Con đường mình đã chọn có thật là con đường mình mong muốn?

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sau hơn 4 - 5 năm dài miệt mài cùng sách vở, ngày tốt nghiệp đại học đang đến gần. Niềm phấn khích, sự hồi hộp, mối lo lắng… và niềm trăn trở “Mình sắp sửa có được trong tay tấm bằng đại học. Vậy đây có đúng là chuyên ngành mình mong muốn hay không? Không phải".

Hãy giả định là bạn đang học năm cuối đại học ngành sinh học. Cái ngành mà bạn đã chọn ngay khi mới hoàn tất phổ thông trung học, thích thơ thẩn đi dạo trong thảo cầm viên hay vườn bách thảo để được hòa mình cùng thiên nhiên cây cỏ. Hay thậm chí có nhiều bạn chọn ngành để vào đại học đơn giản chỉ vì “nếu không chọn ngành này thì cũng chẳng biết chọn ngành nào!”.

Giờ đây, khi ngày tốt nghiệp đại học đang cận kề, bạn lại ước sao mình có thể quay trở lại những ngày đầu tiên đó, để chọn một chuyên ngành khác, một chuyên ngành mà mãi đến phút 89 này, bạn mới nhận ra đó mới chính là niềm đam mê của mình. Trở về với thực tế: bạn sắp có bằng đại học sinh học, nhưng bạn lại khát khao trở thành một người viết bài chuyên nghiệp. Phải quyết định làm sao?

Thay đổi chuyên ngành của bạn ngay thời khắc này thật không phải là một quyết định thiết thực, bạn sẽ tự tạo cho mình một “nhiệm vụ bất khả thi”. Đơn giản bởi vì bạn không thể nào quay ngược thời gian, nếu không muốn nói là việc chuyển đổi sẽ làm cho bạn mất nhiều công sức và tiền bạc.

Thay vì luyến tiếc cho những gì đã qua và mất hết lòng tin cho những kỳ vọng sắp tới, hãy tỉnh táo và chấp nhận sự thật. Khép lại cái mà bạn đã tốn bao nhiêu công sức theo đuổi trong suốt mấy năm qua và tốt nghiệp cho thật tốt, dù điều đó đối với bạn không mấy gì thiết tha. Khi bạn không thể làm gì hơn thì hãy đối diện với sự thật. Điều quan trọng là làm sao để vận dụng cái bằng cấp lệch hướng ấy (bạn cho là vậy) để tìm đúng được công việc với chuyên ngành bạn mong muốn. Sau đây là một vài lời đề nghị cụ thể:

Tập trung chuyển đổi những kỹ năng:

Suy nghĩ và tìm ra những kỹ năng mà bạn có thể dễ dàng chuyển đổi từ công việc này sang công việc khác. Nếu thực sự chuyên ngành của bạn là sinh học và bạn muốn trở thành một người viết bài chuyên nghiệp, những kỹ năng mà bạn có thể chuyển đổi có thể là:

  1. Kỹ năng nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Bạn có thể vận dụng chúng để thu thập và phân tích những thông tin cần thiết trước khi viết bài.
  2. Kỹ năng phân tích trong quá trình nghiên cứu tài liệu. Giờ đây bạn có thể vận dụng chúng để quyết định xem những thông tin mà bạn thu thập có xác đáng hay không.
  3. Kỹ năng viết lách. Những kinh nghiệm bạn tích lũy được khi viết báo cáo hay tiểu luận hiển nhiên sẽ giúp bạn rất nhiều khi viết về những chủ đề khác.

Bổ sung cho bằng cấp lệch hướng của bạn với những kinh nghiệm đúng hướng

Với chuyên ngành sinh học, có thể bạn sẽ khó được xét và chấp nhận cho vào thực tập ở những công ty chuyên về quan hệ công chúng hay những công ty in ấn. Nhưng điều này không có nghĩa là bạn không còn cơ hội. Bởi vì bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng sẽ thừa nhận là trong nhiều trường hợp, một ứng viên, dù bằng cấp không phù hợp với công việc cần tuyển, nhưng với kinh nghiệm làm việc thực tế, họ vẫn có thể gây ấn tượng với nhà tuyển dụng và vì thế được đánh giá cao hơn so với những ứng viên có bằng cấp thích hợp.

Đừng bị chi phối! Qui luật nào cũng có ngoại lệ

Ắt hẳn là bạn đã rất nhiều lần nghe nhiều người tuyên bố là “Muốn trở thành một người viết chuyên nghiệp, bạn phải vững chuyên môn về lĩnh vực thông tin - truyền thông”. Không hẳn vậy. Thực tế chứng minh là ở mỗi ngành nghề đều có những ngoại lệ.

Trên đây chỉ là một giả định nhằm giúp chúng ta tìm ra giải pháp cho một trăn trở trong một trong những giai đoạn quan trọng nhất của sự nghiệp mỗi chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ một điều là chẳng có ngành học nào là sai lệch cả! Vì vậy, nếu một lúc nào đó, những suy nghĩ như “Con đường giáo dục mình đang đi không đúng hướng với sự nghiệp mình mong muốn” chợt đến với bạn, hãy ngẫm lại một lần nữa thật kỹ. Và sau đó, nếu bạn thật sự xác định rõ là điều này đang xảy ra với bạn thì cũng đừng quá lo lắng!

Hãy bắt tay vào việc tìm kiếm những mối liên kết tốt nhất giữa vốn kiến thức và kỹ năng mà bạn có được trong suốt những năm tháng đại học với loại công việc mà bạn thật sự say mê.

Nguồn[sửa]

Liên kết đến đây