Chăm sóc mèo

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Với tính cách khôi hài, hành vi trìu mến và gương mặt đáng yêu, mèo có thể là vật nuôi lý tưởng dành cho con người. Tuy nhiên, bất chấp quan điểm phổ biến hiện nay, thì mèo không phải là loài động vật có thể tự sinh tự diệt! Để mèo cưng luôn khỏe mạnh và vui vẻ, bạn cần phải biết cách chăm sóc nó và tạo dựng cuộc sống tốt nhất có thể cho người bạn mới của mình.

Các bước[sửa]

Nhận nuôi Mèo[sửa]

  1. Cân nhắc giữa mèo con và mèo trưởng thành.[1] Mèo con trông khá hấp dẫn và đáng yêu, nhưng bạn nên xem xét kỹ lưỡng về việc liệu có đủ sức nuôi mèo con hay không. Trại động vật thường có rất nhiều con mèo trưởng thành đáng yêu gặp khó khăn trong việc nhận nuôi hơn. Một con mèo trưởng thành sẽ bình lặng và điềm tĩnh hơn so với mèo con, nhưng cũng có thể gặp các vấn đề về hành vi trong cuộc sống trước đây của chúng. Mèo trưởng thành cũng có thể đang mắc bệnh mà bạn phải giải quyết sớm hơn so với khi nuôi mèo con. Ngoài ra mèo con thường hay cào rất đau, vì vậy bạn nên quyết định liệu có thể chịu đựng được điều đó hay không.
  2. Cân nhắc vấn đề bệnh tật xảy ra ở mèo. Nếu đang nhắm một con mèo nào đó, bạn nên hỏi về tiền sử bệnh tật của nó để xem có cần chăm sóc dài hạn hay không. Bạn có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu y tế của con mèo này hay không?
    • Ngay cả khi con mèo có sức khỏe tốt, thì bạn cũng cần tìm hiểu giống của nó. Mèo thuần chủng có thể gặp vấn đề về di truyền cần khắc phục. Ví dụ, mèo mặt phẳng như Manx và Scotland thường gặp vấn đề về hô hấp.[2]
    • Mèo thuần chủng thường gặp phải vấn đề về di truyền nhiều hơn so với mèo lai.[3]
  3. Xem xét lượng thời gian bạn dành cho mèo. Trong khi mèo không cần đi dạo hàng ngày như chó, thì bạn cũng không nên nghĩ rằng chúng không cần nhiều thời gian quan tâm chăm sóc. Chúng vẫn là loài vật nuôi hiếu động cần chơi đùa thường xuyên, và là người bạn đòi hỏi sự quan tâm nhiều. Bạn cũng sẽ dành nhiều thời gian dọn sạch khay vệ sinh và chuẩn bị bữa ăn phù hợp dành cho mèo.
    • Tuổi thọ trung bình của mèo nhà là từ 13-17 năm, vì vậy hãy nhớ rằng bạn đang thực hiện cam kết lâu dài với thành viên mới trong gia đình.[4]
  4. Tính xem bạn có đủ khả năng nuôi mèo hay không. Chi phí mua một con mèo có thể dao động từ 500 nghìn đồng đối với mèo trong trại động vật cho đến vài triệu cho một con mèo thuần chủng. Ngoài ra, bạn sẽ phải chi tiêu cho thực phẩm, đất vệ sinh, đồ chơi, cũng như chi phí y tế thường xuyên. ASPCA ước tính rằng trong năm đầu tiên nuôi mèo, bạn có thể sẽ phải chi tiêu khoảng 10 triệu đồng.[5] (Số tiền này giảm xuống sau khi bạn đã mua đủ trang thiết bị và tiến hành chăm sóc y tế ngay từ ban đầu.)
  5. Cân nhắc lựa chọn mèo từ trại động vật. Chi phí tối thiểu cho những gì mà bạn nhận được đó là: một con mèo được chủng ngừa đầy đủ, kiểm tra sức khỏe, và đã triệt sản.[6] Mèo cho không sẽ có mức giá thấp hơn, nếu bạn là người nuôi có trách nhiệm.

