Hiểu hành vi của mèo

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Hành vi của mèo đôi khi khá khó hiểu vì không phải chú mèo nào cũng giống nhau. Thông thường, mèo được cho là loài động vật sống khép kín, độc lập và ít cần tới sự chú ý của con người. Tuy nhiên, không phải chú mèo nào cũng như vậy. Nhiều chú mèo rất thân thiện và tình cảm, thích ở cạnh con người và những chú mèo khác.[1] Dù bạn đang nuôi loại mèo gì, hãy dành thời gian để tìm hiểu về hành vi của chúng để hiểu và giao tiếp với mèo tốt hơn.

Các bước[sửa]

Hiểu sự giao tiếp của mèo qua tiếng kêu[sửa]

  1. Tìm hiểu ý nghĩa của tiếng “meo”. Mọi người đều quen thuộc với tiếng kêu “meo” của mèo. Âm thanh này có thể mang nhiều ý nghĩa, nhưng chủ yếu sẽ là: “hãy chú ý tới tôi, tôi đang muốn một điều gì đó từ bạn”. Mèo có thể muốn thức ăn, sự chú ý, vuốt ve hoặc thậm chí là để thể hiện việc không muốn bị ai chạm vào. Người nuôi mèo sẽ sớm hiểu được những sắc thái trong tiếng kêu “meo” của mèo và biết chính xác mèo muốn gì.
    • Sau một thời gian ở chung với mèo, bạn sẽ nắm được sự khác nhau trong tiếng “meo” tuỳ vào hoàn cảnh lúc đó, ví dụ như thời điểm trong ngày hoặc địa điểm khi mèo kêu.
  2. Hiểu tiếng rên “gừ gừ”. Rên là một âm thanh quen thuộc khác của mèo. Dù không phải mọi chú mèo đều rên khi chúng vui, đó vẫn là một dấu hiệu tốt nếu bạn đang vuốt ve và mèo đáp lại như vậy. Đừng vội chán nản nếu mèo của bạn chẳng bao giờ rên, có thể đó là vì mèo không dùng cách này để giao tiếp.
    • Những chú mèo đang hài lòng sẽ rên gừ gừ, nhưng những chú mèo đang buồn bã cũng thế. Nếu chú mèo của bạn rên trong những trường hợp như bị ốm, mèo đang “cầu cứu” bạn đấy.
  3. Hiểu mèo muốn gì khi chúng gầm gừ hoặc rít lên. Rít và gầm gừ thường được hiểu là biểu hiện của sự sợ hãi hoặc giận dữ ở mèo. ĐỪNG BAO GIỜ bế một chú mèo đang rít hoặc gầm gừ vì mèo có thể trở nên hung dữ và cắn bạn. Hãy để chúng yên nếu có thể, hoặc bạn có thể thận trọng tiếp cận bằng một chiếc khăn tắm dày và găng tay da nếu nhất định phải bế chúng lên.

Hiểu ngôn ngữ cơ thể của mèo[sửa]

  1. Học cách nhận biết thời điểm mèo thấy sợ hãi hoặc giận dữ bằng cách chú ý tới ngôn ngữ cơ thể của chúng. Một chú mèo sẽ không thường xuyên rít hoặc gầm gừ khi tức giận hoặc sợ hãi. Khi mèo tức giận, đồng tử sẽ giãn rộng và nhìn vào đối tượng khiến nó giận. Lông trên cơ thể sẽ dựng lên. Đuôi mèo có thể vẫy sang hai bên trong tư thế chữ U ngược.
    • Ngoài ra, một chú mèo giận dữ hoặc sợ hãi có thể cụp tai sát đầu.
    • Ngược lại, một chú mèo thân thiện sẽ tới gần bạn với chiếc đuôi dựng lên, tai vểnh và cọ người vào chân bạn. Mèo có thể kêu meo một cách thân thiện, kêu liên tục hoặc thậm chí là rên gừ gừ.
  2. Hiểu vì sao mèo lại cọ xát vào con người. Mèo là những sinh vật giàu tình cảm và nhiệt tình. Để lôi kéo sự chú ý của bạn, mèo sẽ tới ngồi gần bạn, hoặc cọ người vào chân bạn và kêu meo meo. Hành động gây chú ý này là bình thường ở mèo. Nó sẽ để lại mùi hương của mèo lên cơ thể bạn, giúp mèo gắn bó với bạn và có thể - dù chưa chắc chắn - còn nhiều ý nghĩa hơn thế.[1]
    • Cọ mình vào con người là một nghi thức gắn kết quan trọng của mèo. Nếu mèo làm thế, đừng đuổi mèo đi. Hãy để mèo bày tỏ tình cảm với bạn.
    • Mèo cũng có hành động cọ mình để bày tỏ tình cảm và lưu lại mùi hương trên cơ thể đồng loại.
  3. Hiểu vì sao mèo thích “nhào bột” trên người bạn. Đây là hành vi gây thắc mắc nhiều nhất đối với người nuôi mèo. Một số chú mèo thích mài nhẹ móng vuốt hay “nhào bột” trên người chủ. Mèo thường làm vậy từ khi còn bé. Mèo con “nhào” vú mèo mẹ để kích thích sữa chảy ra khi bú. Mèo trưởng thành sẽ làm như thế đối với người chủ mà chúng thấy yêu quý nhất.[2]
    • Hành động này có thể làm bạn đau nếu mèo dùng tới móng vuốt. Hãy bảo vệ bản thân nếu bạn biết mèo thường “nhào bột” quá mạnh. Bạn có thể mặc áo dài tay hoặc những bộ đồ bảo vệ khác, hoặc ngăn mèo lại khi thấy đau.

Hiểu hành vi giữa những chú mèo với nhau[sửa]

  1. Hiểu trật tự phân cấp trong thế giới của mèo. Khi mèo sống chung với nhau, tự nhiên chúng sẽ hình thành một kiểu phân cấp xã hội. Một chú mèo có thể sẽ trở thành chỉ huy. Ban đầu, người chủ có thể không hiểu điều đó cũng như lí do vì sao chúng lại hay tranh chấp chậu cát hoặc những thứ khác. Tuy nhiên, nếu để ý kĩ, chú mèo chỉ huy sẽ thể hiện những dấu hiệu như: tiếp cận chú mèo yếu thế hơn với dáng vẻ oai vệ, tai dựng và đuôi dỏng cao. Chú mèo yếu thế hơn sẽ quay mặt đi, cụp tai và thường tránh đường cho chú mèo chỉ huy.[1]
    • Việc phân cấp bậc là chuyện bình thường giữa những chú mèo với nhau. Chỉ cần đảm bảo rằng chúng đều vui vẻ và khoẻ mạnh là được, bất kể chúng nằm ở cấp nào.
  2. Học cách phản ứng của mèo khi bạn nuôi thêm một chú mèo mới. Việc giới thiệu thêm một chú mèo con hoặc mèo trưởng thành có thể sẽ tốn một chút thời gian. Chú mèo mà bạn nuôi từ trước có thể coi thành viên mới là mối đe doạ bằng những tiếng rít, gầm gừ và tìm cách “đuổi” kẻ lạ mặt đi. Đây là hành vi bình thường, nhưng sau khi đã giới thiệu một cách thận trọng và cho chúng tiếp xúc với nhau thường xuyên, chúng sẽ chấp nhận và trở thành bạn tốt của nhau.[1]
  3. Hiểu tầm quan trọng của mối quan hệ giữa những chú mèo. Dù mèo là loài vật sống đơn độc, chúng cũng có thể trở nên rất gắn bó với nhau. Khi hai chú mèo đã trở nên thân thiết mà bỗng một chú bị lạc hoặc qua đời, chú mèo còn lại có thể sẽ buồn bã hàng tháng trời. Một chú mèo đang đau buồn có thể sẽ kêu liên tục hoặc bỏ ăn. Hãy yêu thương và an ủi chú mèo đó thật nhiều.

Hiểu những hành vi phá hoại của mèo[sửa]

  1. Hiểu rằng những chú mèo thể hiện sự bất mãn hoặc không vui bằng rất nhiều cách. Mèo cũng có cảm xúc. Chúng có thể cảm thấy cô đơn, buồn chán, sợ hãi hoặc căng thẳng. Chúng thể hiện sự căng thẳng bằng nhiều cách, từ kêu gào cho tới hiện tượng đi vệ sinh bừa bãi. Bằng cách dành thời gian quan sát, có thể bạn sẽ nhận ra những kiểu mẫu trong hành vi của mèo và hiểu chúng nhiều hơn.
  2. Đảm bảo chậu cát của mèo không phải là nguyên nhân khiến mèo phải đi tiểu ở chỗ khác. Nhiều người nuôi mèo đã hiểu được tầm quan trọng của một chậu cát sạch sẽ đối với tâm trạng vui vẻ của mèo và những thành viên khác trong gia đình. Khi mèo ngừng đi tiểu vào chậu cát, đó sẽ là một vấn đề lớn và khiến mèo dễ bị đuổi ra khỏi nhà.
    • Có rất nhiều lí do khiến mèo không chịu dùng chậu cát nữa. Có thể đơn giản là mèo không thích mùi hoặc kết cấu của cát. Hầu hết mèo sẽ thích loại cát không mùi. Mèo già có thể không nhảy được vào chậu cát do bị viêm khớp. Có thể chậu cát quá bẩn và cần được dọn sạch sẽ (bằng nước và xà phòng) thường xuyên hơn. Âm thanh lớn đột ngột, chó hoặc bất kì tiếng động và loài vật nào khác cũng có thể đã khiến mèo sợ hãi khi dùng chậu cát.
    • Tại một gia đình nuôi nhiều mèo, chú mèo chỉ huy có thể không cho phép chú mèo kia dùng chậu cát. Trong trường hợp đó, tốt nhất là bạn nên ở hữu số lượng chậu cát nhiều hơn số lượng mèo 1 đơn vị. Nếu bạn nuôi hai chú mèo, hãy mua ba chậu cát. Các chậu cát nên được đặt ở nhiều vị trí khác nhau để chú mèo chỉ huy không thể giữ chúng làm của riêng.[3]
  3. Tìm kiếm những lí do khác cho việc đi tiểu không đúng chỗ. Đi tiểu ở những nơi kì lạ như giường, ghế của chủ hoặc túi ni-lông có thể cho thấy mèo đang bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc các bệnh lí nghiêm trọng khác. Việc này cũng có thể xảy ra khi chủ vắng nhà vài ngày, điều đó cho thấy mèo buồn bã vì sự vắng mặt của bạn. Nếu mèo đột nhiên đi tiểu ngoài chậu cát, tốt nhất là bạn nên trao đổi với bác sĩ thú y để loại trừ các nguyên nhân bệnh lý khác.[4]
  4. Hiểu vì sao mèo cào đồ vật trong nhà. Thực sự thì mèo chỉ cào đồ nếu chúng thấy thích thứ đó và cũng là để mài móng nữa.[5] Vì mài móng là việc quan trọng đối với mèo, bạn không thể nào ngăn chúng làm vậy được. Cách tốt nhất để mèo ngừng cào chiếc ghế yêu thích của bạn là hướng sự chú ý của chúng tới thứ khác.
    • Mua cho mèo một cây cột mài móng và khuyến khích mèo dùng nó bằng cách treo thêm đồ chơi hoặc tẩm hương bạc hà mèo vào đó. Nếu mèo không thích cây cột mài móng này, có thể là do kết cấu bề mặt cột không phù hợp. Hãy thử dùng loại vải phủ khác để xem mèo có thích hơn không.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu chú ý kĩ, bạn sẽ hiểu được hành vi của mèo.
  • Nếu mèo hư hoặc có những hành vi không chấp nhận được, ĐỪNG BAO GIỜ đánh mèo.
  • Bạn càng bình tĩnh và dễ chịu bao nhiêu, mèo cũng sẽ bình tĩnh và dễ chịu bấy nhiêu.

Cảnh báo[sửa]

  • Đừng bế hoặc chạm vào một chú mèo đang gầm gừ hoặc rít lên.
  • Nếu mèo trốn tránh bạn, hãy để mèo yên, nếu không mèo sẽ làm bạn bị thương.
  • Có lúc, bạn sẽ phải tham khảo ý kiến từ bác sĩ thú y hoặc chuyên gia về hành vi động vật để sửa hành vi nào đó của mèo.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 1,3 Social Organization in The Cat: A Modern Understanding. S. L. Crowell-Davis, T. M. Curtis and R. J. Knowles. Journal of Feline Medicine and Surgery February 2004 vol. 6 no. 1 19-28
  2. Understanding Cat Behavior. Roger Tabor. April 30, 2003. David & Charles.
  3. Manual of Clinical Behavioral Medicine for Dogs and Cats. Karen Overall. June 4, 2013. Elsevier Health Sciences.
  4. Merck Veterinary Manual. C.M. Cahn. S. Line. 9th Ed. John Wiley and Sons, 2005.
  5. https://www.aspca.org/pet-care/virtual-pet-behaviorist/cat-behavior/destructive-scratching