Giảm sưng ngón tay

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Sưng ngón tay có thể là do chấn thương hoặc do phù - tình trạng bệnh lý phổ biến có thể gây thừa dịch lỏng tại nhiều vị trí trên cơ thể, bao gồm bàn tay, bàn chân, mắt cá chân và cẳng chân. Chứng phù có thể là do mang thai, dùng thuốc hoặc một số bệnh lý như vấn đề về thận, biến chứng ở hệ bạch huyết hoặc suy tim xung huyết. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn một số cách giảm sưng ngón tay.

Các bước[sửa]

Chẩn đoán sưng ngón tay[sửa]

  1. Hiểu được rằng sưng có thể là do nhiều nguyên nhân. Nhận biết nguyên nhân bệnh lý gây sưng sẽ giúp bạn có kế hoạch điều trị hiệu quả hơn.
    • Sưng gây ra bởi chấn thương. Chấn thương là một trong những thủ phạm thường gặp nhất gây sưng ngón tay. Các chất lỏng như máu tích tụ trong vị trí bị chấn thương gây sưng. Điều trị chấn thương bằng cách chườm lạnh (giúp co mạch máu), sau đó chườm nóng[1] (giúp đẩy dịch lỏng ra ngoài).
    • Đi khám bác sĩ ngay nếu vết bầm hoặc chấn thương kéo dài hơn 2 tuần, triệu chứng trở nặng hoặc tái phát, có dấu hiệu nhiễm trùng da.
  2. Hiểu rõ các nguyên nhân khác gây sưng. Có nhiều nguyên nhân khác có thể gây sưng ngón tay mà bạn cần lưu ý.
    • Sưng do phản ứng dị ứng. Khi tiếp xúc với tác nhân dị ứng, cơ thể sẽ tiết histamine vào đường máu.[2] Để giảm sưng, bạn cần uống thuốc kháng histamine. Đi khám bác sĩ ngay nếu gặp triệu chứng khó thở sau phản ứng dị ứng.
    • Sưng do béo phì. Béo phì khiến hệ bạch huyết của cơ thể hoạt động chậm lại, dẫn đến chứng phù ở tay và chân. Nếu cho rằng tình trạng sưng là do béo phì, bạn nên trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để lên kế hoạch giảm cân.
    • Sưng do nhiễm trùng. Tay có thể mắc hội chứng ống cổ tay hoặc viêm tế bào. Một số bệnh nhiễm khuẩn ảnh hưởng đến bàn tay có thể xâm nhập vào đường máu và hạch bạch huyết. Vì vậy, bạn cần đi khám bác sĩ ngay nếu nghi ngờ nhiễm khuẩn.

Hiểu về các phương pháp điều trị[sửa]