Huấn luyện Mèo[sửa]

  1. Khuyến khích mèo sử dụng khay vệ sinh.[7] Hầu hết mèo sẽ thích sử dụng khay vệ sinh thay vì những khu vực khác trong nhà do thành phần của đất vệ sinh. Tuy nhiên, bạn vẫn cần tiến hành một số bước để mèo thấy rằng khay vệ sinh là nơi phù hợp nhất để giải quyết nỗi buồn.
    • Đặt khay ở nơi yên tĩnh để mèo không bị con người, chó, hoặc âm thanh lớn làm phiền.
    • Dọn sạch khay vệ sinh bằng cách xúc đất hằng ngày, và lau chùi khay hàng tuần. Bạn cũng nên thay đất mới ít nhất một lần một tuần.[8]
    • Cung cấp đầy đủ khay vệ sinh nếu bạn nuôi nhiều hơn một con mèo. Nếu trong nhà có 2 con mèo, bạn cần đặt 3 khay vệ sinh xung quanh ngôi nhà. Một con có thể đe dọa con kia không cho sử dụng khay vệ sinh.
  2. Làm cho khay vệ sinh trở thành một nơi thoải mái. Bạn không nên làm mèo sợ hãi hay giật mình trong khi đang sử dụng khay vệ sinh, hoặc chúng có thể hình thành liên kết xấu với khay vệ sinh và bắt đầu né tránh. Bạn nên mua khay lớn cho dù loại này khá nhiều tiền. Mèo thường cảm thấy thoải mái trong khay vệ sinh lớn (tính theo diện tích, không tính theo chiều cao).[9]
    • Không nên thay đổi loại đất vệ sinh dành cho mèo, bởi vì mèo không thích sự thay đổi đột ngột. Chuyển từ loại đất sét sang loại vón cục hoặc ngược lại có thể làm mèo khó chịu khiến chúng không muốn sử dụng khay vệ sinh nữa.
    • Không dùng đất có mùi hương nồng vì có thể làm cho mèo tránh xa khay vệ sinh.
  3. Lưu ý mèo con hoặc mèo già. Mèo con và mèo già bị viêm khớp hoặc gặp vấn đề sức khỏe khác có thể cảm thấy trở ngại trong việc bước vào và ra khỏi khay vệ sinh có phần cạnh quá cao. Bạn nên sử dụng khay có cạnh thấp đặt trong khu vực dễ tiếp cận cho mèo con và mèo có nhu cầu đặc biệt, hoặc mua loại khay có thể điều chỉnh.
  4. Chuẩn bị trụ mài vuốt cho mèo. Hành động cào là một phần bình thường của hành vi loài mèo, và bạn không thể huấn luyện chúng từ bỏ thói quen này. Nếu con mèo vẫn có móng vuốt, thì chúng cần một hoặc hai trụ mài vuốt để tránh cào lên đồ nội thất, bàn làm việc bằng gỗ, và những đồ vật khác. Bằng việc chuẩn bị sẵn trụ mài vuốt, bạn cho phép con mèo thực hiện hành vi bình thường, khỏe mạnh của chungd.[10]
    • Con mèo có thể đã được cắt móng, trong trường hợp móng vuốt trước và/hoặc sau của chúng đã được phẫu thuật cắt bỏ. Mèo bị cắt móng sẽ không thể cào được, do đó bạn không cần chuẩn bị trụ mài vuốt.
  5. Không cho mèo tiếp cận khu vực cấm. Mèo là loài động vật tò mò, và sẽ nhảy lên quầy bếp hoặc những nơi khác mà bạn muốn chúng tránh xa. Loại thảm xua đuổi, tia nước bắn ra từ bình xịt, hoặc thậm chí là từ "không" một cách nghiêm khắc có thể chỉnh sửa hành vi này. Với thời gian và sự kiên nhẫn, bạn có thể huấn luyện mèo tránh xa khu vực bảo vệ.
    • Bạn cũng có thể sử dụng lon lúc lắc (lon nước ngọt rỗng chứa vài viên sỏi bên trong và dán keo lên miệng lon). Quăng lon nhẹ nhàng xuống mặt đất để dọa con mèo tránh xa khu vực cấm. KHÔNG ném lon vào người mèo.
  6. Cân nhắc sử dụng các sản phẩm chi phối hành vi của mèo. Những sản phẩm này thải vào không khí kích thích tố tổng hợp có tác dụng xoa dịu thường ở dạng thuốc xịt hoặc khuyếch tán sử dụng điện.[11] Chúng có tác dụng giải quyết vấn đề khay vệ sinh hoặc cào vuốt, và cũng đã được chứng minh có khả năng xoa dịu tâm trạng của những con mèo đang căng thẳng hoặc lo lắng.

