Kiểm tra mức nước trong bình ắc quy xe hơi

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Việc thường xuyên kiểm tra mức nước điện phân của ắc quy xe hơi là rất quan trọng (đây thật sự không chỉ là nước đơn thuần thường) vì hai lý do: thứ nhất, dung dịch này sẽ bay hơi một cách tự nhiên theo thời gian và thứ hai, mỗi lần ắc quy được sạc, một lượng nhỏ dung dịch sẽ bị điện phân thành hydro và oxy. Biết cách kiểm tra và thay thế nước trong ắc quy một cách an toàn là phần quan trọng của bảo dưỡng xe hơi. Hãy bắt đầu từ Bước 1 để có những hướng dẫn chi tiết về việc kiểm tra mức nước ắc quy xe hơi và đồng thời, đảm bảo an toàn cho cả người và xe.

Các bước[sửa]

Lau chùi và mở nắp bình ắc quy[sửa]

  1. Nhận biết vị trí bình ắc quy. Trong hầu hết trường hợp, bạn chỉ việc mở nắp capô là có thể thao tác với bình ắc quy.
    • Một số bình ắc quy nằm thấp hơn trong ngăn động cơ, sau thanh chắn bảo vệ và trước bánh trước của xe. Đôi khi, ắc quy được tiếp cận từ bên dưới và cần lấy ra để tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng.
    • Hầu hết ắc quy của BMW, Mercedes Benz và một vài hãng khác nằm trong cốp xe, ở một khoang riêng biệt.
    • Bình ắc quy cũng có thể nằm dưới ghế sau, như trường hợp của một số xe Cadillacs.
  2. Lau chùi. Trước khi tiến hành kiểm tra mức nước ắc quy, cần lau chùi sạch sẽ mặt trên ắc quy và xung quanh các cực. Điều này rất quan trọng để tránh không cho các vật thể bên ngoài rơi vào các ngăn khi mở bình. Và đồng thời, bề mặt sạch sẽ góp phần làm giảm hay ngăn chặn hiện tượng ăn mòn ở những kết cấu kim loại gần đó.
    • Để làm sạch bụi bẩn thông thường và chỗ gỉ nhỏ, hãy sử dụng một ít nước lau cửa kính có gốc ammoniac. Xịt nước vào giẻ lau - không xịt trực tiếp vào bình ắc quy, và lau sạch mọi vết bẩn. Khăn giấy cũng có thể sử dụng, miễn là chúng được thay mới ngay khi bắt đầu rã ra.
    • Những vết gỉ nặng có thể được làm sạch nhờ hỗn hợp nước và muối nở. Tương tự, hãy thấm ướt giẻ và lau, đừng đổ trực tiếp lên bình. Đôi khi, bạn sẽ phải thấm giẻ và chùi nhiều lần. Cuối cùng, dùng nước lau kính để lau sạch dung dịch muối nở này. Để sót muối nở ở phía ngoài ắc quy sẽ làm tăng tốc độ bị ăn mòn ở các cực và kết cấu kim loại gần đó trong tương lai.
    • Đừng lơ là: hãy luôn đảm bảo chắc chắn là nắp bình đậy kỹ trong khi lau chùi. Không được để dung dịch tẩy rửa nhỏ hay chảy vào trong bình.
    • Chú ý: Nếu muốn, bạn có thể tháo bình ắc quy ra khỏi xe trước khi lau chùi, bảo dưỡng và lắp lại sau. Nhờ đó, mọi việc có thể sẽ an toàn hơn, nhất là khi bình ắc quy không nằm ở vị trí thuận tiện cho việc thao tác. Tuy nhiên, khi đó, sẽ phải khởi động lại một vài hoặc toàn bộ thiết bị điện tử trên xe (đồng hồ, thiết lập kênh radio, v.v.). Đồng thời, thường thì khi không cần tháo bình, bạn sẽ tiết kiệm được lượng thời gian đáng kể.
    • Chúng ta cũng có thể tháo hẳn các cực khỏi ắc quy và nhúng vào cốc nước thật nóng. Nước nóng có thể đánh tan gỉ sét và làm sạch bề mặt các cực. Hãy đảm bảo rằng chúng đã hoàn toàn khô khi được lắp lại.
  3. Mở nắp bình. Ở mặt trên của ắc quy thường có hai nắp đậy hình chữ nhật được dùng để bịt kín miệng ngăn, có thể được mở bằng cách dùng dao nhựa nhỏ hoặc tua vít cạy nhẹ. Nếu nắp đậy không lỏng ngay, hãy từ từ cạy dần vài chỗ quanh nắp.
    • Một số bình ắc quy có sáu nắp tròn riêng biệt thay vì như trên và có thể mở bằng cách vặn ngược chiều kim đồng hồ rồi kéo ra.
    • Nếu trên nắp bình có ghi “không cần bảo dưỡng” thì bình này không được thiết kế cho việc mở nắp. Các nhà sản xuất khuyến cáo rằng không thể thêm nước cho loại bình này, chỉ đơn giản là chúng cần được thay thế khi không còn hoạt động tốt.
  4. Tiếp tục lau chùi nếu cần thiết. Mở nắp có thể giúp ta phát hiện thêm vết bẩn ở mặt trên của bình. Hãy tiếp tục lau chùi bằng giẻ được thấm nước lau kính.
    • Lúc này, đừng dùng muối nở. Hãy sử dụng một lượng nhỏ nước lau kính và thật cẩn thận để không thứ gì (nước rửa, chất bẩn, cách mảnh khăn giấy, v.v.) có thể rơi vào miệng bình.
    • Không nên nóng vội bỏ qua bước này – duy trì tính sạch sẽ cho mặt trên ắc quy sẽ làm giảm gỉ sét về sau. Đây là thao tác quan trọng trong bảo dưỡng ắc quy, giúp duy trì kết nối hoàn chỉnh giữa các bộ phận.

Kiểm tra mực nước trong ắc quy[sửa]

  1. So sánh mực nước giữa các ngăn của bình. Bằng cách nhìn xuống từng ngăn qua miệng bình, bạn có thể thấy mức dung dịch điện phân có bên trong. Thông thường, lượng dung dịch là đồng nhất giữa các ngăn.
    • Trong trường hợp ngược lại, đó có thể là do trước đó, một ngăn vô tình được cho vào quá nhiều. Trường hợp này có thể dễ dàng điều chỉnh nhờ chêm nước tại thời điểm mức dung dịch trong ngăn đó đã được dùng bớt và về ngưỡng thông thường.
    • Nếu giữa các ngăn có sự chênh lệch quá lớn, cũng có thể ắc quy bị rò nước hay vỏ bình bị nứt đôi chút. Trong trường hợp này, bạn cần thay bình mới. Nếu không tìm được chỗ rò, hãy thêm nước đến mức an toàn cao nhất: chỉ dùng nước cất và kiểm tra lại vài tuần sau đó xem mực nước có còn đồng nhất giữa các ngăn.
  2. Nhận biết liệu dung dịch điện phân có đang ở mức thấp hay không. Mực nước được coi là quá thấp nếu chúng không ngập hết bản cực kim loại. Khi bản cực không hoàn toàn chìm trong nước điện phân, bình ắc quy sẽ không thể hoạt động hết công suất.
    • Khi tiếp xúc với không khí, việc bản cực bị phá hủy chỉ còn là vấn đề thời gian.
    • Nếu mực nước điện phân chỉ thấp hơn chừng 1cm so với phần cao nhất của bản cực, thêm nước vừa đủ để ngập kín bản cực có thể giúp ắc quy hoạt động trở lại mặc dù hiệu suất sẽ giảm một chút (hướng dẫn thêm nước được trình bày ở Phần 3 của bài viết này). Nếu vẫn không thành công, bạn cần xem xét việc thay bình.
    • Mực nước điện phân thấp có thể là do nguồn sạc quá lớn. Vì vậy, nếu rơi vào trường hợp này, bạn nên xem xét kiểm tra lại bộ phận phát điện của xe.
  3. Nhận biết đâu là mực nước điện phân bình thường. Thông thường, nước điện phân thấp hơn phần đáy của ống chêm (kéo dài từ miệng bình) khoảng 3mm hay cao hơn phần trên của bản cực khoảng 1 cm.
    • Trong trường hợp này, có thể không cần phải chêm nước ngay. Chỉ cần đóng nắp bình và kiểm tra lại sau ba tháng.
  4. Nhận biết nếu nước điện phân ở mức tối đa. Ngưỡng cao nhất trong khoảng an toàn là chạm vào phần dưới của ống chêm.
    • Hầu hết ống chêm đều có hai đường khấc (ren) nhỏ ở bên, gần phần dưới. Hai đường khấc này có tác dụng làm mặt nước hơi khum lên để mắt thường có thể dễ dàng nhận biết thời điểm mực nước chạm mép dưới của ống. Trái lại, khi nước còn thấp hơn, mặt khum này sẽ không xuất hiện.
    • Cơ cấu tạo ra mặt khum của chất lỏng được thiết kế để báo hiệu dừng chêm nước. Có thể bạn sẽ cần đến đèn pin để quan sát mực nước và phát hiện mặt khum rõ ràng hơn.
  5. Lưu ý rằng đây là mức nước chỉ dành cho ắc quy axit chì ở xe hơi. Hãy luôn tuân thủ chỉ dẫn của nhà cung cấp hay hãng sản xuất ắc quy nếu chúng mâu thuẫn với thông tin trong bài viết này.
    • Cũng cần biết rằng ắc quy dành cho xe đánh gôn, máy lau nhà và đặc biệt là các loại bình nickel cadmium có thể sẽ yêu cầu mức nước điện phân khác biệt.

