Băng Sơn/Đoản Văn/Khúc giữa
KHÚC GIỮA
Khúc giữa của con cá đem làm món, bao giờ cũng ngon nhất. Nhưng khúc giữa của tình yêu có say sưa mê đắm hoan lạc như thuở ban đầu? Khúc giữa của một năm, không hối hả như cuối năm, không tràn đầy hồi hộp hy vọng như đầu năm, nó kéo dài ra, nó đơn điệu thêm, nó có phải là thời gian đẹp nhất?
Mở đầu cuốn sách và kết thúc cuốn sách, bao giờ cũng phải là cái hay cái đẹp, cái ấn tượng nhất (kể cả một bài thơ ngắn), vậy thì cái khúc giữa của nó ra sao? Khúc giữa ấy là vở kịch chưa "mở nút", nhân vật còn trong quá trình, hoặc chưa quá đẹp, hoặc chưa quá xấu....
Khúc giữa của cuộc hành trình là cái cũ chưa qua, cái mới chưa đến. Ta còn phải đợi chờ.
Có nhà thơ ví em bé nằm giữa hai bên bố mẹ như con thuyền giữa biển khơi, được che chắn an toàn trong êm ấm.
Còn "Miếng giữa làng..." đã làm bao nhiêu kiếp người khốn khổ vì phải tranh giành, mua bán mà có, lắm khi đổi cả cơ nghiệp, nó khác "Một sàng xó bếp" thế nào?Dù rằng miếng giữa làng ấy chỉ là một miếng dồi tiết, một nắm xôi chim chim, một chén rượu. Đi trên đường, không bên trái mà cũng chẳng bên phải, cứ giữa đường mà đi, chưa chắc đã là khôn, chưa chắc đã an toàn. Vô duyên nhất là giữa buổi chiếu hình, những lời quảng cáo xen vào nhí nhố, tây tầu lai căng, nhẩy nhót loạn xạ, phản cảm trong lòng khán giả.
Có bao nhiêu khúc giữa quanh ta và bất cứ lúc nào. Không thể thống kê cho chính xác. Và cũng không cần thiết.
Mỗi con người, ba mươi tuổi hay năm mươi tuổi là khúc giữa của đời mình? Những năm tháng ấy đánh dấu bằng cái gì, thành công hay thất bại, ra đi hay trở về, sung sướng hay đau khổ, thuỷ chung hay bội phản, ngả nhiều về quá khứ hay đã ngầm chứa cả tương lai...? Không có công thức chung cho tất cả.
Từ một miếng ăn nhỏ nhoi là khúc giữa, chỗ giữa đến nỗi niềm to lớn là khúc giữa cuộc đời..... nhiều khi không có một đường biên rạch ròi. Chỉ có bản thân ta biết rõ một cách mơ hồ.
Bản quyền của tác giả Băng Sơn . Sưu tầm từ: website về Hà Nội