Cuốn sách bỏ quên
Thành đi lại trên sân ga, thong thả và lơ đãng. Gió mạnh dán chặt quần áo vào người chàng, khiến cái lạnh thêm thấm thía và ẩm ướt. Tuy trời không mưa, nhưng Thành tựa như thấy trong lòng mưa bụi, buồn rầu và chán nản, một mối buồn không sâu sắc, nhưng êm êm làm tê liệt cả tâm hồn.
Chàng không muốn nhớ lại, hình như muốn để quên đi với nỗi thất vọng ấy. Câu trả lời của ông Xuân, nhà xuất bản, vẫn nhắc lại bên tai Thành một nhịp trầm và khó chịu:
- Sách của ông không được ai hoan nghênh cả.
Thành mím môi lại, giữ vẻ tự nhiên, điềm đạm như người đã thường nghĩ đến điều ấy rồi. Chàng để tay lên bản thảo cuốn "Mơ xưa", vuốt cong đầu giấy lại, không trả lời. Ông Xuân nói tiếp:
- Thật vậy. Hai nghìn cuốn "Người bạn" in ra mà bây giờ chưa bán được hai trăm. ấy là không kể gửi đi biếu các báo đã mất non dăm chục rồi. Tôi chưa in ra cuốn sách nào khó bán như thế.
Ông chép miệng nhìn Thành, có ý bảo chàng hiểu rằng cái vốn hai trăm bạc ông bỏ ra chưa thâu được hết. Tuy vậy, Thành cứ cố; chàng run run tay cầm bản thảo cuốn "Mơ xưa" lên; xốc lại hai đầu định sắp sửa cho vào cặp, khẽ hỏi:
- Thế còn cuốn này, ông...
Câu trả lời đón trước đến ngay, quả quyết không có gì lay chuyển nổi:
- ồ, ông còn định xuất bản quyển này nữa hay sao? Tôi xin chịu, ông có các vàng tôi cũng không dám in ra nữa.
Thành không hiểu tại sao chàng lại mỉm cười tuy chàng không muốn. Chính chàng cũng khó mà nói rõ được cái ý nghĩa của cái cười đó. Chàng cầm mũ với cặp, đứng dậy, nắm cái bàn tay mềm và uể oải của ông chủ rồi đi ra.
Đến ngoài đường, lúc bấy giờ Thành mới nhận thấy nỗi thất vọng của mình, và để nó tràn lên cả tâm hồn, không chống cự. Chàng có cái cảm giác bị hụt chân chết ngập trong mối buồn và thấy một nỗi thương thấm thía vô hạn cho chính mình.
Trong những đêm không ngủ ở nhà quê, chàng vẫn mơ tưởng một sự thành công rực rỡ xứng đáng với tài năng. Những lúc đó, Thành sung sướng như nhấp chén rượu mạnh mà hơi men làm say sưa dần dần. Chàng tưởng sách của chàng đã được thiên hạ hoan nghênh nhiệt liệt, các báo đua nhau tán thưởng, và bán chạy hết ngay trong tháng xuất bản. Ông Xuân sẽ để một tập bạc trên bàn, tiếp chàng niềm nở và nói nịnh:
- Sách của ông bán chạy quá. Thật, tôi chưa từng thấy nhà văn nào được hoan nghênh như ông.
Thành sẽ cười nhã nhặn và kín đáo, nhận lời khen ấy như một người không quan tâm đến sự nhỏ mọn về danh vọng ấy. Chàng sẽ đưa trình cuốn "Mơ xưa", sẽ được ông Xuân trân trọng đỡ lấy và vui vẻ nhận xuất bản ngay.
Nhưng sự thực... Môi Thành sẽ nhếch hơi chua chát, và chàng tự hỏi không biết có nên chế giễu mình không. Chàng không nghĩ đến đi chơi trong Hà Nội nữa, thuê ngay xe ra ga lấy vé. Thành muốn rời bỏ ngay cái tỉnh lãnh đạm này, mong lại thấy căn phòng nhỏ ấm áp của chàng, cái bàn viết có bóng cây trong vườn lung lay trên mặt, mỗi khi ánh nắng chiếu ngang.
