Băng Sơn/Tuỳ Bút/Nền đất

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

NỀN ĐẤT

Nhà tranh vách đất, may mắn sao trong cuộc đổi đời này, đang mất dần đi, thay vào đó là nhà ngói, nhà tầng, nền gạch, đá hoa.

Thuở trong hoài niệm ấy, nhà tranh thưòng có chiếc nền nhà là đất nện, khác hẳn ngày nay khi xây nhà, người ta đi chọn các thứ gạch tân kỳ, đủ màu sắc, nhẵn bóng và trơn lỳ, có các hình hoa lá, kỷ hà (thậm chí hình người mờ ảo), mang về từ những lò, những máy ép thủ công, sang hơn là từ bên kia biên giới và sang nữa là từ phương trời Âu xa lắc gọi là Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi.... để tạo ra chiếc nền nhà bóng lộn, có người tưởng đó là dội nước, có cụ già trượt chân "vồ ếch".

Đã bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng năm, bà ta, mẹ ta, chị ta nằm trong lòng võng ru em bé ngủ, em bé có khi từng là mẹ ta, cha ta, rồi đến lượt chính là ta... Chiếc võng đung đưa, chân bà, chân mẹ đạp vào nền đất mà đẩy võng đi như mái chèo đẩy con thuyền trên dòng sông đời từ hẹp một gang đến rộng bằng mấy nhịp cầu. Có khi đúng vào một chỗ bà và mẹ hay chị đặt bàn chân to bè lam lũ Giao Chỉ vào đấy, mà nền nhà mòn vẹt đi trông thấy.... Nền nhà chỉ là đất thôi mà.

Đất nền ấy màu gì nhỉ, có lẽ không bao giờ là trắng, cũng chẳng bao giờ là đen, có thể chỉ là nâu thẫm, nâu mờ, nâu nhạt, có khi còn là hung hung son đỏ mang đôi ba vết nẻ vì mùa khô hạn kéo dài.

Nhiều nền đất ấy phẳng lỳ, cũng có nền đất có chút gồ ghề khiến chiếc chổi lúa của tay bé bỏng ngại ngần mỗi khi mẹ sai quét nhà trước khi rải chiếc chiếu rung rúc hay đã thủng giữa xuống đấy để ăn cơm.

Người nông dân Việt Nam không ăn cơm bằng bàn. Nhà khá giả mới ăn trên giường, trên phản hoặc trên sập, còn thông thường là ngả chiếc chiếu cũ ra là xong, là được, kỹ tính hơn thì đặt mâm cơm, chiếc mâm gỗ đã long sơn, mẻ chỗ này, sứt chỗ khác, lên chiếc chõng tre bé tí gọi là chõng ăn. Mà thành phố có khi ta bắt gặp chiếc chõng ấy ở chỗ cô bán bún ốc, nộm bánh đúc hay bà hàng nước chè chén đầu ngõ nhỏ.

Có ai tuổi bé từng được ăn chám bùi, béo ngậy, mềm tơi hay dẻo quẹo. Trám trắng muối kỹ để lâu ngày, mang dầm tương thì quả là đặc sản. Đem nó mà kho cá khi "có cá đổ vạ cho cơm" không thể biết được. Hoặc chám đen, gọi là đen vì da nó như mầu áo chàm đồng bào miền núi, nhưng ruột chám lại hồng hồng mang phảng phất chút cánh sen hồng tía. Trám ngâm nước nóng già, đến bữa, bổ đôi từng quả trám, mỗi nửa chám là một con thuyền sắp lên đường đi vào sứ sở thần tiên là bụng con người, những miếng chám đó chấm với muối vừng thì càng ăn càng thèm, gia đình giàu có còn băm đủ loại thịt với nấm hương mộc nhĩ, gia vị, đặt vào lòng từng chiếc thuyền ấy mà hấp chín.... thì tuyệt diệu đến ngẩn ngơ, ăn một lần để ngon suốt bao năm....

Những món trám ấy đã thành kỷ niệm, không phải vì hương vị mà chỉ vì những cái hạt hình thoi, cứng như thép, màu nâu nâu của nó. Mỗi hạt trám là hình một con mắt mỹ nhân. Chặt đôi từng hạt trám, khều lấy cái nhân trắng ra mà ăn, có vị bùi bùi, ngầy ngậy, sao mà nó nhỏ thế, cứ khều mãi, khều mãi mới đỡ thòm thèm cái lưỡi bé thơ. Mỗi nửa hạt trám trở thành một ngọn kim tự tháp tý hon. Nền nhà bằng đất ấy mới đáng yêu sao. Nó thành chiếc bảng đen, thành trang giấy mà hạt trám là chữ viết, đóng hạt trám xuống đấy, thành dòng chữ tên người ta yêu quý, thanh bông hoa, thành mái nhà trong tưởng tượng... tha hồ mà vẽ. Nền nhà mênh mông, hạt trám chỉ đủ để vẽ một khoảng tẻo teo, cạnh bàn nước hay chân cột, gầm bộ tràng kỷ hay phía chân giường... Nhưng nhớ suốt đời, nhớ sang đời con đời cháu rằng ngày xưa, ông (hoặc cha)đã từng đóng hạt trám xuống nền nhà, thích hơn các con, các cháu ngày nay là ở nhà có sàn lát gạch lá nem, gạch hoa, gạch men.... không thể chơi trò đó được.

Trong những căn nhà tranh như thế thì cũng chẳng bao giờ có giường Hồng Kông, đệm lò so, mà thường chỉ có những chiếc giường bằng tre ngâm, tốt hơn thì bằng gỗ xoan đào, hai đầu giường có lan can thành hình tia nắng, nên gọi nó là giường dẻ quạt, trên dải chiếc chiếu đậu, mát lạnh lưng khi nằm xuống.

Gầm giường vẫn chỉ là đất nện, nhưng luôn ẩm hơn vì ít có bàn chân ai đặt tới. Đó là giang sơn của con dế mèn, dế cộ hát thâu đêm, của lũ giun đất đào mùn giun thành từng ngọn núi tí hon, cứ loang lổ gập ghềnh dưới con mắt những con vật nhỏ nhoi như con muỗi, con bọ mạt....

Đôi khi còn nghe thấy tiếng con cóc nghiến răng trong gầm giường ấy khi trời vần chuyển thay mùa....

Nền đất đã quen thuộc từ bao đời, không thể nào ghi được niên đại thật chính xác dù là nhà sử học lừng danh, nhưng ta biết rằng nền đất ấy mát lạnh gang bàn chân, khác hẳn trong những ngôi nhà thành phố, bỏ giầy dép ngoài cửa, đi loại dép rơm hay giầy đế crếp vào trong nhà, bước trên nền đá hay gạch hoa tậu từ xứ ngoại, da bàn chân không hề được tiếp xúc với nền đất thiêng liêng của quê hương non nước.

Nền đất là một phần hồn gắn bó không thể chia lìa của ngôi nhà trong những làng quê Việt Nam. Nhiều gia đình có sân lát gạch Bát Tràng, có tường trình, có bể nước xi măng, nhưng nền nhà vẫn nguyên màu đất. Đâu phải vì khôngcó khả năng, mà chính là vì để cho bàn chân đựơc mát mẻ, ngấm vào nguồn mạch đang ngầm chảy lặng thầm dưới đó.

Đã có bao nhiêu đêm trăng lồng lộng đưa gió từ đầm sen rìa làng vào xông hương cho những ngôi nhà mộc mạc. Kéo nhưng tấm giại tre về một phía cho thông thoáng, rải chiếc chiếu ra nền đất cạnh bậu cửa.... mát từ gió hay mát từ trăng, mát từ nền đất hay mát từ lòng người.... tất cả tạo ra nét thanh bình của làng quê trong trẻo, thành phố có đổi bằng bao nhiêu vàng bạc cỗ bàn hẳn cũng khó mà có được.

Lâu nay, nhà ngói dần thay thế nhà tranh. Mừng lắm. Nền lát đủ loại gạch đương nhiên là phải đi kèm cùng nhà ngói. Chấp nhận. Tuy nhiên nếu tình cờ ta lạc bước về một nẻo nào ít quen thuộc, được đặt chân lên nền đất nện những ngôi nhà chất phác như chủ nhà, hẳn ta chẳng thể nào đi đôi giầy đôi dép thị thành, mà phải cho gan bàn chân hoà nhịp với nền đất mát lạnh cho khỏi phí tình đất làng quê.

Hoài niệm về những chiếc nền nhà bằng đất để mà thương nhớ chẳng khác nào ta khó mà tìm được chiếc áo tơi kết bằng lá gồi, có hình khum khum che mưa nắng bao thời, khó mà tìm được chiếc thắt lưng bao bằng sồi xe của bà cụ lưng còng đã công phu suốt đời mình nuôi con cháu, công lao ấy cao như núi, dài như sông mà cũng chẳng bao giờ hé nửa miệng kể công.

Chiếc nền nhà bằng đất có lẽ cũng dầy công lao như thế. Hình như nó đã thành một phần máu thịt của bao thế hệ người Việt Nam còn có mặt đến bây giờ....

Bản quyền của tác giả Băng Sơn . Sưu tầm từ: [ website về Hà Nội]


Mục lục

Liên kết đến đây