Diệt bọ chét và ve bét ở mèo

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bạn có thấy chú mèo của mình gãi nhiều hơn bình thường không? Bạn có để ý thấy những sinh vật nhỏ xíu bò trên da mèo không? Nếu có, chúng có thể là lũ bọ chét hoặc ve bét. Điều không may là nếu bạn tìm thấy lũ bọ này trên thú cưng thì nhiều khả năng là chúng cũng xuất hiện trong nhà của bạn. Việc xử lý chúng là điều quan trọng vì lũ ký sinh trùng này hút máu và có thể truyền bệnh cho mèo và người. Hãy học cách xác định bọ chét và ve, tiếp theo là loại bỏ chúng khỏi chú mèo cưng, khỏi sân và nhà của bạn nữa.

Các bước[sửa]

Xác định và diệt bọ chét ở mèo[sửa]

  1. Tìm hiểu hình dạng của bọ chét. Phần đông mọi người nghĩ rằng bọ chét là loài sinh vật nhỏ li ti, nhưng nếu nhìn kỹ hơn bạn sẽ quan sát được chúng bằng mắt thường mà không cần kính phóng đại. Bọ chét trưởng thành có kích thước rất nhỏ, dài chưa đến 3 mm. Chúng là những côn trùng màu nâu đỏ, và mặc dù không có cánh, chúng có thể nhảy rất cao.[1]
    • Thân mình của bọ chét dẹp hai bên, do đó khoảng cách từ lưng đến bụng lớn hơn khoảng cách từ bên này sang bên kia.[1]
  2. Tìm dấu hiệu bọ chét ở mèo. Dùng lược dày chải lông mèo từ sau ra trước. Quan sát da mèo để tìm bọ chét. Bọ chét phải cắn để hút máu, do đó vết cắn của chúng để lại nốt đỏ và rách trên da mèo. Bạn cũng nên tìm chất thải, còn gọi phân bọ chét. Khi chải lông mèo xong, giũ lược cho vảy và đất rớt trên khăn giấy trắng có thấm chút nước. Chất thải của bọ chét sẽ có màu nâu đỏ, vì đó là máu đã được tiêu hóa. Đây là một dấu hiệu khác cho thấy mèo của bạn có bọ chét.[1]
    • Nếu không chắc mèo có bọ chét, bạn nên đem mèo đến bác sĩ thú y. Bác sĩ thú y có thể xác định và kê toa để giúp diệt trừ loài ký sinh trùng này.
    • Kiểm tra kỹ chú mèo của bạn nếu mèo ra ngoài hoặc từng đến những nơi có thể lây nhiễm bọ chét (cơ sở trông giữ chó mèo, nơi chăm sóc chó mèo, nhà của bạn bè, khách sạn, v.v…)
  3. Trao đổi với bác sĩ thú y về thuốc trị bọ chét. Bác sĩ có thể giúp bạn chọn sản phẩm an toàn và hiệu quả. Bạn cũng nên mua thuốc trị bọ chét của bác sĩ thú y, vì một số thuốc bán ở cửa hàng thú cưng có thể nguy hiểm cho mèo. Có các sản phẩm thuốc bôi “tại chỗ” và thuốc uống để trị bọ chét.[2]
    • Cho bác sĩ thú y biết nếu nhà bạn có trẻ nhỏ hay phụ nữ mang thai. Đây là yếu tố quan trọng trong việc xác định loại thuốc điều trị an toàn nhất cho cả bạn và thú cưng của bạn.
  4. Chọn thuốc bôi. Bạn có thể có nhiều lựa chọn khi tìm một loại thuốc bôi trị bọ chét cho mèo. Có nhiều cách điều trị định kỳ hàng tháng nên dùng quanh năm như một biện pháp phòng ngừa. Đảm bảo sản phẩm bạn chọn phải dành cho mèo chứ không phải cho chó. Mèo có thể bị ốm nặng (thậm chí có thể chết) nếu dùng thuốc trị bọ chét dành cho chó. Thuốc điều trị “tại chỗ” được bôi trực tiếp lên da mèo để nhanh chóng diệt bọ chét. Một số loại thuốc trị bọ chét gồm có:[3]