Thành ngửng nhìn đồng hồ: ba giờ... chuyến tàu dễ không bao giờ đến chắc! Con đường sắt về Nam song song thẳng tắp dưới trời u ám, như làm xa vắng rộng rãi thêm nỗi buồn. Tất cả những mơ ước tha thiết của tuổi trẻ, của tâm hồn nghệ sĩ, những mộng đẹp xây lên trong lúc say văn, tất cả đều theo gió lạnh tan dần. Tâm hồn Thành trơ trọi như một cánh đồng thấp mà lúa đã gặt rồi.
Khi tàu đến, chàng chỉ còn là một kẻ chán nản bước lên xe. Chàng đi xuống hạng ba, mở cửa toa bước vào. Thành dễ chịu khi thấy trong toa vắng không có ai, ngoài một người gác tàu ngồi thu hình trong một xó, không buồn ngửng lên trong khi chàng đi qua. Thành cũng gieo mình trên chiếc ghế, kéo cổ áo lên che gáy - cái lạnh thấm thía quá! - rồi lặng yên để cho tiếng rộn rịp của chuyến tàu ru mình.
- *
Ngoài xa, cánh đồng chuyển lần sau làng mạc. Dòng tư tưởng của Thành cũng chảy xuôi, một sự yên tĩnh đến thay chỗ cho nỗi buồn, Thành lại thấy mình thiết tha và hy vọng. Thật ra, sách không bán chạy chưa phải chứng tỏ rằng chàng không có tài; nhiều nhà văn nổi tiếng khắp hoàn cầu lúc mới đầu chẳng bị thiên hạ bỏ quên và hững hờ là gì. Sự lãnh đạm của công chúng nhiều khi là cái dấu hiệu của một tài năng xuất chúng, không được người ta hiểu, vì vượt ra ngoài khuôn sáo thường. Thành tự an ủi khi nghĩ mình có thể là một tài năng ấy. Chàng ôn lại những quãng sách đã đọc qua, trong đó nhiều nhà văn lão luyện đã khuyên nhủ: người nghệ sĩ phải không cần đến sự hoan nghênh của công chúng, bởi tự mình đã được hưởng cái thú thần tiên của sự sáng tác; được hoan nghênh nhiều khi chỉ làm hại cho nghệ sĩ, vì khiến cho nghệ sĩ tự mãn và nô lệ cái sở thích của người đọc.
Thành thấy những tư tưởng ấy đúng là thâm thúy. Không có thứ nào say sưa và chìm đắm bằng cái thú của chàng cảm thấy mỗi khi cầm bút diễn tả lòng mình, thấy các nhân vật chàng đặt ra trở nên linh hoạt trên trang giấy. Chàng đã có sự rung cảm ấy, đã có trời mây, ánh nắng và hoa cỏ, tất cả vạn vật đang sống chung quanh. Những đám mây thấp bay trên cánh đồng lúa xanh kia là một bài thơ bất tuyệt và đằm thắm. Thành cúi nhìn ra ngoài xe, mê mải ngắm phong cảnh qua làn khói trắng mà gió đánh tạt về bên đường. Lòng chàng dịu dần, và cảnh vật trước mắt lại thấy tươi vui, tuy lúc đó trời bắt đầu mưa bụi. Thành đứng hẳn dậy, cúi mình nhìn qua cửa kính, để gió lạnh lùa vào mái tóc và táp vào da.
- *
Xe đỗ. Một cái ga nhỏ, bên mấy nếp nhà tranh chơ vơ. Tiếng người lên xuống ồn ào vang động. Thành thoáng thấy bóng một thiếu nữ bước lên xe. Tự nhiên chàng quay lại: người thiếu nữ vừa lách cửa toa, một luồng gió ùa vào, manh áo dài bay lên để lộ cái áo len màu đỏ. Thiếu nữ đưa mắt nhìn khắp lượt, thấy trong xe chỗ nào cũng đã chật, hơi lưỡng lự một chút, rồi đến ngay chiếc ghế trước mặt Thành để hành lý xuống: mấy gói bọc giấy và một cái va li nhỏ bằng nan mây. Thành mỉm cười vì có sự gần gũi ấy; chàng chăm chú nhìn thiếu nữ: một khuôn mặt trái xoan, một vẻ đẹp thường thường. Quần áo ra lối nửa tỉnh, nửa quê. Học sinh? Buôn bán? Thành không thể đoán rõ được.
Thiếu nữ cũng ngửng mặt lên nhìn chàng, rồi cúi đầu xuống, hai bàn tay xinh xẻo lần mở va li với một chiếc khóa con kền sáng. Thành không rời mắt, chàng có cái cảm giác thú vị sắp được đi vào trong đời thân mật của thiếu nữ. Nắp va li hé mở. Thành thoáng thấy mấy nếp quần áo xếp gọn ghẽ, cái khăn mặt bông trắng và bánh xà phòng thơm mới nguyên. Bỗng chàng rung động từ đầu đến chân như có luồng điện chạy; thiếu nữ vừa mới lấy ra một cuốn sách, chính là cuốn "Người bạn" của chàng. Quyển sách còn mới nguyên, hình như vừa mua chưa xem đến. Thành thấy màu xanh của bìa sách, dòng chữ tên sách và tên tác giả - chính là tên chàng - nhảy múa trước mắt khi thiếu nữ để sách trên đùi, lấy con dao con cẩn thận rọc từng trang một.
Thành không thể nói rõ cái cảm giác của chàng lúc ấy thế nào. Chàng bàng hoàng, nửa như e sợ, nửa như sung sướng. Thiếu nữ đã giơ sách lên trước mặt, dựa người vào thành ghế chăm chú xem. Thành ngắm nhìn cái bàn tay xinh xắn cầm lấy sách, chàng chăm chú nghe tiếng giấy mới sột soạt mỗi lần một trang giấy giở. Thành thấy như thiếu nữ một lần giở trang giấy của tâm hồn mình, gần gũi và thân mật hơn. Chàng hồi hộp nhận xét trên nét mặt người đọc, ảnh hưởng của văn chàng, tựa như thiếu nữ đang đọc những ý nghĩ sâu xa của chàng vậy. Mà chàng không có cách nào giảng giải nói thêm! Thành muốn kêu lên chính chàng là Văn Sơn, là tác giả. Chàng ước ao giá bây giờ có người bạn nào đến gặp chàng, người bạn vỗ vai hỏi: "Kìa anh Văn Sơn? Thế nào, cuốn "Người bạn" của anh có bán chạy không?". Thành tưởng tượng sẽ nhũn nhặn trả lời: cũng khá, và thiếu nữ, ngạc nhiên, sẽ hạ quyển truyện xuống, mở to mắt nhìn chàng kính phục và sung sướng. Chàng sẽ thấy thiếu nữ ấp úng, má hơi đỏ, kiều mị, khẽ thưa: "Em xin lỗi vì sự đường đột, nhưng có phải ông là Văn Sơn không ạ?".
ồ may quá! Rồi nàng xin chữ ký của chàng đề trên cuốn sách, sẽ vụng về lúng túng một cách đáng yêu, khen chàng là nhà văn... có tài.
Nhưng mà... không có người bạn nào cả, ngoài thiếu nữ với chàng; thiếu nữ vẫn chăm chú xem, và chàng thì nóng nảy, bứt rứt, xoay xỏa trên ghế. Chỉ một người đọc văn mình cũng đủ làm cho chàng cảm động thế ư? Thiếu nữ bỗng trở nên có duyên lạ, môi đỏ thắm, đôi mắt dưới làn mi cong và dài, theo từng dòng chữ, êm nhẹ như nhung, như vuốt ve trên lòng chàng. Bao nhiêu nỗi buồn bực thất vọng của Thành vì những lời nói của ông chủ nhà xuất bản đều tiêu tan mất cả. Trong cái lạnh lẽo của tâm hồn chàng, thiếu nữ kia đã đem lại sự đầm ấm, nâng niu, ít ra cũng đã có một người hiểu chàng. Thành đoán chắc thiếu nữ này, khi ở thôn quê, dưới bóng đèn, hay buổi chiều dưới rặng hoa lý, đã từng mơ màng những chuyện nàng đọc, và trái tim nàng đã từng rung động vì thân thế của người trong truyện.
