Gắn bó với mèo cưng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Gắn bó với mèo có thể là một trải nghiệm đáng giá nhưng cũng rất khó khăn. Mèo, dù đã được thuần hoá, vẫn hiểu rất ít về hành vi của con người.[1] Vì thế, việc bày tỏ tình cảm với mèo có thể tương đối khó khăn. Tuy nhiên, nhiều người có thể tạo ra một mối quan hệ lành mạnh và hạnh phúc với chú mèo của mình. Nếu bạn hiểu ngôn ngữ cơ thể của mèo, tôn trọng những giới hạn và biết thể hiện tình cảm đúng ý mèo, bạn có thể tạo nên một sự gắn bó bền chặt với chú mèo của mình.

Các bước[sửa]

Hiểu được chú mèo của mình[sửa]

  1. Tìm hiểu ngôn ngữ cơ thể của mèo. Để trở nên gắn bó, bạn cần phải đọc được cảm xúc của mèo. Bước đầu tiên là nằm được những điều cơ bản trong ngôn ngữ cơ thể của mèo.
    • Một chú mèo tự tin sẽ bước đi với đôi mắt mở to, lưng hơi cong, đầu hướng ra phía trước và đuôi vểnh lên. Nếu bạn thấy mèo nhà mình có tư thế này, có thể mèo đang có tâm trạng tốt, và đây là lúc phù hợp để tương tác với mèo.[2]
    • Khi thư giãn, mèo sẽ vươn người khi đang nằm nghiêng hoặc nằm ngửa. Tai mèo sẽ dựng lên, râu giữ thẳng hai bên mép và móng vuốt thu vào. Những lúc này, bạn có thể tiếp cận mèo nhưng hãy cẩn thận nếu muốn vuốt ve. Mèo thường có tư thế tương đối thiếu đề phòng khi đang thư giãn và có thể coi mọi sự tương tác về mặt cơ thể là sự tấn công nguy hiểm.[2]
    • Nếu mèo xù lông, cong lưng, cụp tai, đồng tử giãn rộng và vẫy đuôi mạnh, mèo đang rất giận dữ. Dù lí do là gì, mèo cũng đang cảm thấy bị đe doạ và cần không gian riêng. Đừng cố gắng tiếp cận cho tới khi mèo đã bình tĩnh lại.[2]
    • Khi mèo lo lắng, mèo sẽ tìm cách để trở nên nhỏ bé hơn bằng cách thu mình lại và cuộn đuôi quanh thân. Bốn chân sẽ ở trong tư thế sẵn sàng chạy khi cần thiết, đồng tử nở rộng và tai cụp sang hai bên. Bạn không nên động vào mèo trong trường hợp này; mèo đang rất bất an và cần không gian riêng tư.[2]
    • Khi mèo trở nên đề phòng, tai mèo sẽ cụp sát đầu, mèo nhe răng và lăn sang một bên với móng vuốt xoè ra. Mèo rất có thể sẽ tấn công bạn khi ở tư thế này, và bạn cần phải để mèo yên cho tới khi nó bình tĩnh lại. Mèo sẽ cào bạn khi đang ở trong trại thái hung dữ.[2]
  2. Dùng mắt để thể hiện mình không phải là mối đe doạ. Mèo giao tiếp với con người bằng ánh mắt. Thật không may, nhiều người không nhận ra điều này và thường vô tình đe doạ mèo bằng cách nhìn chằm chằm. Hãy nắm được cách để thể hiện sự thân thiện với mèo.
    • Mọi người thường phàn nàn rằng mèo hay tới gần những người không thích chúng. Những người không thích mèo thường lờ chúng đi. Vì mèo rất ghét bị nhìn chằm chằm (việc đó thể hiện sự đe doạ) nên chúng sẽ thấy đỡ sợ hơn và muốn tới gần để khám phá[3]
    • Nằm xuống bên cạnh mèo khi mèo đang thư giãn. Nhìn vào mèo tới khi mèo nhìn lại bạn, và khi đó, hãy từ từ nhắm mắt và mở ra vài lần. Chờ đợi mèo làm điều tương tự với bạn.[3]
    • Nếu mèo quay mặt đi, đó là dấu hiệu tốt. Điều đó nghĩa là mèo không coi bạn là mối đe doạ và không cảm thấy cần phải đe doạ lại bạn. Nếu mèo không quay đi, hãy ngừng nhìn để mèo không nghĩ rằng bạn đang thách thức nó. Có thể bạn sẽ phải cố gắng chớp mắt chậm rãi và lần trước khi mèo cảm thấy đủ yên tâm để quay mặt đi chỗ khác sau khi đã chạm ánh mắt của bạn.[3]
  3. Cảm nhận được cá tính của mèo. Không như chó, mèo không quá phụ thuộc vào chủ nhân. Dù mối quan hệ với chủ nhân là một khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của mèo, nhưng so với chó, điều đó vẫn không ở mức độ mãnh liệt.[1] Nhu cầu giao tiếp của mèo có thể rất đa dạng. Để có được một mối quan hệ gắn bó, bạn cần phải hiểu được cá tính của mèo.
    • Vài chú mèo rất tình cảm và luôn muốn được ở bên cạnh chủ nhân. Tuy nhiên, vài chú mèo khác có thể dành hàng giờ để nấp tại một nơi khuất nẻo. Đừng ép mèo phải chơi với bạn nếu mèo không muốn. Mèo sống rất độc lập và cá tính của chúng sẽ không thay đổi.
    • Tương tự, nhu cầu vận động cơ thể của mỗi chú mèo cũng sẽ khác nhau. Vài chú mèo thích chơi và vận động thường xuyên, nhưng một số khác lại không thích đồ chơi. Cũng như trên, bạn không nên ép buộc mèo. Dù một số hành vi như cào và cắn có thể được khắc phục, nhưng bản tính vốn có của mèo sẽ luôn được giữ nguyên như vậy. Tuy nhiên, bạn nên cho mèo vận động từ 5 tới 10 phút mỗi ngày để duy trì mức cân nặng lành mạnh.

