Kiếm tiền khi mắc chứng ám ảnh sợ xã hội

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Khi mắc chứng ám ảnh sợ xã hội (lo lắng xã hội), kiếm tiền có thể sẽ là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Căng thẳng khi phỏng vấn có thể khiến bạn khó được nhận vào làm và lo lắng khiến duy trì công việc trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là với những vị trí cần nhiều tương tác hay đòi hỏi phải thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng một lúc. Tuy nhiên, người mắc chứng sợ xã hội vẫn có thể thành công rực rỡ trong sự nghiệp, như Bill Gates, Albert Einstein, J.K. Rowling hay Warren Buffett. Để gặt hái được những gì tốt đẹp nhất, bạn cần nỗ lực đối phó với nỗi lo âu của bản thân, chọn loại công việc phù hợp và học cách thể hiện chính mình nhằm tạo ấn tượng tốt với người sử dụng lao động tiềm năng.

Các bước[sửa]

Chọn nghề phù hợp[sửa]

  1. Biết những gì bạn cần khi tìm việc. Nếu mắc chứng lo lắng xã hội, nghề giúp trốn tránh tất cả mọi người không phải là lựa chọn tốt nhất bởi nó sẽ cô lập và do đó, càng làm tăng thêm nỗi sợ của bạn. Thay vì vậy, bạn nên tìm vị trí khiến bản thân phải tiếp xúc hàng ngày với người khác và đồng thời, không tạo quá nhiều sức ép. Hãy tìm công việc:[1][2]
    • Ít căng thẳng - tránh môi trường ngột ngạt và có sức ép lớn, môi trường này sẽ làm tăng thêm tình trạng lo lắng ở bạn.
    • Ít tiếng ồn - tiếng ồn lớn châm ngòi căng thẳng ở nhiều người.
    • Ít sự ngắt quãng - thực hiện quá nhiều việc cùng một lúc là yếu tố châm ngòi thường thấy khác của căng thẳng. Hãy tìm công việc cho phép tập trung vào từng nhiệm vụ.
    • Tương tác có giới hạn với người khác - Dù không muốn một công việc mà bản thân sẽ phải tương tác với người khác trong mọi thời điểm (chẳng hạn như thu ngân hay tổng đài viên), bạn cũng không nên tìm đến một công việc mà ở đó, bản thân bị cô lập. Hãy tìm công việc hướng đến tương tác một-đối-một.
    • Ít dự án nhóm - dự án nhóm không chỉ là tương tác mang tính ép buộc mà nó còn làm gia tăng cảm giác không chắc chắn, một trong những nguyên nhân dẫn đến lo lắng.[3]
  2. Tìm việc cần tính độc lập cao. Viết lách hoặc lập trình là những công việc phù hợp một cách tự nhiên với những người mắc chứng lo âu. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng bạn vẫn có một vài tương tác mỗi ngày. Nếu không, những công việc này có thể khiến nỗi sợ của bạn càng trở nên tồi tệ hơn. Một số công việc tốt, đòi hỏi ít tiếp xúc nhưng vẫn duy trì một vài tương tác gồm:[4]
    • Nhân viên phân tích phòng thí nghiệm
    • Chuyên gia tính toán bảo hiểm / kế toán
    • Phân tích tài chính
    • Thanh tra xây dựng
    • Thiết kế đồ họa
    • Dựng website
    • Nhân viên vệ sinh văn phòng
  3. Tìm việc liên quan đến tương tác một-đối-một. Hầu hết những người mắc chứng ám ảnh sợ xã hội đều cảm thấy dễ dàng hơn nếu chỉ phải tiếp xúc từng người một và không có sức ép về mặt thời gian. Một số công việc thiên về tương tác một-đối-một và không bị ngắt quãng gồm:[2]
    • Gia sư
    • Cố vấn
    • Tư vấn tài chính
    • Kỹ sư điện, thợ sửa ống nước, thợ xây, v.v.
    • Bảo mẫu hay người chăm sóc trẻ
  4. Tìm việc tập trung vào trẻ em, động vật hoặc thiên nhiên. Dường như chăm sóc trẻ là công việc rất căng thẳng. Thế nhưng, nhiều người mắc chứng sợ xã hội cảm thấy thoải mái hơn khi gần trẻ em. Tương tự, làm việc với động vật (bác sĩ thú y hoặc trung tâm chăm sóc động vật) hay thiên nhiên (người làm vườn, ươm giống, khoa học môi trường, kiểm lâm) có thể dễ chịu với người mắc chứng ám ảnh sợ xã hội.[2]

Có được một công việc[sửa]