    • Dinotefuran và pyriproxyfen (được biết dưới tên Vectra): Sản phẩm này chỉ diệt bọ chét. Đảm bảo không chọn nhầm sản phẩm có tên tương tự, Vectra 3D, một sản phẩm dành cho chó. Vectra 3D có chứa permethrin gây hại cho mèo.[4]
    • Fipronil và (S)-methoprene (được biết dưới tên gọi Frontline Plus for Cats): Sản phẩm này diệt ấu trùng, trứng, và bọ chét trưởng thành. Nó cũng diệt được ve và rận lông.[5]
    • Imidacloprid và pyriproxyfen (được biết với tên Advantage II): Sản phẩm này diệt bọ chét ở mọi giai đoạn trong vòng đời của chúng. Đảm bảo không chọn nhầm sản phẩm có tên tương tự, Advantix II, là sản phẩm dành cho chó. Advantix II có chứa permethrin độc hại đối với mèo.[6]
    • Selamectin (được biết dưới tên Revolution): Bôi thuốc này mỗi tháng một lần để diệt bọ chét trưởng thành và trứng. Sản phẩm này cũng diệt ve, giun chỉ, rận tai và cái ghẻ. Lưu ý rằng Selamectin không được cấp phép là sản phẩm để trị ve. Nó chỉ có tác dụng một phần trong việc diệt một số loại ve và không hiệu quả đối với ve ixodes, một loại ve mang bệnh lyme. Nếu ve bét là vấn đề chính thì bạn cần trao đổi với bác sĩ về các phương pháp kiểm soát hiệu quả hơn như vòng cổ Seresto hoặc Frontline.[7]
  5. Cân nhắc dùng thuốc uống trị bọ chét cho mèo. Nếu chỉ cần diệt bọ chét chứ không cần diệt ve, bạn có thể nghĩ đến việc cho mèo uống thuốc ở dạng hỗn dịch hoặc viên nén. Các sản phẩm uống thường có tác dụng nhanh và không để lại thuốc dư thừa trên lông mèo. Các loại thuốc này chỉ mua được từ bác sĩ thú y. Bác sĩ cũng có thể giới thiệu sản phẩm tốt nhất cho chú mèo của bạn. Nhiều loại thuốc dùng định kỳ hàng tháng này cần sử dụng quanh năm như một biện pháp phòng ngừa. Các loại thuốc này có thể bao gồm:[8]
    • Lufenuron (được biết dưới tên Program): Thuốc này có dạng viên nén hoặc dạng hỗn dịch uống hoặc tiêm. Cho mèo uống thuốc cùng với thức ăn mỗi tháng một lần để diệt trứng và ấu trùng bọ chét.[9]
    • Nitenpyram (được biết với tên Capstar): Thuốc này có dạng viên uống. Cho mèo uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ thú y để diệt bọ chét trưởng thành và trứng.[10]
    • Spinosad (được biết với tên Comfortis): Thuốc này có dạng viên nhai, nên cho mèo uống cùng thức ăn mỗi tháng một lần để diệt bọ chét.[11]
  6. Dùng thuốc bôi đúng cách. Nói chung, bạn cần giữ thẳng đứng chai thuốc để khỏi bị tràn và mở ra theo hướng dẫn. Vạch lông ở cổ mèo (ngay dưới xương sọ hoặc giữa hai bả vai) để lộ vùng da. Như vậy mèo sẽ không thể liếm thuốc khi tự chải lông. Dốc ngược chai thuốc và bóp hết thuốc vào một điểm trên da mèo. Đảm bảo thuốc phải ngấm vào da chứ không chỉ ở trên lông. Kiểm tra chai thuốc để chắc chắn đã hết.[4]
    • Luôn luôn đọc kỹ nhãn sản phẩm để biết cách sử dụng chính xác, vì mỗi loại thuốc có thể có cách sử dụng khác nhau.

Xác định và diệt ve ở mèo[sửa]

  1. Tìm hiểu hình dạng con ve. Tuy nhiều loài ve có các đặc điểm khác nhau, hầu hết các loài ve có thân mình hình oval và đầu nhỏ. Chúng thường có màu nâu đỏ, nâu đậm, đen hoặc xám. Thông thường ve có chiều dài không quá 6 mm, một số loại có thể nhỏ hơn. Lưu ý rằng ve cái có thể tăng kích thước đáng kể lên 12 mm khi hút đầy máu.[12][13]
    • Không như bọ chét, ve không phải là loài côn trùng. Chúng thuộc lớp hình nhện, giống như nhện, do đó ve trưởng thành có 8 chân. Con non hoặc con nhỏ nhất (ấu trùng) có 6 chân.
  2. Tìm dấu hiệu ve ở mèo. Ve không biết bay hoặc nhảy, do đó chúng thường bò trên cơ thể vật chủ. Khi cắn mèo, ve sẽ gắn chặt vào da mèo cho đến khi hút máu xong. Bạn không thể trông thấy đầu của ve khi chúng đang hút máu, do đó rất khó biết là bạn nhìn thấy con ve hay thấy nốt da sần màu sậm trên da mèo. Để phân biệt, bạn hãy nhìn vào chân của ve. Lũ ve cũng thường tụ tập ở những bộ phận ấm và kín trên cơ thể như giữa các móng chân, trong tai và dưới nách. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tìm thấy chúng ở bất cứ đâu trên cơ thể mèo.[12][13]
    • Nếu không chắc loại bọ đó là con ve, bạn có thể bỏ nó vào túi ni lông kín và đem đến bác sĩ thú y.
    • Kiểm tra mèo kỹ lưỡng nếu mèo đã ra ngoài hoặc đến những nơi có thể nhiễm ve (đám cỏ cao, chuồng trâu bò, trang trại, v.v…)
  3. Loại bỏ ve đúng cách. Nếu thấy một vật có vẻ như con ve ở mèo, bạn cần biết chắc đó là con ve. Nhìn vào chân ve để chắc chắn đó là ve chứ không phải nốt sần trên da mèo. Nếu đúng là ve, bạn hãy đeo găng tay và dùng nhíp đầu nhỏ kẹp vào con ve, càng sát da càng tốt. Kéo ra từ từ, chú ý không vặn tay. Bạn cần dứt cả đầu ve đi theo mình ve. Nếu không, đầu ve có thể gây lây nhiễm. Bỏ ve vào hộp nhỏ có cồn để diệt và bảo quản ve nếu bạn muốn đem đến cho bác sĩ thú y xem.[14]
    • Bạn nên kiểm tra mèo hàng ngày từ đầu đến đuôi để tìm ve nếu thấy có dấu hiệu lây nhiễm ve hoặc chú mèo của bạn vừa đi khám phá những khu vực có thể có ve sinh sống (chẳng hạn như đồng cỏ cao).
  4. Trao đổi với bác sĩ về thuốc trị ve. Bác sĩ sẽ giúp bạn chọn sản phẩn an toàn và hiệu quả. Bạn cũng nên mua thuốc trực tiếp từ bác sĩ thú y, vì một số thuốc bán ở cửa hàng thú cưng có thể nguy hiểm cho mèo. Loại thuốc bôi “tại chỗ” có thể diệt bọ chét và ve, nhưng không có loại thuốc uống nào có thể diệt trừ ve.[12]
