Những phát minh thú vị (theo bình chọn của Time)
Hằng năm, tạp chí TIME tổ chức bình chọn “Những phát minh tốt nhất” đã khiến chúng ta thay đổi cách sống, làm việc, vui chơi và suy nghĩ. Dưới đây là 15 phát minh thú vị nổi bật của năm 2018.
Mục lục
- 1 1. Aira: Thị giác cho người mù… theo yêu cầu
- 2 2. Eargo Max : Trợ thính dành cho đại chúng
- 3 3. Model Ci: Chiếc xe lăn trao quyền cho người dùng
- 4 4. Sheerly Genius: Quần tất “không thể phá hủy”
- 5 5. Panda: Cánh tay robot cách mạng
- 6 6. Acuvue: Kính áp tròng tự điều chỉnh theo ánh sáng
- 7 7. Aimovig: Thuốc điều trị chứng đau nửa đầu
- 8 8. Fundamental Surgery: Đào tạo thông minh hơn cho bác sĩ phẫu thuật
- 9 9. Gravity: Chăn giảm lo âu
- 10 10. FUSE: Thiết bị bảo vệ người lao động
- 11 11. 3M: Mái nhà chống ô nhiễm khói
- 12 12. LIA : Que thử thai riêng tư
- 13 13. Vịt máy Aflac: Bạn đồng hành cho trẻ em bị ung thư
- 14 14. Zipline thế hệ 2: Máy bay giao hàng cứu hộ không người lái
- 15 15. Harry Potter Kano Coding Kit: Đũa phù thủy giúp trẻ lập trình
- 16 Nguồn
1. Aira: Thị giác cho người mù… theo yêu cầu[sửa]
Với người mù, những công việc hằng ngày như phân loại thư hay giặt đồ là thách thức không nhỏ. Nhưng nếu họ có thể “mượn” mắt của ai đó để nhìn thì sao? Đây chính là ý tưởng đằng sau ứng dụng Aira – một dịch vụ cho phép người dùng đăng ký theo tháng để kết nối video quay môi trường xung quanh mình bằng điện thoại thông minh hoặc bằng kính độc quyền của Aira và phát trực tiếp đến một “hỗ trợ viên” theo yêu cầu. Các “hỗ trợ viên” này phục vụ 24/7, nhìn những gì trong video theo thời gian thực và có thể trả lời câu hỏi, mô tả đồ vật hoặc hướng dẫn người dùng đi lại, di chuyển. Ông Greg Stilson, một người khiếm thị, đã sử dụng dịch vụ này cả một năm trời để di chuyển tại các sân bay trước khi đồng ý trở thành giảm đốc quản lý sản phẩm của công ty này. “Đó là một năm đỡ lo lắng nhất trong cuộc đời tôi”, ông nói.
Chi phí sản phẩm: 99 USD/tháng cho gói cơ bản
2. Eargo Max : Trợ thính dành cho đại chúng[sửa]
Gần 48 triệu người Mỹ bị mất thính lực ở các mức độ khác nhau. Mặc dù máy trợ thính đem lại nhiều lợi ích cho họ nhưng vẫn có những người không muốn đeo chúng vì lý do thẩm mỹ. Ông Christian Gormsen, chủ công ty thiết bị trợ thính Eargo cho biết: “Có rất nhiều sự kỳ thị xung quanh việc mất thính giác”, do đó, công ty ông đã dành 8 năm để chế tạo một thiết bị trợ thính rất gọn gàng kín đáo, có thể sạc lại và dành riêng cho những người bị mất thính lực từ mức độ nhẹ đến trung bình. Các máy trợ thính truyền thống thường ôm quanh vành tai và khi lắp đặt cần vài buổi gặp với chuyên gia thính học. Ngược lại, Eargo Max nằm gọn trong tai và có thể mua trực tuyến với sự trợ giúp tư vấn từ chuyên gia. Cho đến nay, khách hàng vẫn đang đón nhận tốt sản phẩm này, Eargo ước tính sẽ có khoảng 20.000 người dùng vào cuối năm 2018.
