Huấn luyện mèo con đi vệ sinh

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mèo con thường có thói quen đi vệ sinh trên đất cát. Nếu bạn cho mèo làm quen với khay vệ sinh, thì chúng sẽ giải tỏa đúng chỗ thay vì đi bậy lên thảm trải sàn. Ngay khi mèo con được mang về nhà, chúng sẽ bắt đầu sử dụng khay vệ sinh nhanh chóng. Điều quan trọng là bạn phải tìm khay vệ sinh phù hợp và khuyến khích mèo con sử dụng, nhưng chúng không thể nào được huấn luyện đi vệ sinh giống như chó. Bạn không cần phải dạy mèo con phải làm gì với chiếc khay; bản năng sẽ nhắc nhở chúng. Bạn chỉ cần cung cấp cho mèo khay vệ sinh phù hợp và dễ dàng tiếp cận.[1]

Các bước[sửa]

Mua Vật dụng[sửa]

  1. Chọn khay vệ sinh có kích thước lớn. Khay nhỏ được thiết kế dành cho mèo con, nhưng chúng sẽ lớn rất nhanh đến nỗi bạn phải thay thế khay mới sau một thời gian tập cho mèo đi vệ sinh. Khi mua khay mới, bạn sẽ phải huấn luyện lại cho chúng. Vì thế bạn nên mua khay lớn ngay từ ban đầu để sử dụng lâu dài.
    • Mèo con không gặp khó khăn trong việc bước vào khay vệ sinh lớn, miễn là phần cạnh đủ thấp để chúng dễ dàng bước vào. Nếu đã tìm được chiếc khay hoàn hảo nhưng không chắc liệu mèo con có khả năng trèo vào hay không, thì bạn có thể dùng miếng gỗ dán hoặc chất liệu phẳng khác có độ bám cao và đặt tựa vào khay để làm dốc nhỏ. Dùng băng keo dán chặt miếng gỗ vào khay và tháo ra khi mèo con đủ lớn có thể tự bước vào bên trong.
  2. Cân nhắc lựa chọn khay vệ sinh kín. Một số loại khay có nắp đậy xung quanh. Ưu điểm của chúng là không làm rơi vãi đất và giảm mùi hôi nếu đặt trong khu vực có diện tích nhỏ. Một số con mèo sẽ cảm thấy an toàn trong khay kín.[2]
    • Khay vệ sinh kín cần có kích thước lớn; khi đó mèo có đủ không gian để quay người xung quanh bên trong khay. Đa số mèo có hành vi ngửi phân và sau đó chôn lấp lại, và chiếc khay cần cung cấp không gian cho hành động này.[2]
    • Một số con mèo không thích khay vệ sinh kín lúc ban đầu. Bạn có thể tháo gỡ cánh cửa cho đến khi chúng quen với chiếc khay.
  3. Mua đất vệ sinh dành cho mèo. Có nhiều loại đất cho bạn lựa chọn, và bất kỳ đất vệ sinh nào cũng phù hợp với mèo con và mèo trưởng thành (từ 8 tháng tuổi trở lên). Bạn nên chọn đất không chứa bụi, vì có thể làm kích ứng phổi của mèo.[3] Bạn nên xem xét các yếu tố sau đây khi lựa chọn đất vệ sinh:
    • Dùng đất không mùi nếu có thể. Mèo con và mèo trưởng thành không thích đất có mùi hương; nếu mùi quá nồng, chúng sẽ đi vệ sinh ở chỗ khác.[4] Thêm vào đó, mùi hương có thể gây kích ứng mũi và mắt mèo hoặc gây nên vấn đề liên quan đến hô hấp ở mèo.
    • Chọn đất có thể xúc được. Loại đất này thường là sự lựa chọn phổ biến, vì giúp cho việt dọn phân mèo dễ dàng hơn. Bạn nên lưu ý rằng mèo có thể bị ốm nếu ăn phải loại đất này, nhưng hiện nay có rất ít bằng chứng liên quan đến sự cố này.[4][5]
    • Chọn loại đất phổ biến rộng rãi. Một số con mèo thường quen với một loại đất và không thể nhận biết khay đất là nơi đi vệ sinh trừ phi có chứa loại đất quen thuộc của chúng.
  4. Mua xẻng xúc đất và khăn trải. Các vật dụng cuối cùng mà bạn cần để sẵn sàng huấn luyện mèo con đi vệ sinh là chiếc xẻng để xúc phân trong khay vệ sinh và khăn trải dưới đáy khay để tránh phân rơi vãi làm bẩn sàn nhà .

