Chăm sóc mèo con mới sinh

Từ VLOS
(đổi hướng từ Chăm sóc Mèo con Mới sinh)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chăm sóc mèo con mới ra đời là việc nặng nhọc. Những bé mèo con cần được quan tâm và chăm sóc suốt cả ngày. Khi vừa nhận nuôi vài bé mèo mới sinh, bạn sẽ phải đối mặt với những nhiệm vụ khó khăn. Nếu mèo mẹ vẫn ở bên cạnh, một mình mèo mẹ có thể đáp ứng mọi nhu cầu của các bé mèo con. Bạn có thể hỗ trợ mèo mẹ bằng cách cho mèo mẹ ăn và tránh tiếp xúc với mèo con trong tuần đầu tiên sau khi sinh. Nếu mèo mẹ không còn hoặc không có khả năng chăm con, bạn sẽ phải nhận trách nhiệm thay mèo mẹ. Trách nhiệm của bạn bao gồm cho mèo con ăn, giữ ấm cho mèo, và thậm chí giúp chúng đi vệ sinh.

Các bước[sửa]

Cho ăn[sửa]

  1. Cân nhắc hoàn cảnh. Sự chăm sóc mà bạn dành cho mèo con mới sinh sẽ phụ thuộc vào một vài yếu tố: tuổi của mèo con, liệu mèo mẹ còn đang chăm sóc cho mèo con hay không, và sức khỏe của mèo con. Nếu bạn vừa nhận một lứa mèo con tách mẹ, bạn cần đem tới cho chúng tất cả những nhu cầu mà mèo mẹ sẽ đáp ứng, ví dụ như thức ăn, hơi ấm, và hỗ trợ đi vệ sinh. Hãy dành ít thời gian để cân nhắc trước khi nhận chăm sóc mèo con.[1]
    • Nếu tìm thấy vài bé mèo con mà bạn cho là đã bị bỏ rơi hoặc tách mẹ, hãy quan sát chúng từ khoảng cách xa tầm 10 m để xem mèo mẹ có quay về không.
    • Nếu mèo con đang gặp nguy hiểm, bạn cần lập tức can thiệp mà không cần đợi mèo mẹ trở về. Ví dụ, bạn nên can thiệp ngay khi mèo con gặp nguy hiểm, bị lạnh cóng, bị bỏ rơi ở nơi dễ bị xe cán qua hoặc bị dẫm đạp, hay đang ở khu vực mà chó dữ có thể gây tổn thương cho chúng.[2]
  2. Nhờ sự trợ giúp từ bác sĩ thú y hoặc trạm cứu hộ động vật tại địa phương. Đừng nghĩ rằng bạn phải tự mình chăm sóc mèo con. Chăm sóc mèo con mới sinh là một công việc khó khăn và bạn có thể sẽ không có đủ những thứ cần thiết để giúp mèo con sống sót. Hãy liên lạc với bác sĩ thú y hoặc trạm cứu hộ động vật địa phương để được trợ giúp. Họ thậm chí có thể cung cấp mèo mẹ thay thế để mèo con hấp thụ đủ chất dinh dưỡng, hoặc họ có thể giúp bạn cho mèo ăn bằng bình.[3]
  3. Cho mèo mẹ ăn nếu mèo mẹ vẫn bên cạnh con. Nếu mèo mẹ còn đang hiện diện và chăm con, để yên cho mèo mẹ làm vậy sẽ đem tới kết quả tốt nhất cho mèo con. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể hỗ trợ bằng cách cung cấp thức ăn và nơi ở cho mèo mẹ. Chỉ cần chắc chắn rằng bạn để thức ăn và chỗ ở tại khu vực tách biệt, bằng không mèo mẹ sẽ không chấp nhận sự giúp đỡ của bạn.[2]
  4. Cho mèo con ăn. Nếu mèo mẹ không còn hoặc không có khả năng chăm sóc mèo con, bạn cần chuẩn bị thức ăn và đích thân cho mèo con ăn. Loại thức ăn mà bạn chuẩn bị sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của mèo con. Hãy chắc chắn rằng bạn đã tham khảo với bác sĩ thú y về mọi nhu cầu ăn đặc biệt của mèo con.[4]
    • Khi mèo con được 1-2 tuần tuổi, bón dung dịch thay thế sữa qua bình cho mèo con sau mỗi 1-2 tiếng. Đừng cho mèo con uống sữa bò vì cơ thể chúng khó tiêu hóa sữa bò.
    • Khi mèo con được 3-4 tuần tuổi, đổ dung dịch thay thế sữa vào đĩa nông lòng cũng như một ít thức ăn cho mèo đã được ngâm nước để làm mềm. Cho mèo ăn từ 4-6 lần mỗi ngày.
    • Khi mèo con được 6-12 tuần tuổi, giảm lượng dung dịch thay thế sữa và bắt đầu cung cấp thức ăn khô dành cho mèo. Cho mèo ăn 4 lần mỗi ngày.
  5. Cân mèo con mỗi tuần một lần. Để đảm bảo rằng mèo con được cung cấp đủ dinh dưỡng và tăng cân, bạn cần cân mèo con mỗi tuần một lần và ghi lại cân nặng của chúng. Mèo con nên tăng khoảng 49,6 g đến 99,2 g mỗi tuần. Liên hệ với bác sĩ thú y nếu bạn lo rằng mèo tăng cân chưa đủ nhanh.[4]

Bồng bế và Bảo vệ[sửa]

  1. Tránh tiếp xúc với mèo con trong tuần tuổi đầu tiên nếu mèo mẹ vẫn ở bên cạnh. Mèo mẹ có thể bỏ con hoặc trở nên khó chịu khi mèo con bị bồng bế quá nhiều, vì vậy để tốt nhất cho mèo con, hãy để mặc chúng khi mèo mẹ vẫn còn. Tuy nhiên, bắt đầu từ tuần tuổi thứ 2-7, việc để cho mèo con quen dần với tay người bế là rất quan trọng.[1]
  2. Bế mèo con nhẹ nhàng. Vô cùng cẩn thận khi bế mèo mới sinh. Nếu nhà bạn có trẻ nhỏ thích bồng bế mèo, hãy dạy trẻ cách bế nhẹ nhàng và không để trẻ bế mèo con khi không có người giám sát. Mèo mới sinh rất yếu ớt và ngay cả một đứa trẻ cũng có thể khiến chúng tổn thương trầm trọng.[4]
  3. Làm ổ cho mèo con ngủ. Nếu mèo con chưa có chỗ ngủ, hãy chắc chắn rằng bạn sắp xếp cho mèo con một nơi ấm áp, khô ráo, và tránh xa thú dữ. Đảm bảo rằng nơi bạn chọn không ở gần lửa, nước và không có gió lùa. Bạn có thể dùng hộp giấy hoặc cũi cho mèo có lót khăn hoặc chăn sạch.[1]
  4. Giữ ấm cho mèo con. Nếu mèo mẹ không còn ở bên cạnh, bạn cần dùng túi sưởi hoặc chai nước nóng bọc trong khăn để giữ ấm cho mèo con. Chỉ cần đảm bảo rằng mèo con có thể tránh xa nguồn nhiệt nếu chúng thấy quá nóng. Kiểm tra thường xuyên xem mèo con có thoải mái không.[1]

Đi vệ sinh[sửa]

  1. Để mèo mẹ giúp mèo con đi vệ sinh nếu mèo mẹ vẫn còn ở bên/vẫn còn có thể chăm con. Nếu mèo mẹ vẫn ở bên để giúp mèo con đi vệ sinh, hãy để mèo mẹ hoàn thành nhiệm vụ của mình. Trong vài tuần tuổi đầu tiên của mèo con, mèo mẹ sẽ liếm vùng sinh dục của mèo con để giúp chúng tiểu tiện và đại tiện. Đừng can thiệp khi mèo mẹ đang chăm sóc mèo con như vậy.[2]
  2. Giúp mèo con tiểu tiện/đại tiện khi cần. Nếu mèo mẹ không còn bên cạnh, bạn cần giúp mèo con tiểu tiện và đại tiện trong vài tuần tuổi đầu tiên. Dùng một miếng khăn ướt hoặc một miếng gạc ẩm để vuốt nhẹ vùng sinh dục của mèo con cho đến khi mèo tiểu tiện và/hoặc đại tiện. Giặt hoặc vứt khăn ngay lập tức và lau khô mèo con trước khi đưa trở lại cùng lứa.[4]
  3. Khuyến khích mèo dùng hộp vệ sinh khi được bốn tuần tuổi. Vào khoảng bốn tuần tuổi, mèo con sẽ sẵn sàng để dùng hộp vệ sinh. Để khuyến khích mèo đi vệ sinh trong hộp, đặt một bé mèo con vào hộp sau khi mèo ăn xong. Khi mèo con đã đi vệ sinh trong hộp, đưa mèo trở lại lứa và đặt bé mèo tiếp theo vào hộp. Để từng bé mèo con đi vệ sinh vài phút sau mỗi bữa ăn.[4]
  4. Để ý các vấn đề của mèo con. Nếu thấy bất kỳ bé mèo nào không tiểu tiện hoặc đại tiện được sau khi đã kích thích hoặc sau khi được đặt vào trong hộp vệ sinh, bạn nên liên lạc với bác sĩ thú y ngay lập tức để tìm hiểu nguyên do. Mèo con có thể đang bị táo bón hoặc có vật cản cần được lấy ra.[5]

Lời khuyên[sửa]

  • Đừng ngần ngại tìm đến sự giúp đỡ từ bác sĩ thú y hoặc trạm cứu hộ động vật địa phương. Họ có thể có tình nguyện viên sẵn sàng giúp bạn chăm sóc các bé mèo con và nâng cao khả năng sống sót của chúng.
  • Đừng để trẻ nhỏ dưới 8 tuổi bế mèo mà không có sự giám sát cho đến khi mèo được 5-6 tuần tuổi.

Cảnh báo[sửa]

  • Đừng bế mèo con như bế trẻ sơ sinh khi bón ăn bằng bình. Nếu bạn làm vậy, sữa sẽ tràn vào phổi mèo con. Luôn luôn để mèo con đứng bốn chân trên sàn hoặc trong lòng bạn khi ăn.
  • Nhớ đừng cho mèo con uống sữa bò! Sữa bò rất khó tiêu và dễ làm mèo con bị ốm.
  • Đừng tắm cho mèo con đến khi chúng lớn hơn 9 tuần tuổi, nếu không mèo mẹ sẽ bỏ rơi con vì chúng không còn mùi của mèo mẹ.
  • Liên hệ với bác sĩ thú y ngay lập tức nếu mèo con có triệu chứng bệnh (lờ đờ, hắt hơi, bỏ ăn, v.v.). Mèo con có thể chết nếu chúng mắc bệnh hoặc suy dinh dưỡng.

Nếu định đem mèo con mới sinh đi cho, đảm bảo rằng bạn đã để chúng nằm trong hộp giấy có đục lỗ thở, nhiều chăn lót ổ cũng như thức ăn để mèo con sống được. Mèo con cần được giữ ấm, đặc biệt khi phải tiếp xúc với thời tiết lạnh.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây