Khiến mèo yêu bạn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mèo cần tình yêu và sự quan tâm để có một cuộc sống khỏe mạnh. Nếu được yêu thương và chăm sóc đúng cách, chú mèo của bạn cũng sẽ yêu bạn. Bài viết này sẽ giúp bạn nuôi dưỡng tình cảm với chú mèo cưng của mình.

Các bước[sửa]

Hiểu chú mèo của bạn[sửa]

  1. Đối xử với mèo như một loài vật độc lập. Dù mèo phụ thuộc vào sự chăm sóc của bạn, chúng vẫn có nhu cầu lớn về sự độc lập và không gian riêng tư. Dù mèo rất thích được vuốt ve, chúng thường không thích thú với việc tương tác với con người. Nếu bạn có thể cân bằng giữa việc chơi với mèo và cho chúng thời gian riêng tư, mèo sẽ yêu bạn hơn.
    • Một trong những sai lầm phổ biến của chủ thú cưng là đối xử với mèo như chó. Hãy nhớ, chúng là hai loài động vật rất khác nhau.
    • Chó là nhóm động vật được thuần hóa để làm việc cùng con người. Ngược lại, mèo là loài vật đơn độc, vốn giúp đỡ con người bằng cách một mình loại trừ các loài gặm nhấm có hại.[1]
    • Đừng quá quấn quít với mèo hoặc cảm thấy bực mình khi có lúc chúng trốn bạn. Đó là một phần trong tính cách tự nhiên của chúng.
  2. Tránh sử dụng các hình phạt. Khi mèo bị phạt bằng cách quát tháo hoặc các hành động mạnh bạo khác, chúng sẽ có xu hướng bỏ chạy. Nói chung, mèo không phục tùng chủ thông qua kỉ luật. Mèo sẽ không yêu bạn nếu bạn là một người chủ xấu tính.
    • Đừng bao giờ đánh mèo vì hành động này chỉ khiến mọi chuyện tệ hơn.
    • Dù xịt nước vào mèo để trừng phạt hành vi xấu của nó là một mẹo phổ biến, việc đó sẽ làm mèo sợ và không tin tưởng bạn. [2]
  3. Tìm ra món ăn vặt mà mèo thích. Cũng như con người, có một số món ăn mà mèo thích hơn các món khác. Hãy tìm hiểu đó là món ăn gì, và thay vì trừng phạt, bạn nên dùng món ăn đó để khích lệ những hành vi tốt của mèo. Khẩu vị của những chú mèo là khác nhau, nhưng bánh cá ngừ nhỏ và thịt gà đã nấu chín thường rất khó cưỡng đối với mèo. Thỉnh thoảng thưởng cho mèo sẽ khiến mèo yêu bạn hơn.[2]
    • Không cho mèo uống sữa. Trái với quan niệm phổ biến, thực phẩm từ bơ sữa không tốt cho mèo.
    • Không cho mèo ăn sô cô la, kẹo, trứng sống, thịt hoặc cá sống. [3]
    • Hãy nhớ rằng đồ ăn vặt không thể thay thế một bữa ăn đầy đủ của mèo.
  4. Trân trọng cá tính riêng của mèo. Dù những chú mèo có những đặc điểm hành vi chung, giữa chúng vẫn có nhiều khác biệt đáng kể. Hãy dành thời gian để tìm hiểu chú mèo của bạn thích và không thích gì. Biết được và tôn trọng cá tính của mèo là việc rất quan trọng để giành được tình cảm của chúng.

Giao tiếp với mèo[sửa]

  1. Học và tôn trọng ngôn ngữ cơ thể của mèo. Cũng như con người, mèo sử dụng ngôn ngữ cơ thể như một cách giao tiếp để thể hiện mọi cảm xúc, từ tin tưởng tới sợ hãi. Dáng vẻ của chúng hàm chứa những thông điệp quan trọng. Ví dụ:
    • Lưng cong, lông dựng ngược dọc sống lưng, xòe móng là những dấu hiệu cho thấy mèo đang cảm thấy bị đe dọa. Lúc này, hãy để mèo được yên.
    • Nếu mèo cọ người vào bạn, có thể nó muốn chơi.
    • Nếu mèo quấn đuôi vào bạn, có thể nó đang thể hiện sự hài lòng.
    • Nếu mèo cụp đuôi xuống dưới hoặc giữa hai chân, có thể mèo đang cảm thấy lo lắng hoặc bất an[4]
  2. Lắng nghe tiếng kêu của mèo. Tiếng “rừ rừ” thể hiện tình yêu và sự hài lòng. Tiếng gào và rít lên có nghĩa là hãy tránh xa ra. Tiếng “meo meo” là âm thanh để thu hút sự chú ý, thể hiện mọi cảm xúc từ đói cho tới muốn được vuốt ve.
    • Mèo không kêu meo meo với nhau, chúng làm thế để giao tiếp với con người.
    • Mèo kêu meo meo liên tục có thể cho thấy chúng bị ốm và cần được đưa đi khám [5]
  3. Tránh giao tiếp bằng mắt quá lâu với mèo. Khi giao tiếp với người khác, đây là hành động lịch sự, nhưng đối với mèo thì hành động đó lại mang tính đe dọa. Nếu mèo chớp mắt khi bạn đang ở đó, đó là biểu hiện của sự tin tưởng.
    • Lần sau, khi mèo chớp mắt với bạn, hãy bắt chước hành động đó.
    • Với hành động chớp mắt chậm rãi, bạn đang thể hiện tự tin tưởng và cởi mở, và nuôi dưỡng tình cảm với mèo.[6]
  4. Khi bế mèo lên, hãy cúi xuống bằng độ cao của chúng trước. Từ từ cúi xuống trước khi bế mèo lên. Nếu mèo có thể trông thấy bạn trước khi được bế, chúng sẽ đỡ sợ hơn.

Chăm sóc mèo[sửa]

  1. Giữ cho mèo tránh xa nguy hiểm. Khi mèo được an toàn và bảo vệ, mèo sẽ yêu bạn hơn. Đảm bảo rằng mèo có một nơi an toàn để ngủ, cảm thấy yên tâm khi đi vệ sinh, có thức ăn đầy đủ, không bị người khác hoặc động vật khác trong nhà đe dọa.
    • Đảm bảo rằng mèo không thể tiếp xúc với các chất độc hại.
    • Đóng tủ bếp và tủ đựng đồ, vì mèo là loài vật tò mò và chúng có thể gặp rắc rối.
    • Cho mèo đeo vòng cổ với một chiếc khóa dễ tháo (đề phòng trường hợp mèo bị mắc kẹt), trên đó có ghi thông tin liên hệ trong trường hợp mèo đi lạc.
  2. Cho mèo ăn theo thời gian biểu. Mèo là loài vật sống theo thói quen. Đừng thay đổi thời gian cho mèo ăn quá thường xuyên. Khi mèo làm việc tốt, hãy thưởng đồ ăn cho mèo, nhưng đừng để việc đó ảnh hưởng tới bữa ăn chính. Để mèo yêu bạn hơn, đừng thường xuyên thay đổi loại đồ ăn của chúng.
    • Mèo sẽ hoàn toàn khỏe mạnh khi ăn đồ khô, đồ đóng hộp hoặc kết hợp cả hai. [7]
    • Phần lớn các chuyên gia khuyến nghị không cho mèo ăn quá hai bữa một ngày. Ở các nước phát triển, cứ năm con mèo thì có một con bị béo phì, gây ra những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. [8]
  3. Đừng ngược đãi mèo! Khi bạn rời khỏi nhà, hãy đảm bảo mèo đã có đủ đồ ăn và nước uống sạch. Nếu bạn phải đi xa trong một thời gian dài, đảm bảo rằng sẽ có người trông nom mèo, dọn chậu cát và chơi cùng chúng một chút. Một chú mèo bị ngược đãi sẽ không yêu chủ.
    • Dù mèo là loài động vật độc lập, chúng vẫn cần tới sự chú ý của con người và được vệ sinh thường xuyên.
    • Nếu bạn đi nghỉ xa, hãy thuê người chăm sóc mèo.
  4. Thường xuyên dọn sạch chậu cát cho mèo. Mèo rất thích sự sạch sẽ; nếu chậu cát của chúng bẩn, chúng sẽ tìm một nơi khác để đi vệ sinh. Hãy đổ thêm cát sạch vào chậu hàng ngày. Thường xuyên rửa chậu cát bằng xà phòng và nước. [9]
    • Đừng đột ngột thay đổi loại cát vệ sinh của mèo.
    • Khi bạn muốn đổi sang loại cát mới, hãy từ từ trộn lẫn cát loại cũ và loại mới với nhau.
  5. Thường xuyên chải lông cho mèo. Chúng thích việc đó! Thường xuyên chải lông cho mèo sẽ giúp lông và da của chúng khỏe mạnh Chải lông cũng là một cơ hội tuyệt với để phát hiện ra các khối u, chấy rận hoặc các vết thương. Chải lông còn là một cơ hội để trở nên thân thiết hơn với chú mèo của bạn. [9]
    • Tránh chải ngược chiều mọc của lông mèo, việc này có thể khiến mèo khó chịu và căng thẳng.
    • Luôn chải nhẹ nhàng với những đường chải dài, thay vì chải mạnh tay và ngắn.
  6. Chơi với mèo. Mèo thích những món đồ chơi đơn giản và rẻ tiền -- hãy dùng những món đồ chơi có buộc dây để giả vờ làm chuột. Làm động tác sao cho đồ chơi chuyển động nhanh như chuột hoặc bay bổng như chim. Mèo sẽ hăng hái đuổi bắt món đồ chơi đó. Mèo sẽ rất yêu những người chủ biết chơi với chúng.
    • Khuyến khích mèo vồ đồ chơi, không phải là tay bạn!
  7. Đầu tư mua cột mài móng. Mèo có bản năng mài móng vào các bề mặt trong nhà bạn, ví dụ như đồ nội thất. Tuy nhiên, chúng cũng có thể chỉ thích cào những đồ vật nhất định, đặc biệt là những nơi có bề mặt xù xì như thảm dày hoặc thảm cói. Mèo sẽ yêu bạn hơn nếu chúng có một thứ phù hợp để mài móng trong nhà. [10]
  8. Hãy mua hoặc tự làm “nhà cây” cho mèo, chúng vừa là cột mài móng vừa là sân chơi cho mèo. Mèo sẽ thích trèo và chơi đùa với loại đồ chơi này.
  9. Tận dụng đặc điểm “yêu đồ ăn” của mèo. Rất nhiều mèo thường yêu quý người cho chúng ăn hơn những người khác. Nếu nhà bạn đông người, bạn hãy là người cho mèo ăn. Mèo sẽ quen với điều đó và luôn tìm tới bạn khi đói hoặc khi tới giờ ăn tối.
    • Đường ngắn nhất đi tới trái tim của mèo là qua dạ dày của chúng!

Lời khuyên[sửa]

  • Những việc này đều cần thời gian. Bạn không thể ép buộc mèo phải yêu bạn.
  • Gãi khắp người mèo để tìm ra vị trí chúng thích được vuốt ve nhất.
  • Nhiều chú mèo thích được gãi dưới cằm.
  • Nhận biết được dấu hiệu khi mèo không cần được quan tâm nữa, ví dụ như vuốt ve. Một số dấu hiệu bao gồm: không kêu rừ rừ, nhìn bạn theo một cách nhất định nào đó, hoặc đơn giản là đứng lên và bỏ đi.
  • Hãy để mèo quấn lấy bạn, đừng đẩy chúng xuống khỏi đùi.
  • Cho chúng ăn vặt vài lần một tuần.
  • Nếu mèo không cho bạn bế, đừng cố làm nữa, mèo sẽ càng thêm giận dữ.
  • Khi mèo rít lên, hãy để mèo được yên.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu mèo rít lên hoặc giơ tay ra cào, bạn đừng động vào mèo nữa. Việc đó sẽ khiến mèo giận hơn. Thay vào đó, hãy để mèo yên một lúc và thử lại sau.
  • Một chú mèo bị thương hoặc ốm nặng có thể kêu rừ rừ để tự trấn an. Đây không phải là biểu hiện của sự hài lòng mà là ngược lại. Nếu mèo có biểu hiện không vui rõ rệt hoặc có hành vi tự vệ, nhưng vẫn kêu rừ rừ, có thể bạn nên đưa mèo đi khám.
  • Đừng bao giờ cầm hoặc kéo đuôi mèo, mèo không thích việc này.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]