Hạ nhiệt cho mèo trong mùa hè

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tình trạng thân nhiệt tăng cao có thể khiến cho mèo bị mất nước, say nóng, và sốc. Không giống như người, cơ thể mèo không tiết mồ hôi và do đó chúng sẽ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh thân nhiệt khi mùa hè trở nên nóng bức hơn. Phương pháp làm mát chủ yếu của mèo bao gồm tránh tiếp xúc mặt trời, không hoạt động, uống nước, và thở hổn hển. Những biện pháp này không mang lại hiệu quả nhiều và khi mèo ở trong nhà hoặc xe với nhiệt độ cao mà không có chỗ thoát, thân nhiệt của chúng sẽ tăng lên và có nguy cơ bị say nóng.[1] Tuy nhiên, bạn có thể tiến hành một số biện pháp để hạ nhiệt cho mèo trong mùa hè nóng bức để chúng khỏe mạnh và vui vẻ.

Các bước[sửa]

Tạo môi trường mát mẻ cho mèo[sửa]

  1. Bật điều hòa. Nếu trong nhà có điều hòa, bạn nên cho mèo ở trong nhà để chúng tận hưởng không khí mát mẻ. Bạn có thể cách nhiệt cho ngôi nhà để mèo tránh nhiệt độ cao, chẳng hạn như kéo rèm, màn và đóng kín cửa.[2]
    • Chuẩn bị phòng ấm để mèo có thể trú ẩn nếu cảm thấy lạnh. (Đôi lúc điều hòa và quạt có thể làm mèo bị lạnh và gây khó chịu cho chúng sau một thời gian tiếp xúc.)
    • Ngay cả khi mèo thích hoạt động ngoài trời, bạn cũng nên giữ mèo trong nhà khi sức nóng lên đỉnh điểm, từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
  2. Dùng quạt để lưu thông khí trong nhà. Nếu không có điều hòa, bạn có thể dùng quạt và mở cửa sổ để làm mát ngôi nhà cũng như giúp cho mèo bớt cảm thấy nóng nực. Đặt quạt trước cửa sổ mở để di chuyển luồng không khí xung quanh nhà giúp hạ bớt nhiệt độ. Bạn cần bảo đảm an toàn cho thú cưng khi tiếp xúc gần quạt bằng cách kiểm tra xem lồng che đã cố định hay chưa.
    • Đặt một hoặc hai máy quạt dưới sàn nhà trong góc phòng hướng về chính giữa căn phòng. Điều này giúp cho mèo có thể nằm ở khoảng cách thoải mái để tận hưởng luồng khí thổi lên bộ lông. Chuyển động không khí giúp hạ nhiệt cho mèo giống như hiện tượng đổ mồ hôi.[3]
  3. Cung cấp nước sạch thường xuyên. Mèo cần uống nước để cung cấp đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, khi nhiệt độ máu tăng cao, bộ phận cảm biến trong não sẽ điều khiển mèo uống nước để hạ thân nhiệt và pha loãng máu. Vì thế, bạn cần cung cấp nước sạch thường xuyên cho chúng.[2]
    • Chuẩn bị nhiều bát nước có bề mặt tiếp xúc lớn (chẳng hạn như đĩa ăn hoặc bát dành cho chó). Bát có diện tích lớn sẽ khuyến khích mèo uống nước vì chúng không thích chạm ria vào thành bát. Bạn nên thay nước ít nhất một ngày một lần và luôn đổ đầy nước vào bát.
    • Không cho mèo uống nước có tảo vì loại thực vật này có độc và sẽ khiến cho mèo bị tiêu chảy, nôn mửa, co giật, và đột tử.[1]
    • Cân nhắc mua vòi uống nước dành cho mèo. Nhiều con mèo thích uống nước từ vòi chảy ra và vòi nước là dụng cụ lý tưởng dành cho chúng.
  4. Tạo điều kiện cho mèo lựa chọn địa điểm thoáng mát. Mèo là loài vật nhanh nhẹn trong việc tìm chỗ mát để trú ẩn. Chúng thích cuộn người trong bồn tắm hoặc chậu rửa vì chất liệu sứ vẫn luôn mát khi nhiệt độ ngoài trời trở nên nóng bức. Vì tính chất đặc biệt của chất liệu này, cho nên mèo thường hay nằm lên sàn gạch trong phòng tắm, phòng giặt giũ, và phòng bếp. Nếu mèo tìm được chỗ tránh nhiệt lý tưởng, bạn nên để yên cho chúng nghỉ ngơi.[4]