    • Cho bác sĩ thú y biết nếu nhà bạn có trẻ nhỏ hay phụ nữ mang thai. Đây là một yếu tố quan trọng để xác định cách điều trị an toàn nhất cho cả bạn và thú cưng của bạn.
  5. Chọn thuốc bôi. Bạn có thể có nhiều lựa chọn khi tìm một loại thuốc bôi trị ve cho mèo. Có nhiều cách điều trị định kỳ mỗi tháng nên dùng quanh năm như một biện pháp phòng ngừa. Đảm bảo sản phẩm bạn chọn phải dành cho mèo chứ không phải cho chó. Mèo có thể bị ốm nặng (thậm chí có thể chết) nếu dùng thuốc trị ve dành cho chó. Thuốc điều trị “tại chỗ” được bôi trực tiếp lên da mèo để nhanh chóng diệt bọ chét. Một số loại thuốc trị ve gồm:[3]
    • Fipronil và (S)-methoprene (được biết với tên Frontline Plus for Cats): Bôi thuốc này mỗi tháng một lần để diệt ấu trùng, trứng và bọ chét trưởng thành. Nó cũng diệt được ve và rận lông.[5]
    • Selamectin (được biết dưới tên Revolution): Bôi thuốc này mỗi tháng một lần để diệt bọ chét trưởng thành và trứng. Sản phẩm này cũng có thể diệt ve, giun chỉ, rận tai và cái ghẻ. Lưu ý rằng Selamectin không được cấp phép là sản phẩm để trị ve. Nó chỉ có tác dụng một phần trong việc diệt một số loại ve và không hiệu quả đối với ve ixodes, một loại ve mang bệnh lyme.[7]
  6. Dùng thuốc bôi đúng cách. Nói chung, bạn cần giữ thẳng đứng chai thuốc để khỏi bị tràn và mở ra theo hướng dẫn. Vạch lông ở cổ mèo (ngay dưới xương sọ hoặc giữa hai bả vai) để lộ vùng da. Như vậy mèo sẽ không thể liếm thuốc khi tự chải lông. Dốc ngược chai thuốc và bóp hết thuốc vào một điểm trên da mèo. Đảm bảo thuốc phải ngấm vào da chứ không chỉ ở trên lông. Kiểm tra chai thuốc để chắc chắn đã hết thuốc.
    • Luôn luôn đọc kỹ nhãn sản phẩm để biết cách sử dụng chính xác, vì mỗi loại thuốc có thể có cách sử dụng khác nhau.
  7. Hỏi bác sĩ thú y về các lựa chọn khác để kiểm soát ve. Bác sĩ có thể giới thiệu những cách khác để phòng tránh ve cho mèo. Một lựa chọn thông dụng là vòng cổ Seresto của nhà sản xuất Bayer. Loại vòng cổ này có thể dùng cho mèo con trên 10 tuần và mèo trưởng thành. Vòng cổ Serest có thể diệt trừ ve trong vòng 8 tháng.[15]
    • Ngoài ra còn có những vòng cổ diệt ve với các nhãn hiệu khác. Bạn nên tham khảo bác sĩ thú y để biết loại nào phù hợp với mèo của bạn.

