Khiến mèo thích bạn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mèo là loại thú cưng phổ biến nhất thế giới. Tuy nhiên, chúng cũng có tính cách rất thất thường, vừa thể hiện tình cảm với bạn xong đã quay ra lẩn tránh hoặc cào bạn. Bằng cách tạo ra một mối quan hệ tích cực với mèo và hiểu hành vi của chúng, bạn có thể khiến mèo thích bạn, thậm chí là rất yêu quý bạn nữa.

Các bước[sửa]

Chăm sóc mèo[sửa]

  1. Chuẩn bị không gian cho mèo. Mèo thích ngủ, ở một mình, chơi đùa và sự sạch sẽ. Chuẩn bị một không gian sạch và thoải mái sẽ giúp mèo thư giãn và dễ dàng chấp nhận bạn với tư cách là người chăm sóc và “bố mẹ” hơn.[1]
    • Bạn hãy chuẩn bị cho mèo cưng một chiếc giường thật êm ái. Bạn có thể mua một chiếc giường đệm cho mèo hoặc tự làm. Mèo thích những chiếc hộp, và làm giường từ hộp với chăn hoặc khăn mềm có thể sẽ rất tuyệt. Hãy cho vào đó quần áo mà bạn mặc khi đi ngủ để giúp mèo quen với mùi của bạn.
    • Hãy đảm bảo mèo luôn có một chậu cát vệ sinh mới và sạch sẽ.[2]
    • Tạo ra một không gian để mèo chơi đùa. Ví dụ, bạn có thể mua cột mài móng hoặc một thùng đồ chơi để mèo nhai và đuổi bắt, đặt chúng ở những nơi mèo dễ tiếp cận trong nhà.[3]
    • Tạo thêm một không gian khác để mèo ăn. Việc này sẽ khuyến khích mèo ăn ở một chỗ riêng và yên tâm rằng đồ ăn của mình luôn ở đúng vị trí.
  2. Cho mèo ăn thường xuyên. Sức khỏe của mèo phụ thuộc một phần vào việc được ăn đồ ăn lành mạnh thường xuyên. Tuy nhiên, bạn có thể sử dụng việc cho ăn để gắn kết với mèo và giúp mèo yêu mình.[4]
    • Xem xét việc cho mèo ăn vào cùng một thời điểm trong ngày để mèo hình thành thói quen và tìm tới bạn mỗi khi tới giờ ăn.[4]
    • Cho mèo ăn xen kẽ giữa đồ ăn đóng hộp dạng ướt, để mèo hấp thụ thêm chất lỏng, và đồ ăn dạng khô. Bạn cũng có thể trộn lẫn chúng hoặc để chúng trong bát ăn riêng.[4]
    • Cho mèo một bát nước sạch. Hàng ngày, luôn đổ đầy nước sạch cho mèo dùng.[4]
    • Nhiều chuyên gia về sức khỏe loài mèo khuyến cáo bạn nên cho mèo ăn vào những thời điểm cố định hơn là cho ăn tự do để tránh hiện tượng mèo thừa cân.[4]
    • Tốt nhất là không cho mèo ăn đồ ăn thừa, những thứ đó có thể khiến mèo đau bụng.[4]
  3. Thưởng đồ ăn vặt cho mèo. Nếu mèo chưa chịu tới gần bạn, hãy để đồ ăn vào lòng bàn tay, gọi tên mèo và để mèo ăn. Việc này sẽ cho mèo thấy rằng mèo có thể tin tưởng bạn và chấp nhận sự hiện diện của bạn.
    • Đừng cho mèo ăn quá nhiều đồ ăn vặt. Những món ăn này thường chứa nhiều đường và có thể khiến mèo tăng cân không lành mạnh. Nếu bạn lo lắng vì việc này, hãy cho mèo ăn một chút đồ ăn đóng hộp.[4]
  4. Dọn dẹp chậu cát cho mèo thường xuyên. Mèo rất chú trọng tới sự sạch sẽ, đặc biệt là với chậu cát của mình.[5] Hãy dọn dẹp chậu cát của mèo hàng ngày, hoặc nhiều hơn nếu cần thiết để giúp mèo vui vẻ và khỏe mạnh.[6]
    • Mua chậu cát mới khi bạn nuôi thêm mèo và đảm bảo là nó có kích cỡ phù hợp với mèo của bạn. Việc này sẽ giảm thiểu nguy cơ mèo không chịu dùng chậu cát vì chậu có mùi của một chú mèo khác.
    • Chậu cát không sạch sẽ khiến mèo sợ và làm hỏng mọi nỗ lực khiến mèo thích bạn.[6]
    • Mèo không lẩn tránh việc dùng chậu cát mà không có lí do gì. Đây là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó không ổn. Hãy xem xét vấn đề là gì và giải quyết càng sớm càng tốt.[6]
    • Những lí do phổ biến nhất khiến mèo không chịu dùng chậu cát là: mèo chưa được triệt sản; mèo không hài lòng về chậu cát, ví dụ như kích cỡ hoặc loạt cát không phù hợp; mèo bị ốm; mèo cảm thấy không yên tâm khi có những chú mèo khác ở quanh; mèo bị căng thẳng bởi một lí do nào đó và phải đánh dấu lãnh địa của mình.[6]
    • Nếu bạn không thể thường xuyên dọn dẹp chậu cát cho mèo, bạn nên đầu tư mua một chậu cát điện tử, nó sẽ tự động dọn sạch cát sau khi mèo đi vệ sinh. Bạn có thể mua sản phẩm này ở các cửa hàng chuyên bán đồ cho thú cưng.
  5. Tăng cường sức khỏe cho mèo. Một chú mèo khỏe mạnh là một chú mèo vui vẻ, như vậy, mèo sẽ đỡ cự tuyệt hoặc ghét bỏ bạn hơn. Ngoài việc thường xuyên cho ăn và dọn chậu cát, hãy để ý các dấu hiệu bị ốm hoặc bệnh và cho mèo đi khám ngay nếu bạn cảm thấy lo lắng.
    • Không dùng chậu cát có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu và bạn nên cho mèo đi khám ngay.
    • Cũng như người, những vấn đề về răng miệng của mèo cũng rất nghiêm trọng và đau đớn. Hãy để ý những dấu hiệu khó khăn khi ăn uống như: ăn ít đi, giảm cân, hoặc chỉ nhai bằng một bên hàm.
    • Mèo cũng cần được dùng vắc-xin thường xuyên để phòng bệnh dại và bệnh sài sốt (bệnh ca-rê). Đặt lịch thăm khám thường xuyên với bác sĩ thú y để cho mèo dùng vắc-xin và kiểm tra sức khỏe tổng quát.

Tận hưởng khoảng thời gian chất lượng với mèo[sửa]

  1. Tương tác với mèo vào lúc thích hợp. Cũng như người, có những lúc mèo cần được ở một mình. Để yên cho mèo liếm láp hoặc ngủ có thể giúp mèo tin tưởng và thích bạn hơn, từ đó gắn bó với bạn hơn.[7]
    • Tránh bế bồng, cưng nựng hoặc chơi đùa với mèo khi mèo đang làm vệ sinh, ăn uống hoặc ngủ. Làm như vậy có thể khiến mèo sợ, căng thẳng, hoặc bực mình, và việc đó sẽ gây ra những phản ứng khó chịu.[8]
  2. Dịu dàng và ân cần. Luôn dịu dàng và ân cần với mèo. Điều này sẽ khiến mèo tin tưởng bạn, muốn tới gần và dành thời gian ở bên bạn.
    • Luôn vuốt ve và nhẹ nhàng bế mèo lên, hãy nhớ rằng mèo nhỏ bé hơn bạn rất nhiều.
    • Đừng vần vò mèo hoặc giật đuôi mèo.
  3. Để mèo tự đến gần bạn. Dù bạn rất muốn thể hiện tình cảm với mèo bằng cách đi theo và bế mèo lên, việc này lại trái với hành vi tự nhiên của mèo. Hãy để mèo tự tới gần bạn bất kì khi nào mèo muốn. Như vậy, mèo sẽ cảm thấy thư giãn và thoải mái khi thu hút sự chú ý của bạn.[9]
    • Bạn có thể dạy mèo để mèo tới gần bạn khi được gọi tên với những phương pháp đơn giản.[10]
    • Đừng bao giờ đuổi theo mèo hoặc nói to. Mèo sẽ sợ hãi, không chỉ vào giây phút đó mà còn cả sau này nữa.
    • Nếu mèo có vẻ không muốn tới gần bạn, hãy dụ mèo bằng đồ ăn vặt hoặc bạc hà mèo.[11]
  4. Chọn tư thế ngang tầm với mèo. Khi bạn ngồi xổm, nằm xuống hoặc quỳ sao cho ngang tầm với mèo, trông bạn sẽ đỡ đáng sợ hơn. Việc này sẽ khiến mèo thoải mái với sự có mặt của bạn và sẽ hình thành một sự gắn bó mật thiết.
    • Có thể bạn sẽ thấy việc nằm xuống sẽ khiến mèo muốn tới gần bạn hơn.
    • Ngồi trên ghế cũng có thể là một cách hay để mèo cảm thấy thoải mái tiếp cận bạn.[2]
    • Vì mèo thích quan sát những động vật nhỏ, bạn có thể nằm hoặc ngồi cạnh cửa sổ, như vậy, mèo sẽ được giải trí và bạn có thể vuốt ve khi mèo đang ngồi quan sát mọi thứ.[2]
  5. Vuốt ve mèo. Mèo rất hay quan sát và có tính cảnh giác cao, vì thế, chúng phải thường xuyên ngẩng cao đầu. Cưng nựng và vuốt ve mèo vì mèo thích sự thư giãn, đồng thời việc này cũng sẽ giúp mèo thích bạn hơn.[12]
    • Bạn có thể gãi cổ cho mèo hoặc bất kì vị trí nào mà mèo thích như lưng, dưới cằm hoặc bụng.
    • Sau một thời gian, bạn sẽ biết mèo thích được vuốt ve ở vị trí nào nhất, và có thể mèo sẽ tự tìm tới bạn để được cưng nựng.
    • Luôn nhẹ nhàng khi cưng nựng mèo.
    • Cưng nựng mèo như một phần thưởng khi mèo làm việc tốt, như đi vệ sinh đúng chỗ. Đôi khi, bạn có thể vỗ về mèo khi đặt bát đồ ăn mới được đổ đầy xuống.
    • Nếu bạn muốn cưng nựng mèo và mèo tỏ ra miễn cưỡng, hãy xòe tay ra và để mèo ngửi tay. Mèo có thể sẽ cọ má vào tay bạn và cảm thấy thích được bạn cưng nựng tại vị trí đó hơn.
    • Nếu mèo thích, hãy để mèo ngủ trên người bạn khi đang được vuốt ve.
  6. Đáp lại tình cảm của mèo. Ngoài sự chăm sóc thông thường, một trong những cách tốt nhất để khiến mèo thích bạn là thể hiện tình cảm. Cưng nựng, vuốt ve và chơi đùa với mèo sẽ hình thành sự gắn kết, tin tưởng và tình yêu. Dưới đây là một số cách mà mèo thường thể hiện tình cảm và cách để bạn đáp lại:
    • Dụi đầu. Đây là cách chào hỏi của mèo. Hành động này sẽ kích thích tuyến dầu ở trước tai mèo và để lại mùi mèo trên người bạn. Nếu mèo dụi đầu vào bạn, hãy nhẹ nhàng dụi lại với mèo.
    • Khoe mông. Mèo có thể sẽ quay mông về phía bạn và vểnh đuôi lên. Điều đó có nghĩa là mèo muốn bạn, bố mẹ của mèo, làm vệ sinh cho nó. Bạn có thể đáp trả bằng cách thổi nhẹ vào mông mèo, mèo sẽ liên hệ việc đó với bạn và cách vệ sinh của bạn.
    • Mài nhẹ móng lên người bạn. Đây là dấu hiệu cho thấy mèo đang hạnh phúc và coi bạn như mẹ. Cứ để mèo làm như vậy để thư giãn và củng cố sự gắn bó.
    • Liếm bạn. Liếm láp là một trong những cách để mèo tạo ra một mùi hương chung trong bầy đàn của chúng. Liếm là cách mèo tuyên bố bạn là của mèo, và sẽ làm khăng khít mối quan hệ giữa hai bên.[12]
  7. Trò chuyện vơi mèo. Quan trọng là mèo phải biết được tên của chúng, vì thế, bạn phải nói chuyện với mèo thường xuyên và nhắc tới tên của mèo. Nếu mèo kêu meo meo với bạn, hãy đáp lời. Việc này sẽ khiến mèo vui vẻ và thích tìm tới bạn khi cần được chú ý.[13]
    • Ví dụ, nếu đã gần tới giờ ăn của mèo và mèo bắt đầu kêu với bạn, bạn có thể hỏi “Mày có đói không Sam?”, và tiếp tục trò chuyện, miễn là mèo vẫn tiếp tục kêu meo meo.
  8. Chơi đùa với mèo. Mèo có bản tính hiếu động và thích chơi đùa để có thể sống vui vẻ và khỏe mạnh. Chơi đùa và cho mèo dùng đồ chơi là một cách để mèo sống vui vẻ và khiến mèo thích bạn hơn.[11]
    • Cho mèo chơi nhiều loại đồ chơi khác nhau, bao gồm những món đồ mèo có thể tự quăng đi, những món đồ cần tới sự tương tác của bạn, và những món đồ cho phép mèo được “săn bắt”.[11] Các cửa hàng bán đồ thú cưng sẽ có rất nhiều chủng loại đồ chơi dành cho mèo.
    • Khi dùng đồ chơi cần tới sự tương tác của bạn, ví dụ như những món đồ cần được vẫy, hãy trò chuyện với mèo và vỗ về khi mèo chơi ngoan.[11]
    • Cho mèo nhiều cơ hội chơi đùa khác. Đặt túi giấy không có phần tay cầm, hoặc nhiều loại hộp quanh nhà để mèo có cơ hội được khám phá.[14]
    • Tạo ra “cây leo trèo cho mèo” gần cửa sổ để mèo có thể ngồi đó ngắm chim, sóc và những động vật nhỏ khác.[14]

