Làm sạch nước

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Khi nước dùng để uống có khả năng nhiễm ký sinh trùng hay vi khuẩn, bạn không thể tiết kiệm mà bỏ qua việc làm sạch nước. Trong tình huống bắt buộc phải dùng nước nghi ngờ nhiễm bẩn (khi ở nơi hoang dã, sống sót sau một thảm họa, hoặc sống ở nơi không có nước sạch), chắc hẳn là bạn không muốn ngã bệnh vì nó. Hãy đọc kỹ những hướng dẫn sau đây để biết cách tự làm sạch nước.

Các bước[sửa]

Đun sôi Nước[sửa]

  1. Cho nước muốn làm sạch vào nồi. Đặt nồi lên bếp và vặn to lửa. Khi nước sôi, toàn bộ vi khuẩn có thể sống trong nước sẽ bị tiêu diệt, như vậy việc này làm giảm khả năng nhiễm bệnh của bạn do uống nước không sạch.[1]
    • Nếu đang ở nơi hoang dã, bạn hãy làm một bếp lửa để đặt nồi lên. Nếu không có nồi, bạn có thể dùng bất cứ thứ gì có thể đựng nước và chịu được lửa.
  2. Đun nước cho sôi kỹ. Khi bong bóng bắt đầu nổi lên nghĩa là nước bắt đầu sôi, nhưng bạn cứ tiếp tục đun cho đến khi nước sôi sùng sục rồi bắt đầu tính giờ. Tiếp tục đun thêm khoảng 5-10 phút nữa, cộng thêm 1 phút cho mỗi 300m độ cao trên mực nước biển cho đến 5.500m (ở độ cao đó việc đun sôi không có tác dụng), để có hiệu quả tốt nhất trong việc tiêu diệt vi khuẩn và các loài vi sinh vật khác.[2]
    • Đun sôi nước trong vòng 1 đến 5 phút là đủ để làm sạch nước.[3] Làm như vậy là bạn đã tiêu diệt được phần lớn sinh vật sống trong nước. Việc này cũng loại bỏ được một số hóa chất bằng cách làm bay hơi. Tuy nhiên, bạn nên biết rằng đun sôi nước sẽ không loại trừ được các chất rắn, kim loại hoặc các khoáng chất. Bạn cũng cần hiểu rằng điểm sôi của nước sẽ giảm tùy vào độ cao, vì thế khi đun nước trên đỉnh núi bạn sẽ không đạt được hiệu quả làm sạch nước tương tự như khi ở bờ biển. Bạn có thể đun lâu hơn hoặc dùng nối áp suất để bù vào nhiệt độ thấp.
  3. Nhấc nồi ra khỏi bếp. Cẩn thận khi nhấc nồi vì bạn biết đấy, nước và nồi đều rất nóng.
  4. Để yên cho nước lắng xuống. Bạn không cần phải làm việc này nếu đun nước chảy ra từ vòi nước máy và bạn đã chắc rằng không có các vật chất rắn, chất khoáng hoặc kim loại ở trong nước. Nếu bạn để nước lặng, mọi vật chất nặng trong nước sẽ tự nhiên lắng xuống đáy, bạn có thể uống nước tinh khiết ở phía trên.[2]

Làm Hệ thống Lọc nước Nơi Hoang dã[sửa]

  1. Lấy vỏ cây tạo thành một chiếc phễu. Vỏ cây bạch dương hoặc một loại cây giống như thế là tốt nhất để làm hệ thống lọc nước vì nó có tính đàn hồi nhưng vẫn giữ được hình dạng. Bạn nên nhớ rằng phương pháp này sẽ không hoàn toàn làm sạch nước mà chỉ giảm lượng vi khuẩn trong nước. Phương pháp này chỉ nên áp dụng trong trường hợp vô cùng khẩn cấp.[4]
    • Nếu thấy khó giữ cho mảnh vỏ cây ở dạng hình phễu, bạn có thể thử buộc một đoạn dây hoặc một loại cỏ nào đó có độ dai xung quanh nó để giữ hình dáng của chiếc phễu.
  2. Tạo các lớp lọc cho chiếc phễu. Trang web Wildwood Survival (Sống sót trong Rừng) khuyên nên làm các lớp cát, than, cỏ và sỏi (hoặc đá nhỏ). Than đặc biệt hiệu quả trong việc loại trừ vi khuẩn. Nếu có lửa, bạn hãy nghiền vài mẩu củi cháy thành than.[4]
  3. Rót nước qua chiếc phễu vào trong vật chứa nước. Thực hiện nhiều lần như vậy để tăng độ lọc sạch. Cần nhắc lại là phương pháp này không đảm bảo làm sạch hoàn toàn, nhưng nó cũng sẽ loại trừ những chất gây ô nhiễm trong nước.