Loại trừ bọ chét và ve khỏi sân nhà[sửa]

  1. Bãi cỏ cần phải được xén và giữ khô để kiểm soát ve một cách hiệu quả. Lũ ve bét sinh trưởng tốt ở các nơi ẩm ướt, có bóng mát và ở bãi cỏ cao. Cắt cỏ thường xuyên để phòng tránh chúng lây lan vào sân nhà. Bạn cũng nên xén tỉa các bụi cây thấp và dọn sạch lá cây mục. Việc này giúp loại bỏ các khu vực rợp bóng và ẩm ướt trong sân - là những nơi yêu thích của ve và bọ chét.[3]
    • Làm cho môi trường (sân nhà) không còn là nơi trú ẩn thích hợp của ve và bọ chét là điều cốt yếu để ngăn chặn chúng khỏi bám vào thú cưng của bạn.
    • Các đống phân trộn cần phải để xa nhà ở và các khu vực sân chơi ngoài trời như sân cát và sàn gỗ.
  2. Tạo rào chắn chống ve. Ve không thích băng qua các đường đi có lót vỏ bào, lớp phủ hoặc sỏi. Rải các vật liệu này vòng quanh sân nhà để ngăn ve xâm nhập vào sân và nhà. Rào chắn cần có chiều rộng khoảng 1 mét.[3]
    • Không đặt các đống gỗ dọc theo nhà; thay vào đó bạn nên chất ngoài trời dưới ánh nắng, vì những nơi đầy cây gỗ lộn xộn thực ra lại thu hút lũ ve bét.[16]
  3. Ngăn chặn lũ thú hoang vào sân nhà. Không để mèo hoang, loài gặm nhấm và hươu nai vào trong sân nhà. Những con thú này có thể đem đến bọ chét và ve. Ngăn chặn bằng cách để các máng ăn cho chim và các đống gỗ ở xa nhà, lắp hàng rào, chặn các đường leo trèo và trồng các loại cây mà lũ hươu nai không thích.[17]
    • Các loại cây ngăn chặn hươu nai gồm có: cây hoàng dương, butterfly bush (chi bọ chó), cây bạch quả, và hoa nhài.[18] Tham khảo vườn bán cây giống gần nơi bạn ở để biết thêm về các loại cây có thể trồng.
  4. Phun thuốc điều hòa sinh trưởng côn trùng (IGR). Các loại thuốc này phá vỡ vòng đời của bọ chét và ngăn chặn sự sinh sản của chúng. IGR được coi là an toàn cho người và thú cưng, nhưng có hại cho cá. Thận trọng khi dùng gần nguồn nước.[19]
  5. Rải đất diatomaceous xung quanh sân. Sản phẩm tự nhiên này có thể sử dụng trong vườn để diệt bọ chét, ve hoặc các loại côn trùng. Nó có tác dụng làm mất nước và xé nhỏ côn trùng sau khi chúng ăn chất bột này. Cẩn thận khi sử dụng. Luôn đeo găng tay và mua loại đất diatomaceous thực phẩm. Rắc xung quanh sân nơi bạn nhìn thấy bọ chét hoặc ve.[19]
    • Tránh để tay tiếp xúc trực tiếp với đất diatomaceous, chú ý không nuốt hoặc hít phải. Loại bột cực mịn này thực ra rất sắc và có thể gây kích ứng cho da hoặc phổi nếu hít phải. Tuy nhiên khi được sử dụng ngoài trời đúng cách, nó sẽ không gây hại cho người và thú cưng.
  6. Dùng thuốc diệt côn trùng nếu bạn thấy nhiều bọ chét và ve trong sân. Để biết có bọ chét trong sân nhà không, bạn đi tất trắng đến đầu gối vào chân và đi vòng quanh sân. Nếu có bọ chét, bạn sẽ thấy chúng bám trên tất. Bạn có thể gọi dịch vụ diệt côn trùng chuyên nghiệp hoặc tham khảo bác sĩ thú y để mua các loại thuốc diệt côn trùng ít tốn kém hơn. Đối với bọ chét, cần phun vào những chỗ thú cưng thường nằm (như cũi hay nhà của chó), dưới sàn gỗ và cạnh móng nhà. Để diệt ve, phun thuốc vào những khu vực ẩm ướt và rợp bóng trong sân.[17]
    • Nếu đã xử lý tốt cho thú cưng và bảo vệ sân khỏi ve và bọ chét, bạn có thể không cần sử dụng thuốc diệt côn trùng trong sân nhà.
    • Không bao giờ dùng các sản phẩm có chứa Pyrethroid-, Permethrin-, hoặc Amitraz cho mèo hoặc dùng trong sân. Các sản phẩm này có thể gây nhiều tác dụng phụ cho mèo, thậm chí làm chết mèo.

Loại trừ bọ chét và ve khỏi nhà[sửa]

  1. Hút bụi kỹ lưỡng. Hút bụi các loại thảm và đồ đạc bọc vải hàng ngày để loại trừ bọ chét, trứng và ấu trùng. Đừng quên hút bụi phần thảm bên dưới đồ đạc. Khi hút bụi đồ đạc bọc vải, nhớ nhấc các tấm nệm ra và hút bụi mọi ngóc ngách của đồ đạc, kể cả các khe nứt. Sau đó, cho túi rác trong máy hút bụi vào bao ni lông kín và vứt vào thùng rác ngoài trời.[13]
    • Phần lớn bọ chét trong nhà bạn sẽ tập trung ở những nơi thú cưng nằm. Cố gắng làm vệ sinh thật kỹ những nơi đó. Bạn cũng nên làm sạch mọi khe hở và vết nứt quanh các ngăn tủ và ván ghép chân tường mỗi ngày hoặc hai ngày một lần.
  2. Giặt đồ vải trong nhà và vải trải giường. Giặt ổ nằm của thú cưng và các tấm thảm nhỏ mỗi tuần với xà phòng và nước nóng. Bạn cũng cần giặt áo gối, ổ nằm của thú cưng, vải trải giường và các đồ vải khác trong nhà. Giặt bằng nước thật nóng có thể tiêu diệt được trứng bọ chét.
  3. Xử lý thảm bằng một loại bột hoàn toàn tự nhiên. Chọn một trong các loại muối nở, hàn the hoặc gel silica và rắc lên trên các loại thảm trong nhà. Chà xát sao cho chất bột len sâu vào các sợi thảm và để qua đêm. Chất bột sẽ rút hết nước của bọ chét sống trong thảm. Hôm sau hút bụi thảm và vứt bao rác trong máy vào thùng rác đặt bên ngoài nhà.[20]
    • Không để cho thú cưng lại gần thảm khi còn bột trên thảm. Chỉ cho chúng tiếp xúc với thảm khi đã hút bụi và loại bỏ hoàn toàn chất bột.
  4. Chọn thuốc diệt côn trùng. Chọn loại thuốc có chất điều hòa sinh trưởng côn trùng như methoprene hoặc pyriproxyfen. Đọc kỹ nhãn để đảm bảo sản phẩm đó có thể dùng trong nhà có nuôi mèo. Nếu không chắc chắn, bạn hãy hỏi bác sĩ thú y trước khi dùng. Bạn cần hiểu rằng thuốc diệt côn trùng không thể tiêu diệt được mọi giai đoạn vòng đời của bọ chét, do đó có thể bạn vẫn thấy bọ chét trong 2 tuần sau khi đã xử lý. Tiếp tục hút bụi trong thời gian này để giảm số lượng bọ chét.[13]
    • Không bao giờ dùng các sản phẩm chứa pyrethroid, permethrin, hoặc amitraz. Các dược chất này có thể gây tử vong cho mèo.
  5. Phun thuốc diệt côn trùng. Đưa hết người và thú cưng ra khỏi phòng (kể cả mèo, chim hoặc động vật bò sát). Phủ tấm ni lông lên bể cá và tắt máy sục khí. Phun thuốc trực tiếp vào những nơi thú cưng thường nằm. Bạn cũng có thể phun thuốc vào thảm, đồ đạc, ván ghép chân tường và bệ cửa sổ. Đừng quên phun phần thảm bên dưới đồ đạc.
    • Không để mọi thành viên trong nhà (kể cả thú cưng) lại gần khu vực phun thuốc cho đến khi thuốc khô (thường trong khoảng 24 tiếng). Mở cửa sổ hoặc bật máy điều hòa để thông gió trong thời gian chờ thuốc khô.[21]
    • Nhớ đọc nhãn sản phẩm thuốc diệt côn trùng để có thêm lời khuyên.