Lời khuyên[sửa]

  • Có thể sẽ mất vài ngày thì mèo mới chịu tới gần bạn; đừng nản lòng nếu chuyện đó không xảy ra nhanh như bạn muốn.
  • Nếu bạn bế hoặc ôm mèo, hãy thả tay ra ngay khi mèo muốn. Ôm mèo khi mèo không muốn có thể gây ra sợ hãi. Khi mèo biết rằng bạn sẽ thả ra khi mèo oằn người, mèo sẽ tin tưởng bạn hơn rất nhiều.
  • Nếu mèo cào bạn, hãy rửa vết thương thật kĩ với nước nóng và xà phòng nhẹ.
  • Nếu mèo rít lên với bạn, bạn hãy ra khỏi phòng cho tới khi mèo bình tĩnh trở lại. Nếu bạn cần phải ở lại trong căn phòng đó, đừng nhìn hoặc chạm vào mèo và duy trì khoảng cách phù hợp để mèo thư giãn.
  • Đừng chơi mạnh tay với mèo, việc đó có thể khiến mèo căng thẳng, lo lắng và bất ngờ tấn công bạn.
  • Đừng đánh thức mèo khi mèo đang ngủ.
  • Không tìm cách bế mèo khi mèo không muốn. Việc này có thể khiến mèo cực kì căng thẳng.
  • Hãy thử gãi cằm mèo. Mèo thường rất thích hành động này.

Cảnh báo[sửa]

  • Đồ chơi có dây và lông có thể rất nguy hiểm và đe dọa tính mạng của mèo nếu mèo nuốt phải. Chỉ nên dùng loại đồ chơi này khi bạn có mặt ở đó để kiểm soát và cất đi khi đã chơi xong.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Đồ chơi hoặc đồ ăn vặt yêu thích
  • Đồ ăn cho mèo
  • Cát cho mèo và chậu cát
  • Một chiếc giường

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. https://www.aspca.org/pet-care/virtual-pet-behaviorist/cat-behavior/litter-box-problems
  2. 2,0 2,1 2,2 http://www.humanesociety.org/animals/cats/tips/cat_happy_indoors.html?credit=web_id103701348
  3. https://www.aspca.org/pet-care/virtual-pet-behaviorist/cat-behavior/cat-toys
  4. 4,0 4,1 4,2 4,3 4,4 4,5 4,6 http://www.treehouseanimals.org/site/PageServer?pagename=caring_ccg_feline_nutrition
  5. http://www.humanesociety.org/animals/cats/tips/cat_happy_indoors.html?credit=web_id103701348
  6. 6,0 6,1 6,2 6,3 http://www.humanesociety.org/animals/cats/cat_problem_solver/litter_box.html?credit=web_id103701348
  7. http://www.telegraph.co.uk/news/health/pets-health/11099465/Stressed-cats-need-their-own-space-and-a-gentle-tom.html
  8. http://www.telegraph.co.uk/news/health/pets-health/11099465/Stressed-cats-need-their-own-space-and-a-gentle-tom.html
  9. https://www.aspca.org/pet-care/virtual-pet-behaviorist/cat-behavior/teaching-your-cat-come-when-called
  10. https://www.aspca.org/pet-care/virtual-pet-behaviorist/cat-behavior/teaching-your-cat-come-when-called
  11. 11,0 11,1 11,2 11,3 https://www.aspca.org/pet-care/virtual-pet-behaviorist/cat-behavior/enriching-your-cats-life
  12. 12,0 12,1 http://www.pet360.com/cat/lifestyle/15-sure-fire-ways-to-bond-with-your-cat/dr5tpYiOKUOr4mB9WXchwg
  13. http://www.pet360.com/cat/lifestyle/15-sure-fire-ways-to-bond-with-your-cat/dr5tpYiOKUOr4mB9WXchwg
  14. 14,0 14,1 https://www.aspca.org/pet-care/virtual-pet-behaviorist/cat-behavior/enriching-your-cats-life