Nhiều hành tinh có hai mặt trời
Cảnh hai mặt trời cùng lặn trên một hành tinh chẳng phải chỉ có trên phim ảnh. NASA đã tìm thấy số hệ đôi như thế nhiều chẳng kém hệ đơn của chúng ta.
Kính thiên văn vũ trụ Sptitzer của NASA đã tìm thấy nhiều hệ hành tinh quay quanh hai ngôi sao, thay vì quanh một ngôi sao như trong hệ mặt trời. Các nhà khoa học đã sử dụng một camera hồng ngoại trên kính Spitzer để tìm kiếm những đĩa bụi quanh các sao đôi. Những đĩa bụi này là tập hợp các mảnh vụn còn sót lại trong quá trình hình thành các hành tinh.
"Chúng tôi biết các ngôi sao này, và câu hỏi là liệu có hành tinh nào mà khi đứng trên đó bạn sẽ nhìn thấy hai mặt trời cùng lặn", Karl Stapelfeldt, từ phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA ở California, phát biểu. "Giờ đây có thể kết luận ngày một chắc chắn rằng sẽ phải có những hành tinh như vậy, dựa trên các quan sát của Spitzer".
Các nhà nghiên cứu đã tìm kiếm đĩa bụi ở 62 hệ sao đôi, nằm cách trái đất từ 50 đến 200 năm ánh sáng. Dữ liệu cho thấy khoảng 40% các hệ sao đôi này có đĩa bụi - cao hơn cả tần số xuất hiện quanh các sao đơn. Điều đó chứng tỏ số lượng hành tinh bay quanh những hệ sao đôi ít nhất cũng nhiều như quanh các sao đơn.
Trong những hệ thống mà hai sao nằm cách nhau 50 đến 500 đơn vị thiên văn AU (1 AU bằng khoảng cách từ trái đất đến mặt trời), các đĩa bụi thường bao quanh một trong hai sao đó. Song ở những hệ mà hai ngôi sao cách nhau 3-50 AU, chẳng có đĩa bụi nào xuất hiện cả. Các nhà khoa học lý giải lực hấp dẫn đã kéo các mảnh vụn vào vũ trụ sâu thẳm, ngăn cản quá trình hình thành hành tinh.
Tuy nhiên, ở những hệ sao đôi gần nhau hơn nữa, từ 0-3 AU, các nhà nghiên cứu ngạc nghiên nhận thấy số đĩa bụi rất đông đảo, xuất hiện trong 60% trường hợp. Ở những hệ này, đĩa bụi sẽ bao quanh cả hai ngôi sao, thay vì chỉ ôm lấy một. Và bất cứ người chứng kiến nào đứng trên hành tinh trong đĩa bụi đó sẽ được chứng kiến hoàng hôn kép như trên ảnh.
(nguồn BBC, Vnexpress)