Đường xích đạo hóa học
Chúng ta đã biết về đường xích đạo chia trái đất thành hai bán cầu bắc và nam. Tuy nhiên một đường ranh giới phân chia của khí quyển lại là mới với nhiều người. Đường ranh giới đó, nếu có, chắc chắn sẽ là đường ranh giới hóa học vì chúng ta được bao bọc bởi lớp các chất khí.
Sự phân chia này là có thật? Theo công bố mới đây của các nhà khoa học Anh, một giải phân cách hẹp trong bầu khí quyển tại vùng Tây Thái bình dương đã phân chia ranh giới giữa phần không khí ô nhiễm của bán cầu bắc với phần khí quyển "sạch" thuộc bán cầu nam. Vị trí của đường ranh giới này nằm xa về phía bắc so với vùng khí áp thấp giữa hai chí tuyến (Intertropical Convergence Zone-ITCZ).
Giáo sư Jacqueline Hamilton cùng các đồng nghiệp của bà tại Đại học York (Anh) cho biết ô nhiễm mônôxít cácbon (carbon monoxide) do sinh khối bị đốt cháy tại Thái Lan và Indonesia lơ lửng trong vành đai rộng 50 km. Các tác giả kết luận rằng các cơn bão có khả năng nâng không khí vùng bán cầu bắc lên tầng đối lưu phía trên, tại đó các chất ô nhiễm tồn tại lâu hơn. Kết quả của hiện tượng này đã ngăn cản sự pha trộn giữa phần không khí ô nhiễm (từ bán cầu bắc) với phần không khí sạch của bán cầu nam.
Kết quả nghiên cứu được công bố tại J. Geophys. Res. doi:10.1029/2008JD009940 (2008) với tiêu đề Atmospheric chemistry: A chemical equator.
Nguyễn Bá Tiếp, 04.09.2009, xem thêm