Phơi Nước dưới Ánh nắng Mặt trời[sửa]

Nếu bạn ở khu vực có nắng, phương pháp này có thể có tác dụng.

  1. Dùng bát hoặc bất cứ thứ gì có thể đựng nước và có bề mặt phẳng.
  2. Đặt một chiếc cốc nặng vào phần mặt phẳng của bát. Cốc không được nổi trong nước.
  3. Đổ nước bẩn vào bát. Tránh để nước rơi vào cốc!
  4. Bọc miệng bát bằng màng bọc trong suốt sao cho thật kín.
  5. Đặt một hòn đá hoặc một vật nặng bên ngoài màng bọc ngay trên chiếc cốc.
  6. Phơi dưới ánh nắng mặt trời. Mặt trời sẽ làm nước bốc hơi, nhưng hơi nước không thoát ra ngoài được nên bay lên miệng bát đã bị bọc kín. Sau đó nước sẽ tập trung tại phần nặng có hòn đá phía trên và bắt đầu chảy nhỏ giọt vào cốc. Mọi thứ không phải nước sẽ ở lại trong bát. Bạn nên nhớ rằng quá trình này có thể mất nhiều ngày, đôi khi mất nhiều tuần mới hoàn tất.

Dùng Máy Lọc nước[sửa]

  1. Dùng máy bơm lọc nước. Bạn có thể dùng loại máy lọc nước này kèm với bi- đông đựng nước hoặc chai nước khi đi dã ngoại. Những chiếc máy này thường là loại cầm tay và được làm từ lõi gốm hoặc chất liệu tổng hợp. Hầu hết các bộ lọc đều gồm hai ống riêng biệt, một để dẫn nước sạch và một dẫn nước bẩn. Trên ống dùng để bơm nước hồ hay suối nhiễm bẩn, bạn có thể thấy một chiếc phao được gắn vào để giữ cho ống khỏi chìm xuống đáy và hút phải bùn dưới đáy. Máy bơm có một pít-tông hoặc một đòn bẩy có thể kéo và đẩy để hút nước lên, sau đó nước sẽ chảy qua một hệ thống lọc bên trong pít-tông, cuối cùng được bơm ra và vào chai nước của bạn.[5]
    • Cũng có những chiếc máy bơm lọc nước gắn vào bồn rửa trong bếp của bạn. Loại máy bơm này có thể mua tại các cửa hàng bán dụng cụ sửa nhà và cũng hoạt động theo nguyên tắc như máy bơm cầm tay (dù gắn vào bồn rửa là tiết kiệm thời gian bạn thực sự phải bơm nước).
  2. Mua chai nước có gắn bộ lọc. Hiện giờ bạn có thể mua các chai nước đã gắn sẵn bộ lọc bên trong. Những chai nước này cũng hoạt động khá giống máy bơm khi để nước chảy qua bộ lọc trước khi chảy vào chai.
  3. Làm sạch nước bằng tia cực tím. Máy lọc kiểu này rất dễ sử dụng – bạn chỉ cần nhúng chiếc đèn bút này vào trong nước, chờ cho đèn màu xanh trên thân bút bật lên và khuấy cho đến khi đèn tắt. Tia UV sẽ diệt vi khuẩn trong nước và bạn có thể uống được.
    • Bạn nên nhớ rằng cách làm sạch này không lọc được xác những vi khuẩn vừa bị tiêu diệt, nhưng dù vẫn tồn tại trong nước, chúng cũng không còn nguy hiểm nữa.
  4. Thử dùng bộ lọc nước trọng lực. Những bộ lọc này giống như bộ lọc của Brita và PUR. Như tên gọi của nó, bộ lọc này dùng trọng lực để hút nước bẩn qua lớp lọc và chảy vào bình chứa nước sạch. Để sử dụng bộ lọc này, mọi việc bạn cần làm chỉ là rót nước cần lọc vào ngăn chứa nước bẩn, chờ cho đến khi toàn bộ nước chảy qua lớp lọc. Thông thường những bộ lọc này có có hai ngăn – một để chứa nước bẩn, và một để chứa nước sạch.[6]
    • Những bộ lọc này nên sử dụng ở nhà hoặc nơi cắm trại là tốt nhất vì chúng thường khá cồng kềnh và rất bất tiện khi vác đi dã ngoại.

