Băng Sơn/Nhà văn Băng Sơn/Mối tình xuyên qua nửa thế kỷ
MỐI TÌNH XUYÊN QUA NỬA THẾ KỶ
Ánh đèn sân khấu đã trở thành điểm hẹn của Băng Sơn và Mai Phương. Năm 1952, Hà Nội còn nằm trong vùng chiếm đóng của giặc Pháp, Băng Sơn theo một số anh chị em lập đoàn kịch diễn vở "Cô gái mây Tần" của nhà thơ Hoàng Cầm lúc ấy đang là Đoàn trưởng Đoàn văn công quân đội ở vùng kháng chiến. Băng Sơn thủ vai Tần Vũ, nữ diễn viên đóng vai Tần Huyền Cơ bị ốm nên đạo diễn ca sĩ Mai Phương thay thế. Hai con người tài hoa mến nhau vì nết, trọng nhau vì tài dần dần cảm thấy mình thành một nửa cuộc đời của người kia, cùng chia đôi nỗi niềm và phân đôi niềm vui cho nhau. Giặc Pháp bắt lính, Băng Sơn phải trốn ra vùng tự do ở Đông Triều để khỏi bị bắt đi làm bia đỡ đạn cho giặc. Lúc ấy Mai Phương mới thấy một khoảng trống trong trái tim mình không gì bù đắp được. Nhận được lá thư của Băng Sơn do người quen bí mật đem về, Mai Phương bỏ nhà ra vùng tự do tìm Băng Sơn. Mãi đến khi nghe tin quân ta sắp về tiếp quản Thủ đô, hai người mới trở về nhà. Giữa lúc ấy, một số người nhẹ dạ tìm đường di cư vào Nam. Ông anh Mai Phương bàn với em gái đi "du lịch" vào Sài Gòn một chuyến rồi hai năm sau lại trở về. Nếu không có Băng Sơn chắc chắn Mai Phương đã đi. Một ông anh khác vừa ở mặt trận Lào trở về, thấy hai người quấn quýt với nhau như thế rất lo lắng lựa lời tâm sự với Mai Phương: Băng Sơn đã nghèo lại không có nghề nghiệp, khó đảm bảo cuốc sống ổn định sau này, em nên nghĩ lại xem. Mai Phương chỉ trả lời: Nhiều người giàu có đã hỏi em nhưng em nghĩ đời người con gái tìm được một người có tâm hồn đồng điệu với mình mới khó còn tiền của, chúng em cứ chắt chiu mãi rồi cũng có.
Băng Sơn mở lớp dạy tư ở ngõ Hàng Hành. Chính những chiếc bàn học sinh ấy sau này ghép lại đã thành chiếc giường cưới của đôi vợ chồng trẻ. Gia sản chỉ có một cái hòm gỗ đựng mỗi người mấy bộ quần áo. Mỗi tuần Băng Sơn đến ngâm thơ, Mai Phương cũng đến hát trước giờ chiếu ở rạp chiếu bóng nhằm cân bằng thu chi trong gia đình. Do làm việc quá sức, một đêm Băng Sơn ho ra máu. Bạn bè biết hai vợ chồng chẳng còn đồng xu dính túi nhưng trước mắt hãy cứu lấy mạng người cái đã nên cứ đưa đại Băng Sơn vào một bệnh viện tư. Sau này ông quản lý bệnh viện đem hoá đơn đến nhà đòi tiền viện phí, nhìn thấy gian phòng rỗng như đít bụt, ông đã mủi lòng không nỡ bắt đôi vợ chồng nghèo thanh toán. Mai Phương thường coi Băng Sơn là người từ cõi chết trở về nên hết lòng chăm sóc chồng để "nửa cuộc đời" của mình không sớm vân du nơi Cực Lạc. Băng Sơn rất thương vợ, anh không đòi hỏi những món cầu kỳ nhưng đôi lúc trong khi vui chuyện, Mai Phương thấy Băng Sơn tỏ ý thích ăn món gì, chị cố nấu nướng bằng được. Nhân ngày 10 tháng 12 - sinh nhật Mai Phương, Băng Sơn không mò được toà soạn nào để lấy tiền nhuận bút, anh bèn đem cuốn từ điển Pháp - Việt bán cho hiệu sách Nam Hùng ở Bờ Hồ rồi đem tiền đi mua một bó hoa Ngọc Trâm - loại hoa Mai Phương thích nhất, mua một bưu ảnh hoa Ngọc Trâm tặng vợ và đong một yến gạo tặng cả nhà không phải ăn độn bo bo.
Hàng xóm chưa nghe thấy đôi vợ chồng ấy to tiếng với nhau bao giờ. Người nọ biết chiều lòng người kia, đôi khi trong nhà có sự bất đồng về một công việc gì thì cả hai đều yên lặng, không nói với nhau câu nào cho đến khi một trong hai người bắt đầu thấy sự yên lặng đáng sợ ấy là vô lý bèn lên tiếng "làm duyên" rồi cả hai cùng cười.
Sau trận ốm thập tử nhất sinh, Băng Sơn đành giã từ ánh đèn sân khấu. Vốn là chàng trai có hoa tay, anh mua những mảnh nhung vụn đủ các màu về cắt dán thành đủ loại hoa vào thiếp chúc Tết, thiếp mừng sinh nhật. Nguồn thu phập phù đó cũng đỡ dần cho Mai Phương một phần gánh nặng trong gia đình. Đến thời mở cửa, báo chí ra tơi tới, Băng Sơn như con cá sống quẩn ở ao làng, nay được làn nước tràn bờ đưa ra sông rộng. Tuỳ bút và tản văn của anh luôn xuất hiện trên các báo trong Nam ngoài Bắc. Nhớ công lao người bạn đời, anh thường lấy bút danh Mai Phương; đôi khi cao hứng lên, anh lại lấy bút danh là Băng Phương (rút gọn bốn từ Băng Sơn - Mai Phương). Cuốn sách "Thú ăn chơi người Hà Nội" của Băng Sơn đã được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội, Hội thảo Văn hoá ẩm thực trong thành phố Hồ Chí Minh mời anh và phu nhân vào dự. Đôi cánh bạc của máy bay A320 đã đưa đôi chim câu vượt qua vùng trời mà đôi vợ chồng hằng mơ ước. Các đầu bếp bậc thầy của các khách sạn đã trình diễn gần trăm món ăn đủ cả sơn hào hải vị. Băng Sơn nói với Mai Phương: Giá những món này do chính tay em nấu nướng, anh sẽ thấy ngon gấp bội phần..
Nửa thế kỷ đã trôi qua, đôi vợ chồng ấy vẫn là hai người tình như thời trai trẻ dưới ánh đèn sân khấu.
Bản quyền bài viết thuộc tác giả Vũ Bão. Sưu tầm từ: website về Hà Nội