Cho Mèo ăn[sửa]

  1. Quyết định loại thực phẩm dành cho mèo. Thức ăn dành cho mèo thường ở dạng khô, nửa ướt, và đóng hộp là phổ biến. Thực phẩm khô có thể bảo quản dễ dàng và hiệu quả, nhưng mèo lại thích hương vị của thực phẩm bán ẩm và đóng hộp. Các loại sau thêm chất lỏng vào chế độ ăn của mèo hơn thực phẩm khô. Nói chung, việc lựa chọn thực phẩm là tùy theo sở thích của người chủ.
    • Thỉnh thoảng, mèo có vấn đề về sức khỏe cần ăn loại thực phẩm đặc biệt. Bạn nên trao đổi với bác sĩ thú y để họ đưa ra khuyến nghị.
  2. Chọn thức ăn dành cho mèo có thương hiệu uy tín. Cũng giống như các loài động vật khác, mèo có nhu cầu dinh dưỡng cụ thể. Chúng là "loài ăn thịt bắt buộc," có nghĩa là mèo cần protein động vật để tránh dẫn đến hậu quả sức khỏe nghiêm trọng.[12] Bạn có thể hỏi bác sĩ thú y cho ý kiến về một loại thực phẩm có chất lượng tốt. Sản phẩm giá rẻ có thể không cung cấp đủ dinh dưỡng để mèo luôn vui vẻ và khỏe mạnh.
    • Tìm loại thức ăn dành cho mèo có thành phần chủ yếu là thịt động vật như thịt bò, thịt gà, gà tây, cá.[13]
    • Tìm loại axit amin cần thiết như taurine và arginine và axit béo như axit arachidonic và linoleic.[14]
    • Tránh cho mèo ăn thức ăn của con người trừ khi bạn đã đề cập loại thực phẩm với bác sĩ thú y. Một số thức ăn của con người có thể làm cho mèo bị ốm nặng hoặc thậm chí gây độc hại cho mèo (ví dụ, sô cô la).
  3. Tuân theo hướng dẫn cho ăn theo khuyến cáo của thực phẩm dành cho mèo.[15] Nói chung, mèo cần được cho ăn theo độ tuổi, cân nặng và hoạt động. Chúng thích ăn thường xuyên, ăn nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày.[16]
    • Bạn có thể hỏi bác sĩ thú y để họ đưa ra khuyến nghị về việc nên cho mèo ăn gì và ăn như thế nào nếu bạn có bất kỳ thắc mắc cần giải đáp.
  4. Không cho mèo ăn quá nhiều. Thực hiện theo các khuyến cáo của bác sĩ thú y chặt chẽ và đảm bảo rằng con mèo tập thể dục thường xuyên, vì ngày nay bệnh béo phì là một trong những vấn đề sức khỏe lớn nhất đối với loài mèo. Mèo mắc chứng béo phì có nhiều nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường khi chúng ở độ tuổi trung niên. Thừa cân cũng góp phần gây nên bệnh viêm khớp, bệnh tim, và các vấn đề sức khỏe khác ở mèo.[17]

Duy trì Sức khỏe của Mèo[sửa]

  1. Chải lông cho mèo tùy thuộc vào nhu cầu làm sạch lông của chúng. Bạn có thể nghĩ rằng mèo dường như có thể tự chải chuốt, nên không cần phải làm thay chúng. Nhưng bạn "thực sự" cần chải chuốt cho mèo lông dài vài lần một tuần và mèo lông ngắn hàng tuần. Điều này sẽ giúp giảm rụng lông trong nhà và giúp mèo tránh dị vật lông dạ dày khủng khiếp.
    • Đối với mèo bị rụng lông (đặc biệt những con có lông dài), bạn nên dùng lược có sợi kim loại mảnh. Loại lược này tiếp cận sâu vào lớp lông và loại bỏ những sợi lông rụng.
  2. Kiểm tra tình trạng da ở mèo khi bạn chải lông cho chúng. Xem kỹ bọ chét hoặc ký sinh trùng khác, và hiện tượng tấy đỏ bất thường, cục u, bướu, hoặc các vấn đề về da khác. Nếu thấy bất cứ điều gì đáng ngờ, bạn cần thông báo cho bác sĩ thú y và yêu cầu tư vấn cách chăm sóc nó.
  3. Lên kế hoạch đi khám bác sĩ thú y hằng năm.[18] Cũng giống như thành viên trong nhà, một con mèo cần đi khám thường xuyên. Không giống như trẻ con, mèo không thể cho chúng ta biết khi nào thì chúng cảm thấy không khỏe. Loài mèo dựa dẫm vào con người để đưa chúng đến bác sĩ thú y kiểm tra sức khỏe thường xuyên để duy trì sức khỏe. Điều quan trọng là một con mèo nên đi khám bác sĩ thú y ít nhất một lần một năm để kiểm tra sức khỏe toàn diện: răng, tai, mắt, tim, tiêm chủng tăng cường, và phương pháp điều trị diệt bọ chét/tẩy giun. Tất cả chủ sở hữu mèo nên cân nhắc việc thú cưng được chích ngừa những loại sau đây: viêm ruột truyền nhiễm mèo (FIE), vi rút cúm và bệnh bạch cầu ở mèo (FeLV). Các bệnh này có thể giết chết con mèo nếu chúng bị nhiễm bệnh và do đó điều quan trọng là cần phải bảo vệ vật nuôi. Bạn cũng có thể thấy rằng trại nuôi mèo sẽ không chấp nhận thú cưng, nếu bạn cần các dịch vụ của họ, mà không có bằng chứng về những điều này và có khả năng tiêm chủng khác. Bác sĩ thú y có thể tư vấn chính xác yêu cầu tiêm chủng cho vật cưng. Nếu đang quan tâm về sức khỏe hoặc hành vi của con mèo, thì bạn nên đi gặp bác sĩ thú y càng sớm càng tốt.
    • Mèo già cần đi khám bác sĩ thú y hai lần mỗi năm để duy trì sức khỏe tối ưu.
  4. Đưa mèo đi khám bác sĩ thú y thường xuyên. Cũng giống như trẻ con, mèo con cần gặp bác sĩ thú y thường xuyên hơn so với mèo trưởng thành. Bắt đầu từ khoảng 8 tuần tuổi, chúng sẽ cần đi khám 2-3 lần để tiêm chủng và tẩy giun. Ở mức tối thiểu, điều này bao gồm chủng ngừa bất ổn ở mèo và thuốc chủng ngừa bệnh dại. Bác sĩ thú y sẽ thảo luận về những lợi ích của tiêm chủng tùy chọn. Bạn có thể hỏi về những nguy cơ mắc các bệnh như bạch cầu và đưa ra quyết định tiêm chủng.
    • Các bác sĩ thú y cũng sẽ kiểm tra bọ chét và ve tai ở mèo con, và chữa trị cho chúng nếu cần thiết.
    • Bạn cần đảm bảo rằng mèo con được điều trị giun sán. Hầu hết mèo con mắc giun tròn có thể bị còi cọc và truyền sang người.
  5. Triệt sản cho mèo. Việc hoạn mèo cái hay thiến mèo đực mang lại nhiều lợi ích tích cực. Điều này giảm thiểu hành vi không mong muốn như đi lang thang và bắn nước tiểu. Về thể chất, triệt sản giúp khắc phục tình trạng mang thai ngoài ý muốn và các bệnh như pyometra.[19] Và điều quan trọng nhất đó là số lượng mèo con ngoài ý muốn sẽ được giảm bớt!
    • Bạn có thể hỏi bác sĩ thú y khi nào thì có thể triệt sản cho mèo. Nói chung, các bác sĩ thú y đề nghị triệt sản khi mèo được 2-6 tháng tuổi.
  6. Tập chải răng cho mèo. Mèo có thể và thường mắc bệnh răng miệng. Để chải răng cho mèo, bạn cần dùng bàn chải lông mịn và kem đánh răng thú y. Không bao giờ sử dụng kem đánh răng của con người - quá nhiều florua có thể gây khó chịu cho dạ dày của mèo, và với hàm lượng florua cao trong kem đánh răng của con người, nếu sử dụng quá nhiều có thể gây nhiễm độc. Bắt đầu bằng việc sử dụng kem đánh răng thú y cho mèo. Lần tới, bạn có thể cho chúng nếm hương vị kem đánh răng, và sau đó rà ngón tay dọc theo nướu của răng hàm trên. Lặp lại quá trình này với bàn chải đánh răng. Đưa phần lông bàn chải dọc theo đường viền nướu của răng hàm trên và góc hơi hướng lên, do đó lông bàn chải sẽ nằm dưới phần nướu. Thực hiện từ sau ra trước, chải theo vòng tròn nhỏ dọc theo nướu. Việc chải răng cho mèo sẽ kéo dài ít hơn 30 giây.
    • Không nên chải toàn bộ hàm răng khi mới bắt đầu. Nếu mèo chỉ cho phép bạn chải phần bên ngoài của răng hàm trên, thì bạn chỉ nên thực hiện trong giới hạn đó. Bạn vẫn đang xác định phần quan trọng nhất của việc phòng bệnh răng miệng.
  7. Lên kế hoạch vệ sinh răng chuyên nghiệp nếu cần thiết. Ngay cả với thao tác chải răng tốt nhất, một số con mèo vẫn có thể cần vệ sinh răng chuyên nghiệp thường xuyên. Trong khi việc chải răng làm giảm mảng bám và tích tụ trên bề mặt nhìn thấy được của răng, thì bàn chải không thể tiếp cận khu vực nằm dưới phần nướu. Vệ sinh răng chuyên nghiệp cũng tạo cơ hội cho bác sĩ thú y kiểm tra răng miệng sau khi được giảm đau. Một số dấu hiệu của bệnh răng miệng bao gồm:[20]
    • Hôi miệng
    • Răng lỏng lẻo
    • Răng bị đổi màu hoặc răng bị bao phủ bởi cao răng
    • Nhạy cảm hoặc đau trong miệng
    • Chảy máu
    • Chảy nước dãi rất nhiều hoặc bỏ ăn, trong khi đang cố gắng ăn
    • Chán ăn hoặc sụt cân
  8. Bạn cần đảm bảo mèo cưng được vui chơi đủ lượng thời gian thích hợp. Mèo cần tương tác với bạn mỗi ngày để chúng luôn được vui vẻ và khỏe mạnh. Sử dụng đồ chơi dành cho mèo, nói chuyện, và chải chuốt như là cơ hội để dành thời gian bên nhau. Bút la-ze, bóng, chuột đồ chơi, và đồ chơi lông chim là những thứ thu hút mèo chơi đùa.