Chi phí sản phẩm: 2.450 USD
3. Model Ci: Chiếc xe lăn trao quyền cho người dùng[sửa]
Hiện nay tại Mỹ có hơn 3 triệu người đi lại dựa vào xe lăn. Tuy nhiên, có rất ít sự đổi mới trong lĩnh vực này, hầu hết các xe lăn sử dụng đều là dạng cồng kềnh và khó đi trên nhiều loại địa hình. Công ty Whill chuyên sản xuất các loại xe điện cá nhân đã đưa ra dòng sản phẩm mới Model Ci được thiết kế dạng bánh xe omni (loại bánh xe có các đĩa nhỏ xung quanh chu vi và vuông góc với hướng quay nên có thể chạy thẳng hoặc dễ chuyển hướng trượt ngang.) Xe Model Ci có thể chạy khoảng 16km trong nhà hoặc ngoài trời, vượt qua chướng ngại vật cao khoảng 5cm và dễ dàng chuyển hướng trong những không gian chật chội. Chiếc xe có thể tháo rời trong vài phút, cho phép vận chuyển dễ dàng. Công ty Whill cho biết, từ khi ra mắt vào tháng 1/2018, mẫu xe này đã bán được gần 10.000 chiếc.
Chi phí sản phẩm: 3.999 USD
4. Sheerly Genius: Quần tất “không thể phá hủy”[sửa]
Quần tất từ lâu đã là một món đồ chủ lực trong ngăn tủ của phụ nữ, nhưng chúng dễ bị xé rách đến nỗi một số tín đồ thời trang khuyên rằng nên đeo găng tay khi mặc chúng. Bà Katherine Homuth, chủ công ty may mặc Sheerly Genius, cho rằng “Thật ngớ ngẩn khi nhiều công nghệ điên rồ khác được tạo ra nhưng chúng ta vẫn chưa giải quyết vấn đề siêu cơ bản này”. Công ty Sheerly Genius đã được thành lập khoảng 18 tháng trước để giải quyết vấn đề này. Kết quả, họ đã tạo ra một dòng quần tất mềm và thoải mái, được làm từ loại sợi dùng trong áo chống đạn và các thiết bị leo núi, bền hơn sắt gấp 10 lần. Bà Homuth cho biết “về cơ bản chúng không thể bị phá hủy” (sản phẩm đã được thử nghiệm kéo dãn, cắt bằng kéo). Loại quần tất này đắt hơn đáng kể so với các dòng truyền thống, nhưng nhiều phụ nữ sẵn sàng vung tay. Nếu các loại quần tất thông thường có thể bị rách sau 1-2 lần mặc thì sản phẩm của Sheius Genius có thể dùng đến 50 lần.
Chi phí sản phẩm: 99 USD trở lên
5. Panda: Cánh tay robot cách mạng[sửa]
Chúng ta sống giữa cuộc cách mạng robot nhưng những cỗ máy có khả năng nhất thường chỉ dành cho các tập đoàn giàu có. Bởi vậy, công ty chế tạo robot Franka Emika có trụ sở ở Đức đang thay đổi điều đó với cánh tay robot Panda với ưu thế dễ lập trình dành cho doanh nghiệp nhỏ. Có khả năng di chuyển theo bảy trục và được thiết kế cảm ứng thông minh, cánh tay Panda có thể giúp tiến hành các thí nghiệm khoa học, lắp ráp bảng mạch điện tử hoặc kiểm thử các thiết bị. Thậm chí hai cánh tay Panda có thể làm việc cùng nhau để lắp cánh tay thứ ba. Mặc dù cánh tay Panda không được thiết kế dùng cho mục đích cá nhân, trong tương lai một sản phẩm tương tự có thể trợ giúp một vài hoạt động ở nhà như thái thức ăn hoặc giúp người già làm những công việc khó khăn. Ông Simon Haddadin, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Franka Emika, tin rằng “Robot rồi sẽ có được sự thành công tương tự như máy tính cá nhân”.
Chi phí sản phẩm: 11.000 USD
6. Acuvue: Kính áp tròng tự điều chỉnh theo ánh sáng[sửa]
Tưởng tượng không bao giờ phải che mắt dưới ánh mặt trời chói chang hoặc cảm thấy mỏi mắt khi làm việc 8 tiếng dưới bóng đèn huỳnh quang. Đó là sức hấp dẫn của dòng sản phẩm kính áp tròng trị tật khúc xạ mắt và nhạy cảm với ánh sáng, sắp tới công ty Acuvue sẽ hợp tác cùng Transitions Optical phát triển. Mỗi mắt kính chứa một bộ lọc cảm ứng ánh sáng đi vào và sẽ tự động làm tối đi hoặc sáng lên để khiến mắt thoải mái.