Lời khuyên[sửa]

  • Đọc thật kỹ nhãn thuốc. Tuân theo mọi hướng dẫn sử dụng.
  • Tham khảo Green Paws (www.greenpaws.org), một trang web của Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên để có thêm thông tin về cách bảo vệ thú cưng khỏi các hóa chất độc hại. Trang web này cung cấp bảng độc chất, báo cáo ngộ độc ở thú cưng và bảng liệt kê các hóa chất cần tránh.
  • Giữ mèo trong nhà. Chú mèo của bạn sẽ ít có khả năng bị lây bọ chét và ve nếu chỉ ở trong nhà.
  • Làm vệ sinh cẩn thận các đồ đạc bọc vải và thảm đã sử dụng trước khi đem vào nhà để tránh đưa bọ chét vào nhà theo đồ đạc.
  • Nhiều loại ve bét không sống trong nhà. Nhưng loại ve nâu của chó có thể sống trong nhà.

Cảnh báo[sửa]

  • Tìm hiểu các loại hóa chất cần tránh. Hợp chất lân hữu cơ (Organophosphate compounds), cũng như tetrachlorvinphos được dùng trong một số thuốc diệt bọ chét. Chúng được dán nhãn “có khả năng gây ung thư ở người” và nên tránh.[22]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 http://www.banfield.com/pet-health-resources/preventive-care/parasites/fleas/how-to-identify-fleas-on-your-pet
  2. Stafford, KC. Tick Management Handbook: An integrated guide for homeowners, pest control operators, and public health officials for the prevention of tick-associated disease. The Connecticut Department of Public Health. http://www.ct.gov/caes/lib/caes/documents/special_features/tickhandbook.pdf
  3. 3,0 3,1 3,2 3,3 How to Manage Pests: Pests of Homes, Structures, People, and Pets. Fleas. Revised 9/10. http://www.ipm.ucdavis.edu/PMG/PESTNOTES/pn7419.html
  4. 4,0 4,1 http://www.drugs.com/vet/vectra-for-cats-kittens.html
  5. 5,0 5,1 http://www.drugs.com/vet/frontline-plus-for-cats-kittens.html
  6. http://www.drugs.com/vet/advantage-ii-kitten.html
  7. 7,0 7,1 http://www.drugs.com/vet/revolution.html
  8. Potter M. Ridding Your Home of Fleas. http://www2.ca.uky.edu/entomology/entfacts/ef602.asp Accessed June 25, 2015.
  9. http://www.peteducation.com/article.cfm?c=26+1303&aid=1471
  10. http://www.drsfostersmith.com/Rx_Info_Sheets/rx_nitenpyram.pdf
  11. http://www.drugs.com/vet/comfortis-chewable-tablets-for-cats.html
  12. 12,0 12,1 12,2 Stafford, KC. Tick Management Handbook: A integrated guide for homeowners, pest control operators, and public health officials for the prevention of tick-associated disease. The Connecticut Department of Public Health. http://www.ct.gov/caes/lib/caes/documents/special_features/tickhandbook.pdf
  13. 13,0 13,1 13,2 13,3 Ticks Around Your Home. Clemson University. http://www.clemson.edu/cafls/departments/esps/factsheets/medvet/ticks_around_your_home_mv05.html
  14. http://www.aspca.org/pet-care/cat-care/ticks
  15. http://www.drugs.com/vet/seresto-cat.html
  16. http://www.popularmechanics.com/home/improvement/lawn-garden/6-simple-tips-to-get-rid-of-ticks#slide-1
  17. 17,0 17,1 Preventing Ticks in the Yard. http://www.cdc.gov/ticks/avoid/in_the_yard.html
  18. http://www.bhg.com/advice/gardening/animal-pests/are-there-any-plants-deer-wont-eat/
  19. 19,0 19,1 http://www.petcarerx.com/article/how-to-kill-fleas-in-the-yard/127
  20. http://atlantahumane.org/education-center/fleas-ticks/
  21. http://www.adamsfleacontrol.com/smarter-pet-care/frequently-asked-questions/pet-questions
  22. http://www.petmd.com/cat/parasites/evr_ct_fleas_on_cats_tick_preventive_medication_for_dogs#.Ulhfl2Q9xgI