Điều trị tai biến mạch máu não bằng phẫu thuật?

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Khoan sọ giảm áp có thể được coi là một trong những phẫu thuật xuất hiện sớm nhất trong lịch sử y học. Các nhà nghiên cứu thuộc Trường Đại Học Heidelberg đã làm sống lại phương pháp điều trị gây nhiều tranh cãi này khi đưa ra kết luận rằng những bệnh nhân bị tai biến mạch máu não có thể được điều trị thành công bằng phương pháp phẫu thuật này.

Sau một tai biến mạch máu não nặng, một phần hộp sọ ở bán cầu não bị tổn thương nên được mở càng sớm càng tốt trong vòng 48 giờ đầu tiên, Werner Hacke, Giám đốc Bệnh viện Thần kinh Đại học Heidelberg đã công bố như thế trên tạp chí “Lancet Neurology”. Phân tích kết quả của ba nghiên cứu khác nhau về vấn đề này đã đưa ra kết luận rằng khả năng sống của những bệnh nhân tai biến mạch máo não được mở hộp sọ giảm áp tăng cao ba lần so với nhóm không được phẫu thuật. “Đây là lần đầu tiên người ta có thể đưa ra những bằng chứng khoa học về việc mở hộp sọ bán phần có thể cứu sống bệnh nhân cũng như làm giảm các di chứng thần kinh sau này.”, giáo sư Hacke đã khẳng định như vậy. Những bệnh nhân có tai biến mạch máu não ảnh hưởng đến một diện não tương đối lớn thường có tiên lượng cực kỳ đen tối. Sự tắc nghẽn của một mạch máu nuôi dưỡng chính trong não là động mạc não giữa thường gây tử vong đến 80% mặc dù bệnh nhân được điều trị hồi sức nội khoa tích cực. Nhu mô não không được tưới máu sẽ bị chết và cùng với nó là vùng não kế cận cũng phù nề dữ dội làm tăng nhanh áp lực nôi sọ. Nghiên cứu đăng trên “Lancet Neurology” đã phân tích số liệu thu thập từ 95 bệnh nhân bị tai biến mạch máu não nặng. Trong số này những bệnh nhân được phẫu thuật mở hộp sọ bán phần có tỉ lệ sống 78% trong khi đó nhóm không được phẫu thuật có tỉ lệ sống chỉ là 29%. Cả hai nhóm điều được điều trị hồi sức nội khoa tích cực như nhau.

Phẫu thuật thần kinh được xem là một trong những can thiệp ngoạn mục trong y học. Người ta đã tìm thấy những bằng chứng của phẫu thuật thần kinh từ những di chỉ khảo cổ có niên đại từ thời kỳ đồ đá, thời trung cổ và thời kì cận đại. Khoảng 7 000 năm trước đã có các phẫu thuật viên thần kinh hành nghề. Các phẫu thuật viên này dùng các con dao mổ chế tác từ đá lửa để tạo nên vết mở trên hộp sọ. Thường thì vết mổ này có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Các nhà nghiên cứu lịch sử y học cũng cho rằng các mảnh vỡ từ đá lửa dùng để phẫu thuật thần kinh vào thời kỳ đồ đá thường đạt tiêu chuẩn vô khuẩn khá tốt trong khi đó những dụng cụ khoan sọ bằng kim loại hàng ngàn năm sau đó lại không có được lợi thế này. Thủ thuật mở hộp sọ vào các thời kỳ trước đây được coi một thủ thuật điều trị quan trọng trong các bệnh thần kinh. Hình ảnh từ chụp cắt lớp các hộp sọ khai quật được cho thấy rằng sau khi bị đánh hoặc bị va đập mạnh vì một lý do nào đó, máu sẽ tích tụ một lượng lớn bên dưới xương sọ. Lúc ấy chỉ có cách khoan một lỗ trên hộp sọ mới có thể dẫn lưu được lượng máu tích tụ này. Nếu không được giải phóng, lượng máu tụ này sẽ làm gia tăng áp lực trong sọ não lên trầm trọng và gây tử vong nhanh chóng. Thời kỳ thịnh vượng nhất của thủ thuật mở hộp sọ trong quá khứ bắt đầu từ thời trung cổ và kéo dài cho đến tận thế kỷ 18. Lúc này mở hộp sọ được nâng lên thành một trào lưu. Tài liệu lịch sử cũng ghi nhận rằng Hoàng Tử Philip xứ Nassau (Đức) đã trải qua 27 lần khoan sọ để chữa bệnh. Độc giả Việt Nam chắc không lạ gì thần y Hoa Đà thời Tam Quốc, người đã chữa trị viết thương cho Quan Công và cũng là người đề nghị mổ sọ Tào Tháo để chữa bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân thứ hai này không những không tin vào thầy thuốc mà còn làm bậc đại danh y này phải vong mạng.

Cần nói thêm rằng, đây cũng chỉ là những nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học, mặc dù là những nhà khoa học có uy tín. Kết luận cuối cùng chỉ có thể có sau những nghiên cứu quy mô rộng lớn hơn. Mặc khác, như trên cho thấy, chỉ những bệnh nhân nào bị tai biến với tình trạng chảy máu trong não rất nhiều làm tăng nhanh áp lực bên trong hộp sọ mới cần đến can thiệp phẫu thuật. Không phải bất cứ trường hợp tai biến nào cũng có chỉ định phẫu thuật.