  1. Tập thể dục cho ngón tay sưng. Cử động ngón tay giúp bơm dịch lỏng dư thừa về tim. Chuyển động giúp kích thích tuần hoàn máu đến ngón tay sưng, nhờ đó tăng áp lực cần thiết để bơm dịch lỏng dư thừa đi. Tập thể dục cho ngón tay có thể đơn giản là việc gõ bàn phím máy tính, thư giãn ngón tay hoặc dùng bàn tay để mặc quần áo hoặc chuẩn bị bữa sáng. Bất kỳ chuyển động nào ở ngón tay đều sẽ giúp giảm sưng.
    • Nếu không có thời gian cho bài tập ngón tay, bạn có thể chuyển sang đi bộ 15 phút, một lần mỗi ngày. Đi bộ khoảng 10-15 phút cũng giúp cải thiện tuần hoàn máu đi khắp cơ thể. Bạn nên đánh tay hoặc đưa bàn tay lên xuống khi đi bộ.
    • Người bị béo phì dễ mắc chứng phù vì hệ bạch huyết hoạt động chậm hơn. Tình trạng sưng có thể giảm nếu hệ bạch huyết hoạt động hiệu quả trở lại. Tập thể dục thường xuyên, áp dụng chế độ ăn lành mạnh nhiều rau củ quả và protein, uống nhiều nước sẽ giúp hệ bạch huyết hoạt động hết công suất.
  2. Nâng cao bàn tay và ngón tay. Tình trạng sưng có thể là do tuần hoàn kém hoặc máu tích tụ trong bàn tay. Nâng cao bàn tay sẽ giúp cải thiện tuần hoàn trong cơ thể.
    • Nâng ngón tay sưng cao hơn tim trong 30 giây, ít nhất 3-4 lần mỗi ngày để điều trị chứng phù nghiêm trọng. Các bác sĩ cũng khuyến nghị nên nâng bàn tay cao hơn tim trong khi ngủ.
    • Nâng cao bàn tay và ngón tay trong thời gian ngắn sẽ giúp cải thiện tình trạng sưng mức độ thấp.
    • Thử nâng cao bàn tay qua đầu, nối liền hai bàn tay rồi đưa ra sau đầu. Ngửa đầu ra sau và tạo lực kéo căng. Sau 30 giây, thả lỏng bàn tay, lắc nhẹ và lặp lại quy trình này nhiều lần.
  3. Xoa ngón tay sưng. Mát-xa các mô trong ngón tay sưng hướng về phía tim. Dùng chuyển động mạnh, chắc. Mát-xa bàn tay giúp kích thích cơ và tuần hoàn máu đến ngón tay, nhờ đó giúp đẩy dịch lỏng dưa thừa gây sưng ngón tay.
    • Cân nhắc việc tiếp nhận mát-xa tay/chân chuyên nghiệp. Bạn có thể xem xét việc đến gặp chuyên gia mát-xa tay/chân chuyên nghiệp.
    • Tự mát-xa tay. Dùng ngón cái và ngón trỏ của một bàn tay, kẹp nhẹ và cố định vào tay còn lại. Kéo ngón cái và ngón trỏ dọc theo lòng bàn tay đến đầu ngón tay. Lặp lại đối với từng ngón tay rồi đổi tay.
  4. Đeo găng tay áp lực. Găng tay áp lực (găng tay y khoa) giúp tạo áp lực lên bàn tay và ngón tay, nhờ đó ngăn chặn được chất lỏng dư thừa tích tụ.
  5. Hạn chế muối trong chế độ ăn. Muối khiến cơ thể giữ nước và chất lỏng, có thể ảnh hưởng đến ngón tay. Hạn chế tiêu thụ muối giúp giảm nguy cơ tích thêm chất lỏng. Nếu cảm thấy thức ăn quá nhạt khi thiếu muối, bạn có thể dùng các gia vị khác để nêm nếm cho món ăn.
  6. Duy trì nhiệt độ vừa phải trong nhà hoặc phòng làm việc. Nhiệt độ vừa phải giúp cải thiện tuần hoàn. Duy trì nhiệt độ ổn định giúp giảm tình trạng sưng ngón tay do thay đổi nhiệt độ đột ngột.
    • Nghiên cứu cho thấy tắm nước nóng, chườm nóng có thể làm tăng tình trạng sưng ở bộ phận bị ảnh hưởng trên cơ thể, bao gồm ngón tay.[3]
    • Tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh cũng có thể gây sưng. Nếu tình trạng sưng ngón tay là do thâm tím, chườm lạnh vừa phải (ví dụ như đá viên quấn trong quần áo) sẽ giúp giảm sưng.
  7. Uống thuốc. Thuốc lợi tiểu giúp giảm tích nước ở bệnh nhân mắc chứng phù và sưng. Thuốc được bác sĩ kê đơn có thể giúp giảm sưng ở ngón tay.

Lời khuyên[sửa]

  • Một phương pháp hữu ích khác để giảm sưng ngón tay: Lần lượt kéo ngón trỏ, ngón giữa, ngón áp út, ngón út rồi đến ngón cái. Cách này giúp giảm đau ngón tay, bao gồm cơn đau do hội chứng ống cổ tay.[4]
  • Chườm đá viên lên vết sưng. Nếu ngón tay sưng không xẹp, có thể bạn đã bị bong gân hoặc gãy xương ngón tay.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu cơn đau dai dẳng kéo dài và không thuyên giảm hoặc sưng nghiêm trọng, bạn cần đi khám bác sĩ ngay. Chứng phù nghiêm trọng hoặc dai dẳng có thể là dấu hiệu của vấn đề nghiêm trọng hơn như khối u, suy tim hoặc vấn đề sức khỏe cần được chăm sóc khẩn cấp.
  • Phụ nữ mang thai luôn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi muốn dùng thuốc để giảm sưng bàn tay hoặc ngón tay. Thuốc lợi tiểu không được khuyến nghị dùng cho phụ nữ đang mang thai.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Găng tay y khoa
  • Thuốc lợi tiểu

Nguồn và Trích dẫn[sửa]