6 KHÔNG khi phát triển ý tưởng kinh doanh
Thông thường, khi tung ra một sản phẩm hay thực hiện một kế hoạch kinh doanh mới, người ta phải đương đầu với nhiều thách thức. Đôi khi chỉ vì những sai lầm không đáng có mà phá hủy bao công sức, kỳ vọng. Sau đây là 6 điều bạn cần tránh trong quá trình thực hiện sáng tạo trong kinh doanh.
Mục lục
1. Không quá kỳ vọng vào kết quả không hiện thực[sửa]
Đó là những người tin chắc rằng mình sẽ thắng đậm trong thời gian ngắn nhất. Thực tế, để thực hiện thành công một ý tưởng mới đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và nỗ lực hết mình. Thành công đến nhanh với những ý tưởng khôn ngoan là rất hiếm. Chính vì vậy, hãy sáng suốt nhìn vào thực lực của mình, nghiêm túc đúc rút kinh nghiệm và nắm chắc thời cơ. Đừng nóng vội, có thể chậm nhưng rồi thành công cũng sẽ đến với bạn.
2. Coi chừng thất bại khi vội chen chân vào thị trường[sửa]
Trong thời đại ngày nay, cho dù ý tưởng của bạn to lớn, hay ho đến đâu, thậm chí có thể bạn tập hợp được những nhân sự tài ba thì thành công cũng chưa đến với bạn ngay. Bạn cần phải đầu tư nhiều thời gian, làm việc thật kỹ càng để khai thác mọi ngóc ngách các vấn đề của thị trường, để xác định: sản phẩm của mình sẽ nằm ở đâu, khách hàng là ai, đối thủ cạnh tranh ra sao, sản phẩm thay thế như thế nào, khuynh hướng thị trường diễn biến ra sao… Nói cách khác, bạn đừng đưa ý tưởng của mình vào trong “khoảng không vũ trụ”, hãy kiên nhẫn làm từng bước một.
3. Cho rằng mọi người đều cần ý tưởng của mình[sửa]
Đừng cho rằng ý tưởng kinh doanh của bạn thuộc hàng “độc nhất vô nhị”, ai cũng cần đến. Cần nhìn thẳng vào thực tế để biết có ai cần đến sản phẩm của bạn hay không, người ta có sẵn sàng bỏ tiền ra mua chúng hay không.
Hãy trả lời những câu hỏi này bằng cách tiếp xúc với những nhà bán lẻ hay những nhân viên maketing, hơn ai hết, chính họ là người gần gũi và hiểu khách hàng nhất.
4. Đừng “Giao trứng cho ác”[sửa]
Một sai lầm thường thấy là các công ty hay tập đoàn thường giao phó hoàn toàn việc thiết kế, cho ra đời ý tưởng sản phẩm mới cũng như ý tưởng kinh doanh của mình cho những công ty chuyên thực hiện sáng tạo ý tưởng. Những kẻ trung gian này, sau khi đã “cắt xén” tiền của các bạn, họ sẵn sàng bán ý tưởng của bạn cho công ty khác.
5. “Chôn” tiền quá nhiều vào một bản quyền ý tưởng[sửa]
Việc mua bản quyền sẽ là một công cụ bảo vệ tốt cho những ý tưởng nhưng đôi khi cũng không cần thiết lắm. Chỉ cần bạn làm đúng, đầy đủ và chắc chắn tất cả các bước của quy trình phát triển ý tưởng kinh doanh thì bạn cũng hạn chế được những rủi ro, những chi phí không cần thiết.
6. Thiếu sự nhạy bén trong kinh doanh[sửa]
Thật sự thì ý tưởng chỉ là một yếu tố trong một chuỗi các quá trình thực hiện chiến lược kinh doanh. Để ý tưởng kinh doanh thành công, có tính thuyết phục thị trường thì nhất thiết người làm kinh doanh phải có sự nhạy bén, kiến thức cơ bản, phù hợp, nỗ lực không ngừng để theo đuổi những hoài bão trong kinh doanh.
Nguồn[sửa]
- Hoàng Cửu Long, Chuyên san Trí Tri