Điều chỉnh mực nước điện phân[sửa]

  1. Chỉ dùng nước cất để chêm vào các ngăn của ắc quy. Nước cất có thể mua ở các cửa hàng tạp hóa. Nếu mực nước điện phân thấp (để lộ bản cực), hãy chêm nước vào từng ngăn, chỉ vừa đủ để làm ngập các bản cực. Sau đó, dùng bộ sạc để sạc đầy ắc quy hoặc chỉ việc chạy xe vài ngày, ắc quy sẽ tự động được sạc bằng dòng điện từ xe. Chỉ thêm nước đến mức tối đa trong khoảng an toàn, tức là vừa chạm đầu dưới ống chêm, nếu ắc quy đã được sạc đầy.
    • Để đảm bảo chính xác lượng nước được chêm vào sau cùng, hãy dùng một cái phễu sạch, bình nước thể thao, ống bơm, v.v. Cần thật sự cẩn thận, đừng để bất kỳ chất bẩn hoặc dung dịch tẩy rửa nào lọt vào trong ngăn bình.
    • Sử dụng nước máy, nước lọc hay bất kỳ loại nước khác thay vì nước cất sẽ khiến các loại muối khoáng và hóa chất (ví dụ như clo trong hệ thống nước máy thành phố) cũng như cặn bẩn khác thâm nhập và làm giảm tuổi thọ của ắc quy.[1]
  2. Nếu ắc quy gần hết điện hay chết hẳn, tránh chêm nước đến mức đầy bình. Nếu buộc phải thêm nước, tốt nhất là chỉ chêm đủ để ngập các bản cực (hoặc không chêm gì nếu đã nằm ở mức thông thường).
    • Khi sạc lại một bình ắc quy gần hết điện hay chết hẳn, mực nước điện phân sẽ dâng lên và do đó, cần chừa lại một khoảng đủ rộng (không cần nếu ắc quy đã đầy điện trước khi chêm nước).
    • Mực nước điện phân cũng có thể dâng cao khi bình ắc quy nóng lên.
  3. Lau sạch nước rơi vãi hoặc tràn ra ngoài và đóng nắp bình lại. Hãy chắc chắn rằng mọi thứ đã được lau chùi sạch sẽ và lắp nắp sạch vào bình.
    • Nếu vô tình chêm nước hơi quá nhưng vẫn chưa đến mức tràn ra ngoài, tốt nhất là chỉ việc dừng thêm nước và đóng bình. Nếu đổ tràn ra ngoài bề mặt ắc quy, đừng quên đây là axit: tránh để nó tiếp xúc với da hay quần áo.
    • Làm sạch bằng cách dùng giẻ lau hoặc khăn giấy gạt nước ra. Tránh để giẻ hoặc giấy quá ướt và dây ra các bộ phận khác của xe hay bất kỳ vật gì. Vò giẻ và khăn giấy trong xô nước. Nhớ đeo găng tay, đừng để nước này dính vào tay của bạn.
    • Xong việc, hãy vứt giẻ đã vò sạch hoặc khăn giấy vào thùng rác. Đổ nước vào cống nước thải, chú ý tránh không cho nước chảy lênh láng khắp sàn. Làm vậy bạn sẽ tránh được việc axit bám vào những thứ khác. Cuối cùng, chùi sạch tất cả những gì đã tiếp xúc với nước điện phân bằng giẻ nhúng nước rửa kính.
    • Nếu lỡ chêm quá tay, kiểm tra bằng mắt hàng tuần trong vòng một tháng để xem nước có tràn ra hay không và lau sạch như chỉ dẫn ở trên.
    • Lượng axit sunfuric thất thoát khỏi ắc quy do vô tình làm tràn nước có thể chỉ là một lượng nhỏ và không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của bình. Tốt nhất là bạn không nên thử thêm axit để bù lại (thừa axit sẽ làm ắc quy giảm tuổi thọ nhanh hơn thiếu axit).

