Chương trình tổng thể/Phụ lục/Giải thích thuật ngữ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Giải thích thuật ngữ

Trong chương trình giáo dục phổ thông, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

Chương trình giáo dục phổ thông[sửa]

Chương trình giáo dục phổ thông là văn bản của Nhà nước thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông; quy định yêu cầu cần đạt đối với học sinh, phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục phổ thông, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục, phương pháp và hình thức đánh giá kết quả giáo dục ở mỗi lớp và mỗi cấp học của giáo dục phổ thông, làm căn cứ quản lý chất lượng giáo dục phổ thông. Chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học.

Chương trình tổng thể[sửa]

Chương trình tổng thể là văn bản quy định những vấn đề chung nhất, có tính chất định hướng của giáo dục phổ thông, bao gồm: quan điểm xây dựng chương trình, mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông và mục tiêu chương trình từng cấp học, yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh cuối mỗi cấp học, các lĩnh vực giáo dục, hệ thống môn học, thời lượng của từng môn học, định hướng nội dung giáo dục bắt buộc ở từng lĩnh vực giáo dục và phân chia vào các môn học ở từng cấp học đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc, định hướng về phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục, điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông.

Chương trình môn học và hoạt động giáo dục[sửa]

Chương trình môn học và hoạt động giáo dục là văn bản xác định vị trí, vai trò môn học và hoạt động giáo dục trong thực hiện mục tiêu giáo dục phổ thông, mục tiêu và yêu cầu cần đạt, nội dung giáo dục cốt lõi của môn học và hoạt động giáo dục ở mỗi lớp, nhóm lớp hoặc cấp học đối với tất cả học sinh trên phạm vi toàn quốc, định hướng kế hoạch dạy học môn học và hoạt động giáo dục ở mỗi lớp và mỗi cấp học, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục của môn học và hoạt động giáo dục.

Dạy học phân hoá[sửa]

Dạy học phân hoá là định hướng dạy học phù hợp với các đối tượng học sinh khác nhau, nhằm phát triển tối đa tiềm năng vốn có của mỗi học sinh dựa vào đặc điểm tâm - sinh lý, khả năng, nhu cầu, hứng thú và định hướng nghề nghiệp khác nhau của học sinh.

Dạy học tích hợp[sửa]

Dạy học tích hợp là định hướng dạy học giúp học sinh phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng,... thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống, được thực hiện ngay trong quá trình lĩnh hội tri thức và rèn luyện kỹ năng.

Giai đoạn giáo dục cơ bản[sửa]

Giai đoạn giáo dục cơ bản là giai đoạn giáo dục gồm 9 năm đầu tiên của giáo dục phổ thông (từ lớp 1 đến lớp 9) nhằm trang bị cho học sinh tri thức, kỹ năng nền tảng; hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi; chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và nhiều mặt của xã hội tương lai; đáp ứng yêu cầu phân luồng sau trung học cơ sở theo các hướng: học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc tham gia cuộc sống lao động.

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp[sửa]

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp là giai đoạn giáo dục 3 năm cuối của giáo dục phổ thông (từ lớp 10 đến lớp 12) nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau giáo dục phổ thông có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động.

Học phần (mô-đun)[sửa]

Học phần (mô-đun) là bộ phận cấu thành của môn học, được thiết kế thành một chỉnh thể trọn vẹn tương đối độc lập với các bộ phận khác, nhằm đáp ứng mục tiêu giáo dục nhất định.

Môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc[sửa]

Môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là môn học mà mọi học sinh đều phải học và hoạt động giáo dục mà mọi học sinh đều phải tham gia.

Môn học tự chọn[sửa]

Môn học tự chọn là môn học không bắt buộc, được học sinh tự nguyện lựa chọn, phù hợp với nguyện vọng, sở trường và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Năng lực[sửa]

Năng lực là thuộc tính cá nhân được hình thành, phát triển nhờ tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện, cho phép con người huy động tổng hợp các kiến thức, kỹ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí,... thực hiện thành công một loại hoạt động nhất định, đạt kết quả mong muốn trong những điều kiện cụ thể.

Năng lực cốt lõi[sửa]

Năng lực cốt lõi là năng lực cơ bản, thiết yếu mà bất kỳ ai cũng cần phải có để sống, học tập và làm việc hiệu quả.

Năng lực đặc biệt[sửa]

Năng lực đặc biệt là những năng khiếu về trí tuệ, văn nghệ, thể thao, kỹ năng sống,... nhờ tố chất sẵn có ở mỗi người.

Phẩm chất[sửa]

Phẩm chất là những tính tốt thể hiện ở thái độ, hành vi ứng xử của con người; cùng với năng lực tạo nên nhân cách con người.

Yêu cầu cần đạt[sửa]

Yêu cầu cần đạt là kết quả mà học sinh cần đạt được về phẩm chất và năng lực (kiến thức, kỹ năng, thái độ) sau mỗi cấp học, lớp học ở từng môn học; trong đó, mỗi cấp học, lớp học sau đều có những yêu cầu riêng cao hơn, đồng thời bao gồm cả những yêu cầu đối với các cấp học, lớp học trước đó.

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây