DNA ty thể có thể di truyền từ cha sang con
Con sinh ra là sự kết hợp vật chất di truyền từ cha và mẹ, trong đó bộ nhiễm sắc thể ở nhân tế bào người con sẽ mang một nửa có nguồn gốc từ cha và nửa còn lại có nguồn gốc từ mẹ. Tuy nhiên đối với vật chất di truyền nằm trong bào quan như ty thể, các nhà khoa học từ trước đến nay cho rằng DNA ty thể chỉ có thể được truyền từ mẹ sang con (sự di truyền theo dòng mẹ hay hiệu ứng dòng mẹ).
Các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ vì sao quá trình di truyền DNA ty thể này chỉ nhận từ mẹ. Để giải thích hiện tượng này, một số lý thuyết đã được đưa ra như DNA ty thể của tinh trùng có tỉ lệ đột biến cao hơn so với DNA ty thể của trứng nên khó được di truyền hơn. Một giả thuyết khác cho rằng nếu chỉ tồn tại một loại ty thể sẽ giúp bộ gen trong nhân tế bào và ty thể dễ dàng phối hợp hơn, vì cả hai đều tạo ra nguyên liệu thô cần thiết cho những chức năng tế bào thích hợp. Việc xuất hiện thêm một loại ty thể khác rất có khả năng sẽ dẫn đến rối loạn.
Tuy nhiên, trong một nghiên cứu gần đây của Taosheng Huang - bác sĩ nhi khoa đồng thời là nhà di truyền học tại Bệnh viện nhi Cincinnati, ông và các đồng nghiệp đã giải mã trình tự DNA của 17 người thuộc 3 gia đình không liên quan huyết thông với nhau và phát hiện rằng DNA ty thể cũng có thể được thừa hưởng từ người cha. Hiện tượng truyền DNA ty thể từ cha sang con đã từng xuất hiện ở cừu, ruồi và thậm chí là chuột, nhưng lại hiếm gặp ở người. Nghiên cứu mới cho thấy nhiều người trong chúng ta có thể mang DNA ty thể từ cha hơn chúng ta nghĩ.
Nhà sinh học Xinnan Wang tại Đại học Stanford cho biết: “Điều này có thể mở ra một lĩnh vực hoàn toàn mới và thay đổi cách chúng ta tìm kiếm nguyên nhân đối với một số bệnh nhất định”. Chúng ta cũng sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong quá trình hỗ trợ, can thiệp, giải quyết các vấn đề liên quan đến sinh sản trong tương lai. Theo lý thuyết, nếu ty thể của người cha có thể tồn tại và phát triển bình thường, chúng có thể được thêm vào hoặc thậm chí là thay thế nếu ty thể của người mẹ bị khiếm khuyết.
Tuy nhiên, cần thận trọng xem xét các giải pháp này vì DNA ty thể của người cha rất dễ bị đột biến. Hơn nữa, chúng ta vẫn chưa hiểu biết đầy đủ về tác động của việc thừa hưởng cả 2 loại ty thể từ cha và mẹ trong môi trường tự nhiên lẫn trong các quá trình nghiên cứu nhân tạo. Do đó sẽ còn rất nhiều tranh cãi về cả mặt khoa học và khía cạnh đạo đức xoay quanh vấn đề này.
Tham khảo[sửa]
1. https://www.pbs.org/wgbh/nova/article/dads-mitochondrial-dna/
2. https://www.sciencemag.org/news/2018/11/maternal-dna-might-also-come-fathers
Nguồn[sửa]
- Tác giả: Vương Ngọc Thảo Uyên, Lê Tuấn Anh (VJS)