Giúp mèo hạ thân nhiệt[sửa]

  1. Để mèo nằm một chỗ trong những ngày nóng nực. Thời điểm này không phù hợp để chơi đùa với mèo. Bạn chỉ nên cho chúng chơi trò đuổi theo tia laze hoặc nghịch dây ở thời điểm mát mẻ. Thay vào đó, bạn cần khuyến khích mèo nghỉ ngơi và thư giãn. Hoạt động cơ bắp sản sinh nhiệt khiến cho chúng cảm thấy khó chịu hơn trong thời tiết nóng bức như thế này.[3]
  2. Tạo bóng râm cho mèo trú ẩn. Nếu mèo hay ở ngoài trời, bạn nên thiết kế bóng râm để giảm thiểu ánh nắng mặt trời. Bóng râm có thể ở dưới cây cối, bụi rậm, hoặc dù che. Nếu mèo ở trong nhà, bạn không nên để chúng trong phòng có nhiều ánh sáng mặt trời và sắp xếp chỗ nằm tránh xa tia nắng phản chiếu.[5]
    • Nếu mèo ở ngoài trời, bạn nên kiểm tra các ngôi nhà nhỏ và nhà kính ở bên ngoài trước khi đóng cửa. Nhiệt độ trong nhà có thể tăng cao và mèo có nguy cơ tử vong nếu bị nhốt bên trong.
  3. Dùng khăn ẩm để hạ thân nhiệt cho mèo. Hầu hết loài mèo không thích bị ướt, nhưng bạn có thể giúp chúng cảm thấy mát mẻ hơn bằng khăn ẩm. Nhúng khăn vào nước lạnh và nhẹ nhàng chà xát bộ lông của mèo từ đầu đến đuôi.
    • Nếu thân nhiệt của mèo quá cao, bạn nên dùng khăn ẩm lau cơ thể chúng nhẹ nhàng và thường xuyên để chúng làm quen với điều này.
  4. Chải lông cho mèo hằng ngày. Bộ lông xù xì có thể giữ nhiệt không thoát ra ngoài; bạn nên chải chuốt cho mèo và để không khí lưu thông nhằm thoát bớt nhiệt. Bước này đặc biệt quan trọng đối với giống mèo lông dài.
    • Chải chuốt lông cho mèo vào thời điểm mát mẻ trong ngày trước khi thân nhiệt của chúng tăng lên, chẳng hạn như vào buổi sáng sớm. Mèo sẽ cảm thấy dễ chịu với việc chải chuốt khi không cảm thấy bức bối do nhiệt độ tăng cao.
    • Không cạo lông của mèo vì sẽ làm cho da tiếp xúc với mặt trời gây bỏng và ung thư.
    • Việc mang bộ lông dày trong mùa hè có vẻ hơi kỳ lạ, nhưng các chuyên gia tin rằng lông giúp cách nhiệt trong những ngày nóng nực, và có tác dụng giữ ấm vào mùa đông. Do đó việc cạo lông của mèo không giúp chúng cảm thấy mát mẻ hơn.
    • Tuy nhiên, nếu bộ lông quá dày hoặc rối xù sẽ tạo nên lớp vỏ chắn xong quanh cơ thể của mèo. Lớp vỏ này ngăn chặn hoạt động bình thường của lông, vì thế bạn nên tìm đến chuyên gia để cạo lông cho chúng.
  5. Sắp xếp khu vực mát mẻ. Bạn có thể giúp mèo hạ nhiệt bằng cách chuẩn bị ổ nằm thoáng mát và tối để chúng trú ẩn khi cảm thấy quá nóng. Bạn chỉ cần đặt hộp bìa cứng ở nơi yên tĩnh và thuận tiện, chẳng hạn như trong tủ quần áo, dưới ghế, hoặc gần địa điểm mát mẻ trong nhà. Trải một lớp vải bông hoặc vải có chất liệu thoáng mát dưới đáy hộp. Cho túi đá vào trong chiếc tất và đặt vào ổ nằm dưới lớp khăn để mèo cảm thấy mát mẻ hơn.[6]
    • Biện pháp hiệu quả khác đó là trải khăn hoặc miếng lót lên chỗ nằm ưa thích của mèo để ngăn nhiệt thoát ra từ bề mặt sàn làm chúng cảm thấy nóng nực.

