hoạt bởi các kích thích đến từ nhiều nguồn ( có thể từ các nguồn bên ngoài hệ thần thần kinh) hình thành nên liên kết ảo. Ngược lại, phổ tiếp nhận hẹp hoặc tế bào không thể kích hoạt được bằng sóng điện từ thì liên kết ảo khó hoặc không thể được tạo ra. Liên kết ảo hình thành bởi sóng điện từ phụ thuộc vào mức năng lượng của kích thích, phổ tiếp nhận và trạng thái của tế bào tiếp nhận nên liên kết ảo mang tính tạm thời mặc dù nó có thể xuất hiện lặp lại nhiều lần giống như liên kết thực. Do tính tạm thời nên liên kết ảo là liên kết không bền, nó có thể được thay thế bằng liên kết ảo khác hoặc mất liên kết. Một đặc điểm quan trọng trong tư duy liên kết ảo là tư duy không hoặc ít lặp lại. Do đặc điểm này mà mọi ý nghĩ, mọi sự tưởng tượng luôn có những nét mới và luôn được đổi mới. Liên kết ảo phá vỡ tính bảo thủ, giáo điều, máy móc, trì trệ, nặng nề trong tư duy. Tính sáng tạo của những cá thể có hệ thần kinh hoạt động chủ yếu dựa trên sự hình thành các liên kết ảo là rất cao. Và cũng do khả năng kích hoạt bất kỳ tế bào nào nên liên kết ảo chủ yếu là liên kết phức hợp. Một biểu hiện kém hiệu quả của liên kết ảo là sự ngắc ngứ, ngập ngừng, chấm dứt tư duy đột ngột khi con đường tư duy bị dẫn vào khoảng trống hoặc không tạo được liên kết. Nói cách khác, trong một số trường hợp, liên kết ảo dẫn dụ hệ thần kinh không theo một con đường được định hướng. Đây là mặt trái của liên kết ảo.

Liên kết ngang được hình thành khi có nhiều đối tượng cùng tác động lên hệ thần kinh hoặc các chi tiết của cùng một đối tượng tác động đồng thời tác động lên các cơ quan cảm giác khác nhau của hệ thần kinh. Liên kết ngang cũng có thể được hình thành giữa các tế bào ghi nhớ về các đối tượng, các chi tiết của các đối tượng khác nhau không đồng thời tác động lên hệ thần kinh, nhưng các tế bào này cùng hoạt động tại một hoặc nhiều thời điểm. Trong thực tế, hệ thần kinh tiếp nhận sự tác động đồng thời của nhiều đối tượng. Nếu sự đồng thời này lặp đi lặp lại nhiều lần thì liên kết hình thành mặc dù các đối tượng đó không có bất kỳ mối quan hệ nào. Các đối tượng không đồng thời tác động lên hệ thần kinh có một số đặc điểm hay tính chất giống hoặc gần giống nhau, các đối tượng có quan hệ với một đối tượng thứ ba cũng có thể tạo liên kết ngang với nhau thông qua điểm giống nhau đó hoặc thông qua đối tượng thứ ba. Những sự việc được gắn với một mốc thời gian có thể kích hoạt lẫn nhau để cùng hiển thị. Thí nghiệm về phản xạ có điều kiện của Páp-Lốp trên chó hình thành liên kết ngang giữa các tế bào ghi nhớ sự bật đèn với các tế bào ghi nhớ về việc được ăn để sau đó chỉ riêng sự bật đèn đã đủ kích thích sự tiết dịch vị của chó. Khi anh A tiếp nhận sự giới thiệu về anh B lần đầu mới gặp, anh A sẽ ghi nhớ hình ảnh và tên của anh B. Nếu sự liên kết giữa các tế bào ghi nhớ về hình ảnh và tên hình thành thì sau này chỉ cần nhắc đến tên thì hình ảnh của của anh B sẽ hiện ra trong não bộ anh A và ngược lại. Nhược bằng sự liên kết không được hình thành thì khi gặp lại anh B, anh A sẽ không nhớ được tên của anh B là gì hoặc nếu được nhắc đến tên thì anh A cũng không hình dung ra khuôn mặt của anh B. Khi đã quen và nhớ được giọng nói của ai đó thì mặc dù không nhìn thấy mặt, nhưng nghe thấy giọng nói thì vẫn có thể phân biệt được những người quen.

