Băng Sơn/Đoản Văn/Hương thị

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

HƯƠNG THỊ

Chắc không phải chỉ là tự nhiên mà tác giả vô danh của chuyện Tấm Cám cho cô Tấm từ trong quả thị chui ra. Người cô gái ấy chắc phải thơm lắm, vì quả thị có màu đẹp thế, da thịt căng thế, hương thị thơm thế. Nếu không thì sao cô Tấm không chui ra từ quả mít, quả na, quả sầu riêng, quả bứa thật chua, quả dừa toàn nước...?

Cứ cuối mùa hạ lại là mùa thị chín. Cây thị là cây cổ thụ, một làng gần Đồ Sơn có một xóm Thị, hàng chục cây thị khổng lồ, thân đã vặn vẹo trong sơ tướp và trong sâu mối đục đẽo, nhưng năm nào cũng vẫn cho quả. Người ở đây khoe rằng hàng cây này đã sống hàng nghìn năm vì thế xóm mới mang tên Xóm Thị. Nếu như thế thì hàng cây ấy đã chứng kiến bao nhiêu con nước ròng, con nước kiệt, bao nhiêu giông bão, bao nhiêu con thuyền mang người đánh cá ra khơi, có thuyền trở lại, có thuyền không bao giờ về.....

Cây thị cứ xanh đời đời. Nếu so với cây đa, cây đề, cây thông, cây sấu.... thì ai già hơn ai? Ta chỉ biết cây là một phần hồn đất nước. Bộ rễ của cây cứ lặn sâu vào lòng đất. Bộ lá của cây cứ vươn vào trời xanh.... Và hương thị thơm xa, thơm ngát, thơm như một loài hoa.... cứ phảng phất mơ hồ suốt bao nhiêu năm tháng trong mùa thị, và cả khi hết mùa quả chín câu chuyện Tấm Cám được kể lên, thì hương thị cứ thơm, thơm như cổ tích, thơm như ước muốn của nỗi lòng người mong cho cô gái kia sung sướng, mong cho hoàng tử gặp được nàng con gái têm trầu cánh phượng, có giọng nói như chim Vàng Anh, mà con chim Vàng Anh thì có màu giống da quả thị lắm lắm.....

Có một quả thị trên bàn, có khi ta mơ hồ tan vào giấc ngủ đầy hương mà ta cho đó là hoa, hoa hồng, trộn vào hoa huệ, hoa nhài trộn lẫn móng rồng.... nhưng sực tỉnh, thì vẫn chỉ là hương quả màu vàng có cô Tấm ẩn mình trong đó....

Vì thế mà bao giờ ta cũng thấy kỳ lạ khi có hương thị.

Bản quyền của tác giả Băng Sơn . Sưu tầm từ: website về Hà Nội


Mục lục

Liên kết đến đây