Lời khuyên[sửa]

  • Cho mèo ăn thực phẩm chất lượng cao với lượng vừa đủ để chúng có sức khỏe tối ưu.
  • Chải lông mèo ít nhất mỗi tuần, thường xuyên hơn nếu mèo có bộ lông dài.
  • Sữa có thể khó chịu dạ dày của mèo; thay vào đó nước là loại chất lỏng tốt nhất để cung cấp cho chúng.
  • Cho mèo uống nước lọc thay vì nước máy nếu như chúng kén cá chọn canh.
  • Thực tế thú vị: Mèo không có thụ quan đồ ngọt, nhưng thụ quan axit amin của chúng (có trong thịt) rất phát triển.
  • Mèo có móng vuốt và khi vui mừng, sợ hãi, tức giận, v.v.., chúng sẽ giơ bộ móng ra. Vì vậy bạn nên cẩn thận nếu không sẽ bị chúng cào xước da. Hầu hết đây chỉ là hành vi vô tình. Nếu con mèo cào lên da trong suốt thời gian chơi thì bạn chỉ cần nói: "KHÔNG" và ngừng chơi với nó. Con mèo sẽ học cách kiểm soát móng vuốt của chúng trong khi chơi.
  • Nếu bị mèo cắn hoặc cào, bạn cần làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước, sau đó là cồn (hoặc chất khử trùng khác) và băng vết thương lại. Nếu thấy sưng, hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng, bạn cần đi khám bác sĩ.
  • Đưa mèo đi khám tổng quát ít nhất một lần một năm.
  • Cẩn thận với cây cảnh trong nhà. Một số loại hoa trang trí có thể cực kỳ độc hại đối với vật nuôi (ví dụ, Hoa trạng nguyên).
  • Giữ mèo trong nhà; mèo hay lang thang bên ngoài có tuổi thọ ngắn hơn nhiều so với những con mèo ở trong nhà do gặp phải chấn thương, bệnh tật, chó tấn công, và nguy hiểm khác.
  • Để chuẩn bị phần thưởng thú vị, bạn có thể mua lá bạc hà mèo và đổ một đống nhỏ lên sàn gạch hay cứng (không đổ trên thảm trừ khi bạn dự định hút bụi!) Mèo thích lá bạc hà mèo! Chúng sẽ thường xuyên cuộn quanh trong loại lá này, hoặc ăn nó. Cảnh báo: mèo đôi khi trở nên kích động sau khi tiếp xúc với lá bạc hà mèo. Điều này là vô hại và mang lại cho chúng rất nhiều niềm vui.

