Báo chí công dân - một làn sóng mới

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Internet hôm nay đã thành máu thịt của dân cư mạng và gián tiếp tác động, không nhiều thì ít, đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống. “Món” phổ thông nhất của đại đa số dân cư mạng có lẽ là kỹ nghệ giao tiếp và truyền thông. Từ tình trạng tiêu thụ thông tin một cách thụ động, nay người sử dụng Internet ngày càng được phép tham gia tương tác và khám phá ra những khả năng khôn lường. Để cảm thán về cái chết rất gần của báo chí truyền thống thì có lẽ quá hồ đồ hoặc ít nhất là quá sớm, song cái gọi là nền báo chí công dân đang khuynh loát dần quyền lực thứ tư, kể cả theo nghĩa tích cực lẫn tiêu cực.

Mô hình báo chí mới?[sửa]

Một ngày đẹp trời năm 2000, vào lúc trà dư tửu hậu có mấy nhà báo Seoul ham viết lách đã bắt tay nhau nhất trí thành lập một blog cao cấp, nghĩa là không chỉ như một trang nhật ký mang tính cá nhân và tùy tiện, mà là một tờ báo mạng chính cống. Mỗi người ghi lại những quan sát, trải nghiệm và quan điểm của mình rồi lăng-xê lên mạng dưới đầu đề chung là “OhmyNews”. Người khởi xướng, nhà báo Oh Yeon-ho, bắt đầu với vẻn vẹn 4 nhân viên cơ hữu, vì ý tưởng của OhmyNews là không bó hẹp công việc trong một đội ngũ làm báo chuyên trách, mà kêu gọi lấy tin từ quảng đại quần chúng - dân chủ cơ sở theo đúng nghĩa đen của từ này.

Thoạt tiên giới làm báo chuyên nghiệp cười ruồi: không phải cứ ai có trong túi quần chiếc điện thoại di động kèm chức năng chụp ảnh là nghiễm nhiên thành nhà báo. Thái độ ấy không hẳn bắt nguồn từ sự tự ái nghề nghiệp, mà nói cho cùng thì muốn làm gì cho ra hồn thì phải có tính chuyên nghiệp!

Oh Yeon-ho, người sáng lập trang OhmyNews - Top 10 trong giới truyền thông Hàn Quốc

Nhưng chỉ trong mấy tuần đầu OhmyNews đã nhận được bài của 727 “nhà báo” nghiệp dư. Báo chí công dân không phải là một phát minh của Hàn Quốc, song hạ tầng kỹ thuật mạng - Hàn Quốc đứng số 1 nhiều năm liền về tỷ lệ người sử dụng băng thông rộng - là đất màu cho hình thái truyền thông mới mẻ này. Hôm nay Oh Yeon-ho là chủ của 70 nhân viên có hợp đồng và 70.000 cộng tác viên không chuyên trên toàn cõi Kim Chi. Mùa tranh cử 2002 OhmyNews đã đóng vai trò nặng ký, góp phần đẩy được ứng viên Roh Moo-hyun lên ghế tổng thống và sau đó lọt vào top 10 trong giới truyền thông Hàn Quốc! 2004 OhmyNews có chi nhánh nước ngoài đầu tiên, và 2006 ra số tiếng Nhật.

Thành công đột phá của Oh Yeon-ho không chỉ dựa trên niềm đam mê Internet của dân sở tại, mà một phần cũng vì luật báo chí ở đây tuy nêu danh nghĩa “tự do ngôn luận” song vẫn chịu tác động mạnh mẽ từ chính phủ. Phóng viên “gai góc” thường khó được dự các buổi họp báo cao cấp, thông tin nội chính do đó thường trơn tru một chiều, khiến người đọc ưa tự khai thác các nguồn dữ liệu ngoài luồng. Hôm nay OhmyNews cũng ngắc ngoải trong cơn bão khủng hoảng tài chính và chịu sự cạnh tranh của các mạng xã hội khác, song hàng ngày tối thiểu vẫn có hơn 2,5 triệu người truy cập - con số trong mơ đối với mọi báo giấy của thế giới này.

Mốt hay mẹo tiếp thị?[sửa]

Những manh nha đầu tiên của báo chí công dân xuất hiện với World Wide Web, nhưng khái niệm Citizen (hay Public) Journalism ra đời khoảng năm 1988, sau cuộc tranh cử của George Bush và đảng Cộng hòa nhận thấy tác dụng của vũ khí truyền thông mới mẻ này. Các nhân viên hỗ trợ Bush tổ chức thăm dò ý kiến ở hàng chục thành phố lớn qua radio, tivi, báo và Internet, tỏ ra quan tâm đến nguyện vọng của người dân về trường học, bệnh viện, bộ máy hành chính... và khuyến khích họ đề đạt giải pháp.

Tháng 11/1999, đánh dấu sự ra đời của mạng lưới phóng viên độc lập đầu tiên, được thành lập tại Seattle, cũng là biển chỉ đường cho OhmyNews. Một phần cũng như kỹ nghệ Web 2.0 chín muồi, cung cấp khả năng truy cập Internet dễ dàng hơn nhiều.

Những đại gia như New York Times ngay từ đầu đã thấy lo lắng vì trào lưu này. Họ cố cho đó chỉ là mốt thời thượng yểu mệnh, cùng lắm là một mẹo để gắn bó người đọc với sản phẩm truyền thông. Một nền báo chí hùng mạnh sống bằng định hướng và tác động vào các định kiến và chuẩn mực xã hội, nay giới làm báo không muốn thả vũ khí đó vào tay những kẻ nghiệp dư không có tay nghề hay ít nhất là không có định hướng cụ thể. Cho đến nay cuộc tranh cãi vẫn chưa ngã ngũ, liệu Citizen Journalism là bước tiến bộ hay thụt lùi của dân chủ trong truyền thông. Nhưng, phải chăng không khí tranh luận ấy phần nào gợi nhớ đến dư luận xôn xao khi băng cassette ra đời để thay thế đĩa than, để rồi chính mình bị khai tử bởi CD?

Liệu có đáng tin?[sửa]

Khi hãng thông tấn Reuters hồi 12/2006 khai trương cổng điện tử “You Witness News” và kêu gọi người dân tải ảnh của mình chụp lên mạng, hàng loạt liên đoàn nhà báo nước ngoài lên tiếng phản đối. Vì mớ ảnh và tin hổ lốn đó làm hạ cấp công việc của các phóng viên nhà nghề.

Hôm nay, 2011, ít báo hoặc kênh truyền hình nào còn dám từ chối sự cộng tác phong phú và khó có thể thay thế này. Tờ Bild, báo có lượng phát hành lớn nhất bằng tiếng Đức, bày trò thi “Ai chụp ảnh Giáo hoàng đẹp nhất” trong dịp ngài về thăm quê, giải nhất 5.000 euro! Kênh tivi RTL vận động gửi video ngắn để minh họa cho mục... Dự báo thời tiết. Citizen Journalism đã luôn tồn tại, như Nick Wrenn phụ trách sản xuất chương trình thời sự của CNN International nói. Làm gì có báo nào thiếu mục “Thư bạn đọc”? Hoặc không phải trong vụ ám sát John F.Kennedy 100% các thước phim tư liệu đều do người dân quay cả đó sao? Vấn đề chỉ là từ khi có Internet thì báo chí công dân mới thoát khỏi ràng buộc được tạo ra bởi kỹ thuật sản xuất đắt đỏ và hệ thống biên tập cồng kềnh.

Song ở đây không thể bỏ qua câu hỏi ngược lại: Liệu có đáng tin vào độ chân thực và cả chất lượng của các “nhà báo du kích”? Nick Wrenn thề sống thề chết là mọi bài gửi đến iReport đều được thẩm tra kỹ càng trước khi lên sóng CNN. Tuy nhiên, trong cuộc đua giành đưa tin nóng hổi, khó có ban biên tập nào đủ ba đầu sáu tay để bảo đảm thấu đáo chất lượng thông tin. Thử hỏi trong thời gian vừa qua có bao nhiêu kênh thông tin dùng lại bức ảnh lắp ghép được cho là Bin Laden vừa bị hạ sát?

“Không có giá trị” (?)[sửa]

Mỗi người đều ít nhiều có nhu cầu chia sẻ thông tin với môi trường xung quanh. Ngày xưa thì dùng thư hay bưu thiếp, hôm nay là email hoặc chat trực tiếp, ai rỗi rãi hơn thì vào forum hay tự lập blog cá nhân trong vòng vài phút. Báo chí công dân có lẽ là bước phát triển tất yếu cho những người muốn thành “nhà báo công dân” bằng ảnh, SMS, fax... để chuyển mọi thông tin qua không gian ảo.

Mặt trái của những diễn đàn xã hội ấy, như cái tên tự thú, là thường xuyên dính đến vấn đề chất lượng hay tính chuyên nghiệp. Tổng biên tập kênh truyền hình quốc gia ZDF của Đức, Nikolaus Brender, đánh giá rằng hầu hết các video gửi đến không có giá trị, chẳng bõ công thẩm định tác quyền và nguồn cũng như chỉnh sửa để sử dụng lại. Sau vài tháng thử nghiệm, ZDF đã bỏ hẳn diễn đàn này.

Ngược lại, ở những vùng có chiến sự hoặc chế độ kiểm duyệt gắt gao, các nhà báo nghiệp dư là một phần không thể thiếu trong cỗ máy truyền thông. Barbara Luethi, phóng viên truyền hình Thụy Sĩ ở Trung Quốc, đã từng dùng một video quay bằng điện thoại di động từ năm 2005 cho một phóng sự về việc giải tỏa đất xây dựng bị tranh chấp, với hậu quả là 6 nông dân bị đánh chết. Bà đưa các nhân chứng đến hiện trường gốc và phỏng vấn ở đó, song toàn bộ tính thuyết phục của bộ phim dựa vào mấy phút quay trên di động. Chứng cứ đó cũng giúp sáng tỏ vụ án, vì các nhân chứng sau này bị ép phản cung. Nhóm quay phim của bà Luethi đã bị bắt nhiều lần khi tác nghiệp, song dù cố gắng đến mấy thì họ cũng không có nổi mấy phút phim giá trị của một nhân chứng tình cờ.

Vậy nên đánh giá báo chí công dân ra sao? Ít nhất thì ở thời điểm hiện nay nó có tác dụng bổ sung, nhưng chưa thể thay thế truyền thông chuyên nghiệp kinh điển. Nhưng sẽ sai lầm nếu dựng nó lên như một bóng ma. Nói cho cùng thì vẫn là quan hệ tất yếu giữa cung và cầu?

Nguồn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này