- *
Thiếu nữ hạ quyển sách xuống, hơi nhếch mắt nhìn ra ngoài. Dãy nhà ngoại ô tỉnh Nam đã trông thấy đằng xa. Thiếu nữ lại hé mở va li thử lại ổ khóa và sửa soạn hành lý khác. Chàng thở dài: chàng biết thiếu nữ sẽ xuống ga này, còn chàng, chàng phải đi vài ga nữa mới về tới nhà. Hồi hộp, Thành thấy từ nãy đến giờ chàng chưa tìm được cách nào cho thiếu nữ biết tên, hay làm quen với nàng. Nhiều lúc, chàng muốn gợi chuyện với thiếu nữ, nhưng không hiểu tại sao, mỗi lần chàng ngượng nghịu lại thôi. Những câu nói định sẵn không muốn nói ra khỏi miệng khiến chàng bực tức cho mình. Thành đứng lên, ngồi xuống, băn khoăn; thiếu nữ đưa mắt nhìn Thành, một tay để trên va li, một tay vén lại tà áo cho gọn ghẽ.
Tầu bắt đầu đi chậm, vào ga. Thành luống cuống đứng dậy ra đầu toa tựa vào bên cửa nhìn xuống, như chú ý lắm đến cảnh tấp nập ở dưới đường. Khi thiếu nữ khệ nệ xách va li đi qua trước mặt, Thành nép người vào bên. Mái tóc người thiếu nữ khẽ phớt qua ngực chàng, mái tóc đen che vành tai hồng và cái cổ tròn xinh. Chàng cúi xuống nữa, ra hẳn ngoài tầu, nhìn theo thiếu nữ đi lẫn vào đám đông người. Lâu chàng còn nhận thấy đôi vai mảnh và thon của thiếu nữ trong đám hành khách cho đến khi thiếu nữ khuất vào ga.
Thành có cảm tưởng như đã mất một người bạn thân yêu quá.
Chàng buồn nản thong thả trở về chỗ cũ. Bỗng nhiên Thành đứng lại, và mắt chàng mở to ra: trên ghế, chỗ thiếu nữ ngồi, cuốn "Người bạn" của nàng vừa mở nằm yên. Thành cầm vội lấy, cúi nhìn ra ngoài. Chàng tưởng còn kịp gửi trả người thiếu nữ. Nhưng tầu đã chạy rồi. Gió lạnh bắt đầu thổi mạnh lên. Thành gieo mình xuống ghế, tay mân mê cuốn sách, giở đi giở lại các trang: hình như còn một chút đầm ấm gì của người thiếu nữ ấy vương lại trong trang giấy. Nhưng đột nhiên, như có mũi kim xuyên thẳng vào tim chàng: ngộ không phải là thiếu nữ bỏ quên chăng? Biết đâu nàng chẳng bỏ lại vì cuốn truyện tồi khiến nàng không vừa lòng? Biết đâu nàng không rõ chính chàng là tác giả và cố ý bỏ sách lại để tỏ sự nhạt nhẽo của nàng?
Thành khẽ thở dài. Những ý nghĩ ngờ vực đó xôn xao trong óc chàng. Thành mân mê cuốn sách tựa như có thể tìm được trong ấy câu trả lời. Rồi thẫn thờ, chàng để sách xuống lòng, áp trán vào cửa kính nhìn ra ngoài. Mưa bụi đã tạnh từ lâu và nền mây xám tách ra, để lọt một tia nắng vàng dịu lướt nhẹ trên ruộng mạ xanh non, trong trẻo và mong manh quá như sắp tắt. Thành thấy cái vui trong lòng chàng cũng trong sáng và mong manh như thế, chỉ một chút nghi ngờ, một chút lạnh lẽo cũng đủ làm cho tan đi. Thành không muốn nghĩ nữa; chàng khe khẽ khép cuốn sách lại, và ngồi yên lặng như mơ màng.
Chú thích cuối trang[sửa]
Tác
phẩm
này
thuộc
phạm
vi
công
cộng
vì
thời
hạn
bảo
hộ
bản
quyền
của
nó
đã
hết
ở
Việt
Nam.
Nếu
là
tác
phẩm
khuyết
danh,
nó
đã
được
công
bố
lần
đầu
tiên
trước
năm
1960.
Đối
với
các
loại
tác
phẩm
khác,
tác
giả
(hoặc
đồng
tác
giả
cuối
cùng)
của
nó
đã
mất
trước
năm
1974.
(Theo
Điều
27,
Luật
Sở
hữu
trí
tuệ
Việt
Nam
sửa
đổi,
bổ
sung
2009
bắt
đầu
có
hiệu
lực
từ
năm
2010
và
điều
khoản
kéo
dài
bản
quyền
đối
với
tác
phẩm
khuyết
danh
từ
50
thành
75
năm
nhưng
không
hồi
tố)
Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 và tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam) |