  1. Thay vì sự lo lắng, hãy tập trung vào khả năng của bạn. Chìa khóa để có được một công việc là tập trung vào những gì bạn có. Nhớ rằng: ứng tuyển cho một vị trí không chỉ là đường một chiều. Bạn cần thuyết phục rằng bản thân là ứng viên tốt cho công việc và đồng thời, nhà tuyển dụng cũng cần được thuyết phục rằng đó là vị trí dành cho bạn.
  2. Đừng cảm thấy có nghĩa vụ phải đề cập đến chứng sợ xã hội. Thư xin việc, hồ sơ và các cuộc phỏng vấn là để thể hiện khả năng của bạn. Không cần đề cập hay xin lỗi vì hội chứng của bản thân. Nhớ rằng: người tĩnh lặng, hay xấu hổ thường được nhìn nhận là đáng tin cậy hơn. Do đó, sự trầm tĩnh thật sự có thể là điểm cộng của bạn trong cuộc phỏng vấn.[3] Tuy vậy, có thể bạn sẽ muốn trao đổi về chứng lo âu nếu:[5]
    • Bạn đang ứng tuyển một nơi chào đón người khuyết tật và khuyến khích sự đa dạng trong lực lượng lao động. Cởi mở với người sử dụng lao động có thể giúp quan hệ giữa bạn với họ trở nên dễ chịu hơn.[6]
    • Bạn tin rằng nhà tuyển dụng sẽ lưu ý và đặt câu hỏi. Nếu vậy, hãy thừa nhận và chuyển nó thành một điều tích cực. Ví dụ: "Hôm nay, tôi có đôi chút căng thẳng. Dù vậy, tôi vẫn muốn gây sức ép cho chính mình để có thể thể hiện thật tốt ngay cả trong tình huống như vậy. Nó là cách tuyệt vời để trưởng thành và tiến bộ".[7]
    • Bạn tin rằng bản thân cần đến sự sắp xếp nào đó để có thể làm việc, chẳng hạn như không gian văn phòng ít gây sao nhãng hơn[8] (Nhà tuyển dụng sẽ không phạt hay trả ít lương hơn vì yêu cầu hợp lý của bạn).[9] Nếu ở Mỹ, để được hưởng quyền lợi từ Luật về Người Khuyết tật Hoa Kỳ, bạn phải công khai với người sử dụng lao động khuyết tật cũng như những sắp xếp cần thiết.[10]
  3. Chuẩn bị cho buổi phỏng vấn xin việc. Bài thuốc tốt nhất để đối phó với tình trạng lo lắng trong suốt buổi phỏng vấn chính là đảm bảo bản thân đã có sự chuẩn bị kỹ càng. Nhờ đó, khi ý nghĩ tiêu cực xuất hiện - Mình lo lắng quá… Mình sẽ làm hỏng mất - hãy dừng lại và tự nhắc nhở rằng bạn đã chuẩn bị rất tốt.[7]
    • Sẵn sàng đề cập đến thời gian ngắt quãng trong hồ sơ của bạn, ví dụ như: "Đúng vậy, tôi đã làm vài việc bán thời gian và rồi nhận ra rằng bản thân cần cải thiện thêm nhiều kỹ năng khác nữa. Do đó, tôi đã tham gia thêm các khóa đào tạo". Bạn cũng có thể trao đổi về những điều đã gặt hái được trong thời gian đổi công việc, chẳng hạn như trình độ học vấn.
    • Sẵn sàng trả lời những câu hỏi thường gặp: Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì? Bạn thấy mình ở đâu trong vòng năm năm tới? Bạn hứng thú với vị trí này ở điểm nào? Vì sao bạn rời khỏi công việc hiện tại/ trước đây?[11]
    • Trình bày trả lời dưới dạng những câu chuyện ngắn. Bạn nên có khả năng kể một câu chuyện hấp dẫn về con đường sự nghiệp hoặc những kỹ năng cụ thể đã học được. Luôn đưa ví dụ cụ thể từ tình huống công việc thực tế nhằm làm tăng sức thuyết phục cho bất kỳ tuyên bố nào của bạn.[12]
  4. Xây dựng mối quan hệ. Nghiên cứu chỉ ra rằng xin việc thông qua giới thiệu hiệu quả hơn từ 5 đến 10 lần so với ứng tuyển trực tiếp vào một công ty. Dù vậy, duy trì các mối quan hệ có thể đặc biệt khó khăn với người mắc chứng sợ xã hội. Dưới đây là một vài mẹo giúp bạn xây dựng mạng lưới của chính mình:
    • Dùng LinkedIn. Liên kết với người có thể giúp bạn và đảm bảo hồ sơ luôn được cập nhật.
    • Sắp xếp. Trong excel, tạo trang thông tin liên lạc của người bạn tôn trọng và muốn làm việc cùng. Ở đây, chất lượng quan trọng hơn số lượng.[13]
    • Lên kế hoạch cho những việc làm tiếp theo. Đặt lịch nhắc việc giữ liên lạc với họ. Không nhất thiết phải là điều gì to tát. Đó có thể chỉ là một email đơn giản nhằm hỏi thăm tình hình hiện tại và thể hiện rằng bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ nếu họ cần đến bạn.[13]
    • Giữ liên lạc bằng những cách sáng tạo. Theo dõi các đầu mối liên hệ trên LinkedIn. Nếu họ được thăng chức hoặc có một công việc mới, hãy chúc mừng. Nếu đọc được một bài báo hay trang viết mới mà có thể họ sẽ thích, hãy gửi chúng. Nếu có sở thích chung, hãy chia sẻ bài viết về sở thích đó.[14]
    • Nói cảm ơn. Đừng quên cảm ơn khi nhận được lời khuyên và nó giúp ích cho bạn. Thái độ biết ơn sẽ luôn đem lại thành công.

