Bài truy điệu cụ Tiên Điền

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Bài truy điệu cụ Tiên Điền[1]  (năm 1927) 
của Bùi Kỷ

Bài thơ này đăng trên Nam phong tạp chí, số 120, tháng 8-1927.


(mồng mười tháng tám)

Kiếp kim cổ tài-tình là bận,
Hồn văn-chương vơ-vẩn non sông.
Xót thay nước đục bụi trong,
Nghìn thu biết ngỏ tấm lòng cùng ai!
Trộm nhớ thuở anh-tài giáng-thế,
Cõi Tiên-điền rót khí linh-kỳ.
Gặp cơn Lê-thị suy-vi,
Kim-thành muốn lở, thang trì muốn vơi.
Mắt chí-sĩ trông đời ngao-ngán,
Muốn ra tay tát cạn bể đông.
Trách người chi bấy hóa-công,
Lỡ thời để khách anh-hùng bó tay.
Miền Bắc-tái rồng bay mỏi cánh,
Đỉnh Hồng-sơn hạc lánh xa xa.
Rắp toan tìm thú cỏ hoa,
Tang-bồng gác mái yên-hà cùng cao.
Trời Đông-phố[2] ào-ào gió động,
Hội tao-phùng đái-ủng tân-quân.
Giang hồ lang-miếu một thân,
Dật-dân bỗng hóa hàng-thần, lạ thay!
Há chẳng biết cao bay, xa chạy,
Cái công danh là bẫy trên đời.
Song-le con tạo trêu ngươi,
Buộc nhau chỉ một chữ thời mà đau.
Bắt đày-đọa cất đầu không nổi,
Bắt đến điều mỏi gối chồn chân.
« Bắt phong-trần phải phong-trần,
Cho thanh-cao mới được phần thanh-cao. »
Xuất với xử bên nào cũng khó,
Nhục hay vinh ở đó mà ra.
Cát lầm ngọc trắng cũng là,
Càng kiên-trinh lắm, càng ma-chiết nhiều.
Song chẳng lẽ cũng liều nhắm mắt,
Cũng dày mày dạn mặt cho xong.
Cầm bằng như kiếp má hồng,
Hơn nhau chỉ một tấm lòng chính-chuyên.
Dạ trinh-bạch đã nguyền sắt đá,
Giả hình-hài tiếu-mạ mà chi?
Dở-dang thay cái tu-mi,
Cực trăm nghìn nỗi trong khi tòng quyền!
Bước đã lỡ mượn thuyền sao nổi,
Nợ còn nhiều định chối không xong.
Hỏi ai gạn đục khơi trong,
Đục trong trong đục mà lòng trơ trơ,
Đồng ly-thử gió mờ bụi tối,
Nỗi hương-quan ruột rối như vò.
Lâm-ly ngọc bút song hồ,
Văn-chương một áng điểm-tô tuyệt vời.
Vì mặt trắng thương người mệnh bạc,
Khúc đoạn-trường tả bước lưu-ly.
Lờ-mờ nước chảy mây đi,
Tri-âm biết có Chung-Kỳ là ai?
Dòng thệ thủy núi mài sông lở,
Tấm lòng son gột rửa bao phai.
Bận mình chi bấy chữ tài,
Túi cơm giá áo như ai cũng nhàn!
Muốn động đến cửu-toàn linh-thính,
Hỏi bao giờ tài mệnh không ghen.
Mệnh sao hay bỡn hay chen?
Tài sao vùng-vẫy những toan chọc trời?
Lòng bằng-điếu mấy lời giãi tỏ,
Đỉnh trầm bay ngọn gió hiu-hiu.
Non sông man-mác mọi chiều,
Khí thiêng phảng-phất ít nhiều đâu đây.

Tháng 8 năm Đinh-mão (1927)

   




Chú thích cuối trang[sửa]

  1. Cụ Tiên Điền: Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều, vì cụ quê ở làng Tiên Điền, thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
  2. Đông Phố: tên cũ của thành Gia Định (Sài Gòn).


PD-icon.svg Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)

Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)