Khử mùi thú nuôi trong nhà

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bạn yêu lũ thú cưng, nhưng chắc là chẳng hề muốn chúng làm cho nhà mình bốc mùi chút nào. Dù chỉ phảng phất hay nồng nặc, mùi của thú nuôi ở trong nhà có thể làm bạn ngại mời khách đến chơi, ngượng ngùng khi ai đó ghé nhà, thậm chí còn khiến bạn ít muốn ở nhà. Nhưng có một số việc bạn có thể làm để khử mùi của thú nuôi trong nhà, và điều cốt yếu là giải quyết nguồn gây mùi bằng cách lau rửa thật kỹ trước khi xử lý các mùi hôi còn sót lại.

Các bước[sửa]

Làm sạch các nguồn gây mùi hôi[sửa]

  1. Hút bụi. Mùi của thú nuôi có thể ngấm vào nhà bạn vì chúng để lại lông, vảy da, bụi đất và các dấu chất thải ở đâu đó trong nhà. Để loại bỏ nguồn gây mùi hôi, bạn cần hút bụi toàn bộ căn nhà.[1] Sử dụng các đầu gắn thích hợp nếu cần, và đừng quên hút bụi:
    • Sàn nhà
    • Ván ghép chân tường
    • Thảm lót sàn và thảm chùi chân
    • Đồ gỗ
    • Dưới gầm đồ gỗ
    • Đệm
    • Những khu vực thú cưng thường lui tới
  2. Tẩy sạch những dấu chất thải cũ của chó mèo bằng nước tẩy rửa enzyme. Chất thải của thú cưng không được dọn sạch hoặc không phát hiện ra sẽ khiến cả căn nhà bốc mùi. Nhưng nếu có những chỗ chúng mới “đi bậy” gần đây, bạn cần xịt nước tẩy rửa enzyme. Để dung dịch ngấm trong 30 phút, sau đó thấm khô bằng vải sạch.
    • Nước tẩy enzyme rất công hiệu trong việc này nhờ tác dụng phân hủy protein trong nước tiểu, phân, chất nôn và các vết bẩn sinh học khác.[2]
  3. Làm sạch thảm. Việc tẩy rửa các vết bẩn sẽ giúp khử mùi ở từng khu vực, nhưng làm sạch toàn bộ thảm sẽ giúp khử mùi thú cưng còn phảng phất trong cả căn nhà.[3] Bạn có thể dùng chất tẩy rửa dạng bột hoặc hút bụi ướt để làm sạch thảm:
    • Nếu muốn hút bụi khô, bạn hãy rắc chất tẩy rửa dạng bột lên toàn bộ mặt thảm. Chờ ít nhất 30 phút. Hút bụi để loại bỏ chất tẩy, bụi đất và mùi hôi trong thảm.
    • Để hút bụi ướt, bạn hãy rót nước vào bình, thêm vào chút nước tẩy rửa. Ấn cần và hút toàn bộ thảm. Để thảm khô trong ít nhất 24 giờ, sau đó hút bụi lần nữa.
  4. Lau chùi đồ đạc. Đồ đạc trong nhà cũng là nơi lưu lại mùi của thú cưng. Mỗi món đồ có một cách làm sạch tối ưu, nhưng bạn cần kiểm tra hướng dẫn cách làm vệ sinh của món đồ để đảm bảo rằng chúng không cần giặt khô. Nếu nhãn gắn trên món đồ ghi chữ S nghĩa là “không rửa bằng nước”, và chữ X nghĩa là “chỉ giặt khô”.
    • Để làm sạch đồ đạc bọc nệm như ghế xô pha, bạn cần một xô nước ấm và thêm vào nhiều giọt nước rửa bát. Khuấy nước cho nổi bọt. Dùng bàn chải lông mềm nhúng vào bọt xà phòng và cọ toàn bộ bề mặt. Dùng khăn còn hơi ẩm lau sạch và để khô.
    • Để làm sạch da và chất liệu như da, bạn có thể pha dung dịch giấm và nước với tỷ lệ bằng nhau. Nhúng vải vào dung dịch và vắt thật kiệt nước để chỉ còn hơi ẩm. Lau bề mặt vải.[4]
  5. Tắm cho thú cưng. Một điều rất hữu ích là tắm thường xuyên cho chó và chồn sương. Một số loài thú cưng khác thỉnh thoảng cũng cần tắm. Cho thú cưng vào bồn tắm, chậu tắm hoặc xô. Dùng vòi nước hoặc gáo giội ướt lông. Rót dầu tắm lên lông thú cưng và xoa cho nổi bọt. Xả kỹ cho sạch dầu tắm. Dùng khăn lau khô lông.
    • Khi tắm cho thú cưng, bạn cần chú ý đến bàn chân, sau mông và những phần thú cưng có thể lăn lộn vào đâu đó.
    • Không rửa mặt, mắt hoặc tai thú cưng bằng nước và dầu tắm. Dầu tắm lọt vào mắt có thể xót và nước vào tai có thể gây nhiễm nấm men.[5]
  6. Giặt ổ nằm của thú cưng. Một nguồn thường gây mùi hôi trong nhà là ổ nằm của thú cưng.[1] Bạn có thể giặt và khử mùi ổ nằm của chúng bằng cách bỏ vào máy giặt và giặt ở chế độ thường với nước ấm hoặc nóng. Sấy bằng máy sấy.
    • Giường nằm của thú cưng loại lớn có thể có vỏ bọc tháo ra được. Giặt vỏ bọc trong máy giặt. Rắc muối nở lên phần ruột để khử mùi. Dùng máy hút bụi hút hết muối nở trước khi lồng lại vỏ bọc đã giặt sạch.
  7. Làm vệ sinh giường người nằm. Ở những nhà cho phép thú cưng lên giường nằm, việc làm vệ sinh giường cũng rất cần thiết, vì đó cũng là nơi có mùi thú cưng. Tháo vỏ gối, vải trải giường và chăn. Giặt toàn bộ bằng máy giặt. Thêm vào 60 ml giấm để tăng hiệu quả khử mùi.[4] Phơi hoặc sấy khô toàn bộ chăn, gối và vải trải giường.
    • Trong lúc giặt đồ vải, bạn hãy rắc muối nở lên nệm để giúp khử mùi. Dùng máy hút bụi hút hết muối nở trước khi trải lại giường.
  8. Giặt rửa đồ chơi và các phụ kiện của thú cưng. Giặt đồ chơi vải, khăn, dây buộc và vòng cổ trong máy giặt. Sấy bằng máy sấy. Rửa đồ chơi cứng, bát ăn và đồ chơi cao su trong bồn rửa với nước nóng và xà phòng.
    • Có thể bạn không thường nghĩ đến việc giặt các phụ kiện của thú cưng, nhưng những món đồ này có thể có mùi của chúng và lưu lại trong nhà.
  9. Thay cát vệ sinh của thú cưng. Đổ cát đã dùng vào túi rác ni lông. Rửa hộp đựng cát bằng nước và xà phòng. Để tẩy các vết bẩn và khử mùi, bạn có thể rót giấm vào hộp và ngâm trong 30 phút. Dùng bàn chải cọ và xả sạch. Phơi khô.
    • Đổ cát sạch vào hộp khi đã khô hoàn toàn. Bạn cũng có thể rắc thêm muối nở để giúp ngăn ngừa mùi hôi.[1]
  10. Làm vệ sinh chuồng thú nuôi. Với những người nuôi chuột, chuột nhảy, chồn sương, thỏ và các thú nuôi khác trong chuồng có đặt ổ nằm thì chuồng thú nuôi có thể là nguyên nhân gây mùi hôi trong nhà. Khi đó bạn cần cẩn thận đem thú nuôi sang một chỗ an toàn, chẳng hạn như sang chuồng khác. Cách làm vệ sinh chuồng thú nuôi:
    • Lấy hết các vật dụng trong chuồng ra ngoài, vứt bỏ ổ nằm
    • Rửa sạch đồ chơi và bát
    • Rửa đáy chuồng bằng xà phòng và nước
    • Phơi khô chuồng
    • Đặt ổ nằm mới vào chuồng
    • Thay đồ chơi và bát mới
    • Cho thú trở lại chuồng

Khử mùi xung quanh nhà[sửa]

  1. Mở cửa sổ. Cho không khí trong lành tràn vào phòng là cách tốt nhất để loại bỏ mùi khó chịu trong nhà. Vào mùa xuân, mùa hè và mùa thu, bạn nên mở mọi cửa sổ trong nhà để gió thổi không khí trong lành vào nhà và xua mùi hôi từ cửa sổ này qua cửa sổ khác.[6]
    • Vào mùa lạnh, mỗi lần mở một cửa sổ và chỉ mở vài phút để không khí trong nhà thoát ra ngoài.
  2. Sử dụng máy lọc không khí. Máy lọc không khí có màng lọc HEPA là thiết bị lý tưởng để khử mùi trong nhà, vì nó có khả năng lọc vẩy da, lông thú và các nguồn gây mùi hôi khác. Bộ lọc này cũng giảm bụi và các dị ứng nguyên, giúp không khí trong nhà bạn trong lành hơn.
    • Thay bộ lọc cách vài tháng một lần hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất.[3]
  3. Hút mùi bằng các chất khử mùi. Có nhiều loại khử mùi mà bạn có thể dùng để loại bỏ mùi hôi trong nhà. Muối nở và giấm là hai chất thông dụng nhất có tác dụng khử mùi. Bạn có thể xịt xung quanh nhà, trên thảm, giường và bất cứ nơi nào cần khử mùi. Cách tự pha chế chất khử mùi:
    • Rót giấm trắng vào bình xịt. Thêm vào bình 10 giọt tinh dầu mà bạn thích như chanh, oải hương hay va-ni. Xịt giấm quanh nhà.[7]
    • Cho ¼ cốc (60g) muối nở vào bình xịt và đổ đầy nước. Lắc kỹ và xịt tùy ý.[8]
  4. Thanh lọc không khí. Để không khí được trong lành, thơm tho hoặc có mùi dễ chịu, bạn có thể dùng sản phẩm xịt phòng bán sẵn hoặc tự làm. Nếu dùng sản phẩm dạng xịt, gel hoặc dạng cần cắm điện, bạn cần chọn loại có thành phần an toàn cho thú nuôi.[4] Xịt xung quanh nhà để thanh lọc không khí.
    • Bạn cũng có thể tự làm nước thanh lọc không khí bằng cách đổ nước vào xoong, cho thêm vỏ cam chanh và các loại thảo mộc yêu thích. Đun sôi và để liu riu trên bếp cho mùi thơm dễ chịu tỏa khắp nhà.

Ngăn ngừa mùi hôi từ thú nuôi[sửa]

  1. Có thói quen làm vệ sinh thường xuyên. Cách tốt nhất để không có mùi thú nuôi trong nhà là lau dọn thường xuyên, lưu ý chất thải của chúng. Quy trình lau dọn đúng mức bao gồm hút bụi, lau sàn, giặt và lau chùi đồ đạc. Sau đây là cách để có kết quả tốt nhất:[5]
    • Hút bụi mỗi tuần 3 lần
    • Lau sàn cứng mỗi tuần bằng dung dịch giấm và nước
    • Lau chùi đồ đạc mỗi tuần
    • Giặt khi đã đủ mẻ giặt
    • Làm vệ sinh thảm vài tháng một lần
  2. Dọn chất thải của thú nuôi ngay. Dọn chất thải rắn và vứt vào thùng rác. Thấm chất lỏng còn lại. Xịt nước tẩy rửa enzyme và để yên 30 phút. Dùng giẻ lau sạch khu vực đó và để khô.
    • Nước tiểu, phân và chất nôn của thú nuôi là nguyên nhân chính khiến nhà bốc mùi. Để ngăn mùi hôi, bạn cần dọn sạch ngay khi thú nuôi làm bẩn hoặc ngay khi phát hiện ra.[2]
  3. Giặt rửa đồ chơi, ổ nằm và phụ kiện của thú nuôi thường xuyên. Mùi hôi của thú cưng tích tụ theo thời gian, do đó điều quan trọng là chú ý dọn dẹp và giặt rửa. Giặt ổ nằm, đồ chơi bằng vải, dây buộc và vòng cổ bằng máy giặt mỗi tháng một lần. Hàng tháng rửa đồ chơi cứng trong bồn rửa với nước và xà phòng. Rửa bát của thú nuôi hàng tuần với xà phòng và nước.[2]
  4. Làm vệ sinh cho thú cưng. Công việc này bao gồm tắm, bấm móng và đánh răng. Việc thường xuyên chải chuốt cho thú cưng có thể giúp căn nhà của bạn bớt hẳn mùi, vì lông thú, móng chân bẩn và hơi thở hôi của thú nuôi có thể làm bốc mùi trong nhà.
    • Chải lông thú cưng mỗi ngày để loại bỏ lông rụng và bụi đất
    • Đánh răng cho thú cưng ít nhất 3 lần mỗi tuần để giữ vệ sinh răng miệng và giúp chúng có hơi thở thơm tho
    • Tắm cho chó ít nhất mỗi tháng một lần, và tắm nhiều lần hơn với những chú chó có bộ lông đặc biệt nặng mùi[2]
  5. Lau sạch bàn chân thú cưng trước khi chúng vào nhà. Thú nuôi có thể đem đủ thứ mùi hôi vào nhà qua bàn chân của chúng sau khi ra ngoài trời. Để ngăn chăn việc này, bạn có thể để khăn ở cửa ra vào và lau bàn chân thú cưng khi chúng vào nhà. Điều này đặc biệt cần thiết trong những ngày mưa lấm lem bùn đất, hoặc khi thú cưng của bạn lăn lộn vào đâu đó bên ngoài.[8]
  6. Bao phủ đồ đạc bằng vật liệu giặt được. Nếu thú cưng hay nằm trên ghế, xô pha và các đồ đạc khác, bạn nên mua tấm phủ giặt được để phủ lên đồ đạc. Như vậy, bạn chỉ cần tháo tấm phủ khi bắt đầu bốc mùi, bỏ vào máy giặt, và bạn sẽ không phải lo hút bụi hay lau chùi đồ đạc nữa.
    • Bạn cũng có thể mua đồ đạc có chất liệu dễ làm vệ sinh, chẳng hạn như sợi microfiber có tính chất không hút mùi và khó dính bẩn hơn các món đồ có chất liệu thô.[1]
  7. Giữ sạch hộp cát đi vệ sinh của thú cưng. Vứt bỏ chất thải trong hộp hàng ngày để giảm thiểu mùi phân và nước tiểu. Thay cát vệ sinh mỗi tháng. Khi thay cát, nhớ rửa hộp bằng xà phòng và nước. Phơi khô hẳn trước khi cho cát mới vào.[6]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]