Ông David Turner, trưởng bộ phận nghiên cứu và phát triển kính áp tròng tại Johnson & Johnson Vision (công ty mẹ của Acuvue), cho biết họ đã phải vượt qua hàng rào công nghệ lớn để thực hiện được điều này. Sản phẩm này đã được nghiên cứu hơn một thập kỷ qua, đã được FDA thông qua vào tháng 4/2018 và hi vọng sẽ đi vào thương mại đầu năm 2019.
Chi phí sản phẩm: Chưa công bố
7. Aimovig: Thuốc điều trị chứng đau nửa đầu[sửa]
Hiện có rất ít lựa chọn điều trị cho chứng đau nửa đầu mặc dù chúng khiến cho hàng triệu người phải chịu đựng, gây ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc cũng như căng thẳng dẫn tới những vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Từ tháng 5/2018, thuốc Aimovig do hai công ty dược phẩm Amgen (Mỹ) và Novartis (Thụy Sĩ) nghiên cứu là loại thuốc đầu tiên được FDA phê duyệt nhằm ngăn ngừa chứng đau nửa đầu. Được dùng bằng cách tiêm hàng tháng, loại thuốc này có thể chặn một loại thụ thể protein trong não, ngăn cản một loại peptide có khả năng kích hoạt chứng đau nửa đầu không cho chúng gắn vào các mục tiêu. Trong quá trình thử nghiệm, thuốc Aimovig đã làm giảm một nửa số ngày bị đau đầu của người dùng. Bà Cen Xu, giám đốc khoa học về thần kinh của công ty Amgen cho biết họ đã choáng ngợp bởi những phản hồi tích cực từ hơn 52.000 người sử dụng Aimovig đến nay. Amgen hiện đã giúp một số bệnh nhân không được bảo hiểm y tế hỗ trợ loại thuốc này có thể được sử dụng miễn phí trong vòng một năm.
Chi phí sản phẩm: 575 USD (trước bảo hiểm)
8. Fundamental Surgery: Đào tạo thông minh hơn cho bác sĩ phẫu thuật[sửa]
Mọi người đều muốn bác sĩ phẫu thuật của mình được luyện tập hoàn hảo, nhưng hiện có rất ít cách không tốn kém để các bác sĩ thực hành mà không tạo nguy hiểm cho bệnh nhân. Mô phỏng thực tế ảo cũng giúp ích cho các bác sĩ, nhưng theo ông Richard Vincent, Giám đốc điều hành của công ty FundamentalVR, thì chúng có ít nhất một hạn chế lớn là “Ta không thể chạm vào môi trường theo cách có ý nghĩa được”. Đó là lý do công ty ông tạo ra một loại sản phẩm mô phỏng phẫu thuật thực tại ảo khắc phục nhược điểm trên bằng cách kết hợp phản hồi xúc giác (tương tự như báo hiệu rung trên smartphone) để các bác sĩ có thể “cảm nhận” được hành động như thể họ đang thực sự phẫu thuật. Điều quan trọng là hệ thống này sử dụng công nghệ tương thích cao với nhiều thiết bị và chi phí ít hơn nhiều so với các hệ thống đào tạo truyền thống, giúp các bác sĩ phẫu thuật trên toàn thế giới có thể dễ tiếp cận hơn. Hiện có khoảng 50 bệnh viện đã sử dụng sản phẩm này, bao gồm những tên tuổi lớn như Mayo Clinic.
Chi phí sản phẩm: 8.000 USD
9. Gravity: Chăn giảm lo âu[sửa]
Mặc dù startup Gravity không phát minh ra loại chăn trọng lực tạo lực ép nhẹ lên người dùng mà các nghiên cứu chỉ ra là có khả năng xoa dịu hệ thần kinh, nhưng startup mới một năm tuổi này là những người đã thành công trong việc tiếp thị sản phẩm đến với đông đảo công chúng. Những chiếc chăn nặng khoảng 10% trọng lượng cơ thể con người, bên trong có các túi nhựa viên để tạo sức ép và phân bố lực vào các huyệt đạo trên cơ thể giúp giải tỏa căng thẳng lo âu. Năm 2017, cộng đồng xôn xao khi Gravity tải lên một đoạn video về chiếc chăn mượt mà này. Chỉ trong vòng vài tháng, công ty đã huy động được vốn đầu tư gần 5 triệu USD trên Kickstarter. Đồng sáng lập ông Mike Grillo tin rằng sự thành công của sản phẩm đến từ thiết kế tốt (Chiếc chăn Gravity nhìn sang trọng hơn các phiên bản trước) và ra đời đúng lúc. “Cuộc bầu cử năm 2016 vẫn còn để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí nhiều người”, ông nói, và nhiều người vẫn đang tìm cách giảm bớt lo âu. Hiện công ty đã bán được lượng sản phẩm trị giá 18 triệu USD.
Chi phí sản phẩm: 249 USD
10. FUSE: Thiết bị bảo vệ người lao động[sửa]
Vài tháng trước, một công nhân tại cơ sở phân phối hàng tạp hóa ở ngoại ô New York đã đeo một cảm biến dưới ngực để khi ôm hàng nặng trong nhà kho, thiết bị sẽ theo dõi cách anh ta di chuyển. Nó cho biết anh ta có nguy cơ bị chấn thương nghiêm trọng do các áp lực đè lên cột sống. Vì vậy, người công nhân đã gặp quản lý của mình và họ cùng chọn giải pháp dùng một chiếc móc giúp kéo hàng để người công nhân không phải cúi xuống nhiều như trước. Thiết bị theo dõi trên có tên gọi “Nền tảng quản lý rủi ro Fuse” do công ty StrongArm Tech chế tạo, giúp người sử dụng lao động bảo vệ các nhân công dễ bị chấn thương và xa hơn là đảm bảo lợi nhuận của mình (Theo thống kê, các chấn thương và tai nạn lao động nghiêm trọng khiến các công ty của Hoa Kỳ mất khoảng 59,9 tỷ USD mỗi năm.) Kể từ khi ra mắt vào tháng 4/2018, Thiết bị Fuse này đã được dùng cho hơn 10.000 công nhân, bao gồm cả những người từ 10 công ty trong danh sách Fortune 100. Ông Jack McCormack, quản lý khách hàng của StrongArm Tech, cho biết, “Cũng giống như Nike và Under Armour tạo ra các sản phẩm tốt nhất để cải thiện thành tích của vận động viên, chúng tôi đang làm điều tương tự cho những người đóng vai trò trụ cột của nền kinh tế”.
Chi phí sản phẩm: Liên hệ
11. 3M: Mái nhà chống ô nhiễm khói[sửa]
Khói là kẻ giết người thầm lặng trên toàn cầu. Chất gây ô nhiễm này, phần lớn đến từ khí thải ô tô và các cơ sở công nghiệp, gây ra hàng ngàn trường hợp tử vong sớm trên thế giới do các bệnh hô hấp. Nhà sản xuất 3M có trụ sở ở Minnesota đã tạo ra một loại vật liệu dùng trong tấm lợp mái ngói, khi gặp tia UV mặt trời sẽ phá vỡ các hạt khói có cấu tạo NOx thành các Ion Nitrat hòa tan trong nước (NO3) có thể rửa trôi bằng nước mưa và làm giảm ô nhiễm không khí. Một trong những nhà sản xuất mái lợp hàng đầu Hoa Kỳ là Malarkey Roofing đã trở thành khách hàng của 3M và cho biết đầu năm 2018, họ sẽ kết hợp các hạt vật liệu trên vào trong tất cả tấm lợp mái nhà của mình. Theo ước tính của 3M, các sản phẩm của Malarkey làm giảm lượng khói tương đương với 100.000 cây xanh. Ông Josh Orman, giám đốc chiến lược và tiếp thị tại 3M hi vọng “năm tới con số này sẽ là 200.000 , và năm sau nữa sẽ đạt tới 400.000”.
Chi phí sản phẩm: Liên hệ.
12. LIA : Que thử thai riêng tư[sửa]
Các que thử thai bằng nhựa tạo ra khoảng 900 tấn rác thải hằng năm, con số này khiến Bethany Edwards quyết định phát triển sản phẩm thay thế LIA làm bằng giấy có thể phân hủy sinh học. Nhưng khi bắt đầu làm, cô nhận ra sản phẩm này cũng có thể giải quyết một vấn đề khác. “Ai thử thai mà không từng phải giấu que nhựa trong thùng rác? Đó là một nhu cầu riêng tư mà phụ nữ chưa được đáp ứng.” Bởi vì que thử LIA làm bằng giấy, nó có thể được xả vào bồn cầu dễ dàng và kín đáo hơn. Bản thử nghiệm dự kiến sẽ được bán vào đầu năm 2019 và sẽ có giá tương đương với các loại que thử truyền thống. Hiện tại, sản phẩm đã có danh sách hơn 28.000 người chờ mua.
Chi phí sản phẩm: Khoảng 9 - 22 USD
13. Vịt máy Aflac: Bạn đồng hành cho trẻ em bị ung thư[sửa]
Nhiều đứa trẻ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư cho biết điều khó nhất là cảm giác bị mất kiểm soát đối với cuộc sống của mình. Tập đoàn bảo hiểm khổng lồ Aflac đang phân phối miễn phí chú vịt máy Aflac cho bệnh nhân nhí nhằm mục đích khôi phục quyền kiểm soát đó. Người bạn vịt máy này có nhiều tính năng: Một bộ truyền tĩnh mạch (IV) cho phép trẻ em “điều trị” vịt bằng hóa trị liệu để biết được quy trình điều trị hoạt động thế nào, và các thẻ biểu tượng cảm xúc khi chạm vào ngực của chú vịt sẽ khiến nó biểu hiện ra những cảm xúc mà trẻ em đôi khi quá sợ hãi hoặc bối rối để bày tỏ với bác sĩ.
“Trải nghiệm này không chỉ là việc điều trị y tế tốt hơn, mà còn là việc khiến các em hạnh phúc”, ông Aaron Horowitz, nhà thiết kế tại công ty công nghệ chăm sóc sức khỏe Sproutel cho biết. Tập đoàn Aflac đã liên kết với Sproutel để thực hiện dự án này sau khi Sproutel tung ra một món đồ chơi tương tự (chú gấu Jerry) cho trẻ em bị tiểu đường.
Chi phí sản phẩm: Miễn phí
14. Zipline thế hệ 2: Máy bay giao hàng cứu hộ không người lái[sửa]
Năm 2016, Zipline đã làm nên lịch sử khi ra mắt dịch vụ giao hàng bằng máy bay thương mại không người lái đầu tiên ở quốc gia Rwanda ở Đông Phi, thúc đẩy việc vận chuyển máu và thuốc men y tế thiết yếu cho những cộng đồng hẻo lánh nhất thế giới. Năm 2018, công ty khởi nghiệp có trụ sở tại California này đã tiến lộ một bước tiến mới khi máy bay cánh cố định của họ có thể chở được 1,8 kg với vận tốc 130 km/h và quãng đường khứ hồi tối đa 160 km – khiến nó trở thành máy bay thương mại giao hàng không người lái nhanh nhất và hiệu quả nhất thế giới. Công ty đã hợp lý hóa quá trình cất cánh và thu hồi khiến máy bay Zips thế hệ hai có thể thực hiện 500 lần giao hàng mỗi ngày từ trung tâm cất cánh so với 50 lượt giao hàng trước kia. Bên cạnh việc tiếp tục phục vụ các cộng đồng nông thôn ở Châu Phi, startup này có tham vọng hơn nữa khi gần đây công ty đã bắt đầu thử nghiệm cung cấp y tế khẩn cấp ở Hoa Kỳ và sẽ cung cấp dịch vụ thường xuyên ở Bắc Carolina vào đầu năm 2019.
Chi phí sản phẩm: Liên hệ.
15. Harry Potter Kano Coding Kit: Đũa phù thủy giúp trẻ lập trình[sửa]
Harry Potter đã khiến trẻ em hào hứng đọc sách. Giờ đây công ty Kano, nhà sản xuất bộ máy tính thân thiện với trẻ em, muốn làm điều tương tự cho lập trình máy tính. Bộ công cụ lập trình Harry Potter của công ty thách thức người dùng hoàn thành các nhiệm vụ trong một thế giới phù thủy ảo bằng cách lập trình các “thần chú phép thuật”. Khi người dùng nhập một loạt các lệnh, họ có thể chạy chương trình bằng cách dùng cây đũa phép vật lý, ví dụ vẩy đũa lên làm thay đổi màu sắc của một lọ thuốc ảo hoặc vẩy đũa sang ngang khiến vật bay lên – tương tự như logic “Nếu – Thì” nền tảng trong lập trình máy tính truyền thống. Kano đã làm việc với cơ quan đại diện văn học của J.K. Rowling và hãng Warner Bros để đảm bảo nền tảng của họ thể hiện được sự kỳ diệu của thế giới phù thủy. Ông Alex Klein, Giám đốc điều hành của Kano, cho biết ý tưởng là mang đến những “thách thức sáng tạo” cho người dùng khiến họ có khả năng giải quyết các vấn đề cả trên máy tính và trong cuộc sống.
Chi phí sản phẩm: 100 USD
Nguồn[sửa]
- Bản gốc: http://time.com/collection/best-inventions-2018/
- Bản dịch: Tạp chí Tia sáng; Ngô Hà lược dịch