Điện từ thủy triều
Hầu hết các công nghệ lợi dụng nguồn năng lượng tái tạo được như sức nước, năng lượng gió, ánh sáng mặt trời, hay sinh khối sử dụng bức xạ mặt trời trực tiếp hay gián tiếp và chuyển nó thành điện năng. Tuy vậy, chúng ta còn một nguồn năng lượng khác không phụ thuộc vào bức xạ mặt trời. Lực hấp dẫn của mặt trăng và quỹ đạo chuyển động của nó xung qang trái đất làm hình thành thủy triều, một nguồn cung cấp điện năng cho con người.
Các nhà máy điện lợi dụng thủy triều đã được vận hành từ những năm 60. Nước biển được giữ lại trong các vịnh khi triều lên và được xả khi triều xuống. Dòng nước được giải phóng từ các vịnh ra biển sẽ làm quay tuabin. Để vận hành nhà máy điện như thế cần một con đập ngăn nước rất lớn ngoài biển. Chính vì vậy hãng Voith Siemens Hydro (Đức) đang phát triển công nghệ để xây dựng một nhà máy điện không cần đập ngăn mà ứng dụng nguyên lý của tuabin dùng sức gió, lợi dụng thế năng của dòng nước ra-vào. Những nhà máy điện này được gọi là những "Nhà máy năng lượng dòng thủy triều".
Xác định địa thế để xây dựng nhà máy điện là một tính toán quan trọng giúp con người sử dụng hiệu quả thế năng của thủy triều. Chính vì vậy, vị trí giữa các hòn đảo là địa điểm lý tưởng vì thủy triều sẽ phải tăng tốc để "ép" và "nén" qua các hòn đảo. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc xây dựng các nhà máy điện sẽ không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và có thể ứng dụng tại các địa điểm du lịch như vịnh Fio ở Nauy
Do sự khác nhau về tính chất của nước và không khí nên các tuabin dùng thủy triều sẽ nhỏ hơn các tuabin chạy bằng sức gió và tốc độ của thủy triều cũng nhỏ hơn. Một tuabin gió có công suất 1 mêgaoát có đường kính roto khoảng 50 mét trong khi tuabin thủy triều chỉ có kích cỡ khoảng 15 mét.
Thách thức lớn nhất đối với các nhà máy điện thủy triều là thay đổi mực nước biển. Trong trường hợp toàn bộ hệ thống bị chìm thì những thiết bị trục vớt và hệ thống tàu duy trì cần được sử dụng, đặc biệt tại những vùng biển có chế độ môi trường khắc nghiệt. Trong trường hợp này, hiệu quả kinh tế của việc vận hành sẽ giảm rất lớn và những công nghệ mới cần được nghiên cứu cho những vùng có điều kiện đặc biệt. Tiến sỹ Hubert Lienhard, Tổng giám đốc của Voith Siemens Hydro, cho biết hãng sẵn sàng chấp nhận thử thách này để xây dựng những nhà máy điện sử dụng thủy triều với mục đích góp phần ổn định và giảm lượng khí thải tác động xấu đến môi trường trong tương lai.
Với hai ngàn rưỡi nhân viên và lợi nhuận 720 triệu Euro (năm 2007), Voith Siemens Hydro là một trong những công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực sản xuất thiết bị thủy điện. Tập đoàn Voith (thành lập năm 1867) còn được biết đến trong các lĩnh vực kinh doanh giấy, năng lượng và dịch vụ với xấp xỉ 34 ngàn nhân viên cùng thu nhập 3,7 tỷ Euro từ 250 trụ sở trên toàn thế giới và được biết đến là một trong những công ty gia đình lớn nhất Châu âu. <veterinary>