Đối phó với chứng lô âu xã hội[sửa]

  1. Trao đổi với bác sĩ chuyên khoa. Liệu pháp nhận thức – hành vi đã cho thấy hiệu quả cao trong điều trị ám ảnh sợ xã hội. Bác sĩ chuyên khoa có thể giúp bạn nhận diện nỗi sợ hãi, hướng dẫn mẹo thư giãn nhằm đối phó với chúng và giúp bạn vượt qua lo lắng, sợ hãi bằng cách từng bước đối đầu. Với những trường hợp nghiêm trọng, thuốc chống trầm cảm có thể sẽ được kê đơn nhằm làm giảm mức lo lắng và giúp liệu pháp điều trị được hiệu quả hơn. Nếu bị ám ảnh sợ xã hội, liên hệ với bác sĩ chuyên khoa là một trong những điều đầu tiên nên làm.[15]
  2. Học kỹ thuật đối phó với chứng sợ xã hội. Mọi người ai cũng có cảm giác lo lắng, bất an. Đó là phản ứng tự nhiên của cơ thể trước căng thẳng hay nguy hiểm. Phản ứng quá mức phát triển ở một số người, do di truyền hay tác động của môi trường. May mắn là nhiều chiến thuật đã được chứng minh là có thể giúp bạn kiểm soát sự lo lắng đó.[16]
  3. Đi làm sớm. Đến nơi làm việc sớm cho phép bạn thích nghi và chuẩn bị tốt cho cả ngày. Nhiều khả năng bạn cũng sẽ có thể gặp gỡ từng người một, khi họ lần lượt xuất hiện, thay vì vào văn phòng khi tất cả đều đã có mặt.[17]
  4. Ghi lại và đánh giá suy nghĩ của bạn. Ám ảnh sợ xã hội xuất phát từ nỗi sợ bị phóng đại: Mọi người đều đang nhìn tôi… Nó sẽ trở thành một thảm họa… Tôi sẽ như đứa ngốc. Viết ra giúp bạn xác định và loại bỏ những thổi phồng đó và thay thế bằng kỳ vọng mang tính thực tế.
    • Ví dụ, nếu chuẩn bị thuyết trình, có thể bạn lo lắng nó sẽ trở nên tồi tệ, bạn có vẻ quá căng thẳng và sẽ không ai lắng nghe,… Thay thế chúng với những suy nghĩ thực tế hơn: Mình đã chuẩn bị kỹ càng và có một bài thuyết trình thuyết phục. Nếu mọi chuyện không đi đúng hướng thì đâu cũng còn có đó, chẳng phải tận thế gì.
  5. Xem đó là tâm trạng phấn khích thay vì lo lắng. Tăng nhịp tim và nhịp thở, tỉnh táo cao độ và xu hướng ra mồ hôi – những dấu hiệu lo lắng này gần như cũng chính là biểu hiện của phấn khích. Dù dường như việc này không có gì to tát nhưng cách nhìn nhận của bản thân là thật sự quan trọng. Thay vì cho rằng mình đang lo lắng, hãy xem đó là vui vẻ, phấn khích. Nhờ đó, sự tự tin sẽ thế chỗ cho sợ hãi.
  6. Tập hít thở sâu. Hít thở sâu và đều đặn giúp cơ thể bình tĩnh lại: giảm nhịp tim, áp suất máu và căng cơ.[18] Hãy tập những kỹ thuật hít thở này tại nhà để có thể sử dụng ngay khi cần đến chúng để đẩy lùi lo âu:
    • Hít thở chậm - Hít vào và đếm đến 4, giữ từ 1 đến 2 giây và thở ra cũng đếm đến 4. Nó sẽ giúp hệ thần kinh được dịu bớt.[19][20]
    • Hít thở Kháng cự – Tạo cản trở khi thở ra có tác dụng giúp bạn bình tâm. Có thể làm điều này bằng cách thở ra bằng mũi, chụm môi khi thở ra (như thể bạn đang thổi không khí) hay tạo âm thanh khi đang thở (như "ừm" hay "tĩnh").[19]
  7. Hướng sự tập trung ra bên ngoài. Lo lắng leo thang khi bạn tự quan sát bản thân: Mình không đủ thuyết phục. Tay mình đầy mồ hôi. Mình lo lắng quá. Đây sẽ là một thảm họa. Chuyển hướng và tập trung vào những điều xung quanh có thể sẽ giúp được bạn. Làm vậy, bạn không chỉ dời sự chú ý khỏi chính mình mà còn buộc bản thân tập trung vào hiện tại thay vì lo lắng cho những điều chưa diễn ra.[21]
    • Mô tả những vật thể quanh bạn - Tập trung vào môi trường xung quanh: tấm thảm, bức tường, nội thất. Mô tả chi tiết, ví dụ như cái bàn này làm bằng gỗ, rất chắc chắn với lớp phủ tối màu. Đôi khi, chạm tay vào vật thể được miêu tả sẽ hữu ích.[22]
    • Tập trung vào những người quanh bạn - Lắng nghe những gì họ nói. Nghiên cứu phong cách hay quần áo của họ.[22]
  8. Chấp nhận sự không thoải mái. Dù nắm vững vô số chiến thuật đối phó, sự thật là đôi khi, bạn vẫn có thể cảm thấy lo lắng, bất an. Điều đó hoàn toàn ổn. Nó có thể đến với bất kỳ ai. Đôi khi, bạn buộc phải chấp nhận sự không thoải mái để có thể làm gì đó đáng giá. Tập trung vào lý do vì sao bạn làm điều đó. Ví dụ: "Dù khiến mình lo lắng nhưng nó đáng để có được công việc này" hoặc "Dù khiến mình lo lắng nhưng nó đáng để có thể tiến xa hơn trong sự nghiệp".[16]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://sociableintrovert.com/get-the-right-job.html
  2. 2,0 2,1 2,2 http://www.healthyplace.com/blogs/treatinganxiety/2015/05/top-10-anxiety-friendly-jobs/
  3. 3,0 3,1 http://www.fastcocreate.com/3018832/so-youre-an-introvert-heres-some-career-advice
  4. http://www.skilledup.com/articles/200-best-jobs-for-introverts
  5. http://www.pathemployment.com/looking-for-a-job-when-you-have-an-aniexty-disorder/
  6. http://cpr.bu.edu/resources/reasonable-accommodations/disclosing-your-disability
  7. 7,0 7,1 https://www.psychologytoday.com/blog/shyness-is-nice/201304/job-hunting-tips-people-anxiety
  8. http://www.adaa.org/managing-stress-anxiety-in-workplace/anxiety-disorders-in-workplace
  9. http://www.eeoc.gov/facts/ada18.html
  10. http://www.dol.gov/odep/pubs/fact/ydw.htm
  11. http://money.usnews.com/money/blogs/outside-voices-careers/2011/01/24/the-10-most-common-job-interview-questions
  12. https://www.linkedin.com/pulse/20130911212503-15454-10-things-job-seekers-must-do-to-get-a-better-job
  13. 13,0 13,1 http://www.thesimpledollar.com/maintaining-professional-bridges/
  14. http://www.itworld.com/article/2724674/careers/10-ways-to-maintain-your-professional-connections.html
  15. http://psychcentral.com/lib/social-anxiety-disorder-treatment/
  16. 16,0 16,1 https://www.psychologytoday.com/blog/shyness-is-nice/201305/must-have-coping-strategies-social-anxiety
  17. http://overcomingsocialanxiety.com/how-to-manage-social-anxiety-at-work/
  18. http://www.anxieties.com/57/panic-step4#.VmM-f2CFE3Q
  19. 19,0 19,1 http://psychcentral.com/blog/archives/2013/07/22/reduce-your-anxiety-this-minute-3-different-types-of-deep-breathing/
  20. http://www.anxietybc.com/sites/default/files/CalmBreathing.pdf
  21. https://socialanxietyinstitute.org/focus-externally
  22. 22,0 22,1 https://www.psychologytoday.com/blog/living-the-questions/201302/3-tricks-stop-anxiety-now

Liên kết đến đây