Dùng Viên Lọc nước[sửa]

  1. Sử dụng viên làm sạch nước hoặc chất làm sạch nước dạng lỏng. Bạn có thể mua những viên lọc nước và chất lọc nước dạng lỏng này tại các cửa hàng bán đồ thể thao hoặc đồ đi dã ngoại. Bạn nên biết rằng nước lọc bằng phương pháp này không có vị dễ chịu lắm, nhưng để không nhiễm vi khuẩn thì có lẽ vị đắng ở trong miệng bạn cũng chỉ là chuyện nhỏ.[7]
    • Viên I-ốt là loại viên làm sạch nước thường được bán nhiều nhất. Nhưng bạn có thể mua viên chlorine cũng có cùng công hiệu. Những viên này có hiệu quả nhất khi nước cần lọc ở nhiệt độ 68 độ F (21 độ C) hoặc cao hơn. Những viên hóa học này sẽ tiêu diệt vi khuẩn sống trong nước, thường được những người đi cắm trại sử dụng khi ở nơi thiên nhiên hoang dã.
    • Phụ nữ mang thai, phụ nữ trên 50 tuổi và những người có vấn đề về tuyến giáp cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng viên I-ốt.
  2. Lọc nước nếu thấy có những thành phần thô trôi nổi trong nước. Bạn có thể rót nước qua một mảnh vải vào trong chai hoặc vật đựng nước mà bạn định dùng để làm sạch nước. Mảnh vải có vai trò là một tấm lọc, loại bỏ những thành phần nổi trong nước.[7]
  3. Cho những viên lọc vào nước. Bạn nên làm theo hướng dẫn nếu có kèm với viên lọc nước. Nói chung, bạn nên sử dụng một viên cho 1/4 lít hoặc 1 lít nước cần lọc. Nhớ là những viên này cũng có hạn sử dụng và có thể kém tác dụng nếu đã bị quá hạn. Luôn kiểm tra lọ thuốc trước khi sử dụng.
  4. Khuấy những viên lọc vào nước cho đến khi tan hết. Những viên này phải hòa tan hoàn toàn thì mới có hiệu quả. Chờ 30 phút trước khi dùng nước để uống vì những viên này cần thời gian để tiêu diệt mọi vi khuẩn trong nước.[4]
    • Bạn cũng nên biết rằng những viên lọc nước thường sẽ kém hiệu quả hơn nếu dùng trong nước quá lạnh. Nếu nhiệt độ của nước là 40 độ F (4 độ C), bạn nên đợi ít nhất một tiếng đồng hồ kể từ lúc những viên lọc được hòa tan hoàn toàn trước khi uống nước. Bạn có thể đặt nước dưới ánh nắng mặt trời cho ấm lên trước khi sử dụng viên lọc nước nếu có thời gian.[7]
    • Để giảm vị lạ trong nước do viên lọc gây ra, bạn có thể thêm chút hương vị vào nước (nếu có sẵn). Hỗn hợp bột lemonade hoặc một nhúm muối cũng có thể làm át mùi vị của những viên lọc.

Lời khuyên[sửa]

  • Các bộ lọc nước thương mại dùng cho nước máy có thể chỉ loại bỏ được các chất khoáng nhằm làm cho mùi vị trong nước dễ chịu hơn, tùy vào chất lượng của từng bộ lọc. Chúng có thể không diệt được ký sinh trùng hoặc các nguy cơ khác đã được hệ thống xử lý nước máy loại bỏ. Bạn hãy kiểm tra nhãn để chắc chắn mua loại cần dùng.
  • Nước được lấy từ các nguồn cô đặc (ví dụ như từ thực vật và đất) cần phải được làm sạch. Quá trình bay hơi có thể bỏ lại một số chất cặn, nhưng chỉ trừ khi đạt tới nhiệt độ sôi, các loại ký sinh trùng và những chất có hại khác có thể vẫn còn trong nước.
  • Thuốc tẩy và I-ốt có tác dụng tốt hơn nhiều nếu dùng cho nước ấm.

Cảnh báo[sửa]

  • Mọi phương pháp trên chỉ được dùng để loại bỏ những nguy cơ về sinh học, ví dụ như vi khuẩn. Thông thường chúng không loại bỏ được hóa chất (ví dụ chất thải công nghiệp như cặn nhôm) hoặc ô nhiễm phóng xạ. Nếu nghi ngờ nước bị nhiễm các chất trên, bạn hãy dựa vào quá trình chưng cất, hoặc hãy cân nhắc giữa việc không sử dụng nước và nguy cơ bị mất nước.
  • Chlorine và I-ốt là những chất độc. Không sử dụng các hóa chất này quá liều lượng được chỉ dẫn, và chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Vật chứa nước thích hợp
  • Vải sạch
  • Viên I-ốt hoặc chlorine
  • Một trong những tấm lọc liệt kê ở trên
  • Nồi
  • Bếp hoặc đống lửa
  • Vỏ cây, than, cát, cỏ và sỏi

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây