Bệnh do liên cầu khuẩn ở lợn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Liên cầu khuẩn gây bệnh cho lợn có tên Streptococcus suis (S. suis) là một trong những loại vi sinh vật gây bệnh ở lợn làm tổn thất lớn về kinh tế. Bệnh sảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Các biểu hiện bệnh lý của lợn bao gồm viêm màng não, viêm khớp, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, viêm nội tâm mạc, các ổ áp xe. Nghiêm trọng hơn, vi khuẩn có thể gây bệnh cho người với các biểu hiện của viêm màng não, nhiễm trùng máu, viêm nội tâm mạc. v.v. Chính vì vậy, bệnh được xếp vào nhóm các bệnh chung của người và động vật. Người có nguy cơ nhiễm và phát bệnh khi tiếp xúc với lợn bệnh hoặc các sản phẩm từ lợn bệnh. Do hiệu quả điều trị bằng kháng sinh cũng như hiệu quả tiêm phòng bằng vác-xin chưa cao nên những hiểu biết cơ bản về bệnh rất quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của đàn lợn và sức khỏe cộng đồng, hạn chế thiệt hại kinh tế do bệnh gây ra.

Vi khuẩn gây bệnh[sửa]

S. suis là vi khuẩn gram dương [1], hình cầu hay hình ôvan, kỵ khí tùy tiện. Trong cơ thể động vật, vi khuẩn thường cư trú ở đường hô hấp trên đặc biệt là xoang mũi và hạch hạnh nhân. Tuy nhiên, vi khuẩn cũng có thể có mặt trong đường tiêu hóa và đường sinh dục của lợn. S. suis sản xuất yếu tố dung huyết alpha và beta trên môi trường thạch máu cừu và ngựa. Dựa vào đặc điểm của các polysaccharid lớp vỏ bọc vi khuẩn, người ta đã mô tả được 35 týp huyết thanh của vi khuẩn.

Quá trình xâm nhập của liên cầu khuẩn S. suis trên tế bào Hep-2. Scanning với kính hiển vi điện tử. Manfred Rohde, GBF Braunschweig, CHLB Đức

Dịch tễ học[sửa]

Lợn có thể bị nhiễm vi khuẩn ở bất kỳ tuổi nào. Khả năng nhiễm và gây bệnh của vi khuẩn ở lợn con cao hơn ở lợn trưởng thành. Người cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn.

Lợn mang trùng là nguồn lây nhiễm chính. Vi khuẩn có thể vẫn có mặt ở hạch hạnh nhân của lợn sau khi đã được điều trị bằng kháng sinh penicillin. Lợn nái có thể mang vi khuẩn trong tử cung và âm đạo. Phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi có thể trở thành nguồn bệnh thứ cấp. Các động vật có khả năng truyền bệnh bao gồm ruồi, chuột. Các đàn lợn non trong trạng thái chịu stress và tiếp xúc với nguồn bệnh sẽ có khả năng phát bệnh cao.

Con đường lây nhiễm:

Lợn con có thể bị nhiễm vi khuẩn từ lợn nái.

Nhiễm qua đường hô hấp khi tiếp xúc với nhau trong đàn.

Qua đường tiêu hóa

Lây nhiễm qua đường sinh dục

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn thường cư trú tại hạch hạnh nhân. Một số con vẫn ở trạng thái khỏe mạnh mặc dù đã nhiễm vi khuẩn nhưng một số con có thể có các triệu chứng của bệnh. Tỷ lệ chết tùy thuộc vào lứa tuổi của đàn, tinh trạng vệ sinh chuồng trại và các biện pháp can thiệp.

Vi khuản cư trú trong cơ thể có thể gây bệnh khi gặp các điều kiện thuận lợi làm cơ thể vật chủ suy yếu đặc biệt trong trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm khác trong đó có bệnh do virus. Nhiều thông tin từ các cơ quan chức năng trong thời gian gần đây cho thấy mối liên quan giữa bệnh do liên cầu khuẩn và hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp ở lợn (PRRS).

Người bị bệnh có biểu hiện viêm màng não. Những người tiếp xúc với lợn bệnh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Biểu hiện lâm sàng[sửa]

Lợn bệnh có thể bị chết rất nhanh trọng trường hợp quá cấp mà không có các triệu chứng điển hình của bệnh. Bệnh cấp tính với các biểu hiện sốt (có thể tới 42 độ C), bỏ ăn, giảm vận động. Các triệu chứng muộn hơn như mất khả năng giữ thăng bằng, run, giảm thính giác và thị giác, viêm khớp, què v.v.

Lợn sống sót có thể trở thành vật bệnh ở thể mãn tính hoặc vật mang mầm bệnh. Thể mãn tính có các biểu hiện như viêm tai giữa, què.

Người mắc bệnh thường có biểu hiện sốt, mệt mỏi, giảm vận động và các triệu chứng thần kinh, nhiễm trùng huyết. Các triệu chứng có thể thấy sau 2 đến 3 ngày ủ bệnh. Người khỏi bệnh có thể bị điếc.

Biến đổi bệnh lý[sửa]

Bệnh tích ở lợn bệnh tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh và thường phát hiện khi lợn có các biểu hiện lâm sàng tương ứng. Nếu lợn có các biểu hiện thần kinh, mổ khám có thể thấy biểu hiện viêm màng não. Viêm khớp và tích dịch dạng kem bao khớp dễ thấy đổi với những con có biểu hiệm què. Da và thịt của lợn bệnh thường có màu đỏ; hạch bạch huyết sưng to và sung huyết. Tim: màng bao tim có thể bị viêm tơ huyết; viêm van tim và nội tâm mạc.

Kiểm tra vi thể có thể giúp phát hiện viêm màng não hóa mủ, viêm nội mạc huyết quản với sự tập trung một lượng lớn các tế bào viêm, sợi huyết. Dịch viêm có thể xuất hiện trong các buồng não. Các đại thực bào (có vi khẩn) có thể được phát hiện trong dịch não tủy.

Chẩn đoán[sửa]

Các phương pháp chẩn đoán dựa vào: Đặc điểm dịch tễ học, các biểu hiện lâm sàng và bệnh tích.

Kiểm tra dưới kính hiển vi các cơ quan hay máu bị nhiễm vi khuẩn có thể giúp xác định vi khuẩn gây bệnh.

Các đặc điểm hóa sinh: Phản ứng acetoin (negative Voges-Proskauer), thủy phân esculin, dương tính với trehalos, không phát triển được trong NaCl 6,5%, không sản xuất dung huyết tố beta trên môi trường thạch máu cừu.

Nếu vi khuẩn đã được phân lập từ lợn bệnh và ta có sẵn phương tiện định týp vi khuẩn: S. suis có dung huyết tố alpha sản xuất amylase nhưng không sản xuất acetoin.

Phản ứng huỳng quang tại chỗ có thể giúp phát hiện vi khuẩn tại các mô bị nhiễm.

Dùng PCR để xác định týp huyết thanh.

Phòng và trị bệnh[sửa]

Tiêm penicillin cho đàn lợn có thể giúp hạn chế bệnh phát triển.

Kháng sinh penicillin cho vào nước uống trong suốt thời kỳ nguy cơ cũng có khả năng hạn chế bệnh nhưng đôi khi lại làm chậm thời gian phát bệnh của những con đã bị nhiễm trùng.

Các phương pháp khác cần được cán bộ thú y áp dụng cho từng trường hợp cụ thể để hạn chế bệnh lây lan như tạo miễn dịch bị động bằng cách tiêm kháng huyết thanh. Miễn dịch thụ động cũng có thể được mẹ truyền cho con vì vậy tiêm vác xin cho đàn nái là một biện pháp tốt.

Kháng thể chống lại kháng nguyên vỏ vi khuẩn cũng có tác dụng tốt. Tác dụng của các protein kháng thể chống lại vi khuẩn vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu.


>>> trang tiếp

Nguyễn Bá Tiếp các bài khác

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này