Cảnh báo[sửa]

  • Không bỏ rơi mèo nếu bạn không muốn nuôi chúng nữa. Khi đó bạn cần đưa mèo đến trại động vật gần nhất. Họ sẽ nhận con chó hay con mèo của bạn và cố gắng tìm một ngôi nhà tốt cho chúng. Bỏ rơi động vật là một hành động vô cùng độc ác.
  • Không được lạm dụng mèo. Nếu là một con mèo, liệu bạn có muốn bị ngược đãi? (Mèo có móng vuốt sắc nhọn. Nếu bạn đối xử tệ, chúng sẽ cào xước bạn!)


Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.adoptapet.com/blog/adopting-a-cat-or-a-kitten-which-is-better-for-me/
  2. http://www.worldofdani.com/healthproblemsextremepersiansen2.htm
  3. http://www.icatcare.org/advice/cat-breeds/inherited-disorders-cats
  4. https://www.aspca.org/pet-care/cat-care/general-cat-care
  5. https://www.aspca.org/adopt/pet-care-costs
  6. http://www.animalhumanesociety.org/adopt/adoption-fees
  7. Bí mật Nội khoa Loài mèo. Michael R. Lappin, DVM, TS. Hanley và Belfus, Inc. 2001
  8. Sở thích Dùng Khay vệ sinh của Mèo nhà: Hở và Kín. E.K. Grigg, et al. Tạp chí loài mèo Y học và Phẫu thuật Loài mèo tháng 4 năm 2013 quyển. 15 số 4 280-284
  9. Sở thích Kích cỡ Khay vệ sinh của Mèo nhà (Felis catus). N.C. Guy, et al. Tạp chí Hành vi Ứng dụng Lâm sàng Thú y và Nghiên cứu. Tháng 3-4, 2014Quyển 9, số 2, trang 78-82
  10. Hành vi của Chó và Mèo dành cho Kỹ thuật viên và Y tá Thú y. Biên tập bởi Julie Shaw và Debbie Martin. John Wiley & Sons, Inc. 2015
  11. Thử nghiệm Lâm sàng Chất tương tự Pheromone ở Loài mèo đối với Hành vi Đánh dấu bằng Nước tiểu ở Loài mèo. Niwako Ogata và Yukari Takeuch. Tạp chí Khoa học Thú y và Y học Quyển 63 (2001) số 2 P 157-161
  12. Sự khác nhau giữa chó và mèo: quan điểm dinh dưỡng. 7. Veronique Legrand-Defretin (1994). Kỷ yếu của Hội Dinh dưỡng, 53, trang 15-24. doi: 10,1079/PNS19940004.
  13. http://www.petmd.com/cat/slideshows/nutrition-center/choosing-best-cat-food
  14. http://www.peteducation.com/article.cfm?c=1+2230&aid=2660
  15. https://www.aspca.org/pet-care/cat-care/feeding-your-adult-cat
  16. Cơ sở Tiến hóa cho Hành vi ăn của Chó (Canis familiaris) và Mèo nhà (Felis catus) John W.S. Bradshaw Tạp chí Dinh dưỡng. Tháng 7 năm 2006 quyển. 136 số 7 1927S-1931S
  17. Vấn đề Béo phì Nảy sinh ở Chó và Mèo. Alexander J. Đức. Tạp chí Dinh dưỡng. Tháng 7 năm 2006 quyển 136 số 7 năm 1940-1946S
  18. Y học và Điều trị học ở Loài mèo. E. A. Chandler, R. M. Gaskell, và C. J. Gaskel. Nhà xuất bản Blackwell. 2004.
  19. http://www.aspcapro.org/resource/shelter-health-animal-care/pediatric-spayneuter#advantages
  20. http://www.avdc.org/ownersinfo.html

Liên kết đến đây