Bắt đầu giao tiếp với mèo[sửa]

  1. Để mèo tới gần bạn. Bạn không bao giờ nên vuốt ve mèo khi mèo chưa cho phép. Mèo sẽ không chào đón hành động đó và có thể cho rằng bạn đang xâm phạm không gian riêng tư.[3] Mèo sẽ chủ động trong việc giao tiếp.
    • Để mèo mời gọi bạn. Khi đã sẵn sàng tương tác, mèo sẽ để cho bạn biết bằng những hành vi cụ thể. Mèo có thể sẽ cọ người hoặc má vào bạn, đuôi vểnh lên. Mèo có tuyến mùi hương ở má và hai bên cơ thể, khi chúng cọ những khu vực này vào bạn, chúng đang đánh dấu bạn bằng mùi hương. Đây là dấu hiệu của tình cảm và sự thân thiết, nghĩa là mèo đã sẵn sàng tương tác với bạn. [2]
    • Nếu mèo tự tìm tới bạn, hãy xoè tay ra xem mèo có thật sự muốn tiếp xúc không. Để mèo ngửi tay bạn trước khi bạn chạm vào mèo.
    • Đừng đốt cháy giai đoạn. Nếu bạn ngồi cùng phòng với mèo đủ lâu, mèo sẽ tự tìm tới bạn khi đã sẵn sàng. Tiếp xúc quá sớm có thể khiến mèo căng thẳng, và việc đó sẽ là trở ngại lớn trong việc tạo ra mối quan hệ gắn bó với mèo.[3]
  2. Hiểu được phản ứng của mèo khi tương tác. Khi mèo đã sẵn sàng được vuốt ve, bạn cần đảm bảo rằng mèo cảm thấy thoải mái và vui vẻ. Mèo sẽ thể hiện mình đang thoải mái hoặc không bằng ngôn ngữ cơ thể. Đảm bảo rằng bạn hiểu những biểu hiện của mèo.
    • Không giống như chó, mèo không vẫy đuôi khi vui mừng. Nếu mèo vẫy đuôi khi được bạn vuốt ve thì bạn đã làm gì đó không đúng. Bạn nên vuốt ve ở vị trí khác, hoặc đổi chiều vuốt ve, hoặc thay đổi mức độ vuốt ve.[3]
    • Mèo thể hiện sự hài lòng và tin tưởng bằng nhiều cách. Mèo có thể mài nhẹ móng vào những món đồ mềm, hoặc thậm chí là vào quần áo của bạn. Đôi khi, mèo sẽ liếm và cắn nhẹ vào bạn để thể hiện tình cảm. Mèo có thể dụi đầu vào bạn, hoặc cọ má và thân vào bạn để đánh dấu mùi.[4]
  3. Tránh vuốt ve bụng mèo. Đôi khi, mèo có thể lăn xuống sàn nhà và để lộ bụng. Dù có vài chú mèo rất thích, hoặc ít nhất là chịu được việc bị chạm vào bụng, hầu hết loài mèo đều không thích hành động này của con người. Nếu bạn đang tiếp xúc với một chú mèo lạ, tốt nhất là nên tránh hành động này.
    • Mèo để lộ bụng với nhiều lí do. Khi đối mặt với một chú mèo khác, việc để lộ bụng là một sự đe doạ. Mèo thu chân sau vào với mục đích tự vệ, thể hiện việc sẵn sàng tấn công.[5]
    • Tuy nhiên, một chú mèo có thể để lộ bụng để biểu hiện sự tin tưởng. Bụng của mèo là một nơi nhạy cảm và chứa những cơ quan nội tạng quan trọng. Mèo để lộ khu vực dễ bị tổn thương này cho thấy mèo tin tưởng bạn và cảm thấy môi trường xung quanh đủ an toàn. Tuy nhiên, đây không phải là sự cho phép tiếp xúc.[5]
    • Nhiều chú mèo sẽ phòng thủ khi bị chạm vào bụng, và theo bản năng, có thể chúng sẽ tấn công bạn. Tốt nhất là bạn nên tránh chạm vào khu vực này, nhất là khi gặp gỡ một chú mèo chưa quen.[5]
  4. Chải lông cho mèo. Nhiều chú mèo thích được chải lông vì việc đó tương tự với việc được vuốt ve, tạo cảm giác an toàn và thoải mái. Chải lông cũng rất tốt cho sức khoẻ vì nó giúp lông mèo không bị bẩn và gầu, đồng thời thúc đẩy tuần hoàn máu.[6]
    • Đối với mèo lông ngắn, hãy dùng loại lược bằng kim loại. Hãy chải từ đầu xuống đuôi theo chiều lông. Mỗi lần chỉ chải một đường. Chải như vậy khắp cơ thể mèo, kể cả phần ngực và bụng.[6]
    • Đối với mèo lông dài, bạn sẽ cần chải nhiều hơn vì lông mèo có thể bị rối. Bạn nên bắt đầu từ phần bụng và chải ngược lên cổ. Khi chải đuôi và lưng, hãy chia ra từng đoạn ngắn và chải lông ở cả hai bên cơ thể. Nếu có đám rối, bạn có thể mua dung dịch hoặc bột chuyên dụng dành cho mèo ở các cửa hàng thú cưng.[6]
    • Khi chải lông, bạn cũng nên kiểm tra da cho mèo. Kiểm tra các vết sưng, bầm tím hoặc xước xát, nhất là nếu mèo của bạn được nuôi thả. Tìm xem mèo có bọ chét và ve không. Đôi khi, bạn có thể nhìn thấy dấu vết của bọ chét nhờ các vảy máu nhỏ mà bọ chét để lại.[6]

Gắn kết bằng những cách khác[sửa]

  1. Chơi với mèo hàng ngày. Chơi với mèo cũng là một cách tuyệt vời để trở nên gắn bó. Mèo sẽ liên hệ bạn với những giây phút vui vẻ, đồng thời sẽ trở nên tình cảm và thân thiện với bạn hơn.
    • Trò chơi bắt chim có cấu tạo từ một món đồ bằng lông được treo lơ lửng trên không. Mèo có thể đuổi bắt và nhảy lên để tóm đồ chơi. Trò chơi này kích thích bản năng săn mồi tự nhiên và cũng là một cách tuyệt vời để cho mèo vận động vui vẻ.[7]
    • Một vài loại đồ chơi có nhồi bạc hà mèo, một loại thảo dược giúp mèo hưng phấn. Chuột, thỏ và bóng nhồi bạc hà mèo là những món đồ chơi tốt nếu bạn đang sở hữu một chú mèo không chịu chơi đùa.[7]
    • Sáng sớm và đêm muộn là những thời điểm tốt nhất để chơi. Có những thời điểm trong ngày, mèo có nhiều năng lượng nhất, và chơi với mèo vào buổi đêm có thể giúp mèo ngủ ngon. Bạn có thể không có thời gian để chơi vào những lúc đó, nhưng bạn có thể mua những món đồ chơi nhỏ để mèo tự chơi.[7]
    • Chơi hàng ngày từ 5 tới 10 phút là hoạt động được khuyến nghị để giúp mèo luôn khoẻ mạnh và duy trì cân nặng lành mạnh.[7]
  2. Dạy mèo những chiêu trò cơ bản. Mèo có thể được huấn luyện nhờ thời gian và sự kiên nhẫn. Mèo thường không cảm thấy được khích lệ bằng lời khen như chó, và chúng cũng không muốn tìm cách làm hài lòng chủ nhân, nhưng chúng có thể được huấn luyện nhờ thời gian và sự kiên nhẫn. Dạy mèo vài chiêu trò là một cách tuyệt vời để tăng cường sự gắn bó.
    • Dùng đồ ăn vặt, nhưng phải là loại mà mèo thích. Có rất nhiều loại đồ ăn vặt dành cho mèo, và mèo có thể rất kén chọn đồ ăn. Có thể bạn sẽ phải thử dùng qua vài nhãn hiệu trước khi tìm ra đúng loại đồ ăn mèo thích. Hãy mua nhiều loại đồ ăn vặt dành cho mèo từ siêu thị hoặc cửa hàng thú cưng để xem mèo ưng loại nào nhất.[8]
    • Nghĩ tới những hành động cụ thể mà bạn muốn mèo thực hiện theo lệnh. Khi bạn thấy mèo thực hiện những hành động đó, hãy gọi tên chiêu này, khen ngợi mèo và thưởng đồ ăn. Ví dụ: bạn thích khi mèo đứng lên bằng hai chân sau và muốn mèo thực hiện việc này khi bạn nói “Quỳ”. Vậy, khi bạn thấy mèo đứng lên, hãy nói “Quỳ”, khen ngợi mèo và thưởng đồ ăn. Cuối cùng, mèo sẽ liên hệ giữa câu lệnh của bạn và hành vi đó.[8]
    • Khi mèo bắt đầu thực hiện theo lệnh, hãy tiếp tục tập luyện. Bạn muốn củng cố mối liên hệ giữa các câu lệnh và chiêu trò. Chỉ dạy mèo thực hiện 1 câu lệnh mỗi lần, và giới hạn mỗi lần tập trong vòng từ 10 tới 15 phút.[8]
    • Hãy dùng máy bấm, một thiết bị nhỏ tạo ra tiếng bấm mỗi khi bạn ấn vào nút. Sử dụng thiết bị này cùng đồ ăn vặt để củng cố hành vi của mèo. Cuối cùng, bạn có thể bỏ đồ ăn vặt đi. Bạn muốn mèo học được cách thực hiện chiêu trò mà không coi đồ ăn vặt như phần thưởng.[8]
    • Khi mèo đã thành thạo chiêu đó, hãy chuyển sang dạy chiêu khác. Bạn có thể dạy mèo ngồi, nằm, đứng yên, kêu và những câu lệnh phức tạp hơn. Ví dụ: một số chú mèo có thể được huấn luyện để đi trên dây. Hãy sáng tạo.[8]
  3. Giúp mèo cảm thấy thoải mái trong nhà bạn. Mèo sẽ dễ cảm thấy gắn bó với bạn hơn nếu chúng cảm thấy thoải mái. Hãy giúp mèo có được một mái ấm yêu thương để mèo cảm thấy an toàn và yên tâm.
    • Nếu bạn còn thừa 1 phòng trong nhà, hãy biến nó thành phòng dành cho mèo. Đặt đồ chơi, chậu cát, đồ ăn, nước và giường ngủ cho mèo trong phòng. Cho phép mèo ra vào phòng tuỳ thích. Nếu bạn không thể dành riêng cho mèo một phòng, ít nhất hãy tạo ra cho mèo một góc nhà phù hợp.[9]
    • Mèo thích có nhiều chỗ để trốn. Điều đó không có nghĩa là chúng đang sợ hãi. Có thể chúng chỉ muốn được ở một mình. Bạn có thể mua cho mèo một hệ thống leo trèo, hoặc tự làm bằng hộp bìa và băng dính.[9]
  4. Giúp mèo bình tĩnh với mọi sự thay đổi. Mèo thường khó chịu với những sự thay đổi. Nếu bạn cần phải thay đổi điều gì đó trong không gian sống, hãy làm từ từ.
    • Nếu có một người khác sắp dọn vào ở chung với bạn, hãy để họ gặp gỡ mèo vài lần trước khi chuyển tới ở hẳn. Đảm bảo rằng mèo thoải mái với người mới đến, và họ sẽ tôn trọng cũng như hiểu được những giới hạn của mèo.[10]
    • Nếu bạn chuyển tới sống với người khác, hoặc chuyển sang nhà mới, hãy mang mèo tới thăm ngôi nhà mới vài lần nếu được.[10]
    • Việc giới thiệu thêm thú cưng mới nên diễn ra từ từ. Ban đầu, hãy để mèo ở riêng, chỉ cho tiếp xúc với những vật nuôi khác qua cửa. Sau khoảng một tuần gặp gỡ qua cửa, hãy cho chúng tiếp xúc trực tiếp dưới sự giám sát của bạn. Nếu chúng đánh nhau, hãy bình tĩnh. Những sự thay đổi có thể rất khó khăn và cần vài tuần để mối quan hệ trở nên ổn định.[10]

Lời khuyên[sửa]

  • Bạn có thể nói năng bằng giọng nhẹ nhàng khi vuốt ve và chơi đùa với mèo. Điều đó sẽ thể hiện rằng bạn không phải là một mối đe doạ và giúp mèo liên hệ giọng nói của bạn với những trải nghiệm tích cực.
  • Đồ ăn vặt và thức ăn thông thường là cách tuyệt vời để giúp mèo hết nhút nhát. Dù bạn không nên cho mèo ăn quá nhiều, việc cho mèo thưởng thức những món ăn vặt thơm ngon có thể dụ mèo bước ra khỏi nơi ẩn náu và khuyến khích mèo tương tác với bạn.
  • Nói chuyện hoặc mọi hình thức giao tiếp bằng lời nói khác đều là cách tuyệt vời để giúp mèo làm quen với bạn. Khi bạn vuốt ve mèo, nói chuyện hoặc hát khẽ cho mèo nghe, mèo sẽ cảm thấy thư giãn và thoải mái khi ở bên bạn.

Cảnh báo[sửa]

  • Mèo không phản ứng tích cực với việc bị la hét hoặc trừng phạt. Đừng bao giờ mắng hoặc đánh mèo, việc này có thể dẫn tới tình trạng mèo trở nên khó bảo và sợ bạn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]