Nhận biết và điều trị say nóng[sửa]

  1. Quan sát dấu hiệu say nóng. Dấu hiệu say nóng bao gồm thở hổn hển và thở nhanh, đờ đẫn, tai hồng sáng, choáng, yếu ớt và không có khả năng đứng dậy, run rẩy, rùng mình, và thậm chí là co giật.[7]
    • Mèo bị say nóng thường có bàn chân ấm. Nếu nghi ngờ mèo bị say nóng, bạn nên đặt chúng nằm xuống bề mặt thoáng mát ngay lập tức, chẳng hạn như sàn gạch. Sau đó bật quạt gần sát để thổi bớt sức nóng.
  2. Dùng khăn ẩm hạ thân nhiệt cho mèo và cung cấp nước. Nếu mèo có dấu hiệu say nóng, bạn nên trải khăn ẩm lên bàn chân và cho chúng uống nước ngay lập tức. Nếu mèo không đủ sức uống nước, bạn có thể dùng khăn ẩm chà nhẹ lên nướu răng của chúng.
    • Tránh dùng nước đá hoặc nước quá lạnh vì sự thay đổi nhiệt đột ngột giữa nóng và lạnh có thể khiến mèo bị sốc.
  3. Liên lạc với bác sĩ thú y để được tư vấn. Bạn có thể phải đưa mèo đi khám bác sĩ thú y để điều trị tình trạng say nóng. Bác sĩ thú y sẽ truyền dịch vào tĩnh mạch để giảm nhiệt độ bên trong và duy trì nguồn cung cấp máu bình thường đến các cơ quan. Cùng với sự gia tăng nhiệt độ cơ thể, máu sẽ đặc hơn và làm suy giảm nguồn cung cấp máu đến các bộ phận quan trọng.[1]
    • Liên lạc với bác sĩ thú y ngay lập tức trong trường hợp nghi ngờ mèo đang bị say nóng.

Lời khuyên[sửa]

  • Thường xuyên theo dõi bọ chét trên cơ thể của mèo trong những ngày hè vì chúng thường sinh sôi nảy nở nhiều hơn trong điều kiện nhiệt độ cao, khiến cho mèo cảm thấy khó chịu hơn ngoài cảm giác nóng nực.
  • Mèo càng lớn tuổi càng nên được chăm sóc nhiều hơn. Nếu mèo thừa cân, chúng sẽ cảm thấy nóng bức hơn.
  • Nếu muốn dắt mèo đi dạo trong mùa hè, bạn chỉ nên thực hiện vào sáng sớm hoặc chiều tối.
  • Khi vận chuyển đường dài bằng xe hơi (ví dụ như chuyển nhà, v.v…), bạn nên bật điều hòa hoặc mở cửa sổ để thông khí trong lúc di chuyển, và không đậy kín lỗ thông hơi trên lồng mèo làm cản trở không khí di chuyển tuần hoàn.

Cảnh báo[sửa]

  • Say nóng thường xảy ra do mèo bị nhốt trong phòng hoặc xe bí hơi, không thoáng đãng. Không nên để mèo trong xe dưới trời nóng mà không bật hệ thống điều hòa, và không bao giờ để mèo trong xe mà không có ai giám sát.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]