Mộng cầm ca

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mộng cầm ca  (năm 1939) 
của Bích Khê

In trong tập thơ Tinh huyết, phần "Nhạc và lệ".


Đây bát ngát và thơm như sữa lúa;
Nhựa đương lên: sức mạnh của lòng thương;
Mùi tô hợp quyện trong tơ trăng lụa;
Đây dạ lan hương, đây đỉnh trầm hương;
Đây bát ngát và thơm như sữa lúa;
- Hồn dạ hương phơ phất ở trong sương.

Không gian tơ - không gian tơ gợn sóng;
Âm thanh gì sắp sửa... Ngọc Kiều[1] ơi!
Hay hơi thở của hoa hồng mơ mộng?
Hay buồn đêm rào rạt, - ứ muôn nơi?
Không gian tơ - không gian tơ gợn sóng;
Ngọc Kiều ơi! - Hồn đến bến xa khơi!...

Níu cho ta, cho ta muôn yến nguyệt,
Ngọc Kiều ơi! - này khúc Lạc Mai Hoa.
Suối tóc mát, nhúng trong vùng mộng tuyết:
Ta đê mê, ta gảy điệu Tỳ Bà;
Níu cho ta, cho ta muôn yến nguyệt
Còn đây em, nầy khúc Mộng Cầm Ca.

Đâu đôi mắt mùa thu xanh tợ ngọc?
Vú non non? Da dịu dịu, êm êm?
Đâu hang báu cho người ta phải khóc?
- Trên môi son, ta liếc lưỡi gươm mềm!
Đâu đôi mắt mùa thu xanh tợ ngọc?
- Lưới lông mi rờn rợn ánh tơ đêm!

Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của gương hồ im lặng tợ bài thơ.
Chân nhịp nhàng, lòng nghe hương nằng nặng.
Đây bài thơ không tiếng của đêm tơ.
Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của hồn thu đi lạc ở trong mơ...

Người cho ta một thanh gươm rất sắc?
Ô vung lên... cắt mạch nguyệt vàng xanh!
Xẻ mạch trời, - mây xô sao, răng rắc!
Phăng mạch đêm, - hương vỡ, ứa ngầm tinh!
Người cho ta một thanh gươm rất sắc?
- Ta điên rồ... múa giữa áng bình minh.

   




Chú thích cuối trang[sửa]

  1. Nhân vật người yêu trong thơ Bích Khê.


PD-icon.svg Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)

Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)