Cho Mèo con Tiếp cận Khay vệ sinh[sửa]

  1. Đặt khay ở vị trí yên tĩnh. Không nên đặt ở nơi đông người tập trung như nhà bếp hoặc tiền phòng. Vị trí lý tưởng là một nơi dễ dàng tiếp cận, riêng tư, và không phát âm thanh bất ngờ có thể làm mèo con sợ hãi.[2]
    • Mặc dù phòng giặt đồ là lựa chọn phổ biến vì ít người qua lại hơn những khu vực khác trong nhà, nhưng âm thanh đột ngột phát ra từ máy giặt hoặc máy sấy có thể làm mèo con giật mình và khiến chúng khiếp sợ khi phải dùng khay vệ sinh.[2]
    • Khay vệ sinh nên đặt ở khu vực sinh hoạt thường xuyên của mèo con. Chúng sẽ thấy chiếc khay thường xuyên và có thể sử dụng khi cần.
    • Mèo con và mèo trưởng thành thích không gian riêng tư. Nếu không, chúng sẽ đi bậy sau ghế sofa hoặc trong góc phòng riêng biệt nào đó.[6]
    • Khi bắt đầu huấn luyện mèo con đi vệ sinh và cần thiết phải di chuyển khay, thì bạn nên làm từ từ, khoảng nửa mét cách vài ngày một lần. Việc di chuyển khay vệ sinh sang phòng khác ngay ngày hôm sau có thể làm mèo con bối rối và dẫn đến sự cố đi bậy quanh nhà. Bạn cũng có thể đặt khay thức ăn ở nơi đặt khay vệ sinh cũ, vì hầu hết mèo không đi vệ sinh ở nơi ăn uống của chúng.
  2. Đặt mèo con vào khay vệ sinh đổ đầy đất. Ngay khi mang chúng về nhà, bạn cho ngay vào khay để mèo con làm quen với mùi và cảm nhận đất vệ sinh. Để chúng trong khay khoảng vài phút, ngay cả khi mèo không đi vệ sinh trong lần đầu tiếp xúc. Tiếp tục nhấc mèo vào khay sau khi ăn xong, ngủ dậy, hoặc bất kỳ thời điểm mà bạn nhận thấy chúng sắp sửa đi vệ sinh. Ngoài ra, nếu mèo con ngồi xổm ở bên ngoài khay, bạn cần đặt chúng vào trong khay ngay lập tức.
    • Một số mèo con sẽ hiểu ngay mục đích sử dụng của khay vệ sinh và không cần phải huấn luyện thêm. Một số khác lại cần được cho vào khay thậm chí là mười lần một ngày trước khi chúng nhận ra điều này.
    • Bạn nên tránh cố gắng “chỉ” cho mèo con động tác đào bới mà chúng sử dụng để chôn phân và nước tiểu vì mèo con có thể sợ sệt. Vì vậy bạn không nên nắm chặt bàn chân và ép buộc chúng làm động tác đào đất cho đến khi mèo con tiếp thu được bài dạy.[1]
  3. Khen ngợi thay vì trừng phạt. Khi mèo con đã thành thạo trong việc sử dụng khay vệ sinh và xem đó là nơi để giải tỏa, thì bạn có thể khen chúng bằng cách âu yếm và tạo âm thanh dễ chịu. Không nên phạt mèo trong khi chúng đang ngồi trong khay vì bạn có thể khiến mèo con liên tưởng chiếc khay với sự trừng phạt đáng sợ.[6]
    • Mèo con không phản ứng nhạy với việc dùng mũi cọ xát vào đống phân mà chúng làm rơi vãi ra ngoài khay. Nếu mèo lỡ làm vậy, thì bạn nên để chúng ngửi đống lộn xộn đó rồi sau đó nhẹ nhàng nhấc mèo con đặt vào trong khay. Khi đó chúng sẽ biết được lần sau phải đi vệ sinh ở đâu.
    • Bạn không được trừng phạt mèo con bằng cách đánh đập hoặc la mắng. Điều này chỉ làm chúng sợ bạn hơn mà thôi.
  4. Cung cấp đủ khay vệ sinh. Nếu có thể, bạn nên trang bị cho mỗi con mèo một khay, thêm một khay dự trữ khi cần dùng.
    • Ví dụ, một mèo con cần có 2 khay vệ sinh. Nếu bạn nuôi ba con mèo, thì nên mua bốn khay.
  5. Xem xét giam giữ một thời gian. Lần đầu tiên khi đưa mèo con về nhà, bạn nên nhốt chúng vào phòng nhỏ trong vài tuần đầu tiên. Bước này giúp mèo từ từ làm quen với môi trường mới, tiếp cận khay vệ sinh dễ dàng, và giảm thiểu sự cố đi bậy của chúng.[7]
    • Bạn nên nhốt mèo con ở nơi không có thảm trải sàn để dọn dẹp phân và nước tiểu dễ dàng hơn nếu chúng có đi bậy ra ngoài.
    • Đặt khay vệ sinh đối diện với khu vực ăn uống và nghỉ ngơi của mèo con.[7]

Duy trì Sự thoải mái cho Mèo[sửa]