Thực hiện biện pháp an toàn cần thiết[sửa]

  1. Bảo vệ mắt bằng kính bảo hiểm. Nước điện phân trong bình ắc quy là dung dịch axit sunfuric: việc không để nước vào mắt là cực kỳ quan trọng vì nó có thể gây tổn thương nghiêm trọng, thậm chí mù lòa.[2]
    • Kính áp tròng không bảo vệ mắt và có thể gây phiền toái trong trường hợp tai nạn. Kính mắt thông thường cũng không đủ để bảo vệ mắt vì thiếu che chắn ở mặt bên.
    • Do vậy, việc đeo kính bảo hiểm là thiết yếu. Có thể mua chúng tại các cửa hàng bán linh kiện, phụ tùng.
  2. Bảo vệ tay bằng găng dùng một lần. Hãy chọn loại găng tay có khả nãng chống chịu lại axit sunfuric ít nhất là trong vài phút. Loại găng này có thể tìm thấy tại các cửa hàng bán linh kiện, phụ tùng.
    • Găng tay cao su thô (latex) hoặc nhựa vinyl không thể chịu axit lâu. Nếu dùng chúng, hãy thay ngay khi phát hiện ra có nước điện phân bám vào. Nếu để lâu, nước điện phân có thể thâm nhập vào trong găng và làm bỏng tay.
    • Găng cao su tổng hợp (neoprene) có thể bảo vệ tay trong một giờ hoặc nhiều hơn nhưng lại khó mua được từ cửa hàng phụ tùng thông thường. Nitrile khác với cao su tổng hợp. Nitrile kháng axit sunfuric còn kém hơn cả cao su tự nhiên (latex) và không nên sử dụng.
  3. Bảo vệ da. Hãy mặc đồ cũ với áo dài tay, quần dài và giày kín để che chắn càng nhiều càng tốt. Nếu nước điện phân té vào quần áo, sợi vải sẽ mục nát trong một, hai tuần, để lại lỗ thủng. Vì vậy, bạn nên mặc quần áo cũ để có thể vứt bỏ mà không phí.
  4. Cần biết phải làm gì khi nước điện phân rơi vào da. Nếu nước điện phân dính vào da, hãy rửa bằng vòi nước và xà phòng ngay lập tức.
    • Nếu có cảm giác bỏng hoặc ngứa da, có thể là nước điện phân đã rơi vào da của bạn. Chỉ một giọt cũng đã có thể gây bỏng.
    • Có thể lúc đầu bạn không thấy bất kỳ nốt đỏ hoặc vết thương nào và khi phát hiện thì đã muộn. Do vậy, nếu nghi ngờ nước điện phân dính vào da, đừng lưỡng lự mà hãy tạm ngừng công việc và rửa lại ngay lập tức.
    • Vứt bỏ toàn bộ găng tay, giẻ lau đã được dùng khi xong việc. Để chúng tiếp xúc với các vật liệu khác có thể sẽ dẫn đến tổn hại, hư hao.

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu không biết phải làm gì, hãy nhờ đến thợ cơ khí. Hầu hết các trung tâm sửa chữa ô tô có thể làm miễn phí cho bạn.
  • Chú ý giữ và lau sạch góc làm việc khi bảo dưỡng ắc quy.
  • Đừng mở nắp bình khi xe đang chạy.
  • Đảm bảo rằng mắt bạn đã được bảo vệ. Axit trong ắc quy có thể làm mù mắt và có tính ăn mòn cao.
  • Đeo kính bảo hộ khi kiểm tra và chêm nước cho ắc quy.
  • Hãy dùng một con dao nhựa nhỏ (bề rộng khoảng 2,5 cm) để cạy nắp bình. Loại dao này có thể tìm thấy ở các cửa hàng phụ tùng hoặc cửa hàng sơn. Nếu không, có thể dùng một tua vít có tay cầm cách điện nhưng khi cạy, cần đề phòng không vô ý chạm vào phần kim loại của tua vít hay bất kỳ vật kim loại nào khác. Điều này có thể tạo ra tia lửa điện và làm cháy khí hydro trong bình ắc quy.
  • Lau bình ắc quy. Các vết bẩn sẽ giữ hơi ẩm và trở thành chất dẫn điện, nhất là vết bẩn ám hơi axit bay ra từ bình. Dòng điện chạy ra mặt ngoài ắc quy thông qua các vết bẩn đẩy nhanh quá trình ăn mòn của kim loại gần đó.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Kính mắt bảo hộ
  • Găng tay. Tốt nhất là găng cao su tổng hợp (neoprene). Cao su tự nhiên (latex) hay nhựa Vinyl cũng có thể sử dụng được. Nitrile không thể kháng axit từ bình ắc quy.
  • Giẻ lau hoặc khăn giấy
  • Nước cất
  • Bình nước thể thao, ống bơm hoặc phễu.
  • Dung dịch rửa kính có gốc ammoniac
  • Muối nở (tùy chọn - trong trường hợp các cực của ắc quy bị ăn mòn nhiều)
  • Dao nhựa dẹt rộng 2,5 cm (tùy chọn) để cạy nắp bình ắc quy hoặc cẩn thận dùng tua vít có tay cầm cách điện.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]