Tính chất của liên kết ngang là liên kết giữa các đối tượng hoặc các chi tiết của các đối tượng khác nhau, có một phần là liên kết giữa các chi tiết của cùng một đối tượng. Vì vậy nó tạo nên khả năng kích hoạt đồng thời nhiều đối tượng. Khi có nhiều đối tượng được kích hoạt sẽ dẫn đến sự so sánh giữa các đối tượng. Trong các đối tượng được hiển thị đó, bộ não sẽ chọn lấy một đối tượng phù hợp nhất để đáp ứng với sự tác động. Khả năng so sánh và chọn lọc tăng cao khi có nhiều đối tượng cùng loại được ghi nhớ và liên kết với nhau. Do khả năng đáp ứng tốt nhất sự tác động nên liên kết ngang là nền tảng cho sự nhanh nhẹn, khéo léo và thông minh, chỉ số thông minh được đánh giá chủ yếu dựa trên sự nhanh nhẹn và có đáp án tốt nhất, về thực chất là sự đánh giá số lượng đối tượng được ghi nhớ và khả năng chọn lọc đối tượng cần thiết. Đi cùng với việc ghi nhớ được nhiều đối tượng sẽ là sự hạn chế về việc ghi nhớ các chi tiết của từng đối tượng. Điều này có nghĩa là khi biết rất nhiều đối tượng thì việc hiểu sâu sắc từng đối tượng dễ bị hạn chế, những người có biểu hiện thông minh chưa chắc chắn là người có hiểu biết sâu sắc. Khi không có sự hiểu sâu về từng đối tượng thì tư duy sẽ nông cạn, hời hợt. Và cũng do liên kết ngang giữa các đối tượng khác nhau nên dễ dẫn đến tình trạng lan man, những vấn đề được đưa ra không hòa nhập hoặc cùng chủ đề, không có tính tập trung, những động tác không phù hợp hoặc những thói quen không cố ý đi cùng với sự thực hiện một việc nào đó hay những động tác thừa, khi có nhiều đối tượng cùng được kích hoạt sẽ xuất hiện trạng thái phân tâm ( Freud đã có rất nhiều khám phá về trạng thái này). Nhiều người tỏ rõ sự ngạc nhiên khi biết mình hoặc người khác cho biết mình đã thực hiện một động tác, một hành vi, một câu nói không liên quan đến công việc đang được tập trung thực hiện. Những thói quen rất dễ được đem ra sử dụng trong bất kỳ thời điểm hoặc công việc nào mặc dù chúng không liên quan đến công việc đó. Trong trạng thái phân tâm có thể có một quá trình tư duy nổi trội lấn át sự hiển thị các quá trình khác. Các quá trình tư duy hoặc hoạt động thần kinh bị lấn át diễn ra song song với quá trình nổi trội nhưng thường không được nhận ra. Do không hiển thị rõ nên những quá trình bị lấn át này thường không được kiểm soát. Chúng có thể làm hỏng hoặc tạo ra được những bất ngờ thú vị cho quá trình tư duy nổi trội. Sự kích hoạt nhiều đối tượng cùng hiển thị cũng có khả năng tạo nên sự kiểm soát trong hoạt động thần kinh. Sự kiểm soát này định hướng hoạt động, ngăn cản những ý nghĩ xấu xa và những hành vi tồi tệ, nguy hại. Những luồng hay quá trình tư duy tạo nên sự kiểm soát là những phản biện trong hoạt động thần kinh. Sự phản biện xác định giá trị của cái đúng, ngăn chặn những cái sai trong tư duy và trong triển khai thực hiện các hành vi. Liên kết ngang trong nhiều trường hợp giúp cho việc nhớ lại được dễ dàng. Một đối tượng mới sẽ dễ được nhớ lại hơn khi gắn nó với một đối tượng rất dễ nhớ khác mà không cần yêu cầu hai đối tượng phải có liên hệ với nhau. Một sự việc xảy ra trong những ngày lễ hay kỷ niệm sẽ dễ dàng được nhớ hơn so với xảy ra trong những ngày bình thường. Liên kết ngang là cơ sở cho phương pháp nhớ đa điểm và nhớ có sự hỗ trợ. Nhớ có sợ hỗ trợ là phương pháp gắn đối tượng cần nhớ với một đối tượng dễ nhớ, còn nhớ đa điểm là sợ ghi nhớ bằng việc thu nhận đồng thời thông tin về đối tượng qua nhiều cơ quan cảm giác khác nhau như bằng hình ảnh, bằng âm thanh hoặc bằng mùi vị. Tuy vậy nó cũng có thể gây nên sự phiền toái khi những cái không mong muốn cứ hiện ra trong trí óc và lấn át cái cần hiển thị, cần nhớ lại.

Liên kết dọc là liên kết giữa các bộ phận, các chi tiết, các quá trình vận động của một đối tượng. Liên kết dọc cũng có thể là liên kết thực hoặc liên kết ảo. Thông thường, liên kết dọc cần có thời gian để hình thành. Đặc điểm này xuất phát từ nguyên nhân các đối tượng không thể hiện đầy đủ các chi tiết, các bộ phận của nó trong những lần tác động lên hệ thần kinh, với đối tượng có sự vận động thì điều này là đương nhiên. Đối tượng càng có nhiều bộ phận, nhiều chi tiết thì thời gian hình thành liên kết càng kéo dài, các bộ phận, các chi tiết của đối tượng sẽ được bổ xung dần vào liên kết hoặc có thể mất đi ( do hội chứng quên tạm thời hay vĩnh viễn ), vì vậy không phải bất kỳ trường hợp nào được nhớ lại, các chi tiết, các bộ phận của đối tượng cũng được hiển thị đầy đủ. Sự hình thành các cấu trúc ghi nhớ trong liên kết dọc có thể là sự hình thành đồng thời khi các chi tiết của đối tượng cùng tác động lên hệ thần kinh ( trường hợp này giống với liên kết ngang), nhưng chủ yếu là hình thành theo trình tự bởi không phải hệ thần kinh luôn được tiếp nhận đồng thời và đầy đủ mọi thông tin về đối tượng, với những đối tượng có độ phức tạp lớn thì phải mất rất nhiều thời gian bộ não mới thu thập được. Các cấu trúc ghi nhớ về những chi tiết mới của đối tượng chịu sự tác động của kích thích đến từ các tế bào thần kinh cảm giác do sự tác động của chi tiết đó và kích thích đến từ các cấu trúc đã ghi nhớ về các chi tiết khác của đối tượng. Sự ghi nhớ này giống với sự ghi nhớ trong phản xạ có điều kiện. Khi có sự kích hoạt, cấu trúc này sẽ hoạt động bởi kích thích từ hệ thống cảm giác hoặc từ các cấu trúc ghi nhớ các chi tiết trước. Sự kích hoạt bởi các cấu trúc ghi nhớ chi tiết trước tạo nên sự tuần tự trong hiển thị về các chi tiết của đối tượng. Các bài học thuộc lòng là đối tượng và là thể hiện cho kiên kết dọc. Sự ghi nhớ có thể không diễn ra ngay tức khắc khi có sự tác động của đối tượng và sự hình thành liên kết dọc còn khó hơn, vì vậy để tạo ra sự liên kết dọc cho những bài học thuộc lòng, cần phải cho đối tượng tác động lặp lại nhiều lần. Nếu sự ghi nhớ đã được thực hiện nhưng chưa có liên kết thì sau một quãng thời gian nào đó có yêu cầu hiển thị đối tượng, các chi tiết của nó sẽ không được hiển thị đầy đủ. Hệ thần kinh ghi nhớ về nhiều đối tượng, vì vậy sẽ có rất nhiều liên kết dọc được tạo ra và tồn tại song song với nhau.

Tính chất quan trọng nhất của liên kết dọc là sự nắm bắt về đối tượng. Hệ thần kinh ghi nhớ được càng nhiều bộ phận, chi tiết và đầy đủ mọi quá trình vận động của đối tượng thì sự nắm bắt về đối tượng càng chắc chắn, đối tượng càng được hiểu rõ. Với sự nắm chắc như vậy thì hệ thần kinh có thể biết trước được sự vận động của đối tượng trong những lần đối tượng xuất hiện sau này. Vì vậy liên kết dọc có tính và khả năng dự báo đối với những đối tượng vận động. Tư duy theo liên kết dọc là tư duy phân tích, tư duy theo chiều sâu, theo nội hàm của đối tượng. Sự phân tích thể hiện ở việc xác định số lượng các yếu tố cấu thành nên đối tượng, mối liên hệ giữa các chi tiết, các tính chất, đặc điểm, trạng thái, quy mô, vai trò của đối tượng, mối quan hệ có thể với các đối tượng khác, các chi tiết chủ yếu, các chi tiết phụ trợ, các chi tiết còn thiếu hoặc có thể của đối tượng,v.v...Sự phân tích mang đến sự đánh giá định lượng, do đó sự nhận thức về đối tượng theo liên kết dọc là nhận thức định lượng, còn nhận thức theo liên kết ngang là nhận thức định tính. Liên kết ngang giúp cho sự nhận biết về nhiều đối tượng, còn liên kết dọc giúp cho việc hiểu sâu về một đối tượng. Tư duy theo liên kết dọc dễ tạo nên sự nổi trội. Quá trình tư duy nổi trội tạo nên sự tập trung cho đối tượng và hiện tượng đãng trí.

Liên kết phức hợp được hình thành do các đối tượng có nhiều chi tiết, các chi tiết của các đối tượng khác nhau tác động đồng thời, các đối tượng có các chi tiết giống hoặc gần giống nhau, các chi tiết khác nhau của các đối tượng khác nhau đã được ghi nhớ lặp lại sự hoạt động đồng thời nhiều lần. Liên kết phức hợp có thể được hình thành giữa từng nhóm đối tượng hoặc có thể là tất cả các đối tượng đã được hệ thần kinh ghi nhớ, nhóm đơn giản nhất là liên kết phức hợp giữa hai đối tượng. Khi nhiều đối tượng có một hoặc một số chi tiết giống nhau, hệ thần kinh có thể sử dụng luôn các tế bào thần kinh ghi nhớ về chi tiết đó mà không cần tạo thêm điểm ghi nhớ mới. Đặc điểm này giúp tạo ra sự liên kết giữa các đối tượng, đồng thời giúp cho hệ thần kinh tiết kiệm dung lượng nhớ. Một tế bào thần kinh có nhiều sợi thần kinh nối tới các tế bào ghi nhớ mới là điểm ghi nhớ chung của các đối tượng khác nhau và do đó nó tạo liên kết ngang giữa các đối tượng ( liên kết thực). Trong trường hợp liên kết ảo, điểm chung này là các tế bào hoặc nhóm tế bào ghi nhớ có phổ tiếp nhận kích thích rộng để có thể tiếp nhận kích thích từ nhiều nguồn khác nhau và kích thích thứ cấp do chúng phát ra được nhiều tế bào thần kinh khác nhau tiếp nhận. Chúng ta dễ thấy là liên kết thực không tạo được nhiều liên kết phức hợp (liên kết phức hợp thực), còn liên kết ảo là một con số không được xác định (liên kết phức hợp ảo). Liên kết phức hợp thực hình thành trong một nhóm đối tượng hoặc các đối tượng trong một lĩnh vực, còn liên kết phức hợp ảo có thể là trong nhóm, trong từng lĩnh vực và cũng có thể là giữa các nhóm, các lĩnh vực và tất cả các đối tượng được ghi nhớ. Tùy theo mức độ tiến hóa và từng cá thể mà liên kết phức hợp hình thành trong não bộ động vật. Liên kết phức hợp mang tính phổ biến trong các cá thể động vật hình thành ngôn ngữ tiếng nói, nhưng số lượng và tính chất của liên kết phức hợp lại khác nhau giữa các cá thể. Có rất nhiều yếu tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến sự hình thành liên kết phức hợp dẫn đến năng lực hoạt động rất khác nhau giữa các cá thể.

Liên kết phức hợp là cơ sở cho hoạt động tư duy và năng lực sáng tạo. Tư duy trong liên kết phức hợp không đơn thuần là sự hiển thị, sự tái hiện các đối tượng theo đúng cách thức mà đối tượng đã được ghi nhớ. Các đối tượng trong tư duy này được hiển thị trong sự liên hệ với các đối tượng khác có liên quan, các chi tiết của các đối tượng hiển thị xen cài vào nhau. Với tư duy nhận thức thì sự hiển thị đó làm cho đối tượng được bổ xung các đặc điểm, tính chất, trạng thái, các chi tiết còn thiếu và do đó đối tượng được nhận thức rõ ràng hơn, đúng đắn hơn và đầy đủ hơn. Với tư duy ý thức thì quá trình tư duy sẽ tạo ra sản phẩm mới hoặc sự sáng tạo mới. Xin lưu ý là giữa việc tạo ra sản phẩm mới và sự sáng tạo là hai quá trình tư duy khác nhau, có nghĩa là tính sáng tạo phải dựa trên cơ sở tư duy theo liên kết phức hợp, nhưng không phải cứ tư duy phức hợp sẽ dẫn đến sự sáng tạo. Tư duy tạo sản phẩm mới không mang tính sáng tạo là sự tư duy theo những công thức, những con đường đã được vạch sẵn, được định trước, hiểu một cách đơn giản nhất thì quá trình này là sự thay đổi các tham số. Số lượng đối tượng trong dạng tư duy này là tối thiểu và chỉ trong phạm vi cần thiết. Tư duy sáng tạo không hạn chế số lượng các đối tượng tham gia ( nếu không có nhiều đối tượng tham gia thì sự sáng tạo khó được thực hiện). Trong các đối tượng tham gia vào tư duy sáng tạo có các đối tượng có các tính chất, đặc điểm, tính năng, tác dụng và những yếu tố giống nhau hoặc tượng tự nhau, trong đó có những yếu tố nổi trội để có thể thay thế hoặc kết hợp tạo nên sự thay đổi theo chiều hướng tốt lên cho đối tượng đang xem xét. Như vậy tư duy sáng tạo cần có sự tham gia của nhiều đối tượng hơn mức cần thiết và có sự liên kết phức hợp rộng rãi giữa các đối tượng. Nếu không có sự liên kết đó thì mặc dù có thể ghi nhớ được rất nhiều đối tượng, tính sáng tạo cũng không có, sự ghi nhớ trong trường hợp này nói theo cách đơn giản đó chỉ là sự thuộc bài. Anh-xtanh đã rất đúng khi nói rằng sự tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức. Sự tưởng tượng do liên kết phức hợp rộng rãi tạo nên. Những liên kết mới do hệ thần kinh tự tạo ra có thể làm xuất hiện những đối tượng mới, cách tư duy mới, điều này dễ dẫn đến sự hiểu lầm là những cái đó đã có sẵn trong hệ thần kinh hoặc là tiềm thức. Không cái gì là có sẵn trừ những cái thuộc về bản năng. Ý thức cũng không có sẵn mà nó được hình thành trong quá trình sinh trưởng của hệ thần kinh.

Tư duy theo liên kết phức hợp có thể phát triển chủ yếu theo chiều ngang hoặc theo chiều dọc hình thành nên một số thiên hướng hoạt động thần kinh. Tư duy theo hướng ngang có yêu cầu hệ thần kinh phải ghi nhớ được nhiều đối tượng và mỗi đối tượng cần được hiểu ở một mức độ nào đó. Việc nắm bắt được nhiều đối tượng sẽ giúp cho hệ thần kinh có thể so sánh, đánh giá, chọn lọc đối tượng phù hợp, nên những cá thể tư duy theo hướng ngang phù hợp với vị trí chỉ đạo, lãnh đạo, hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật... Tư duy theo hướng dọc và trong phạm vi nhóm các đối tượng có liên quan với nhau là tư duy hẹp và do đó phù hợp với các vị trí làm việc mang tính chuyên môn.

Các dạng liên kết trên đây có thể chuyển đổi lẫn nhau. Sự chuyển đổi này diễn ra trong quá trình sinh trưởng và hoạt động của hệ thần kinh. Mỗi sự chuyển đổi đem đến một hiệu quả hoạt động thần kinh nào đó. Chúng ta xét lần lượt:

  • Chuyển đổi từ liên kết ảo thành liên kết thực. Sự ghi nhớ ban đầu do các tế bào thực hiện, các sợi thần kinh tạo liên kết sau đó mới hình thành do sự hoạt động của các tế bào thần kinh này. Nói cách khác, liên kết ban đầu giữa các tế bào thần kinh ghi nhớ mới là liên kết ảo. Sau nhiều lần hoạt động, sợi thần kinh hình thành tạo nên liên kết thực. Như vậy liên kết ảo đã trở thành liên kết thực.. Có nhiều dạng liên kết ảo, do đó hiệu quả của mỗi sự chuyển đổi cũng khác nhau. Liên kết ảo qua trung gian sẽ được thay thế bởi liên kết thực không qua trung gian làm cho đường đi của kích thích thần kinh ngắn hơn, phản xạ thần kinh nhanh hơn và do đó hệ thần kinh hoạt động có hiệu quả cao hơn. Liên kết ảo không qua trung gian hay liên kết bằng sóng điện từ được thay thế bằng liên kết thực tạo cho sự liên kết ghi nhớ giữa các tế bào thần kinh được bền vững hơn, sự ghi nhớ dễ được hiển thị hơn và tạo thành những con đường mòn trong tư duy nhưng nó sẽ làm mất đi tính sáng tạo hình thành trong liên kết ảo. Sự chuyển đổi từ liên kết ảo thành liên kết thực đã làm cho các thần đồng không còn phát huy được sự thông minh khi trưởng thành và làm cho những ý tưởng không phù hợp với thực tế hình thành trong quá trình tư duy không thể thay đổi được tạo nên sự hoang tưởng. Sự hoang tưởng bắt đầu bằng tư duy sáng tạo trong liên kết phức hợp ảo và kết thúc bằng liên kết đơn thực.
  • Chuyển đổi từ liên kết thực thành liên kết ảo. Liên kết thực là liên kết có tính bền cao hơn liên kết ảo nên sự chuyển đổi từ liên kết bền hơn sang liên kết kém bền là ít hơn so với quá trình chuyển từ liên kết ảo sang liên kết thực. Sự chuyển đổi này hình thành trong khi trong một chuỗi liên kết thực có những tế bào vì một lý do nào đó không hoạt động, còn những tế bào tiếp theo nó vẫn hoạt động bởi sự kích thích từ các tế bào đứng trước tế bào không hoạt động. Sự chuyển đổi này làm cho quá trình hoạt động của hệ thần kinh không bị ngừng lại.
  • Chuyển đổi từ liên kết ngang thành liên kết dọc. Tiêu trí để phân biệt giữa liên kết ngang và liên kết dọc là sự liên kết giữa các nhóm tế bào ghi nhớ về nhiều đối tượng hay cùng một đối tượng. Trong thực tế thì không có một đối tượng nào chỉ có một chi tiết. Nói cách khác, mỗi chi tiết của một đối tượng cũng là một đối tượng ghi nhớ của hệ thần kinh. Khi các chi tiết của một đối tượng đồng thời được ghi nhớ, giữa chúng hình thành liên kết ngang. Sự xắp sếp lại các chi tiết theo lô gic của đối tượng được thực hiện sẽ hình thành liên kết dọc giữa các chi tiết đó. Sự chuyển đổi này tạo nên tính lôgic cho tư duy. Sự chuyển đổi này không chỉ xảy ra trong phạm vi một đối tượng mà còn xảy ra giữa các đối tượng khác nhau. Với những hệ thần kinh tạo ra được các liên kết ngang giữa nhiều đối tượng thì cơ hội so sánh, đánh giá, chọn lọc các chi tiết hợp lý nhất là rất cao. Sau khi chọn lọc được các chi tiết hợp lý, hệ thần kinh sẽ tổng hợp và liên kết các chi tiết đó theo lôgic thành một đối tượng mới có mức phù hợp cao nhất với tự nhiên. Đây là quá trình tư duy biện chứng. Tư duy biện chứng yêu cầu hệ thần kinh vừa có khả năng tổng hợp, vừa có khả năng phân tích. Mức tư duy cao hơn là tư duy triết học biện chứng. Mức tư duy này ngoài yêu cầu về khả năng tổng hợp, phân tích trên đây còn cần thêm khả năng khái quát.
  • Chuyển đổi từ liên kết dọc thành liên kết ngang. Sự chuyển đổi này nhằm nâng cao khả năng phản ứng của hệ thần kinh khi có tác động tự bên ngoài. Các đối tượng, các chi tiết trong liên kết dọc được kích hoạt tuần tự nên bị mất thời gian, sự đáp ứng vì vậy có thể không kịp thời. Chuyển liên kết dọc thành liên kết ngang giúp cho các chi tiết hoặc đối tượng cần thiết được kích hoạt trước, còn các đối tượng hoặc chi tiết không cần thiết sẽ kích hoạt sau hoặc không cần kích hoạt. Sự chuyển đổi này làm tăng tốc hoạt động thần kinh.

Sự đa dạng và biến đổi theo thời gian, theo trạng thái trong hoạt động thần kinh khiến cho việc tìm hiểu về các phương thức hoạt động thần kinh dựa trên các thiết bị kỹ thuật là không thể thực hiện được. Để có thể tìm hiểu về năng lực thần kinh của mỗi cá thể cần có sự theo dõi liên tục và theo những tiêu chí cần thiết. Đánh giá đúng về năng lực và phương thức hoạt động thần kinh của mỗi người không chỉ giúp cho việc học tập và rèn luyện trở nên nhẹ nhàng, mà còn là cơ sở cho việc sắp xếp, phân công lao động đạt hiệu quả làm việc cao nhất.

Các bài liên quan[sửa]

Liên kết đến đây