  1. Dọn sạch đất vệ sinh hằng ngày. Mèo con không thích giải tỏa ở nơi bẩn thỉu. Nếu bạn không thay đất, mèo con sẽ tìm nơi khác sạch sẽ hơn, như là tấm thảm, và bắt đầu đi bậy.
    • Để dọn khay vệ sinh, bạn cần xúc phân khỏi khay, cho vào túi nhỏ, cột chặt và vứt vào thùng rác.
    • Bạn có thể để lại ít phân trong khay vệ sinh (thay thường xuyên) trong vài tuần đầu. Bước này giúp mèo con nhận biết tác dụng của khay.
  2. Rửa sạch toàn bộ khay vệ sinh thường xuyên. Khoảng một lần một tuần, bạn cần đổ hết đất bẩn trong khay và vệ sinh sạch sẽ. Sau khi xúc hết đất ra ngoài, bạn dùng chất tẩy rửa không độc hại (hoặc nước xà phòng ấm) để rửa sạch, sau đó xả lại bằng nước và đổ đất mới vào khay.[7]
    • Bạn có thể để lại đất có thể xúc được trong khay hơn một tuần vì loại đất này giúp bạn dễ dàng dọn sạch chất thải của mèo. Tuy nhiên, đất này cũng cần được dọn dẹp và thay thế thường xuyên.
  3. Lau chùi khu vực bẩn kỹ càng. Nếu mèo đi bậy ra ngoài khay vệ sinh, bạn cần dọn dẹp khu vực đó thật sạch sẽ, xóa hết mùi nước tiểu hoặc phân. Như vậy mèo sẽ không tiếp tục đi vệ sinh ở đó nữa.[7]
  4. Di chuyển chậu cây lớn ra khỏi nhà. Trong trường hợp phát hiện mèo con đi vệ sinh lên đất trong chậu cây, bạn cần chuyển hết chậu ra ngoài hoặc che kín bề mặt đất trong khi huấn luyện mèo con đi vệ sinh. Mèo con có bản năng chôn lấp chất thải của chúng, vì vậy chúng luôn bị thu hút bởi khu vực có đất cát. Bạn cần bảo đảm rằng khay vệ sinh là nơi duy nhất dành cho mèo khi cần tìm chỗ giải tỏa.
  5. Cho mèo con ăn thường xuyên. Điều này giúp bạn có thể dự đoán thời điểm đi vệ sinh của mèo. Chúng thường giải tỏa sau khi ăn khoảng 20 phút. Khi nhận thấy mèo con đang cần tìm chỗ vệ sinh, bạn có thể đưa chúng đến gần khay và quan sát chúng trèo vào bên trong.

Lời khuyên[sửa]

  • Khi mèo con phát triển, bạn cần cho thêm đất vào khay. Khi mèo con được sáu tháng tuổi, bạn nên đổ đầy đất vào khay ở mức 5-10 cm.
  • Nếu diện tích nhà hoặc căn hộ lớn, thì bạn nên đặt nhiều khay vệ sinh khắp xung quanh nhà. Điều này giúp cho mèo con có thể sử dụng khay ngay khi cần thay vì đi bậy ra ngoài. Khi mèo con đã chắc chắn sử dụng khay vệ sinh, bạn có thể từ từ cất bớt khay.
  • Nếu mèo con có vẻ chần chừ khi dùng khay vệ sinh, bạn nên tạo điều kiện cho chúng tiếp cận khay dễ dàng hoặc thay đổi loại đất khác, đặc biệt nếu đất trong khay có mùi hương.
  • Thay đổi đất dần dần. Nếu cần đổi loại đất vệ sinh dành cho mèo, bạn cần chuyển đổi từ từ bằng cách trộn đất mới với đất cũ, sau đó tăng dần lượng đất “mới” trong khoảng thời gian hai tuần.
  • Sàn nhà nên lót đá lát hoặc gỗ để dễ dàng dọn sạch phân và nước tiểu của mèo.
  • Khen ngợi mèo yêu để chúng cố gắng lặp lại hành vi tốt như mong đợi.

Cảnh báo[sửa]

  • Trước khi huấn luyện bạn cần đưa mèo con đi khám bác sĩ thú y nhằm đảm bảo chúng có sức khỏe tốt. Một số loại bệnh tật có thể làm cho mèo con thể hiện khác thường khi sử dụng khay vệ sinh.
  • Cho mèo con ăn loại thức ăn đóng hộp (ướt) sản xuất dành riêng cho mèo nhỏ. Vì mèo con dễ bị thiếu nước hơn mèo trưởng thành, nên chúng có nguy cơ không có khả năng sử dụng khay vệ sinh cũng như gặp vấn đề liên quan đến sức khỏe.
  • Nguyên nhân phổ biến làm cho mèo con đi bậy ra ngoài đó là người chủ đánh đập nó vì tội đi bừa bãi. Mèo con sau đó sẽ cảm thấy không an toàn khi đi vệ sinh (đặc biệt là ở khu vực mở) vì sợ bị trừng phạt, và trở nên rụt rè hơn. Do đó bạn không bao giờ được phạt khi chúng đi bậy vì chỉ làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn mà thôi.[8]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây