Băng Sơn/Đoản Văn/Cửa
CỬA
Không có ngôi nhà nào không có cửa, có nhà có cửa và còn có cả cổng nữa. Cửa gắn liền với nhà còn cổng thường xa hơn một đoạn.
Có cơ man nào là loại cửa, đơn sơ nhất là cửa bằng phên nứa, liếp đan cạp xung quanh bằng tre cho chắc chắn, buông xuống nhấc lên hoặc kéo ra, kéo vào, và cũng có những ngôi nhà tuy có cửa mà quanh năm không cần đóng cửa bởi khu vực ấy quá yên bình, hơn nữa nhà quá nghèo, không có gì đáng giá mà phải đề phòng quân kẻ trộm.
Nhà nào khá hơn có cửa bằng gỗ, giàu nữa thì bằng sắt, có khi là hai lớp vừa kính vừa chớp theo kiểu mới hoặc một lớp gỗ thật dày gọi là cửa bức bàn, cũng có thể còn lắp thêm những hoa văn bằng sắt uốn theo nhiều hình thù hoa lá khác nhau....
Đến cái cây cũng có những cái cửa mà mắt ta không nhìn thấy, đó là những lỗ thủng li ti trên mặt lá xanh gọi là khổng bào để cây có thể thở dễ dàng, hút lấy thán khí và thả vào không gian dưỡng khí.
Có nhiều thứ cửa có mà không có, có vì ta vẫn nghe thấy nhưng không có vì ta không nhìn thấy. Cửa rừng ở đâu khi có lệnh "đóng cửa rừng" nghĩa là không có một ai vào khu rừng ấy nữa. Cửa rừng không là cánh cửa, cũng không là cánh cổng mở ra đóng vào hay dương lên hạ xuống, nhưng thực sự là có đấy.
Hai nước có chiến tranh hoặc mâu thuẫn gì đó, thế là "đóng cửa biên giới". Cửa của một đất nước ấy, hình thù ra sao, chắc nghìn xưa đã có, nay nó là tượng trưng, gọi theo thói quen; chứ làm gì có cánh cổng, cánh cửa, làm gì có then cài hay có chiếc khoá....
Nhiều nước còn có lệ trao cho ai đó chiếc chìa khoá một thành phố, nó rất to.... nhưng có chiếc cửa cụ thể nào đâu để tra chiếc chìa khoá ấy vào ổ khoá, mà nhiều khi chiếc chìa ấy mạ vàng hay bằng vàng rất quý...
Chiếc lều tùm hum canh ruộng dưa còn có cửa. Nhà sàn, nhà chọc trời, chuồng trâu cũng phải có cửa. Thế còn con người, mỗi cơ thể con người có cửa để tiếp xúc với đời không?
Bản quyền của tác giả Băng Sơn . Sưu tầm từ: website về Hà Nội